Đà Lạt – Thành phố thường được biết đến với tên gọi vô cùng mỹ miều, thành phố mộng mơ, thành phố ngàn hoa là một địa điểm du lịch vô cùng nổi tiếng không chỉ trong nước mà còn lan ra quốc tế. Từ lâu, nơi này đã trở thành điểm đến của du khách muôn phương bởi cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, lãng mạn, khí hậu mát mẻ, trong lành.
Tuy nhiên, đến Đà Lạt hôm nay, nhiều du khách không khỏi cảm thấy buồn lòng vì sự nhếch nhác, ô nhiễm môi trường đang diễn ra trầm trọng tại nhiều khu vực.
Các hồ lắng quanh Hồ Xuân Hương ô nhiễm trầm trọng
Ghi nhận trong những ngày qua, khi đi dạo quanh Hồ Xuân Hương, được ví như là “trái tim” của thành phố Đà Lạt, tình trạng ô nhiễm diễn ra trầm trọng tại các hồ lắng – nơi trung chuyển nước, lọc rác, bùn… trước khi nước đổ vào Hồ Xuân Hương.
Điển hình là hồ lắng số 3, còn gọi là hồ Đội Có tại ngã ba Bùi Thị Xuân – Trần Quốc Toản, phường 2, thành phố Đà Lạt, mặt nước đen ngòm, rác thải thành từng lớp bập bềnh sát mép ngay trên lối đi thơ mộng nhìn ra hồ Xuân Hương. Đà Lạt đang vào mùa mưa, cơn mưa thường đến vào buổi chiều nhưng không vì thế mà át đi thứ mùi nồng nặc bốc lên từ lòng hồ.
Ông T.V.T (67 tuổi, phường 2, TP Đà Lạt), cho biết, hàng ngày thường đi tập thể dục qua khu vực này, mùi hôi thối bốc lên rất kinh khủng. Tình trạng này diễn ra đã lâu, người dân đã phản ánh lên chính quyền nhiều nhưng đến nay vẫn chưa cải thiện. Nếu tình trạng không được xử lý sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hình ảnh, mỹ quan của thành phố trong mắt người dân, du khách.
Tương tự, ở các khu vực hồ lắng số 1 ngã ba phố Cách Mạng Tháng Tám – Trần Quốc Toản, phường 8 và hồ lắng số 2 trên đường Yersin, phường 10 (thành phố Đà Lạt) cũng chịu chung số phận, rác thải lập lờ và được dọn lên nhưng lại để tập kết một chỗ quanh bờ. Bầu không khí ô nhiễm nặng nề ảnh hưởng cả khu vực, đặc biệt vào những hôm nắng nóng.
Theo tìm hiểu, các hồ lắng nói trên hằng ngày đang phải hứng nước thải sinh hoạt từ các khu dân cư xung quanh đổ về và lâu ngày không được nạo vét, hút bùn nên trở thành nguồn ô nhiễm. Đã nhiều năm, cả 3 hồ lắng này thường rơi vào tình trạng ô nhiễm, nước đổi màu đen, bốc mùi hôi khó chịu và giảm bớt vào mùa mưa. Tuy nhiên hiện nay, dù đang trong mùa mưa nhưng tình trạng ô nhiễm tại các hồ lắng vẫn diễn ra khá trầm trọng.
Tại UBND phường 10, TP Đà Lạt, ông Nguyễn Ngọc Khôi, Phó Chủ tịch phường, thừa nhận thực trạng ô nhiễm như phản ánh và cho biết, UBND phường đã phối hợp với cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra, phát hiện 19 hộ dân xả thải trực tiếp ra hồ lắng số 2, đồng thời yêu cầu các hộ này có phương án xử lý. Cùng với đó, Phường cũng chỉ đạo phát động nhân dân thường xuyên ra quân VSMT, tổ chức ngày Ngày Chủ nhật xanh, dọn dẹp, phát cỏ để đảm bảo mỹ quan đô thị.
“Chính quyền chỉ phụ trách các vấn đề tại địa bàn còn vấn đề quản lý và xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm thuộc trách nhiệm của Trung tâm Đầu tư và khai thác Công trình thuỷ lợi (một đơn vị thuộc Thành phố)…”, ông Khôi cho biết thêm.
Chợ đêm nhếch nhác, ngập rác
Ban ngày là như vậy, còn về đêm chứng kiến hàng nghìn du khách đổ về chợ đêm Đà Lạt, đây là điểm tham quan, mua sắm, ăn uống nức tiếng của thành phố này về đêm.
Ghi nhận hơn 10h đêm tại vườn hoa bùng binh tượng đài Phụ nữ, khu chợ đêm Đà Lạt, lối đi, lòng đường đều bị chiếm dụng làm nơi bán hàng. Người bán hàng vô tư nướng mực, nấu ăn ngay trên vườn hoa… còn rác thì đương nhiên xả tràn lan, ngập các lối đi, trên thảm cỏ…
Đáng nói, tại khu vực bùng binh này có cắm các biển “bỏ rác vào thùng đúng nơi qui định” kèm dòng cảnh báo “chúng tôi sẽ quay phim chụp ảnh hành vi xả rác bừa bãi” nhưng theo quan sát, tại đây không hề bố trí một thùng đựng rác nào. Bởi vậy không khó bắt gặp hình ảnh du khách khi ăn uống xong thẳng tay ném rác tứ tung, bất kỳ chỗ nào, dù đó là góc khuất, trong bóng tối hay ngay giữa lối đi.
Rác xả là những ăn thừa, bốc mùi và làm mồi cho chuột cống. Chuột cống ở đây dạn dĩ đến mức, mặc dù có người nhưng vẫn vô tư chạy lăng xăng khắp nơi và từ trong bụi cỏ ra “thưởng thức” thức ăn thừa. Đương nhiên, du khách và nhiều người sẽ không tin điều này nếu như không tận mắt “mục sở thị”.
Chứng kiến nhưng gì đang diễn ra, anh Trịnh Minh Phương (sinh năm 1983, người gốc Hà Nội hiện đang sinh sống làm việc tại thành phố Bảo Lộc, Lâm Đồng) trong dịp cùng bạn bè từ Hà Nội vào chơi ở Đà Lạt, tâm sự: “Bạn bè tôi đã sốc khi thấy một Đà Lạt không còn mộng mơ như trong thơ, trong nhạc mà ngập tràn rác thải, ô nhiễm”.
Nói về những bất cập như nêu trên tại chợ Đà Lạt, ông Trương Văn Thu, Phó Ban quản lý chợ này, cho biết trước đây có bố trí một số thùng rác tại khu vực đó nhưng đến nay đã bị hỏng. Ban quản lý chợ đang phối hợp cùng bên Công ty Công trình đô thị thành phố bàn bạc xem đơn vị nào sẽ bỏ kinh phí mua thùng rác.
Về vấn để người dân lấn chiếm, bán hàng rong tại lòng đường và tại bùng binh, ông Thu cho biết là không được phép. Nhưng để xử lý triệt để vẫn cần sự phối hợp của chính quyền, cơ quan chức năng vì lực lượng Ban quản lý chợ là mỏng không thể quán xuyến.
Đà Lạt luôn rất đẹp, đẹp từ tính cách con người đến cảnh vật nên thơ. Chẳng thế mà nơi đây luôn được coi là điểm đến của lứa đôi hẹn hò tuần trăng mật, của du khách bốn phương… Rất mong chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng của TP. Đà Lạt cần sớm có biện pháp xử lý, khắc phục trình trạng ô nhiếm, rác thải nói trên.
Liên quan đến vấn đề ô nhiễm rác thải, từ đầu năm 2024 đến nay, vấn đề này luôn là chủ đề nhức nhối của thành phố Đà Lạt. Vừa qua, ngày 22/6, quyền Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Nguyễn Thái Học cùng lãnh đạo UBND tỉnh, các sở ngành địa phương tổ chức hội nghị gặp gỡ, đối thoại với các doanh nghiệp trên địa bàn.
Tại buổi gặp mặt, đại diện Công ty TNHH Môi trường Năng Lượng Xanh, nêu vấn đề liên quan đến việc thông báo ngưng tiếp nhận, xử lý rác thải của thành phố Đà Lạt thời gian qua.
Theo đó, thành phố Đà Lạt mới chỉ báo "miệng", chưa có thông báo bằng văn bản với về việc tạm ngưng thanh toán tiền xử lý rác theo chỉ đạo của UBND tỉnh Lâm Đồng đối với Công ty TNHH Năng Lượng Xanh.
Trong khi đó, không chỉ du khách mà cử tri thành phố Đà Lạt, người dân thành phố Đà Lạt, xã Xuân Trường (Lâm Đồng) vẫn ngày ngày bức xúc vì rác thải đang làm buồn “thành phố tình yêu” và những lùm xùm về tình trạng ô nhiễm môi trường từ Nhà máy xử lý chất thải rắn Xuân Trường do Công ty TNHH Năng Lượng Xanh làm chủ đầu tư.
Thực hiện: Việt Đức/VNews