Tháo gỡ điểm nghẽn
Năm 2016, Tỉnh ủy Vĩnh Long ban hành Chỉ thị số 08-CT/TU về đẩy mạnh hoạt động đưa lao động trong tỉnh đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng. Đây được xem là tiền đề, cơ sở quan trọng tạo bước đột phá cho công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, huy động được sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền, đơn vị, địa phương và cả sự đồng thuận của người dân. Song song đó, Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Long cũng ban hành Nghị quyết về chính sách cho vay vốn hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 và giai đoạn 2021-2025. Nghị quyết này cơ bản giải quyết được "nút thắt" về kinh phí, giúp người lao động mạnh dạn tham gia làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng.
Những năm qua, tỉnh Vĩnh Long đã tập trung triển khai Nghị quyết nhằm phát huy hiệu quả, hướng đến các đối tượng thụ hưởng. Với hình thức vay tín chấp thông qua hộ gia đình, người lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ thu hồi đất nông nghiệp, người dân tộc thiểu số, thân nhân người có công với cách mạng, bộ đội xuất ngũ sẽ được ưu tiên vay và hưởng mức lãi suất cho vay đối với hộ nghèo. Theo đó, từ năm 2021 - 2023, tỉnh Vĩnh Long đưa gần 4.000 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng, trong đó có 598 lao động được vay vốn với số tiền hơn 41 tỷ đồng.
Là địa phương có đông đồng bào Khmer và tỷ lệ hộ nghèo còn cao, huyện Trà Ôn xác định công tác đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng là một trong những “kênh” giải quyết việc làm quan trọng. Việc triển khai thực hiện công tác và các chính sách về cho vay vốn hỗ trợ đã mang lại những hiệu quả tích cực, tạo nguồn lực ban đầu quan trọng để người lao động được tham gia, tìm kiếm cơ hội làm việc nâng cao tay nghề với mức thu nhập cao.
Ông Thạch Út (xã Trà Ôn, huyện Trà Ôn) phấn khởi khi được địa phương hỗ trợ cho con vay tiền để có kinh phí tham gia. Đến nay, con ông đã làm việc ổn định, có thu nhập gửi về để trả phần tiền vay và giúp cha mẹ trang trải trong gia đình. Ông Thạch Út chia sẻ: “Gia đình khó khăn, con tôi muốn đi làm việc mà không có đủ tiền. Lúc đó tôi cũng không dám vay bên ngoài vì tiền lãi cao. Nhờ địa phương và ngân hàng hướng dẫn làm hồ sơ vay nên con tôi có vốn đi làm, giờ trả được một phần, gia đình mừng lắm”.
Phó Chủ tịch UBND huyện Trà Ôn Nguyễn Chí Hiếu cho biết, thời gian qua, chính sách cho lao động vay đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài đã mang lại hiệu quả; giúp nhiều người lao động có việc làm ổn định, thoát nghèo, vươn lên khá giả. Trong thời gian tới, địa phương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, chuyển tải các chính sách đến cơ sở để người lao động tiếp cận và tích cực tham gia.
Tại huyện Vũng Liêm, những năm qua, địa phương đã chú trọng thực hiện công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, qua đó người dân thêm hiểu và đồng thuận. Từ năm 2021-2023, toàn huyện có 519 người lao động tham gia, trong đó 73 người lao động đăng ký vay vốn theo Nghị quyết số 18 của Hội đồng nhân dân tỉnh.
Ông Huỳnh Hữu Thái, Chủ tịch UBND xã Trung Hiếu, huyện Vũng Liêm cho biết, trong hơn 3 năm qua, toàn xã có hơn 30 lao động tham gia làm việc ở nước ngoài, các trường hợp đều được hướng dẫn vay vốn kịp thời để có kinh phí thực hiện các thủ tục. Sau khi tham gia vào thị trường lao động ở nước ngoài, nhiều thanh niên đã tích cực làm việc, tích góp và gửi tiền về giúp gia đình trang trải cuộc sống, nhờ đó từ những gia đình khó khăn, nhiều hộ đã vươn lên khá giàu.
Phát huy chính sách, tạo đà bứt phá
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Vĩnh Long, từ năm 2021 - 2023, toàn tỉnh có gần 4.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; trong đó, có 598 lao động vay vốn đi làm việc ở nước ngoài với số tiền hơn 41 tỷ đồng.
Bà Huỳnh Thị Mỹ Hà, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh cho biết, việc thực hiện các chính sách về đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng vừa tạo điều kiện để người lao động học tập, trang bị thêm chuyên môn kỹ thuật, ngoại ngữ, tác phong công nghiệp, kỹ luật lao động, vừa đóng góp tích cực trong giải quyết việc làm, nâng thu nhập, tạo động lực để giảm nghèo bền vững. Đặc biệt, việc triển khai chính sách về cho vay vốn tạo tiền đề và động lực cho người dân tham gia hoạt động này, góp phần tăng số người có đủ điều kiện tham gia làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động qua từng năm.
Tuy nhiên, qua khảo sát cho thấy người lao động thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân tộc thiểu số (thuộc diện ưu tiên trong Nghị quyết 18) tham gia chính sách vay vốn đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng hiện còn hạn chế, do nhu cầu và số lượng người trong độ tuổi thuộc diện ưu tiên ít, trình độ học và tay nghề chưa đảm bảo. Mặt khác, một bộ phận người lao động, nhất là người lao động thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chỉ có 1-2 con, không muốn người thân đi làm xa, nên chưa mạnh dạn tham gia.
Với mục tiêu đạt 1.700 lao động tham gia làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trong năm 2024, tỉnh Vĩnh Long đang tập trung thực hiện nhiều giải pháp tuyên truyền và triển khai các chính sách hỗ trợ về vốn vay, làm thủ tục, về kiến thức ngoại ngữ và kỹ năng nghề cho người lao động.
Thời gian tới, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đẩy mạnh phối hợp với các địa phương, tăng cường công tác tuyên truyền để người dân nắm được chủ trương, chính sách liên quan. Sở chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tổ chức các phiên chợ, ngày hội việc làm đến tận cơ sở; phối hợp các địa phương tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, công ty có chức năng đưa lao động đi nước ngoài tham gia, qua đó tăng cường công tác tuyên truyền, trực tiếp tư vấn, giải đáp thắc mắc và hướng dẫn người lao động có nhu cầu.
Bà Huỳnh Thị Mỹ Hà cho biết thêm, hiện nay, người lao động tham gia làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng có cơ hội được hưởng các chính sách ưu đãi của Trung ương và địa phương. Trong thời gian tới, ngành phối hợp với các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền và triển khai các chính sách này, giúp người lao động tiếp cận để có điều kiện tham gia làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Ngành tích cực rà soát lại nhu cầu của các đối tượng thuộc diện ưu tiên trong Nghị quyết 18 để có kế hoạch tuyên truyền, hỗ trợ phù hợp, để chính sách phát huy hiệu quả.
Song song đó, ngành chỉ đạo các đơn vị chuyên môn mở những lớp đào tạo ngoại ngữ, đào tạo nghề để người lao động tham gia và có đủ kỹ năng đáp ứng được yêu cầu về năng lực tham gia làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Ngành phối hợp các doanh nghiệp lựa chọn đơn đặt hàng phù hợp, tuyển chọn nguồn lao động dồi dào, có chất lượng cho những năm tiếp theo, mở đường cho công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài trở thành “chìa khóa” giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động ở địa phương, góp phần giảm nghèo bền vững./.
Lê Thúy Hằng/TTXVN