NỘI DUNG CHÍNH:
-  Đầu ngày 24/2, Tổng thống Nga tuyên bố tấn công Ukraine dưới danh nghĩa "chiến dịch quân sự đặc biệt".
- Ngay sau đó, nhiều vụ tấn công đã được báo cáo ở hàng loạt địa phương của Ukraine như Kharkiv, Kramatorsk, Kharkiv, Odesa, Mariupol, và ngay cả thủ đô Kiev. Lực lượng Nga vào Ukraine thông qua biên giới ở Nga, Belarus và Crimea.
- Tổng thống Ukraine tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Moscow. Trong nước, ông Zelensky ban hành lệnh thiết quân luật toàn quốc.
- Ukraine cho biết đã phá hủy 4 xe tăng Nga, tiêu diệt 50 binh sĩ và bắn rơi chiếc máy bay thứ sáu của Nga. Moscow bác bỏ thông tin trên.
- Mỹ, Anh, Pháp, Đức… cùng EU và NATO đồng loạt chỉ trích động thái của Moscow, và đe dọa bổ sung đòn trừng phạt. Trung Quốc kêu gọi các bên hướng tới giải pháp hòa bình, từ chối gọi hành động của Nga là "xâm lược".

 

[TRỰC TIẾP] GIỜ HÀ NỘI (GMT+7)

Ngày 3/3: Kết quả vòng đàm phán mới nhất giữa Nga và Ukraine: Đã có tiến triển đáng kể

          Theo hãng tin Reuters, sau vòng đàm phán Nga-Ukraine ngày 3/3, Trưởng đoàn đàm phán Nga, ông Vladimir Medinsky, cho biết nước này đã nhất trí ủng hộ ý tưởng mở các hành lang nhân đạo cho dân thường và một lệnh ngừng bắn khả thi, đồng thời cho rằng đã có "tiến triển đáng kể" trong đàm phán. 

Trong ảnh: Cố vấn của Tổng thống đồng thời là trưởng đoàn đàm phán Ukraine, ông Mykhailo Podolyak tới dự vòng đàm phán mới với đại diện Ukraine tại Belarus, ngày 3/3/2022. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong khi đó, Cố vấn Tổng thống Ukraine, ông Mykhailo Podolyak, cho hay vòng đàm phán thứ hai với Nga chưa mang lại những kết quả mà Kiev hy vọng đạt được, song hai bên đã thống nhất việc thiết lập các hành lang nhân đạo để sơ tán dân thường. Ông Podolyak cho biết hai bên dự kiến có thể đạt được một lệnh ngừng bắn tạm thời để tạo điều kiện sơ tán dân thường. Ông giải thích rằng không phải ở mọi nơi, mà chỉ ở những nơi có hành lang nhân đạo, có khả năng hai bên sẽ ngừng bắn trong suốt thời gian sơ tán.
          Bên cạnh đó, hai bên cũng đã nhất trí việc vận chuyển thuốc men và thực phẩm đến những địa điểm đang có chiến sự ác liệt nhất.
Cuộc đàm phán giữa các quan chức Ukraine và Nga lần này diễn ra ở Belovezhskaya Pushcha thuộc vùng Brest, Belarus, giáp giới Ba Lan. Đây là vòng đàm phán thứ hai giữa Nga và Ukraine trong bối cảnh chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine đã bước sang tuần thứ hai. Vòng đàm phán đầu tiên diễn ra ngày 28/2 và kéo dài trong 5 giờ đồng hồ.

---------
21h ngày 02/3:
Nga bổ sung một số biện pháp để ứng phó với các lệnh trừng phạt kinh tế của phương Tây
Sàn giao dịch chứng khoán Moskva tiếp tục đóng cửa ngày thứ 3 liên tiếp trong bối cảnh giới chức nước này đưa ra các biện pháp nhằm hạn chế tác động kinh tế từ các biện pháp trừng phạt hà khắc của phương Tây liên quan chiến dịch quân sự tại miền Đông Ukraine.

 Quang cảnh bên ngoài Sàn giao dịch chứng khoán Moskva, Nga, ngày 28/2/2022. Ảnh: AFP/ TTXVN

Ngân hàng Nga, đơn vị vận hành sàn giao dịch, thông báo quyết định tiếp tục tạm dừng hoạt động sàn giao dịch, chỉ phục vụ các giao dịch mua đồng ruble. Thị trường chứng khoán Moskva đóng cửa từ ngày 1/3 khi Ngân hàng Trung ương Nga tuyên bố một số hoạt động sẽ bị giới hạn cho đến ngày 5/3. Đồng ruble giảm giá mạnh sau khi nhiều nước phương Tây áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế trên diện rộng nhằm vào Nga. Theo tỷ giá tính đến chiều 2/3, tỷ giá hối đoái ở mức 109 ruble/1 USD và 119 ruble/1 euro.

Truyền thông Nga đưa tin trong số các biện pháp bổ sung để hỗ trợ nền kinh tế và đồng ruble, Nga đã cấm các nhà đầu tư nước ngoài bán cổ phần tại Nga hoặc thoái vốn khỏi các thị trường tài chính. Trước đó một ngày, lệnh cấm du khách mang theo quá 10.000 USD ra khỏi quốc gia này cũng đã được ban hành. Bộ Tài chính Nga cho biết ủng hộ cấm bán ra hoặc đánh thuế giá trị gia tăng với hoạt động mua vàng của các cá nhân. Ngân hàng cho vay lớn nhất tại Nga Sberbank cũng đã thông báo rút khỏi thị trường châu Âu. Công ty kim loại và khai mỏ Severstal của Nga dừng hoạt động chuyển hàng cho châu Âu.
      
Theo phóng viên TTXVN tại Nga, trong thông báo ngày 2/3,  Ngân hàng Trung ương Nga cho phép các công ty tự do quyết định vấn đề trả cổ tức chứng khoán cho người Nga, nhưng phải dừng việc trả cổ tức cho người nước ngoài. Ngoài ra, để ngăn chặn việc bán tháo chứng khoán Nga, việc rút tiền khỏi thị trường tài chính Nga và duy trì sự ổn định tài chính, Ngân hàng Trung ương Nga đã quyết định tạm thời cấm các nhà môi giới thực hiện lệnh bán chứng khoán của khách hàng nước ngoài.
    
Các biện pháp trên được đưa ra trong bối cảnh phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt hà khắc với kinh tế Nga sau khi Moskva triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại miền Đông Ukraine. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết nền kinh tế Nga đã hứng chịu một cú sốc nghiêm trọng nhưng khẳng định nước này sẽ đứng vững trước các đòn trừng  phạt của phương Tây. Bên cạnh đó, ông còn khẳng định cơ sở hạ tầng của dự án đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 2 đã sẵn sàng hoạt động và sẽ đi vào hoạt động. Ông cho rằng dù hiện nay việc vận hành đường ống này trở nên khó đoán định và bất khả thi vì những động thái quá khích của phương Tây song bày tỏ hy vọng rằng theo thời gian, sự đánh giá tỉnh táo về tình hình sẽ thay thế sự quá khích này.
-----
20h ngày 02/3/2022:
Ukraine xác nhận thời điểm đàm phán vòng 2 với Nga
Chú thích ảnh

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: sundayvision.co.ug/TTXVN

Theo TASS, thông tin trên đã được Cố vấn Oleksiy Arestovych đưa ra trên kênh truyền hình Ukraine-24 TV ngày 2/3. Các nguồn tin khác của TASS trước đó cho biết cuộc đàm phán mới sẽ diễn ra tại Belovezhskaya Puscha thuộc Belarus. Vòng đàm phán đầu tiên giữa Nga và Ukraine đã diễn ra vào ngày 28/2 tại Vùng Gomel ở biên giới giữa Belarus và Ukraine.

Trước đó, cùng ngày, trong một tuyên bố, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba nói rằng vẫn chưa rõ liệu cuộc gặp tiếp theo giữa đại diện Kiev và Moskva sẽ diễn ra vào thời điểm nào. Ông Kuleba khẳng định Ukraine sẵn sàng đàm phán nhưng không chuẩn bị cho phương án chấp nhận “tối hậu thư” của Nga. 

Về phía Nga, ngày 2/3, Ngoại trưởng Sergei Lavrov tuyên bố nước này sẵn sàng tiến hành vòng đàm phán thứ hai với Ukraine, song cho rằng phía Kiev đang trì hoãn tiến trình này theo yêu cầu của Mỹ. Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Al-Jazeera, Ngoại trưởng Lavrov cũng khẳng định Nga sẽ không cho phép Ukraine có được vũ khí hạt nhân. Cũng theo ông Lavrov, các quốc gia phương Tây đã từ chối đáp ứng các đề xuất an ninh do Moskva đưa ra liên quan đến việc thiết lập cấu trúc an ninh mới ở châu Âu.

Các tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh tình hình chiến sự tại Ukraine tiếp tục căng thẳng. Ngày 2/3, Bộ Quốc phòng Nga thông báo quân đội nước này đã dành quyền kiểm soát thành phố Kherson ở miền Nam Ukraine. Tuy nhiên, cố vấn Oleksiy Arestovych của Văn phòng Tổng thống Ukraine đã bác bỏ thông tin trên và cho biết giao tranh vẫn đang diễn ra trên các đường phố của thành phố cảng quan trọng ở Biển Đen này.
-----
9h30 ngày 02/03/2022

 

Xác định thời điểm tổ chức vòng đàm phán Nga-Ukraine tiếp theo


Hãng thông tấn TASS đưa tin vòng đàm phán tiếp theo giữa Nga và Ukraine về cuộc xung đột ở Đông Ukraine diễn ra trong ngày 2/3, dự kiến tại một địa điểm trên biên giới giữa Belarus và Ba Lan.
Phái đoàn Nga và Ukraine tại cuộc đàm phán ở vùng Gomel, Belarus ngày 28/2/2022. (Ảnh: THX/TTXVN)

 Hãng thông tấn TASS của Nga đưa tin vòng đàm phán tiếp theo giữa Nga và Ukraine sẽ diễn ra vào ngày 2/3, như các bên đã nhất trí từ đầu.

Nguồn tin của TASS nêu rõ: “Như đã thống nhất từ đầu, cuộc gặp sẽ diễn ra vào ngày 2/3.”

Vòng đàm phán Nga - Ukraine đầu tiên đã diễn ra ngày 28/2 tại vùng Gomel của Belarus, kéo dài 5 giờ đồng hồ.

Phía Nga cho biết hai bên đã tìm thấy điểm chung trong quá trình đàm phán. Còn theo đại diện phái đoàn Ukraine, các bên đã xác định một số chủ đề ưu tiên.

Quan chức hai bên sau đó trở về thủ đô để tham vấn và sẽ tổ chức vòng đàm phán tiếp theo.

Trả lời phỏng vấn hãng tin Sputnik, chuyên gia chính trị người Belarus - ông Yury Voskresensky - cũng cho biết vòng đàm phán thứ hai giữa Nga và Ukraine có thể được nối lại vào ngày 2/3 tại một địa điểm trên biên giới giữa Belarus và Ba Lan.

Chuyên gia này cho biết thêm thành viên phái đoàn đàm phán 2 nước bắt đầu đến Belarus vào tối 1/3 (theo giờ địa phương).

Ông Voskresensky là người có mối quan hệ thân cận với nhóm tổ chức cuộc đàm phán trên./.

-----
8h30 ngày 02/03/2022


Mỹ sẽ đóng cửa không phận với máy bay của Nga

Kênh CNN và tờ The Wall Street Journal của Mỹ dẫn các nguồn tin thân cận với Chính phủ Mỹ cho biết trong ngày 1/3 (giờ địa phương), Tổng thống Joe Biden sẽ thông báo lệnh cấm máy bay của Nga bay vào không phận nước này. 

 

Máy bay của hãng hàng không Nga Aeroflot cất cánh từ sân bay quốc tế Los Angeles, Mỹ, ngày 22/2/2022. Ảnh: AFP/ TTXVN

Trước đó, khi giới truyền thông hỏi về khả năng này, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết số lượng các chuyến bay của Mỹ bay qua Nga để tới châu Á và các khu vực khác trên thế giới đóng một vai trò lớn trong quyết định về vấn đề này.
Bộ Ngoại giao Mỹ gần đây đã kêu gọi người dân nước này đang sống tại Nga cân nhắc rời khỏi Nga ngay lập tức trong khi các chuyến bay thương mại vẫn còn hoạt động.
Liên tiếp những ngày qua, hàng loạt quốc gia châu Âu, trong đó có Đức, Tây Ban Nha, Pháp, Anh cùng các nước Bắc Âu và Baltic, thông báo đóng cửa không phận với máy bay Nga. Đây là động thái chưa từng có tiền lệ nhằm gây sức ép với Moskva sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở miền Đông Ukraine.
Trước đó, ngày 28/2, Cơ quan Hàng không LB Nga cũng thông báo đóng cửa không phận đối với 36 nước, trong đó có Canada và nhiều nước châu Âu như Anh, Đức, Pháp, Italy. Quyết định đóng cửa không phận của Nga được đưa ra sau khi Liên minh châu Âu (EU) cấm các hãng hàng không Nga vào không phận của họ.
    Cơ quan Vận tải hàng không và Cơ quan Lữ hành LB Nga hôm 27/2 cho biết họ đang phối hợp với Bộ Ngoại giao Nga để tổ chức sơ tán công dân của mình tại các nước châu Âu, trong bối cảnh ngày càng nhiều nước phương Tây đóng cửa không phận với máy bay Nga./.
-----
15h ngày 01/03/2022

Quân đội Nga đã tiến vào thành phố Kherson của Ukraine

Binh sĩ Nga di chuyển hướng về Ukraine trên tuyến đường gần Armiansk, Bán đảo Crimea, ngày 26/2/2022.

Thị trưởng thành phố Kherson, ông Igor Kolykhayev đã công bố thông tin này trên tài khoản cá nhân Facebook, đồng thời kêu gọi người dân không rời nhà trong thời gian thực hiện lệnh giới nghiêm. Những hình ảnh do truyền thông địa phương công bố cũng cho thấy quân đội Nga đang tiến vào thành phố. 

Hôm 27/2, Nga tuyên bố đã bao vây thành phố này. Ngoài ra, Moskva cho biết quân đội Nga đã kiểm soát thành phố cảng Berdyansk, nơi nằm về phía Tây Bắc của Crimea trên Biển Azov.

Trong khi đó, một nguồn tin ngoại giao cho biết trong ngày 1/3, toàn bộ nhân viên của phái bộ giám sát đặc biệt thuộc Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE) sẽ rời thành phố Donetsk hiện do lực lượng đòi độc lập kiểm soát. Nhiệm vụ của phái bộ OSCE này là giám sát và báo cáo các vi phạm thỏa thuận ngừng bắn giữa Kiev và lực lượng đòi độc lập ở miền Đông Ukraine.

Cùng ngày, Thứ trưởng Nội vụ Ba Lan Maciej Wasik cho biết khoảng 350.000 người đã từ Ukraine tới nước này kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại miền Đông Ukraine.

Trong khi đó, người phát ngôn Chính phủ Ba Lan Piotr Muller thông báo Thủ tướng nước này, Mateusz Morawiecki, sẽ thảo luận việc ủng hộ Ukraine gia nhập Liên minh châu Âu (EU) với Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen tại Brussels (Bỉ) trong ngày 1/3.


-----
11h ngày 01/03:
Phản ứng của EU về áp lực Ukraine muốn làm thành viên ngay lập tức

Theo trang tin Politico.eu, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 28/2 đã gây áp lực lên EU với lời kêu gọi trở thành thành viên liên minh này ngay lập tức.

Chú thích ảnh
Tổng thống Ukraine Zelensky. Ảnh: PS

“Chúng tôi đề nghị EU kết nạp Ukraine ngay lập tức thông qua một thủ tục đặc biệt mới. Mục tiêu của chúng tôi là được cùng (chung sống) với tất cả người châu Âu”, ông Zelensky cho biết.

Lời kêu gọi trở thành thành viên ngay lập tức của nhà lãnh đạo Ukraine là một bước tiến mới, diễn ra một ngày sau khi Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen tuyên bố rằng Ukraine thuộc EU.

Tuy nhiên, bà Leyen không có quyền cấp tư cách thành viên EU cho bất kỳ quốc gia nào, thậm chí là tư cách ứng cử viên chính thức. Những quyết định như vậy phải được sự đồng ý của tất cả 27 nước thành viên của khối, vốn đang bất đồng sâu sắc trong những năm gần đây về việc mở rộng EU.

Khi được hỏi về triển vọng thành viên của Kiev trước lời kêu gọi mới nhất của Tổng thống Zelensky, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel thừa nhận rằng có "những ý kiến ​​và sự nhạy cảm khác nhau trong EU về việc mở rộng".

Một số nước Trung Âu đã lên tiếng ủng hộ tư cách thành viên của Ukraine, ngay cả khi quá trình gia nhập thường mất nhiều năm vì các thành viên sẽ phối hợp để điều chỉnh xã hội, hệ thống luật pháp và nền kinh tế của họ với các chuẩn mực của EU.

Trong một tuyên bố vào tối cùng ngày, các tổng thống của Bulgaria, CH Séc, Estonia, Latvia, Litva, Ba Lan, Slovakia và Slovenia đã kêu gọi EU dành cho Ukraine “sự ủng hộ chính trị cao nhất” và “tạo điều kiện cho các thể chế của EU tiến hành các bước để ngay lập tức cấp cho Ukraine quy chế nước ứng cử viên của EU và mở ra quá trình đàm phán”.

Tại một buổi phỏng vấn với Politico.eu, Thủ tướng Slovakia Eduard Heger lập luận rằng Ukraine nên được cấp một "quy chế đặc biệt" để gia nhập EU.

Nhưng các cường quốc Tây Âu trong EU là Đức và Pháp đã hạ thấp triển vọng về việc Ukraine gia nhập khối trong tương lai gần.

Trong khi đó, một quan chức trong Chính phủ Pháp cho biết nước này hoan nghênh nguyện vọng gia nhập EU của Ukraine nhưng vấn đề này cần phải được thảo luận: “Chúng ta phải cẩn thận để không đưa ra những cam kết mà chúng ta không thể thực hiện được".

Hiện tại, có 5 quốc gia là ứng cử viên chính thức cho tư cách thành viên EU: Albania, Bắc Macedonia, Montenegro, Serbia và Thổ Nhĩ Kỳ (tư cách thành viên EU của họ đã bị đóng băng trong nhiều năm). Montenegro và Serbia đã có các cuộc đàm phán gia nhập kể từ năm 2012 và 2014 mà chưa có kết luận rõ ràng.

EU đã bật đèn xanh cho Albania và Bắc Macedonia về đàm phán tư cách thành viên vào năm 2020 nhưng các cuộc thảo luận vẫn chưa diễn ra, chủ yếu do sự phong tỏa của Bulgaria vì bất đồng về ngôn ngữ và lịch sử với Bắc Macedonia.

-----
8h30 ngày 01/03:

 Đại hội đồng Liên hợp quốc mở phiên họp đặc biệt về vấn đề Ukraine

Dai hoi dong Lien hop quoc mo phien hop dac biet ve van de Ukraine hinh anh 1Binh sỹ Ukraine tìm kiếm đầu đạn chưa phát nổ sau giao tranh với lực lượng Nga tại thủ đô Kiev ngày 26/2. 

Đại hội đồng Liên hợp quốc ngày 28/2 đã tổ chức phiên họp đặc biệt về cuộc khủng hoảng Ukraine.

Phát biểu tại phiên họp ngay sau phút mặc niệm tưởng nhớ những người thiệt mạng trong cuộc xung đột tại Ukraine những ngày vừa qua, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhấn mạnh các bên phải chấm dứt giao tranh ngay lập tức, rút hết quân; lãnh đạo cần tiến hành đàm phán và cần bảo vệ người dân.

Ông Guterres cho biết Liên hợp quốc đã bổ nhiệm một điều phối viên phụ trách cuộc khủng hoảng Ukraine, cũng như chi ngân quỹ khẩn cấp và tăng cường nhân sự cho các hoạt động nhân đạo tại đây.

Về phần mình, Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc Abdullah Shahid nhấn mạnh Hiến chương Liên hợp quốc nêu rõ các nước thành viên phải giải quyết xung đột bằng các biện pháp hòa bình, không đe dọa hay sử dụng vũ lực.

Ông kêu gọi các bên chấm dứt bạo lực, tôn trọng luật nhân quyền và luật nhân đạo quốc tế.

Sau khi 193 nước thành viên Liên hợp quốc phát biểu ý kiến trong 3 ngày diễn ra phiên họp đặc biệt, Đại hội đồng sẽ tiến hành bỏ phiếu ngày 2/3 để thông qua một nghị quyết yêu cầu Nga rút quân khỏi Ukraine.

Nếu nhận được 70% phiếu ủng hộ, nghị quyết sẽ được thông qua. Tuy nhiên các nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc mang tính biểu tượng là chủ yếu, không có tính ràng buộc thực thi.

Đây là phiên họp đặc biệt mà Liên hợp quốc mới chỉ tổ chức 11 lần như vậy trong 77 năm thành lập và phát triển.

Phiên họp là cơ hội để 193 nước thành viên Liên hợp quốc bày tỏ quan điểm của mình về cuộc xung đột Nga-Ukraine đang diễn ra, cũng như lên tiếng thúc đẩy các bên tìm kiếm giải pháp hòa bình.

Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc Vassily Nebenzia vẫn nhắc lại quan điểm của Nga bác bỏ các cáo buộc của Kiev và các đồng minh, đồng thời khẳng định Nga tiến hành chiến dịch quân sự này để bảo vệ người dân Nga ở miền Đông Ukraine.

Phiên họp đặc biệt này được tổ chức theo nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc được thông qua sau cuộc họp khẩn của Hội đồng Bảo an ngày 27/2 vừa qua./

-----

8h ngày 01/03:
Tổng thống Nga nêu yêu cầu để chấm dứt xung đột ở Ukraine  

 

Theo hãng thông tấn RIA Novosti ngày 28/2, trong cuộc điện đàm với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã liệt kê các điều kiện cần thiết để giải quyết tình hình ở Ukraine. 

Chú thích ảnh
Tổng thống Nga điện đàm với người đồng cấp Pháp. Ảnh: Ria Novosti

Ông Putin nhấn mạnh rằng điều này có thể thực hiện được "chỉ khi lợi ích hợp pháp của Nga trong lĩnh vực an ninh được tính đến một cách vô điều kiện". Theo ông Putin, việc phi quân sự hóa Ukraine và phương Tây công nhận chủ quyền của Nga đối với Crimea, cũng như đảm bảo quy tắc trung lập của Ukraine là chìa khóa để chấm dứt xung đột. 

Ông Putin cũng nhấn mạnh rằng quân đội Nga không đe dọa dân thường ở Ukraine và không tấn công vào các mục tiêu dân sự. Điện Kremlin cho biết thêm, mối đe dọa đến từ "những người theo chủ nghĩa dân tộc Ukraine đang triển khai vũ khí tấn công trong các khu dân cư để sử dụng dân thường làm lá chắn".

Điện Kremlin lưu ý rằng cuộc điện đàm diễn ra theo sáng kiến ​​của phía Pháp và các điều kiện được liệt kê là phản ứng trước lời kêu gọi ông Macron "liên quan đến hoạt động quân sự đặc biệt do Nga thực hiện để bảo vệ Donbass".

Về phần mình, ông Macron "nhắc lại yêu cầu của cộng đồng quốc tế về việc chấm dứt cuộc tấn công của Nga nhằm vào Ukraine và tái khẳng định sự cần thiết của một lệnh ngừng bắn ngay lập tức".

Tổng thống Pháp cũng đề nghị người đồng cấp Nga giữ liên lạc trong những ngày tới để ngăn tình hình xấu đi. 

Ngày 21/2, Tổng thống Nga đã ký các sắc lệnh công nhận 2 khu vực ở Donbass là độc lập và vào ngày 24/2 tuyên bố bắt đầu một "chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm phi quân sự hóa Ukraine".

-----

5h ngày 01/03:
Ukraine chính thức đệ đơn xin gia nhập EU
Chủ tịch Ủy ban châu Âu cho biết “Ukraine là một trong số các nước châu Âu và chúng tôi muốn họ tham gia EU"

 Theo hãng tin Reuters, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy ngày 28/2 cho biết ông đã ký một đề nghị chính thức đề nghị Ukraine gia nhập Liên minh châu Âu (EU).

Chú thích ảnh
Đại diện cấp cao của EU về Ngoại giao Josep Borrell (giữa) đến thăm một trạm kiểm soát ở khu định cư Stanytsia Luhanska ở vùng Luhansk, Ukraine, ngày 5/1. Ảnh: Reuters

Tổng thống Ukraine đã yêu cầu EU cho phép Kiev trở thành thành viên ngay lập tức theo một thủ tục đặc biệt vì nước này đang tự bảo vệ mình trước các hành động quân sự của Nga.

Trước đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết Ukraine thuộc EU và khối này muốn nước này gia nhập.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy cũng thông báo rằng ông đã có cuộc điện đàm với bà von der Leyen về “các quyết định cụ thể nhằm tăng cường khả năng quốc phòng của Ukraine, hỗ trợ tài chính vĩ mô và tư cách thành viên của Ukraine trong EU”.

Tuy nhiên, quyết định kết nạp các quốc gia mới vào EU nằm ở các nước thành viên có tiếng nói lớn hơn như Pháp, Đức, những nước không phải lúc nào cũng đồng ý với quan điểm của Ủy ban châu Âu và đã chặn các cuộc đàm phán gia nhập do vẫn tồn tại xung đột song phương của các ứng cử viên.

Ukraine hiện vẫn chưa phải là ứng cử viên chính thức cho các cuộc đàm phán gia nhập EU.

-----

2h ngày 01/03:
Tổng thống Nga ký sắc lệnh kinh tế đặc biệt để đối phó với trừng phạt của Mỹ và đồng minh

Ngày 28/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh kinh tế đặc biệt nhằm đối phó với các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây.

Chú thích ảnh
Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu tại cuộc họp ở Moskva, ngày 24/2/2022. Ảnh: AFP/TTXVN

Hãng thông tấn Tass đưa tin nhà lãnh đạo Nga đã ký sắc lệnh này để triển khai các biện pháp kinh tế đặc biệt nhằm ứng phó với những hành đông thiếu thân thiện của Mỹ và đồng minh, đồng thời bảo về các lợi ích quốc gia của Nga.

Văn bản sắc lệnh được công bố trên trang web chính thức của Điện Kremlin.

Theo Tass, Tổng thống Putin ký sắc lệnh kinh tế đặc biệt "do những hành động của Mỹ, nước ngoài và các tổ chức quốc tế không thân thiện và đi ngược lại luật pháp quốc tế, cũng như có liên quan đến những hạn chế đối với công dân và thực thể pháp lý Nga". Sắc lệnh này cũng nhằm bảo vệ các lợi ích quốc gia của Nga và phù hợp với luật pháp Liên bang Nga.

Bên cạnh đó, Tổng thống Putin cũng ban bố lệnh cấm người dân Nga gia hạn các khoản vay nước ngoài bằng tiền mặt từ ngày 1/3 và cấm người dân Nga chuyển ngoại tệ vào tài khoản hoặc gửi tiền tại các ngân hàng nước ngoài.

Điện Kremlin tuyên bố sắc lệnh kinh tế đặc biệt này sẽ không phải là đòn đáp trả duy nhất của Nga trước các đòn trừng phạt của phương Tây.

Cũng ngày 28/2, trong động thái nhằm đáp trả các lệnh trừng phạt mới đây của các nước phương Tây, Nga đã ban bố lệnh hạn chế các chuyến bay của các hãng hàng không tới từ 36 nước và vùng lãnh thổ.

Hãng tin Ria Novosti cho biết cuối tuần qua các nước phương Tây đã áp đặt các lệnh trừng phạt mới nhằm chống lại Nga liên quan tới chiến dịch đặc biệt của Moskva tại Ukraine. Trong đó, Liên minh châu Âu (EU) đã cấm tất cả máy bay Nga, kể cả máy bay tư nhân, cất hạ cánh và bay qua không phận các nước EU.

Theo Cơ quan Vận tải Hàng không Liên bang Nga, để đáp trả các đòn trừng phạt của châu Âu, Nga quyết định hạn chế hoạt động của các chuyến bay thuộc hãng hàng không tới từ 36 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Tuyên bố của cơ quan nói trên nêu rõ: “Phù hợp với qui định của luật pháp quốc tế, để đáp trả lệnh cấm của các nước EU nhằm vào hoạt động của các chuyến bay dân sự của các hãng hàng không Nga hoặc đăng ký tại Nga, chúng tôi áp đặt hạn chế hoạt động của các hãng hàng không tới từ 36 quốc gia”.

Trong số này, lệnh cấm có các hãng hàng không của Áo, Albania, Anguilla (vùng lãnh thổ hải ngoại thuộc Anh), Bỉ, Bulgaria, Virgin Islands (vùng lãnh thổ thuộc Mỹ), Vương quốc Anh, Hungary, Đức, Gibraltar (vùng lãnh thổ thuộc Anh), Hy Lạp, Đan Mạch, Ireland, Tây Ban Nha, Italy, Canada, CH Síp, Látvia, Litsva, Luxembourg, Malta, Hà Lan, Na Uy, Ba Lan, Tây Ban Nha, Romania, Slovakia, Slovenia, Phần Lan, Pháp, Croatia, CH Séc, Thụy Điển và Estonia.

Các chuyến bay từ những nước nằm trong danh sách nói trên cần phải nhận được giấy phép đặc biệt do Cơ quan Vận tải Hàng không Liên bang Nga hoặc Bộ Ngoại giao Nga cấp

Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev ngày 26/2 cho biết, các lệnh trừng phạt chống Nga hiện nay có thể là lý do để Moskva xem xét lại quan hệ với tất cả các nước áp đặt trừng phạt.

Theo ông Medvedev, phương Tây cũng đang đe dọa phong tỏa tiền của các công dân và công ty Nga ở nước ngoài, điều này sẽ chỉ dẫn đến một sự đáp trả tương ứng, cụ thể là phong tỏa tiền của người nước ngoài và công ty nước ngoài ở Nga.

Ngân hàng trung ương Nga đã thông báo nâng lãi suất chủ chốt từ mức 9,5% lên 20%. Trong tuyên bố, Ngân hàng trung ương Nga nêu rõ đây là biện pháp khẩn cấp trong bối cảnh các điều kiện bên ngoài đối với nền kinh tế Nga "thay đổi mạnh". Biện pháp này sẽ đảm bảo tăng lãi suất tiền gửi lên mức cần thiết để bù đắp nguy cơ đồng nội tệ mất giá ngày càng lớn và các rủi ro về lạm phát. 

Trong một nỗ lực khác nhằm hỗ trợ đồng ruble, Ngân hàng trung ương Nga và Bộ Tài chính Nga cũng đã yêu cầu các công ty xuất khẩu của nước này bán 80% doanh thu bằng ngoại tệ trên thị trường. Động thái trên diễn ra trong bối cảnh tỷ giá đồng rubble tại Sàn giao dịch chứng khoán Moskva giảm xuống còn 90 rubble đổi được 1 USD và 101,19 rubble đổi được 1 euro.

Đây là những bước đi mới nhất trong loạt biện pháp của Nga nhằm hỗ trợ thị trường nội địa, ổn định tài chính và giá cả, bảo vệ các khoản tiết kiệm của người dân.

-----
0h ngày 01/03:
Nga và Ukraine kết thúc đàm phán, đạt được một số kết quả nhất định

Chú thích ảnh

Khung cảnh cuộc đàm phán tại khu vực biên giới Belarus/Ukraine. Ảnh: Tass

Hãng thông tấn nhà nước Tass (Nga) và hãng tin Reuters đưa tin cuộc đàm phán của phái đoàn Nga-Ukraine tại khu vực Gomel, biên giới Belarus-Ukraine, đã khép lại sau 5 giờ đồng hồ.

Tass dẫn lời một quan chức tham gia đàm phán xác nhận: “Cuộc gặp đã kết thúc”.

Sau khi rời phòng họp, đại diện hai bên đã có cuộc gặp ngắn với báo giới. Phái đoàn của Nga và Ukraine cho biết hai bên đã tìm thấy một số điểm chung có thể nhất trí.

Quan chức hai nước sẽ trở về thủ đô Kiev và Moskva để tiến hành tham vấn lãnh đạo Ukraine và Nga, trước khi quay lại vòng đàm phán tiếp theo dự kiến được tổ chức trong vài ngày tới.

Hãng tin RT dẫn lời Trưởng đoàn đàm phán của Ukraine, Trợ lý Tổng thống  Mykhailo Podolyak nói rằng mục đích chính của cuộc hòa đàm tại Gomel là thảo luận về một lệnh ngừng bắn tại Ukraine. Theo ông Mykhailo Podolyak, hai bên đã xác định được một số chủ đề ưu tiên và “các giải pháp cụ thể đã được nêu ra”.

Về phần mình, Trưởng đoàn đàm phán Nga Vladimir Medinsky cũng nói rằng hai bên đã tìm thấy một số điểm liên quan để từ đó lập trường chung có thể hình thành. “Cuộc đàm phán kéo dài 5 giờ và chúng tôi đã thảo luận chi tiết về tất cả các vấn đề trong chương trình nghị sự, tìm thấy một số điểm chung”

Ông Medinsky cho biết thêm, trước tiên và quan trọng nhất, kết quả đạt được là thỏa thuận tiếp tục thương lượng. Ông nêu rõ: “Cuộc gặp tiếp theo sẽ diễn ra trong vài ngày tới ở khu vực biên giới Ba Lan-Belarus. Chúng tôi có thỏa thuận về điều này. Từ nay tới lúc đó, hai phái đoàn sẽ tiến hành tham vấn lãnh đạo hai nước về quan điểm đàm phán”.

Chú thích ảnh
Đoàn đàm phán của Ukraine tới địa điểm đàm phán bằng trực thăng. Ảnh: TASS


Đây là cuộc đàm phán trực tiếp đầu tiên nhằm hạ nhiệt căng thẳng giữa Nga và Ukraine, 4 ngày sau khi xung đột quân sự nổ ra giữa hai bên. Phái đoàn Nga do Trợ lý Tổng thống, cựu Bộ trưởng Văn hoá Vladimir Medinsky dẫn đầu, cùng với Thứ trưởng Quốc phòng Alexander Fomin, Chủ tịch Uỷ ban Duma Quốc gia Nga về các vấn đề quốc tế Leonid Slutsky và Đại sứ Nga Belarus Boris Gryzlov.

Trong khi đó, phái đoàn Ukraine gồm Bộ trưởng Quốc phòng Oleksiy Reznikov, Chủ tịch Đảng “Phụng sự nhân dân” David Arakhamia, Cố vấn Chánh Văn phòng Tổng thống Mykhailo Podolyak, Thứ trưởng Ngoại Mykola Tochisky, Phó trưởng đoàn thứ nhất của Ukraine tham gia tại Nhóm liên lạc ba bên Andrey Kostin và đại biểu quốc hội Rustem Umerov. Tham gia cuộc đàm phán còn có Bộ trưởng Ngoại giao Belarus Vladimir Makei với tư cách người tổ chức.

Trước thềm đàm phán, hãng thông tấn TASS dẫn tuyên bố của Văn phòng Tổng thống Ukraine trên kênh Telegram cho biết “vấn đề quan trọng của cuộc đàm phán là đạt được thoả thuận ngừng bắn ngay lập tức và yêu cầu Nga rút quân khỏi Ukraine”. 

Về phía Nga, Trưởng đoàn đàm phán Vladimir Medinsky cho biết Moskva mong muốn hai bên đạt được thỏa thuận càng sớm càng tốt và tất nhiên phải phù hợp với lợi ích của hai bên.

Cuộc đàm phán diễn ra một ngày sau khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky khẳng định ông cần tận dụng mọi cơ hội để đảm bảo hòa bình cho Ukraine. Zelensky cũng cho biết, ông không thực sự tin rằng các cuộc đàm phán sẽ có kết quả, nhưng vẫn cho rằng đó là một cơ hội dù nhỏ để giảm leo thang tình hình.

-----
Trưa 28/02:
Phái đoàn của Ukraine đã đến Belarus để đàm phán với Nga

Hãng Sputniknews ngày 28/2 đưa tin phái đoàn của Ukraine đã có mặt ở Belarus để tiến hành đàm phán với Nga.
Chuyến đi được thực hiện một ngày sau khi Tổng thống Volodymyr Zelensky khẳng định ông cần tận dụng mọi cơ hội để đảm bảo hòa bình cho Ukraine. Văn phòng Tổng thống Ukraine đã xác nhận thông tin Kiev và Moskva sẽ tiến hành đàm phán “vô điều kiện” tại Belarus. Cuộc đàm phán là kết quả của cuộc điện đàm giữa Tổng thống Zelensky và người đồng cấp Belarus Alexander Lukashenko. 
Báo chí Ukraine đưa tin dẫn đầu phái đoàn nước này sẽ là Thứ trưởng Ngoại giao Mykola Tochytskyi. 
Trước đó, Điện Kremlin cũng đã xác nhận Ukraine đã đồng ý đàm phán tại khu vực biên giới Belarus./.
-----
Trưa 28/02:

 Tổng thống Ukraine điện đàm với các nhà lãnh đạo Anh, Ba Lan và EU

Chú thích ảnh

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich (MSC) ở Đức, ngày 19/2/2022. Ảnh: AFP/TTXVN

 Tổng  thống Zelensky xác nhận nội dung cuộc điện đàm với các nhà lãnh đạo Anh và Ba Lan là về tình hình an ninh hiện nay và nhất trí về các bước đi chung tiếp theo.Về cuộc điện đàm với Chủ tịch EC Ursula von der Leyen, ông Zelensky cho biết: "Cuộc thảo luận xoay quanh các quyết sách cụ thể nhằm củng cố năng lực phòng thủ của Ukraine, viện trợ tài chính quy mô lớn và tư cách thành viên Liên minh châu Âu (EU) của Ukraine". Trước đó, ngày 26/3, Tổng thống Ba Lan đề xuất ngay lập tức trao cho Ukraine quy chế ứng cử viên gia nhập EU.

Về phía bà Ursula von der Leyen, bà lưu ý rằng EU muốn Ukraine là một phần của liên minh. Tuy nhiên, điều quan trọng là Kiev nhất trí tham gia các cuộc đàm phán hòa bình với Nga. Ngoài ra, bà không cung cấp thêm chi tiết về khả năng Ukraine gia nhập EU.

Tại Mỹ, Tổng thống Joe Biden dự kiến trong ngày 28/2 sẽ tiến hành một cuộc họp trực tuyến cùng các đồng minh và đối tác nhằm thảo luận những diễn biến mới nhất liên quan chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine.

Thông báo của Nhà Trắng cho biết cuộc họp sẽ được tiến hành vào lúc 16h15 (giờ GMT - tức 23h15 giờ Việt Nam). Các bên sẽ nỗ lực nhằm thống nhất các biện pháp ứng phó chung đối với cuộc khủng hoảng Ukraine hiện nay.Trong một diễn biến liên quan, Cơ quan Liên lạc đặc biệt và bảo vệ thông tin của Ukraine cho biết nhiều vụ nổ đã xảy ra ở thủ đô Kiev và thành phố lớn Kharkov trong sáng 28/2. Theo cơ quan trên, đã xảy ra hỏa hoạn tại một khu dân cư ở thành phố Chernigov (miền Bắc Ukraine), sau khi khu vực này bị trúng tên lửa. Quân đội Ukraine cũng cho biết thành phố Zhytomyr ở miền Bắc nước này cũng đã bị tấn công tên lửa trong đêm.

-----
Sáng 28/02:
Nhiều nước châu Âu mở cửa biên giới đón người tị nạn Ukraine


Đài phát thanh quốc tế Praha dẫn lời Bộ trưởng Nội vụ CH Séc Vit Rakusan ngày 27/2 cho biết hiện có khoảng 1.000-2.000 người tị nạn Ukraine đã đến CH Séc. 

Chính phủ Séc không giới hạn số lượng người tị nạn Ukraine được tiếp nhận. Trường hợp số lượng người tị nạn quá đông, Praha sẵn sàng bố trí địa điểm cư trú tạm thời tại sân vận động Stahov. Người tị nạn sẽ được cấp quy chế cư trú tạm thời trên cơ sở đơn đăng ký của từng cá nhân.

Trước đó, kênh truyền hình Al Jazeera đưa tin hàng nghìn công dân Ukraine đã đổ về khu vực biên giới giữa nước này với Ba Lan, Romania và Moldova.

Tổng thống Moldova Maia Sandu tuyên bố mở biên giới quốc gia này với công dân Ukraine và giúp đỡ họ các “nhu cầu về nhân đạo”. Ba Lan cũng thông báo sẵn sàng đón công dân Ukraine đến “biên giới của chúng tôi”.

Hungary trong khi đó cam kết mở cửa biên giới với người dân Ukraine. Thủ tướng Hungary Viktor Orban tuyên bố: “Chúng tôi đã chuẩn bị để chăm sóc họ”. Trước đây, chính ông Orban từng miêu tả người nhập cư đến châu Âu là “chất độc”.

Bộ trưởng Bộ Di trú và Tị nạn Hy Lạp Notis Mitarakis ngày 26/2 phát biểu trên truyền hình nhấn mạnh nước này sẽ sàng đón “một số lượng người dân Ukraine” nếu cần thiết.

 Trong một diễn biến khác liên quan, công ty vận tải đường sắt Đức Deutsche Bahn ngày 27/2 cho biết sẽ cung cấp các chuyến tàu miễn phí cho những người tị nạn Ukraine từ Ba Lan tới nước này bắt đầu từ ngày 6/3 tới.

Cùng ngày, Áo, quốc gia láng giềng của Đức cũng thông báo việc công ty đường sắt quốc gia của nước này OeBB sẽ cung cấp các chuyến tàu miễn phí cho những người tị nạn Ukraine./.

-----

Tối 27/2: Ukraine đồng ý đàm phán với Nga ở biên giới Belarus

Trong ảnh: Binh sĩ Nga di chuyển hướng về Ukraine trên tuyến đường gần Armiansk, Bán đảo Crimea, ngày 26/2/2022. Ảnh: EPA-EFE/TTXVN

Theo trưởng đoàn đàm phán của Nga, phía Ukraine đã đồng ý đàm phán với phía Nga tại Belarus.
Hãng tin Sputnik dẫn lời ông Vladimir Medinsky cho biết phát đoàn của Nga đã lên đường đến vùng Gomel ở biên giới giữa Ukraine và Belarus để tiến hành đàm phán.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết phái đoàn Nga đã sẵn sàng đàm phán và đang đợi phái đoàn của Ukraine đến nơi.Theo ông Peskov, Ukraine đã đồng ý đàm phán sau khi Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko có cuộc điện đàm với người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky. Sau đó, ông Lukashenko đã liên lạc với Tổng thống Nga Vladimir Putin, đề nghị phái đoàn Nga tiếp tục đợi do phía Ukraine phát đi tín hiệu sẽ tới Gomel tham gia đàm phán.
Trong khi đó, kênh điện tín Belpresscenter của Belarus dẫn lời một quan chức nước này cho biết phái đoàn Ukraine đã lên đường tới thành phố Gomel của Belarus để đàm phán với Nga.

-----
6h00 ngày 26/2
Nga phủ quyết dự thảo nghị quyết của HĐBA LHQ về vấn đề Ukraine

Theo hãng tin Reuters của Anh, ngày 25/2, Nga đã phủ quyết dự thảo nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) về chiến dịch của Moskva tại Ukraine.

Dự thảo nghị quyết do Mỹ đề xuất. Tại cuộc bỏ phiếu, Trung Quốc, Ấn Độ và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) bỏ phiếu trắng,  trong khi 11 thành viên còn lại bỏ phiếu ủng hộ.

Theo kế hoạch, dự thảo sẽ được đưa ra bỏ phiếu tại Đại hội đồng LHQ  nhưng chưa rõ thời gian cụ thể./
-----
Cần hơn 1 tỷ USD cứu trợ Ukraine trong 3 tháng tới

Ngày 25/2, Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) phụ trách cứu trợ nhân đạo, ông Martin Griffiths, cho biết thế giới sẽ cần có hơn 1 tỷ USD để tiến hành các hoạt động hỗ trợ nhân đạo Ukraine trong 3 tháng tới khi hàng trăm nghìn người dân nước này đã và đang phải tìm cách di tản.

Phóng viên TTXVN tại LHQ cho biết ông Griffiths đã đưa ra con số trên khi phát biểu trước báo giới tại trụ sở của cơ quan này ở New York (Mỹ). Ông nói rõ LHQ cần tiền mặt để thực hiện công tác cứu trợ do lệnh trừng phạt của các nước đối với Nga sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ tới luân chuyển dòng tiền. LHQ sẽ kêu gọi cộng đồng quốc tế đóng góp cho quỹ cứu trợ Ukraine tại Hội nghị nhân quyền ở Geneva (Thụy Sĩ) trong vài ngày tới.
Cũng theo Phó Tổng thư ký Griffiths, LHQ ước tính sẽ có thêm khoảng 1,8 triệu người Ukraine đi di tản, ngoài con số hơn 100.000 người đã rời khỏi nơi ở theo thống kê tới thời điểm hiện tại.

Đối với các nhân viên cứu trợ LHQ, ông Griffiths nhấn mạnh họ cần được các bên liên quan bảo đảm an toàn và không bị cản trở khi thực hiện nhiệm vụ ở các khu vực có chiến sự tại Ukraine. Hiện tại, nhiều nhân viên cứu trợ LHQ vẫn đang bám trụ tại Ukraine, trừ một số nhân viên ở các bộ phận không thiết yếu và gia đình của họ đã được chuyển khỏi vùng chiến sự.

Cùng ngày, Cao ủy LHQ về người tị nạn Filippo Grandi cho biết trong số những người Ukraine rời khỏi đất nước trong 48 giờ qua, phần lớn là tới Ba Lan và Moldova. Hiện dòng người tản cư vẫn tiếp tục di chuyển về biên giới với các nước. Ông Grandi khẳng định LHQ sẽ cố gắng hết sức để hỗ trợ người dân Ukraine, đồng thời cảm ơn chính phủ và nhân dân các nước láng giềng của Ukraine đã cho phép người tị nạn được tới lánh nạn.
-----
19h27 ngày 25/2
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov: Nga sẽ đối thoại nếu binh sỹ Ukraine hạ vũ khí

 

Người dân mang theo hành lý di chuyển gần nhà ga ở thủ đô Kiev, Ukraine ngày 24/2/2022.

Cố vấn Tổng thống Ukraine Mykhailo Podolyak cho biết Ukraineốn hòa bình và sẵn sàng đàm phán với Nga, bao gồm cả về lập trường trung lập liên quan đến Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Tuyên bố trên được cố vấn Tổng thống Ukraine Mykhailo Podolyak đưa ra ngày 25/2 trong bối cảnh Nga đang tiến hành chiến dịch quân sự tại miền Đông Ukraine.

Trao đổi với hãng tin Reuters, ông Podolyak nêu rõ nếu có khả năng, hai bên nên tổ chức các cuộc đàm phán.

Ông cũng để ngỏ khả năng sẵn sàng đàm phán với Nga về lập trường trung lập nếu Moskva muốn điều này.

Ông nhấn mạnh tinh thần sẵn sàng đối thoại của Ukraine là một phần trong nỗ lực bền bỉ “theo đuổi hòa bình."

Ukraine hiện không phải là thành viên của NATO hay Liên minh châu Âu (EU) dù trước đó nước này đã bày tỏ mong muốn gia nhập cả hai liên minh này.

Trước đó, trong phát biểu ngày 24/2, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Nga không loại trừ khả năng đối thoại Ukraine nếu như Kiev sẵn sàng.

Điện Kremlin thông báo đã lưu ý việc Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky sẵn sàng thảo luận về khả năng cam kết trung lập của Kiev, song cho biết Moskva hiện chưa thể nói gì về cuộc đàm phán có thể diễn ra giữa lãnh đạo hai nước này.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho hay Nga sẽ xem xét lời đề nghị của Tổng thống Zelensky, đồng thời nhấn mạnh kỳ vọng của Moskva đối với Kiev vẫn không thay đổi.

Cùng ngày, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho hay Moskva sẵn sàng đối thoại với Kiev vào mọi thời điểm với điều kiện binh sỹ Ukraine chịu hạ vũ khí.

Ông Lavrov nhấn mạng Nga không có ý định chiếm đóng Ukraine và mục đích của chiến dịch quân sự này là nhằm phí quân sự hóa Ukraine và bảo vệ dân thường ở miền Đông Ukraine.

Moskva lâu nay vẫn yêu cầu những sự đảm bảo rằng Ukraine sẽ không bao giờ gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hoặc cho phép liên minh quân sự này triển khai quân đội và vũ khí trên lãnh thổ quốc gia Đông Âu này./.

-----
18h10 ngày 25/2
Bộ Quốc phòng Nga bác cáo buộc nã tên lửa vào thủ đô của Ukraine
Khói bốc lên từ một vụ nổ gần thị trấn Hostomel ở phía Tây Bắc thủ đô Kiev, Ukraine ngày 24/2/2022. 

 Truyền thông Nga dẫn nguồn tin từ Bộ Quốc phòng nước này cho biết Nga phủ nhận việc tiến hành hoạt động không kích bằng tên lửa vào thủ đô Kiev của Ukraine ngày 25/2, sau khi Ukraine cáo buộc Moskva tấn công các khu dân cư.

Nguồn tin này cũng cho hay chiếc máy bay bị bắn rơi ở Kiev vào sáng cùng ngày là một máy bay chiến đấu của Ukraine bị quân đội nước này bắn nhầm.

Trong khi đó, ngày 25/2, cơ quan hạt nhân của Ukraine cho biết họ ghi nhận mức độ phóng xạ gia tăng từ khu vực nhà máy điện hạt nhân Chernobyl hiện không còn hoạt động.

Trước đó, cùng ngày, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov thông báo mức độ phóng xạ tại nhà máy Chernobyl hiện ở ngưỡng bình thường. Moskva sẽ triển khai lính dù để giúp bảo vệ nhà máy này.

Theo quan chức này, các đơn vị của lực lượng đổ bộ đường không Nga đã kiểm soát hoàn toàn nhà máy Chernobyl.

Trong diễn biến khác, các cố vấn Văn phòng Tổng thống Ukraine cho hayTổng thống Volodymyr Zelensky hiện vẫn ở thủ đô Kiev./.

-----
16h00 ngày 25/2

Việt Nam kêu gọi các bên kiềm chế trong vấn đề xung đột tại Ukraine

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng. (Ảnh: TTXVN)
Ngày 25/2, trả lời câu hỏi của phóng viên Việt Nam và nước ngoài đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước những diễn biến căng thẳng mới đây tại Ukraine và công tác bảo hộ công dân Việt Nam, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết:

"Việt Nam hết sức quan ngại trước tình hình xung đột vũ trang ở Ukraine. Chúng tôi kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, không sử dụng vũ lực, bảo vệ người dân, tiếp tục đối thoại tìm kiếm giải pháp hòa bình, góp phần bảo đảm hòa bình, an ninh, ổn định, hợp tác ở khu vực và trên toàn thế giới.

Việt Nam rất quan tâm đến tình hình cộng đồng người Việt Nam tại Ukraine, yêu cầu bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, cũng như doanh nghiệp Việt Nam tại địa bàn.

Các cơ quan đại diện Việt Nam tại địa bàn cùng các cơ quan chức năng trong nước đang phối hợp chặt chẽ, sẵn sàng các phương án bảo hộ công dân".

-----

15h39 ngày 25/02
Pháp tuyên bố sẵn sàng làm trung gian thỏa thuận ngừng bắn Nga-Ukraine

Xe quân sự Ukraine được triển khai tại Kiev ngày 24/2. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo trang tin Kiev Independent ngày 25/2, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố ông sẵn sàng làm trung gian giữa Nga và Ukraine để dàn xếp một thỏa thuận ngừng bắn.

Trả lời họp báo sau hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp của Liên minh châu Âu (EU), ông Macron nêu rõ: "Tôi cho rằng trách nhiệm của tôi là thúc đẩy những sáng kiến như vậy khi Ukraine đề nghị, sau đó để ngỏ con đường này, cùng với trừng phạt và tiếp tục hành động, để đến một ngày có thể chấm dứt các hành động thù địch khi các điều kiện được đáp ứng."

Ông Macron là nhà lãnh đạo đầu tiên của phương Tây điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin sau khi Moskva tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở miền Đông Ukraine.

Hai nhà lãnh đạo đã có cuộc trao đổi trước khi EU tổ chức hội nghị khẩn cấp. Tuy nhiên, ông Macron thừa nhận cuộc điện đàm “không đạt được nhiều kết quả."

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Pakistan cho biết trong cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại thủ đô Moskva ngày 24/2, Thủ tướng Pakistan Imran Khan bày tỏ quan ngại về tác động kinh tế của tình hình chiến sự tại miền Đông Ukraine đối với các nước đang phát triển.

Tại cuộc gặp, Thủ tướng Khan nhấn mạnh xung đột không có lợi cho bất kỳ bên nào và các nước đang phát triển luôn phải chịu tác động kinh tế nghiêm trọng nhất khi xung đột xảy ra.

Thủ tướng Khan là nhà lãnh đạo đầu tiên trên thế giới gặp Tổng thống Putin kể từ khi ông tuyên bố triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Donbass, miền Đông Ukraine.

Thủ tướng Pakistan đến thủ đô Moskva chỉ vài giờ trước khi chiến dịch diễn ra và đây là chuyến thăm đã được lên kế hoạch từ trước.

Mục đích của chuyến thăm là nhằm tăng cường quan hệ kinh tế với Nga, một trong những nhà sản xuất khí đốt lớn nhất thế giới, trong bối cảnh nhu cầu năng lượng của Pakistan đang tăng nhanh.

Trước đó, ngày 24/2, Tổng thống Nga Putin tuyên bố quyết định tiến hành một chiến dịch quân sự đặc biệt theo đề nghị của những người đứng đầu Cộng hòa nhân dân Donetsk tự xưng (DPR) và Cộng hòa nhân dân Luhansk tự xưng (LPR) ở Donbass.

Nhà lãnh đạo Nga khẳng định Moskva không có kế hoạch xâm chiếm các vùng lãnh thổ của Ukraine. Làm rõ tình hình đang xảy ra, Bộ Quốc phòng Nga tái khẳng định quân đội Nga không nhằm mục tiêu vào các thành phố của Ukraine mà chỉ nhằm vô hiệu hóa hệ thống cơ sở hạ tầng quân sự của Ukraine, đồng thời nhấn mạnh không có bất kỳ mối đe dọa nào đối với dân thường.

Theo hãng tin Sputnik, trong tuyên bố mới nhất, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nhận định đối thoại giữa Ukraine và Nga nhằm chấm dứt xung đột sớm muộn sẽ diễn ra.

Theo nhà lãnh đạo Ukraine, đối thoại được tổ chức càng sớm sẽ thì càng giảm thiểu được thiệt hại.

-----

11h 30 ngày 25/02
Mỹ mở rộng vùng cấm bay gần không phận Ukraine

Trong một tuyên bố ngày 24/02, Cơ quan Hàng không liên bang Mỹ (FAA) đã ban hành thông cáo về việc mở rộng khu vực mà các hãng hàng không và phi công Mỹ không được hoạt động. Hiện khu vực cấm bay mở rộng sẽ bao gồm toàn bộ không phận Ukraine, Belarus và một phần không phận phía Tây của Nga. 

-----

11h ngày 25/02 
Tổng thống Nga V.Putin điện đàm với nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới

Ngày 24/2, Điện Kremlin thông báo Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có các cuộc điện đàm với: Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Tổng thống Iran Ebrahim Raisi, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi; trong đó thảo luận tình hình xung quanh vấn đề Ukraine.  

Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron (phải) đã trao đổi quan điểm một cách nghiêm túc và thẳng thắn về những diễn biến ở Ukraine. Hai Tổng thống cũng nhất trí duy trì liên lạc. Ảnh: AFP/TTXVN

-----

10h 30 ngày 25/02 
Nổ lớn ở thủ đô Kiev của Ukraine

Hãng tin Interfax đưa tin đã có 2 tiếng nổ lớn ở thủ đô Kiev của Ukraine vào rạng sáng 25/02.
Theo các quan chức Ukraine, trước đó một ngày nhiều tiếng nổ lớn cũng đã vang lên. Một căn cứ quân sự ở Brovary, thị trấn gần thủ đô Kiev, đã bị tên lửa hành trình tấn công, ít nhất 6 người thiệt mạng.

-----
10h ngày 25/02 
Ukraine ban bố sắc lệnh tổng động viên

Ngày 24/02, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ban bố sắc lệnh tổng động viên, huy động toàn bộ lực lượng quân đội.

Theo sắc lệnh có hiệu lực trong 90 ngày này, lính nghĩa vụ và quân dự bị ở tất cả các khu vực ở nước này sẽ được huy động. Tổng thống Zelensky yêu cầu Bộ Tổng tham mưu ước tính có bao nhiêu quân nhân được huy động và theo thứ tự nào.

Trong ảnh: Binh sĩ Ukraine diễn tập quân sự tại một địa điểm không xác định. Ảnh: AFP/TTXVN

-----

9h30 ngày 25/02

Quân đội Nga chiếm được sân bay Gostomel ở ngoại ô Kiev 

Theo hãng thông tấn UNIAN, Văn phòng Tổng thống Ukraine xác nhận quân đội Nga đã chiếm sân bay quân sự Gostomel, cách thủ đô Kiev 17km về phía Đông Bắc. Đây là một trong những mục tiêu quan trọng, nằm gần sân bay quốc tế Antonov, cho phép quân đội Nga đưa ra các bước đi tiếp theo của chiến dịch quân sự đặc biệt. Từ đây, quân đội Nga có thể mở ra hướng Đông khống chế đập chứa nước ở hồ chứa Kiev, uy hiếp thủ đô Ukraine từ phía Bắc. 

Binh sỹ Ukraine bảo vệ một căn cứ không quân ở thủ đô Kiev. (Ảnh: Getty Images)

Theo xác nhận của phía Ukraine, quân đội Nga đã điều lực lượng hùng hậu gồm 20 máy bay trực thăng tấn công Ka-52 và Mi-8 chở theo lực lượng đổ bộ tinh nhuệ để đánh chiếm sân bay quân sự Gostomel.

Quân đội Nga cũng đã giành quyền kiểm soát nhà máy điện hạt nhân Chernobyl. 

-----

8h ngày 25/02

Hội nghị Thượng đỉnh bất thường EU thông qua gói trừng phạt đối với Nga

Đêm 24/02 (giờ Brussels), tại Hội nghị Thượng đỉnh bất thường Liên minh châu Âu (EU) về khủng hoảng Nga-Ukraine, các nhà lãnh đạo EU đã thông qua một gói trừng phạt đối với Nga do Ủy ban châu Âu đề xuất. Các biện pháp trừng phạt này liên quan tới lĩnh vực tài chính, năng lượng, vận tải và thương mại, cũng như việc đình chỉ du lịch miễn thị thực tới châu Âu đối với các nhà ngoại giao Nga. 

-----

6h ngày 25/02

Mỹ, Anh, EU công bố các biện pháp trừng phạt đối với Nga

Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 24/02 thông báo các biện pháp trừng phạt cứng rắn mới đối với Nga, bao gồm phong tỏa tài sản các ngân hàng lớn của Nga và cắt giảm xuất khẩu công nghệ cao tới nước này.

Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu về căng thẳng tại khu vực miền Đông Ukraine, tại Washington, ngày 18/2/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Cùng ngày, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) tại hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp đã nhất trí áp đặt trừng phạt đối với các lĩnh vực chủ chốt của nền kinh tế Nga. 


Tương tự, Thủ tướng Anh Boris Johnson công bố các biện pháp trừng phạt đối với hơn 100 cá nhân và thực thể Nga; sẽ cắt đứt các ngân hàng Nga khỏi thị trường đồng bảng Anh và thanh toán bù trừ; trong khi Mỹ cũng sẽ có động thái tương tự đối với đồng USD.

-----

Vận tải cơ Nga rơi gần biên giới Ukraine

Quân khu phía Nam của Nga thông báo một vận tải cơ An-26 rơi ở tỉnh Voronezh giáp với Ukraine khi đang vận chuyển thiết bị quân sự "do lỗi kỹ thuật". "Toàn bộ phi hành đoàn thiệt mạng", Quân khu phía Nam của Nga cho biết, song chưa công bố số người có mặt trên vận tải cơ gặp nạn.

 
fmysbg9wyaagay1-1645733762-5125-16457338

Đuôi vận tải cơ An-26 bị rơi tại tỉnh Voronezh, Nga ngày 24/2. Ảnh: Telegram/Baza.


-----
Mỹ trừng phạt Belarus

Bộ tài chính Mỹ công bố lệnh trừng phạt nhằm vào 24 cá nhân và thực thể Belarus, trong đó có Bộ trưởng Quốc phòng Viktor Khrenin, do "ủng hộ và tạo điều kiện" cho Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden trước đó cảnh báo Belarus sẽ phải đối mặt với các lệnh trừng phạt nếu cho phép Nga triển khai chiến dịch từ lãnh thổ của mình.

Ngoài Bộ trưởng Khrenin, danh sách trừng phạt của Bộ Tài chính Mỹ còn có Thư ký Hội đồng An ninh Belarus Alexander Volfovich cùng hai ngân hàng Belinvestbank và Bank Dabrabyt.

"Bộ Tài chính Mỹ tiếp tục phá vỡ năng lực quân sự và tài chính của Belarus thông qua các biện pháp trừng phạt có mục tiêu. Do mối liên kết giữa Nga và Belarus, các động thái nhằm vào Nga hôm nay cũng sẽ gây ra tổn thất kinh tế nghiêm trọng cho chính quyền Tổng thống Alexander Lukashenko", Bộ Tài chính Mỹ cho biết.

 
d9546d1c-63ed-411f-bc3e-8bfd55-7018-2912

Bộ trưởng Quốc phòng Viktor Khrenin trong cuộc tập trận chung Belarus - Nga tại thao trưởng ở tỉnh Brest ngày 19/2. Ảnh: RIA Novosti

-----

Hơn 100.000 người tại Ukraine di tản

"Hơn 100.000 người Ukraine di tản để tránh bạo lực và đảm bảo an toàn. Có nhiều người đi tới biên giới và đã ra nước ngoài. Tình hình vẫn hỗn loạn và diễn biến nhanh chóng", phát ngôn viên Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn Matthew Saltmarsh cho biết.

10d3e080-9a77-4968-b2cf-e037b6-5297-8913

Đoàn xe rời thủ đô Kiev về phía tây Ukraine sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự ngày 24/2. Ảnh: Reuters.

-----
Trung Quốc sơ tán công dân tại Ukraine

Đại sứ quán Trung Quốc tại Ukraine thông báo tổ chức các chuyến bay để sơ tán công dân muốn rời khỏi Ukraine và sẽ kết thúc tiếp nhận yêu cầu ngày 27/2. Cơ quan này cho hay "sẽ xác định thời gian bay định dựa theo tình hình an toàn bay và sẽ được thông báo trước".

"Tình hình ở Ukraine xấu đi nhanh chóng, các công dân và doanh nghiệp Trung Quốc tại đây đang đối mặt nguy cơ cao về an ninh", đại sứ quán Trung Quốc ở Ukraine cho biết. Khoảng 6.000 công dân Trung Quốc đang ở Ukraine.

-----
Mỹ điều thêm 7.000 quân tới châu Âu

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã ra lệnh triển khai thêm 7.000 lính Mỹ tới châu Âu, một quan chức quốc phòng cao cấp cho biết sau cuộc họp báo của Tổng thống Joe Biden.

"Lực lượng này bao gồm một lữ đoàn thiết giáp tác chiến với các năng lực và thiết bị hỗ trợ liên quan. Họ sẽ được triển khai tới Đức để trấn an các đồng minh NATO, răn đe Nga và sẵn sàng hỗ trợ loạt yêu cầu trong khu vực. Họ dự kiến khởi hành trong vài ngày tới", quan chức này cho biết.

-----
Mỹ và NATO không tham chiến tại Ukraine

"Mỹ sẽ bảo vệ từng tấc lãnh thổ của NATO bằng toàn bộ sức mạnh của mình", Tổng thống Joe Biden nói trong họp báo tại Nhà Trắng. Tuy nhiên, ông khẳng định "các lực lượng của chúng tôi sẽ không tham gia vào một cuộc xung đột với Nga ở Ukraine".

"Lực lượng của chúng tôi không tới châu Âu để tham chiến tại Ukraine, mà để bảo vệ các đồng minh NATO và trấn an các đồng minh ở phía đông", ông cho biết. Tổng thống Biden nói đã cho phép lực lượng Mỹ tại châu Âu triển khai tới sườn phía đông của NATO, cũng như triển khai thêm quân tới Đức.

Tổng thống Biden khắng định "chưa có kế hoạch hội đàm" với người đồng cấp Nga Vladimir Putin. Ông cũng cảnh báo chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine sẽ khiến nhước này "trả giá đắt về kinh tế và chiến lược". "Ông Putin chọn bắt đầu cuộc tấn công không chính đáng nhằm vào Ukraine sẽ khiến Nga trở nên yếu hơn và phần còn lại của thế giới mạnh hơn", Tổng thống Biden nói.

-----
Tổng thống Biden công bố lệnh trừng phạt Nga

Tổng thống Mỹ Joe Biden chỉ trích chiến dịch quân sự của Nga tại Urkraine, đồng thời công bố các biện pháp trừng phạt "sẽ gây ra thiệt hại nặng nề nhất đối với nền kinh tế của Nga ngay lập tức và về lâu dài". Ông cho biết Mỹ cùng 27 thành viên EU và G7 sẽ phối hợp áp đặt lệnh trừng phạt nhằm vào Nga.

Các lệnh trừng phạt Tổng thống Biden công bố bao gồm hạn chế giao dịch bằng USD, EUR, GBP và yen của Nga khi tham gia nền kinh tế toàn cầu, ngăn khả năng cung cấp tài chính và hoạt động phát triển của quân đội Nga, làm suy yếu khả năng cạnh tranh của Nga trong nền kinh tế công nghệ cao.

"Chúng tôi cũng đang chặn 4 ngân hàng lớn nữa của Nga, đồng nghĩa mọi tài sản họ sở hữu tại Mỹ sẽ bị đóng băng", Tổng thống Biden cho biết. Các ngân hàng Nga bị Mỹ trừng phát có tổng tài sản trị giá khoảng 1.000 tỷ USD.

-----
Canada trừng phạt Nga

Thủ tướng Canada Justin Trudeau công bố lệnh trừng phạt nhằm vào 58 cá nhân và thực thể Nga để đáp trả chiến dịch quân sự đặc biệt của nước này tại Ukraine, gọi đây là "mối đe dọa lớn đối với an ninh và hòa bình trên toàn thế giới".

Thủ tướng Trudeau cho biết các biện pháp trừng phạt sẽ nhằm vào giới tinh hoa Nga và gia đình họ, công ty quân sự tư nhân Wagner và các ngân hàng Nga. Ông cho biết Canada đang hủy giấy phép xuất khẩu cho Nga.

-----
Nga kiểm soát nhà máy điện hạt nhân Chernobyl

Cố vấn tổng thống Ukraine Mykhailo Podolyak cho biết lực lượng Nga đã kiểm soát nhà máy điện hạt nhân Chernobyl. "Không thể nói nhà máy điện hạt nhân Chernobyl an toàn sau cuộc tấn công hoàn toàn vô nghĩa của Nga", Podolyak nói. "Đây là một trong những mối đe dọa nghiêm trọng nhất tại châu Âu hiện nay".
Một nguồn tin an ninh Nga cho biết quân đội Nga tập trung đông đảo trong vùng bảo vệ rộng gần 2.600 km2, trước khi tiến vào Ukraine. Nga muốn kiểm soát nhà máy điện hạt nhân Chernobyl để đảm bảo NATO không can thiệp quân sự vào Ukraine, nguồn tin cho hay.
Đây là nơi từng xảy ra thảm họa hạt nhân năm 1986.

----
Các hướng tấn công của Nga vào Ukraine

Đồ họa: New York Times.

-----

Tổng thống Biden: G7 thống nhất về gói trừng phạt mạnh mẽ nhằm vào Nga

Sáng nay (giờ địa phương), tôi đã trao đổi với những người đồng cấp G7 về cuộc tấn công vô cớ của Tổng thống Putin nhằm vào Ukraine. Chúng tôi nhất trí tiến tới gói trừng phạt mạnh mẽ và cùng các biện kinh tế khác để buộc Nga phải chịu trách nhiệm. Chúng tôi sát cánh với những người dân Ukraine dũng cảm"

Tổng thống Mỹ Joe Biden

Ảnh: Twitter/POTUS.

Nga tan cong Ukraine anh 1

-----
Quân đội Nga hoàn thành nhiệm vụ trong ngày đầu tấn công Ukraine

Bộ Quốc phòng Nga thông báo ngày đầu chiến dịch đặc biệt tại Ukraine "thành công" khi quân đội nước này khi đảm bảo đường tiến quân từ bán đảo Crimea tới tỉnh Kherson ở miền nam Ukraine, dỡ phong tỏa ở kênh đào Bắc Crimea và khôi phục nguồn nước cho bán đảo.

Cơ quan này cho biết lực lượng vũ trang của Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) và Cộng hòa Nhân dân Lugansk "xuyên thủng hàng phòng ngự với trang bị tốt hơn" của quân chính phủ Ukraine, tiến sâu thêm 6-8 km qua giới tuyến.

Trong khi đó, 74 hạ tầng mặt đất của quân đội Ukraine bị loại khỏi vòng chiến đấu, trong đó có 11 sân bay quân sự, ba chỉ huy sở, một căn cứ hải quân, 18 trạm radar của các tổ hợp tên lửa phòng không S-300 và Buk-M1.

Hai tiêm kích Su-27, hai cường kích Su-24, một trực thăng và 4 máy bay không người lái (UAV) vũ trang Bayraktar TB2 của Ukraine bị phá hủy.

55631871781372675h-Ukraine-5157-16457242

Trạm radar đổ nghiêng tại một căn cứ của của Ukraine ở Mariupol, tỉnh Kherson, miền nam Ukraine, sau khi Nga tập kích ngày 24/2. Ảnh: Reuters.

"Tất cả nhiệm vụ được giao cho binh sĩ Lực lượng Vũ trang Liên bang Nga trong ngày hôm nay đã được hoàn tất thành công", người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov nói, theo AFP.

 -----
Thủ tướng Pakistan Imran Khan là lãnh đạo đầu tiên gặp Tổng thống Putin sau khi Moscow mở chiến dịch đặc biệt vào miền Đông Ukraine sáng 24/2. Ảnh: Anadolu Agency. 

Nga tan cong Ukraine anh 1


Không phận khu vực biên giới Ukraine giáp Nga vắng tanh ngày 24/2. Ảnh: ADSBexchange.Nga tan cong Ukraine anh 2
-----

Ông Putin: Nga không còn cách nào khác ngoài tấn công Ukraine

Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 24/2 nói rằng “không có cách nào khác” để bảo vệ Nga ngoài lựa chọn tấn công Ukraine.

Nhà lãnh đạo Nga khẳng định nước này không muốn gây ảnh hưởng tới hệ thống kinh tế toàn cầu, theo AFP.

Đây là những phát biểu đầu tiên của người đứng đầu Điện Kremlin kể từ khi ông thông báo quyết định thực hiện chiến dịch đặc biệt vào khu vực miền Đông Ukraine.

-----

Tổng thống Ukraine kêu gọi loại Nga khỏi SWIFT

Viết trên Twitter, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky kêu gọi phương Tây loại Nga khỏi SWIFT - hệ thống thanh toán tài chính toàn cầu.

Cùng với đó, ông Zelensky muốn đặt vùng cấm bay trên lãnh thổ Ukraine để ngăn hành động quân sự của Nga.

-----

Tàu Thổ Nhĩ Kỳ trúng bom ngoài khơi Ukraine

Tàu Thổ Nhĩ Kỳ mang tên Yasa Jupiter, bị bắn trúng khi từ Odessa, Ukraine đi đến Romania.

Tổng cục Hàng hải Thổ Nhĩ Kỳ cho biết con tàu đã trúng bom khi đang ở ngoài khơi Ukraine. Không ai bị thương hay thiệt mạng. Vẫn chưa rõ con tàu bị trúng loại đạn nào.

-----

Lãnh đạo G7 đồng loạt lên án ông Putin 

Cuộc họp lãnh đạo các nước G7 kết thúc sau hơn một giờ.

Các nước lên án hành động của Tổng thống Vladimir Putin, nói rằng "ông Putin đã tự đặt mình chống lại lịch sử".

Bên cạnh lãnh đạo các nước G7, cuộc họp còn có sự tham gia của Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen.

-----

Mỹ đưa thêm 6 máy bay F-35 tới Đông Âu

Quan chức cấp cao Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 24/2 cho biết nhiều khí tài quân sự sẽ được chi viện cho các nước Đông Âu.

6 máy bay F-35 sẽ được chia đều cho Estonia, Lithuania, Romania. 

Các trực thăng chiến đấu sẽ đến muộn do thời tiết xấu, dự kiến tới Đông Âu cuối ngày 24/2.

-----

Thị trưởng Kiev ban bố lệnh giới nghiêm 

Thị trưởng Kiev Vitali Klitschko thông báo giờ giới nghiêm của thành phố là từ 22h đến 7h (giờ địa phương).

"Trong thời gian này, các phương tiện công cộng sẽ ngừng hoạt động. Ga tàu điện ngầm sẽ làm nơi trú ẩn 24/7", ông Klitschko cho biết. Thị trưởng Kiev yêu cầu người dân về nhà đúng giờ, và phải xuất trình giấy tờ nếu muốn đi lại trong giờ giới nghiêm.

Trước đó, Tổng thống Ukraine cùng ngày ban bố thiết quân luật khắp cả nước.

Con đường ở Kiev sau trận pháo kích ngày 24/2. Ảnh: AFP.

Nga tan cong Ukraine anh 1

-----
7 người chết trong vụ phóng tên lửa gần Kiev

Giới chức Ukraine cho biết 7 người thiệt mạng và 17 người bị thương sau cứ điểm quân sự ở phía đông bắc thủ đô Kiev trúng tên lửa. Đây là một trong nhiều vụ phóng tên lửa gần thủ đô Kiev ngày 24/2.

Thị trưởng Brovary Ohor Sapozhko nói rằng cuộc tấn công diễn ra vào lúc 14h30 (giờ địa phương). Brovary có một căn cứ của Lực lượng Đặc biệt Ukraine.

-----

Hội nghị thượng định G7 bắt đầu

Các nước G7 sẽ họp trực tuyến, cập nhật tình hình mới nhất về Ukraine, và thảo luận các biện pháp trừng phạt đối với Nga.

Hội nghị bắt đầu lúc 9 giờ 17 phút (giờ địa phương), quan chức Nhà Trắng cho biết.

-----
Ông Zelensky: Nga muốn kiểm soát nhà máy Chernobyl

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky viết trên Twitter rằng Nga tìm cách kiểm soát nhà máy điện hạt nhân Chernobyl.

Quân đội Ukraine đang chiến đấu bằng cả mạng sống để thảm họa năm 1986 không lặp lại.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky

Tổng thống Ukraine cho biết thêm đây là hành động gây hấn với toàn châu Âu.

-----
Nổ súng tại Chernobyl

Quan chức Ukraine cho biết quân đội đang có cuộc đụng độ gần nhà máy hạt nhân Chernobyl - nơi từng xảy ra thảm họa hạt nhân năm 1986.

Trước đó, Reuters dẫn lời cố vấn Bộ trưởng Nội vụ Ukraine cho biết quân đội Nga từ Belarus đã hướng đến nhà máy điện hạt nhân Chernobyl.

-----
Còi báo động phòng không lần đầu vang lên kể từ Thế chiến 2

Tại thành phố Lviv - nơi có nhiều quan chức ngoại giao sơ tán từ Kiev - còi báo phòng không đã lần đầu vang lên kể từ Thế chiến 2.

Nhiều cửa hàng tại Lviv đã đóng cửa. Nhiều người phải xếp hàng trong nhiều giờ tại số ít cửa hàng mở cửa để tích trữ thực phẩm, thuốc men. Các trạm xăng luôn trong tình trạng thiếu hụt.

Nga tan cong Ukraine anh 1
 

Ôtô đợi hàng dài tại trạm xăng ở Lviv, Ukraine ngày 24/2. Ảnh: AFP.


Các phương tiện quân sự Nga trên đường phố ở thị trấn Armyansk, Crimea. Ảnh: Reuters.

Nga tan cong Ukraine anh 1
Nga tan cong Ukraine anh 2
Nga tan cong Ukraine anh 3

-----

Chính quyền địa phương ở khu vực Donetsk do Ukraine kiểm soát thông báo có 4 người chết sau một cuộc tấn công vào bệnh viện của quân đội Nga.

Tính đến nay, nhiều thương vong đã được ghi nhận sau các cuộc tấn công ở Donetsk, miền Đông Ukraine.

-----

Quân đội Nga kiểm soát căn cứ không quân gần Kiev
Lính dù Nga đã giành quyền kiểm soát sân bay Antonov, cách trung tâm thủ đô Kiev 40 km. CNN cho biết dựa vào phù hiệu và quân phục có thể xác định đây là quân đội Nga.

-----
Nga sẵn sàng 'ăn miếng trả miếng' với phương Tây

Hãng tin RIA (Nga) dẫn lời Bộ Ngoại giao Nga cho biết nước này sẽ có biện pháp đáp trả các lệnh trừng phạt của Mỹ và châu Âu.

Trước đó, Mỹ, Anh, EU thông báo sẽ thảo luận và đưa ra những lệnh trừng phạt khiến nga chịu hậu quả nghiêm trọng.

-----
Liên Hợp Quốc tăng cường hoạt động hỗ trợ tị nạn ở Ukraine
Cơ quan nhân quyền Liên Hợp Quốc cho biết sẽ tăng cường hỗ trợ cho những người dân sơ tán khỏi Ukraine và các nước lân cận.
Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn (UNHCR) Filippo Grandi cho biết đang làm việc với chính phủ các nước láng giềng với Ukraine, kêu gọi mở cửa biên giới đón những người tìm kiếm sự an toàn.

 
Nga tan cong Ukraine anh 1

Người dân xếp hàng lên xe lửa rời khỏi Ukraine đến Przemysl, Ba Lan. Ảnh: CNN.

-----
Tổng thống Joe Biden đã triệu tập cuộc họp Hội đồng An ninh Quốc gia sáng 24/2 (giờ Mỹ) để thảo luận về diễn biến mới nhất tại Ukraine, một quan chức Nhà Trắng cho biết.

-----

Nổ ở nhà máy phát điện Ukraine

Bộ Năng lượng Ukraine báo một vụ nổ ở nhà máy điện Trypilska, cách thủ đô Kiev 40 km. Cơ quan này cho biết nhà máy điện vẫn hoạt động bình thường.

Trong khi đó, xe tăng và nhiều binh chủng không xác định đang ở đập thủy điện Kakhovka, miền Nam Ukraine.

-----
UEFA dời địa điểm thi đấu chung kết Champions League

Liên đoàn bóng đá châu Âu (UEFA) sẽ đưa ra thông báo dời địa điểm thi đấu trận chung kết Champions League mùa giải 2021-2022 khỏi sân vận động Krestovsky ở thành phố St Petersburg (Nga), sau khi Moscow phát động tấn công Ukraine.

Nga tan cong Ukraine anh 1
 

Bên ngoài sân vận động Krestovsky. Ảnh: Travelvina.

-----
Châu Âu tìm cách hạn chế phụ thuộc vào năng lượng Nga
Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen cho biết EU đang tìm giải pháp để "không phụ thuộc vào bất kỳ áp lực nào từ nguồn khí đốt của Nga".

Trước đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết lệnh trừng phạt bao gồm lĩnh vực năng lượng - vốn được châu Âu cân nhắc, do nhiều nước phụ thuộc vào nguồn năng lượng từ Nga.

-----
203 cuộc tấn công
Reuters dẫn thông tin của cảnh sát Ukraine cho biết Nga đã tiến hành 203 vụ tấn công từ khi bắt đầu chiến dịch đặc biệt sáng 24/2. Giao tranh hiện diễn ra gần như ở mọi khu vực trên khắp lãnh thổ Ukraine.

-----

Quân đội Ukraine: 4 tên lửa đạn đạo được bắn từ Belarus

Quân đội Ukraine cho biết 4 tên lửa đạn đạo được bắn từ lãnh thổ Belarus, bay theo hướng tây nam.

------

Nga tan cong Ukraine anh 1

5 điểm xảy ra chiến sự ở Ukraine. Ảnh: Guardian. 

Belarus cân nhắc hợp tác tên lửa với Nga

Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko nói rằng ông dự kiến thảo luận về khả năng triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 sau cuộc nói chuyện với Tổng thống Vladimir Putin."Chúng tôi đã thảo luận với quân đội, và có thể cân nhắc đặt một hoặc hai tiểu đoàn S-400 ở nơi chúng tôi có thể giám sát mọi động thái (từ Nga hoặc Belarus - PV) đến tận Berlin, Đức", ông Lukashenko nói.


Máy bay quân sự Antonov của quân đội Ukraine bị bắn rơi ở thủ đô Kiev. Ảnh: Bộ Khẩn cấp Ukraine.
Nga tan cong Ukraine anh 2

-----
RIA dẫn tuyên bố của Bộ Quốc phòng Nga cho biết đã phá hủy 74 cơ sở hạ tầng quân sự của Ukraine.
-----
Người dân Ukraine thu dọn đồ đạc rời xa khu vực nguy hiểm ở miền Đông Ukraine. Ảnh: New York Times.
Nga tan cong Ukraine anh 3

Nga sẵn sàng đối phó các lệnh trừng phạt kinh tế

Hãng tin Tass dẫn lời chính phủ Nga cho biết nước này sẵn sàng bảo vệ nền kinh tế và doanh nghiệp trước các đòn trừng phạt (từ phương Tây).Tuyên bố được đưa ra sau khi Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula Von Der Leyen nói rằng các lệnh trừng phạt mới "sẽ khiến kinh tế Nga suy thoái nghiêm trọng".

-----

Đại sứ Knapper thể hiện sự ủng hộ với Ukraine
Theo thông tin trên trang Facebook của Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội, Đại sứ Marc Knapper đã tới Đại sứ quán Ukraine thăm hỏi, thể hiện sự ủng hộ của người dân Mỹ dành cho Ukraine."Chúng tôi lên án cuộc tấn công của Tổng thống Putin và việc Nga vi phạm độc lập và chủ quyền của Ukraine", Đại sứ Knapper cho biết.

Theo Đại sứ quán Mỹ, Tổng thống Joe Biden sẽ gặp gỡ lãnh đạo các nước G7 trong ngày 25/2, khẳng định Washington và các đồng minh, đối tác sẽ áp dụng các lệnh trừng phạt mạnh mẽ đáp trả cuộc tấn công của Nga."Chúng tôi phản đối bất kỳ nỗ lực sử dụng sự cưỡng ép hoặc vũ lực nào nhằm giải quyết các tranh chấp lãnh thổ, và sẽ tiếp tục kiên định trong việc ủng hộ trật tự quốc tế dựa trên luật lệ", Đại sứ quán Mỹ cho biết.

 
Nga tan cong Ukraine anh 4

----
'Bước ngoặt trong lịch sử châu Âu'
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 24/2 nói rằng cuộc tấn công của Nga ở Ukraine là “bước ngoặt” trong lịch sử châu Âu.

Trong bài phát biểu trước toàn dân, ông Macron nói rằng hành động của Nga đối với Ukraine đã tạo nên "cuộc tấn công nghiêm trọng nhất đối với hòa bình, sự ổn định ở châu Âu trong nhiều thập kỷ". 

Ông khẳng định hành động này sẽ để lại “hậu quả sâu sắc và lâu dài cho cuộc sống của chúng ta”.
-----
Ukraine nói bắn rơi 3 trực thăng Nga

Bộ trưởng Nội vụ Ukraine Mezhyhirya cho biết nước này đã bắn rơi 3 trực thăng Nga ở thủ đô Kiev. Trước đó, Tham mưu trưởng Lực lượng vũ trang Ukraine nói rằng 6 máy bay Nga đã bị bắn hạ. Quân đội Nga bác bỏ thông tin này, theo Tass.
-----
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ: Hành động của Nga là 'không thể chấp nhận'

Phát biểu trên truyền hình ngày 24/2, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan phản đối hành động quân sự của Nga, nói rằng điều này trái với luật pháp quốc tế, "giáng một đòn vào ổn định và hòa bình của khu vực".

Trước đó, ông Erdogan đã có cuộc điện đàm với ông Putin và thể hiện sự phản đối với động thái quân sự của nhà lãnh đạo Nga.

Người dân Ukraine tại một số khu vực bị tấn công. Ảnh: Alex Lourie.

Nga tan cong Ukraine anh 1
 
Nga tan cong Ukraine anh 2
Nga tan cong Ukraine anh 3

-----
Máy bay quân sự Ukraine bị bắn hạ

Bộ Khẩn cấp Ukraine cho biết một máy bay quân sự phản lực nước này đã bị bắn hạ, khiến 5 người thiệt mạng.

Những chốt biên phòng ở Kiev, Ukraine bị bắn phá. Ảnh: Lực lượng Biên phòng Ukraine. 

Nga tan cong Ukraine anh 4 
Nga tan cong Ukraine anh 5

-----
Trung Quốc từ chối lên án hoạt động quân sự của Nga

Trong buổi họp báo ngày 24/2, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đã né tránh những câu hỏi liên quan đến hành động của Nga tại Ukraine.

Trung Quốc cho biết sẽ nhập khẩu lúa mì của Nga, động thái giảm bớt ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt phương Tây áp đặt lên Moscow.

 
Nga tan cong Ukraine anh 6
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh. Ảnh: Reuters.
 ----

Thủ tướng Anh: Sắp có đòn trừng phạt kinh tế khổng lồ đối với Nga

Thủ tướng Anh Boris Johnson đã có bài phát biểu ngày 24/2 lên án hành động của ông Putin, nhấn mạnh sẽ cùng đồng minh áp đặt trừng phạt Moscow.

"Hôm nay, phối hợp cùng các đồng minh, chúng tôi đã đồng ý đòn trừng phạt kinh tế to lớn với Nga. Chúng ta cũng phải cùng nhau chấm dứt sự phụ thuộc vào dầu và khí đốt của Nga", ông Boris Johnson phát biểu ngày 24/2. Ảnh: 10 Downing Street.

Nga tan cong Ukraine anh 7
 
 Người phụ nữ đợi tàu rời khỏi Kiev ngày 24/2. Ảnh: AP. 
Nga tan cong Ukraine anh 8
 

-----
Mỹ hiện không có đại diện ngoại giao ở Ukraine


CNN dẫn tin từ một quan chức Mỹ nắm rõ vấn đề cho biết Mỹ hiện không có sự hiện diện ngoại giao ở Ukraine.

Trong vài ngày qua, các nhà ngoại giao Mỹ ở Ba Lan vào ban đêm và làm việc vào ban ngày ở Lviv, miền Tây Ukraine. Tuy nhiên, sau cuộc tấn công của Nga vào Ukraine, các nhà ngoại giao Mỹ đã không quay trở lại nước này.

-----

Kremlin từ chối trả lời về bản chất và mục tiêu vụ tấn công

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 24/2 cho biết cuộc tấn công của quân đội Nga vào Ukraine là một "hoạt động đặc biệt", tuy vậy từ chối bình luận về bản chất và mục tiêu của cuộc tấn công.

Ông Peskov cho biết Nga không có ý định chiếm đóng Ukraine.

"Tôi không thể cung cấp cho quý vị thông tin về cấc yếu tố quân sự, kỹ thuật hay những khía cạnh khác của hoạt động này. Nguồn tin mà các vị nên hỏi là quân đội và bộ Quốc phòng", ông Peskov nói.


Khói bốc lên từ căn cứ không quân Ukraine sau cuộc không kích ở Mariupol ngày 24/2. Ảnh: AP.

Nga tan cong Ukraine anh 9
 

-----
NATO không có kế hoạch triển khai quân sự tới Ukraine

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói: “Không có quân đội NATO nào ở bên trong Ukraine, chúng tôi đã nói rõ ràng rằng chúng tôi không có bất kỳ kế hoạch tăng cường triển khai quân đội NATO nào tới Ukraine”.

Tuy nhiên, ông cho biết NATO “đã và đang gia tăng sự hiện diện quân sự ở khu vực phía đông của liên minh”.

Các sĩ quan cảnh sát bên mảnh vỡ tên lửa trên đường phố Kiev ngày 24/2. Ảnh: CNN.

1d9926f9_cefb_43f8_afbc_ed4c35dc5341.jpg

-----
Nhiều vụ nổ xảy ra ở Kiev

Tin tức này đã được nhà chức trách Ukraine xác nhận, theo Reuters.

Theo đó, một cuộc không kích quy mô lớn với trực thăng Mi-8 đang diễn ra trên sân bay quốc tế Antonov ở Hostomel. Bộ Nội vụ Ukraine cho biết Nga đã giành quyền kiểm soát khu vực chỉ cách đường vành đai thủ đô 15 phút lái xe về phía tây.

------------------------

NATO tăng cường lực lượng ở phía đông để bảo vệ các thành viên

Một phụ nữ bị thương tại Kharkiv, Ukraine ngày 24/2. Ảnh: Anadolu Agency.

Nga tan cong Ukraine anh 1

NATO cho biết họ đang bổ sung “các lực lượng phòng thủ trên bộ và trên không tới phần phía đông của liên minh” để bảo vệ các đồng minh trước cuộc tấn công của Nga vào Ukraine, theo Financial Times.

-----
Điện Kremlin: Chiến dịch sẽ tiếp tục 'miễn là còn cần thiết'

Trước đó, Moscow cho biết chiến dịch của họ nhằm mục đích "phi quân sự hóa" Ukraine. Tuyên bố cho biết thêm rằng Tổng thống Vladimir Putin muốn Ukraine đứng ở vị thế trung lập và không được triển khai vũ khí tấn công.


Nga tan cong Ukraine anh 2
 
Nga tan cong Ukraine anh 3

-----
Ít nhất 18 người thiệt mạng ở Odessa
Người dân tìm đường rời khỏi Kiev tại tàu điện ngầm ở thủ đô Ukraine ngày 24/2. Ảnh: AP.

Ít nhất 18 người đã thiệt mạng ở thành phố Odessa của Ukraine do một vụ tấn công tên lửa, chính quyền khu vực thông báo, theo Telegraph.

    • Người dân đứng bên mảnh vỡ thiết bị quân sự trên đường phố sau cuộc không kích của Nga vào Kharkiv, Ukraine ngày 24/2. Ảnh: AP.
    Nga tan cong Ukraine anh 4
  • NATO sắp họp trực tuyến về Ukraine
  • Các quan chức NATO cho biết một cuộc họp thượng đỉnh của NATO thông qua hình thức trực tuyến đang được lên kế hoạch tổ chức vào ngày 25/2, theo New York Times.

    -------
    Nhà cửa bốc cháy ở Kharkiv

    Một đoạn phim được tung ra ngày 24/2 cho thấy các tòa nhà chung cư đang bốc cháy ở khu vực Kharkiv của Ukraine. Đây có thể là hậu quả của một cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng dân sự nằm bên cạnh một căn cứ không quân. Dường như có ít nhất một trường hợp thương vong được ghi nhận.

     
    Nga tan cong Ukraine anh 5

    ------
    Người dân Ukraine tình nguyện đăng ký vào lực lượng vũ trang

    Hoạt động diễn ra sau khi Tổng thống Volodymyr Zelensky thông báo sẽ cung cấp vũ khí nếu họ muốn, để bảo vệ Ukraine.

    Ảnh: Reuters.

    Nga tan cong Ukraine anh 6
     
    Nga tan cong Ukraine anh 7

    -------
    Làn sóng tên lửa thứ 2 tấn công Ukraine

    Cố vấn của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết Ukraine đang hứng chịu "làn sóng tấn công tên lửa thứ hai", theo Telegraph.

    Ông Mykhailo Podolyak nói rằng các hoạt động tại các cảng biển của Ukraine đã bị quân đội nước này đình chỉ, nhưng hoạt động tại tuyến đường sắt của Ukraine vẫn tiếp tục.

    -------
    Bộ ngoại giao Italy triệu tập đại sứ Nga

    Đại sứ Nga tại Rome, Sergey Razov, đã được Tổng thư ký Bộ Ngoại giao Italy Ettore Francesco Sequi triệu tập vào sáng 24/2 (giờ Italy), theo Guardian. Phía Italy lên án mạnh mẽ “cuộc tấn công nguy hiểm, vô cớ và phi lý của Moscow nhằm vào Ukraine", gọi đây hành vi "vi phạm một cách rõ ràng luật pháp quốc tế”.

    -------
    Khói đen bốc lên từ Bộ Quốc phòng Ukraine giữa đợt tấn công tên lửa

    Telegraph dẫn lời các nhân chứng cho biết có khói đen bốc lên từ Bộ Quốc phòng Ukraine ở Kiev. Cùng thời gian này, cố vấn của Tổng thống Volodymyr Zelensky cho biết Ukraine đang hứng chịu "làn sóng tấn công tên lửa thứ hai".

    -------
    Anh triệu tập đại sứ Nga

    Ngoại trưởng Anh Liz Truss cho biết bà đã triệu tập đại sứ Nga để thảo luận về các hành động của Moscow ở Ukraine, sau khi các lực lượng Nga tấn công vào nước này bằng đường bộ, đường không và đường biển.

    "Tôi đã triệu tập đại sứ Nga để nghe giải thích về cuộc tấn công vô cớ, bất hợp pháp của Nga vào Ukraine. Chúng tôi sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc và tập hợp các nước ủng hộ Ukraine", bà Truss viết Twitter.

    -------
    Ukraine cắt đứt quan hệ ngoại giao với Nga

    Tổng thống Ukraine xác nhận nước này đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Nga.

    -------
    Tổng thống Ukraine tuyên bố trao vũ khí cho bất kỳ người dân nào muốn

    “Chúng tôi sẽ cấp vũ khí cho bất kỳ ai muốn”, Tổng thống Volodymyr Zelensky nói khi ông phát biểu trước thế giới. Ông Zelensky cho biết ông sẽ dỡ bỏ mọi lệnh trừng phạt đối với bất kỳ cá nhân nào chuẩn bị bảo vệ đất nước "với vũ khí trong tay". Ông khuyến khích các doanh nghiệp Ukraine tiếp tục cung cấp hàng hóa và dịch vụ cho người dân và kêu gọi mọi người không phát tán thông tin sai lệch. 

    -------
    40 binh sĩ Ukraine thiệt mạng

    Một cố vấn của văn phòng Tổng thống Ukraine cho biết hơn 40 binh sĩ Ukraine đã chết và vài chục người khác bị thương, Telegraph đưa tin.

    ------
    Các nước lên án Nga

    Đại sứ Ukraine tại Ireland kêu gọi cô lập Nga bằng mọi cách. “Các biện pháp trừng phạt mạnh bạo và cứng rắn phải được áp dụng ngay lập tức. Hàng triệu sinh mạng và cuộc sống của người dân Ukraine bị đe dọa, thế giới dân chủ phải cô lập Nga bằng mọi cách. Ukraine cần được hỗ trợ tài chính và hỗ trợ nhân đạo, và tất nhiên là quân sự”, bà Larysa Gerasko nói với RTE.

    Trong một cuộc điện đàm với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã kêu gọi “thực hiện biện pháp can thiệp để hỗ trợ Ukraine”, theo một tuyên bố từ tổng thống Pháp, New York Times đưa tin.

    Ông Macron đã liên lạc với ông Zelensky qua điện thoại di động vài giờ sau khi Nga tấn công, và hứa rằng Ukraine có "tất cả sự ủng hộ và đoàn kết của nước Pháp”.

    Trong khi đó, Thủ tướng Australia Scott Morrison gọi cuộc tấn công Ukraine của Moscow là "tàn bạo" và "vô cớ", đồng thời công bố các biện pháp trừng phạt mới đối với thêm 25 cá nhân và 4 tổ chức tài chính.

    ------
    Ukraine đã bắn hạ 6 máy bay chiến đấu và một máy bay trực thăng Nga

    Các lực lượng Ukraine đã bắn hạ 6 máy bay chiến đấu và một máy bay trực thăng của Nga để duy trì quyền kiểm soát các thành phố quan trọng, New York Times dẫn lời một quan chức quân sự cấp cao của Ukraine. Quân đội Ukraine hiện cũng đã đẩy lùi các cuộc tiến công của Nga tại hai thành phố lớn: Chernihiv, ở phía bắc gần Belarus và Kharkiv, ở phía đông bắc gần biên giới với Nga, quan chức này cho biết thêm.

    ------
    Ukraine tuyên bố chiến tích

    Quân đội Ukraine hôm 24/2 cho biết họ đã phá hủy 4 xe tăng Nga trên con đường gần thành phố Kharkiv, miền Đông nước này, tiêu diệt 50 binh sĩ gần một thị trấn ở vùng Luhansk và bắn rơi chiếc máy bay thứ sáu của Nga cũng ở miền đông đất nước, theo Reuters.

    Nga bác bỏ thông tin cho rằng máy bay hoặc xe bọc thép của họ đã bị phá hủy.