Giá xăng giữ nguyên, giá dầu giảm mạnh

Từ 15h ngày 11/1, liên Bộ Công Thương - Tài chính thực hiện điều chỉnh giá xăng dầu theo chu kỳ. Xăng E5 RON 92 và RON 95 vẫn giữ nguyên giá so với kỳ trước, trong khi đó giá dầu giảm mạnh.

Cụ thể, theo thông báo của các doanh nghiệp xăng dầu, giá xăng RON 95 vẫn giữ nguyên giá 22.150 đồng/lít, giá xăng E5 vẫn có giá 21.350 đồng/lít.

Trong khi đó, giá dầu diesel giảm 520 đồng/lít, chỉ còn 21.620 đồng/lít. Dầu hỏa giảm 960 đồng/lít, giá bán là 21.800 đồng/lít. Dầu mazut giảm 380 đồng/kg, có giá mới là 13.740 đồng/kg.

Tại kỳ điều hành này, liên Bộ không trích lập Quỹ bình ổn giá với xăng E5 và RON95; trích lập quỹ với dầu diesel là 605 đồng/lít, dầu hỏa 650 đồng/lít, dầu mazut 300 đồng/kg.

Giá dầu diesel giảm 520 đồng/lít, chỉ còn 21.620 đồng/lít. Dầu hỏa giảm 960 đồng/lít, giá bán là 21.800 đồng/lít. Dầu mazut giảm 380 đồng/kg, có giá mới là 13.740 đồng/kg.

 

Trước đó, tại kỳ điều hành ngày 3/1, liên bộ Công Thương - Tài chính điều chỉnh giá bán lẻ xăng E5 RON92 tăng 332 đồng/lít, bán ra 21.352 đồng/lít; xăng RON95 tăng 347 đồng lít, bán ra 22.154 đồng/lít. Giá dầu diesel giữ nguyên 22.151 đồng/lít, dầu hỏa tăng 601 đồng/lít, bán ra không cao hơn 22.767 đồng/lít; dầu mazut tăng 107 đồng/kg, bán ra không cao hơn 13.740 đồng/kg.

Ngày 6/1, Bộ Công Thương gửi lấy ý kiến các Sở Công Thương tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về dự thảo sửa đổi, bổ sung các quy định về kinh doanh xăng dầu.

Theo đề xuất của Ban soạn thảo, Tổ biên tập, Nhà nước chỉ công bố các yếu tố cấu thành giá gồm giá thế giới (giá Platt’s), các loại thuế thu vào ngân sách Nhà nước, lợi nhuận định mức, mức trích lập, chi sử dụng Quỹ bình ổn giá, định hướng cho việc tính giá xăng dầu.

Các doanh nghiệp căn cứ các chi phí thực tế (gồm các chi phí kinh doanh, chi phí vận chuyển, premium... ) để tự xác định và công bố giá bán lẻ của doanh nghiệp, thực hiện kê khai giá khi thay đổi giá và báo cáo về Bộ Công Thương, Bộ Tài chính để giám sát (như đối với các mặt hàng bình ổn giá khác theo quy định tại Luật Giá).

Đối với đề xuất giao Bộ Công Thương là đầu mối duy nhất điều hành xăng dầu, dự thảo bày tỏ không đồng tình. Bộ Công Thương muốn giao toàn bộ việc điều hành giá xăng dầu và tính toán các chi phí kinh doanh xăng dầu cho Bộ Tài chính chủ trì thực hiện. Bộ Công Thương sẽ phối hợp theo chức năng nhiệm vụ được giao.

Lý do lựa chọn này, theo Bộ Công Thương, là nhằm tập trung việc quản lý điều hành giá về một đầu mối và phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và chuyên môn nghiệp vụ của Bộ Tài chính./.

 

VNEWS | 11-01-2023, 15:09

Từ khóa: xăng dầu
vnews

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

CHƯƠNG TRÌNH TRÊN VNEWS

Xem thêm