* "Sống mòn" trong dự án treo
Ông Nguyễn Quốc Tú (41 tuổi, ngụ ấp Voi, xã An Thạnh) chia sẻ, là một xã nông thôn mới, các ấp khác trên địa bàn xã An Thạnh đều được đầu tư hệ thống đường giao thông, có lưới điện đến tận nhà, người dân được khuyến khích chuyển đổi cơ cấu cây trồng… để phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Nhưng hàng chục hộ dân tại ấp Voi đều không được đầu tư bất cứ thứ gì, ngay cả điện sinh hoạt người dân cũng phải tự trồng trụ bằng gỗ, nhánh cây, tự đấu nối để chia sẻ điện với nhau.
Cùng chung quan điểm, ông Đặng Văn Thuấn (66 tuổi, ngụ ấp Voi, xã An Thạnh) cho biết, gia đình ông được chính quyền địa phương thông báo về chủ trương quy hoạch Khu Công nghiệp Đại An Sài Gòn từ năm 2013, từ đó đến nay, ông và các hộ dân nơi đây không được thông tin gì thêm về dự án này. Mỗi khi người dân trong xóm, ấp đề xuất được đầu tư hệ thống đường giao thông, điện sinh hoạt hoặc xây dựng nhà cửa thì đều được chính quyền địa phương thông báo là khu vực này còn nằm trong quy hoạch nên không được đầu tư, người dân phải giữ nguyên hiện trạng đất đai, nhà cửa, không được xây mới vì sẽ không được bồi thường khi nhà nước thu hồi đất theo quy định.
Theo ông Thuấn, việc "dính" vào quy hoạch Khu công nghiệp Đại An Sài Gòn đã khiến cuộc sống gia đình lâm tình cảnh khó khăn, đi chẳng được, ở cũng không xong. Căn nhà mà gia đình ông Thuấn đang ở đã bị xuống cấp từ nhiều năm nay, tường nhà bị nứt nẻ, xuống cấp nghiêm trọng nhưng không được xây dựng lại, hệ thống điện thì phải sử dụng chung với các hộ khác nên rất yếu. Do vậy, ông rất mong các cơ quan chức năng có thông tin cụ thể về thời gian triển khai dự án Khu Công nghiệp Đại An Sài Gòn, để người dân nơi đây an tâm sinh sống.
Ông Đặng Tuấn Kiệt (41 tuổi, ngụ ấp Voi, xã An Thạnh) chia sẻ, trên địa bàn ấp không được đầu tư hệ thống đường giao thông nông thôn, do đó việc đi lại phục vụ sản xuất, sinh hoạt, đời sống của người dân bị phụ thuộc hoàn toàn vào sông Vàm Cỏ Đông. Tuy nhiên nhiều năm nay, lục bình trên sông dày đặc gây khó khăn cho việc đi lại, di chuyển trên sông, nhất là thời điểm từ tháng 1 đến tháng 6 hằng năm, gần như người dân trong khu vực này không thể đi ra ngoài. Việc này không những ảnh hưởng đến sinh hoạt, sản xuất của người dân mà còn khiến cho nhiều trẻ em gặp nhiều khó khăn để đến trường, dễ bỏ học.
Ông Nguyễn Văn Tẫn (77 tuổi, ngụ ấp Voi, xã An Thạnh) buồn bã: Dự án triển khai quá lâu đã ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống sinh hoạt của người dân nơi đây. "Quy hoạch quá lâu rồi, Nhà nước có làm thì triển khai bồi thường, đền bù cho dân, để chúng tôi đi nơi khác sống, còn nếu không làm nữa thì phải đầu tư đường xá cho người dân đi lại. Người dân ở đây mà bệnh đau, cần đi cấp cứu mà đúng ngay mùa lục bình thì chỉ có nước nằm chờ chết chứ làm sao chở đi bệnh viện được", ông Nguyễn Văn Tẫn bức xúc.
Theo ông Trương Văn Hùng, Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Tây Ninh, dự án Khu công nghiệp Đại An Sài Gòn do Công ty Cổ phần Đại An Sài Gòn thuộc nhóm dự án chậm triển khai do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh, nhà đầu tư chậm triển khai các thủ tục theo quy định.
Ngày 13/10/2023, UBND tỉnh Tây Ninh đã ban hành Quyết định số 2097/QĐ-UBND về việc thành lập Đoàn kiểm tra việc chấp hành pháp luật về đầu tư, đất đai, xây dựng, thực hiện nghĩa vụ thuế và các vấn đề khác có liên quan đối với dự án Khu công nghiệp Đại An Sài Gòn. Tuy nhiên Đến nay, UBND tỉnh chưa ban hành kết luận thanh tra, kiểm tra đối với các dự án này.Minh Phú