Các công tố viên cho biết những hành động như vậy nằm trong số các biện pháp khắc phục khả thi mà họ có thể đề xuất trong vụ kiện mang tính bước ngoặt, có khả năng định hình lại cách người Mỹ tìm kiếm thông tin trên Internet. Trước đó, Google nhận phán quyết của tòa án với cáo buộc rằng công ty này, vốn kiểm soát 90% thị trường tìm kiếm trực tuyến của Mỹ, đã xây dựng thế độc quyền bất hợp pháp.
Từ nay đến ngày 20/11, Bộ Tư pháp Mỹ dự kiến sẽ nộp đề xuất chi tiết hơn lên tòa án. Google sẽ có cơ hội đưa ra các biện pháp khắc phục riêng từ nay đến ngày 20/12.
Trước đó, ngày 5/8, Thẩm phán Amit Mehta ở Washington đã ra phán quyết khẳng định Google đã vi phạm luật chống độc quyền khi chi hàng chục tỷ USD để xây dựng thế độc quyền bất hợp pháp và trở thành công cụ tìm kiếm mặc định trên toàn cầu. Đây là chiến thắng quan trọng đầu tiên của chính quyền liên bang nhằm vào sự thống trị thị trường của các "ông lớn" công nghệ (Big Tech).
Phán quyết trên mở đường cho phiên tòa thứ hai nhằm xác định các biện pháp khắc phục vi phạm, có khả năng bao gồm cả việc chia tách công ty mẹ Alphabet của Google - điều này sẽ thay đổi hoàn toàn bức tranh của thế giới quảng cáo trực tuyến mà Google đã thống trị trong nhiều năm. Giai đoạn "khắc phục" có thể kéo dài, với việc Google có kế hoạch kháng cáo lên Tòa phúc thẩm thủ đô Washington và Tòa án Tối cao Mỹ.
Google khẳng định công cụ tìm kiếm của mình giành được người dùng thông qua chất lượng dịch vụ. Ngoài ra, Google cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh mạnh mẽ từ Amazon và các trang web khác, nơi người dùng trực tiếp tìm kiếm hàng hóa, dịch vụ và có thể chọn các nền tảng khác làm công cụ tìm kiếm mặc định.
Chủ tịch kiêm đồng Giám đốc điều hành của công ty quảng cáo tìm kiếm adMarketplace, ông Adam Epstein, đánh giá việc yêu cầu Google bán một phần doanh nghiệp của mình có thể là cách hiệu quả để thực thi các biện pháp khắc phục mềm mỏng hơn./.