Năm 2023, toàn quốc đã xảy ra 09 vụ cướp và 24 vụ cướp giật tại tiệm vàng; 17 vụ cướp và 06 vụ cướp giật tại cơ sở kinh doanh dịch vụ tiện ích. Gần đây, tội phạm này gia tăng về số vụ, tính chất ngày càng manh động, liều lĩnh gây bức xúc dư luận. Về nguyên nhân, điều kiện nảy sinh tội phạm: Phần lớn các đối tượng phạm tội thường nợ nần, quẫn bách về tài chính, thiếu tiền tiêu xài cá nhân, ham mê cờ bạc muốn có một khoản tiền lớn nhưng thất nghiệp hoặc việc làm không ổn định, làm ăn thua lỗ nên nảy sinh ý định phạm tội.
Hầu hết các đối tượng phạm tội lần đầu, một số đối tượng có tiền án, tiền sự, ngáo đá, tham gia các tệ nạn xã hội như cờ bạc, ma túy… Một số đối tượng có đặc điểm tâm lý lệch chuẩn, suy nghĩ bột phát, thậm chí thiếu ý thức chấp hành pháp luật, sẵn sàng thực hiện hành vi cướp tài sản để thỏa mãn các nhu cầu tiêu xài cá nhân.
Nguyên nhân về phía ngân hàng và các cơ sở kinh doanh thường không thực hiện đầy đủ các khuyến cáo về công tác phòng ngừa tội phạm hoặc ít kinh nghiệm, kỹ năng trong nhận biết, xử lý tình huống; Chưa trang bị đầy đủ hoặc chưa đảm bảo hoạt động các thiết bị kỹ thuật, công cụ hỗ trợ phòng chống tội phạm; Quầy giao dịch thường gần đường giao thông, chưa ban hành hoặc không thực hiện đầy đủ quy định về việc kiểm tra, phân loại khách hàng trước khi vào khu vực giao dịch, mất cảnh giác, không thực hiện đầy đủ các khuyến cáo về đảm bảo an ninh; Phương án xử lý tình huống cướp tài sản tại phòng giao dịch, tiệm vàng không có hoặc không diễn tập, lực lượng bảo vệ không đảm bảo sức khỏe và kỹ năng xử lý tình huống, kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ.
Khi bị đối tượng đe dọa, nhân viên và lực lượng bảo vệ thường mất bình tĩnh, hoảng sợ, chưa làm tròn trách nhiệm bảo vệ sự an toàn cho ngân hàng, nhân viên và khách hàng, phản ứng chưa tương xứng với tính chất sự việc. Qua thống kê cho thấy có 21 vụ nhân viên bảo vệ không hành động, 09 vụ bảo vệ có hành động bấm chuông báo động hoặc báo ngay Công an (trong đó 03 vụ đối tượng bị lực lượng Công an bắt giữ tại hiện trường)…
Để phòng ngừa, ngăn chặn các vụ cướp liên quan đến các ngân hàng, cơ sở kinh doanh, Công an thành phố đề nghị đẩy mạnh các biện pháp phòng ngừa, trước hết các chủ cơ sở kinh doanh chủ động lắp đặt, mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng hệ thống camera, phục vụ công tác đảm bảo an ninh, trật tự, kiểm soát địa bàn… Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần chỉ đạo hệ thống ngân hàng và các tổ chức tín dụng phối hợp với Bộ Công an nghiên cứu xây dựng phương án, giải pháp chiến lược tổng thể để phòng ngừa tội phạm ngân hàng; tổ chức tuyên truyền nâng cao ý thức cảnh giác cho nhân viên và lực lượng bảo vệ của hệ thống ngân hàng, các tổ chức tín dụng.
Các ngân hàng, cơ sở kinh doanh cần tổ chức tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng phòng vệ cho nhân viên và lực lượng bảo vệ sử dụng thành thạo công cụ hỗ trợ, kỹ năng phát hiện, đánh giá các tình huống xử lý khi xảy ra để áp dụng các biện pháp phù hợp. Cung cấp số điện thoại, đường dây nóng, kết nối hệ thống cảnh báo, báo động sớm, kết nối tín cảnh báo khẩn cấp từ các chi nhánh, phòng giao dịch ngân hàng đến cơ quan Công an gần nhất. Thường xuyên tổ chức kiểm tra, rà soát công tác phòng ngừa tội phạm tại các chi nhánh, phòng giao dịch của các ngân hàng, phát hiện, khắc phục những hạn chế, thiếu sót để tội phạm liên quan đến ngân hàng không có điều kiện hoạt động.
Kịp thời phối hợp với lực lượng Công an cơ sở để giải quyết, xử lý các tình huống đáng ngờ ngay từ sớm trước khi xảy ra các vụ án. Công an các đơn vị, địa phương chủ động phối hợp tổ chức tuyên truyền, bồi dưỡng kỹ năng phát hiện, xử lý tình huống cho chủ cơ sở, nhân viên, lực lượng bảo vệ; phát hiện, tư vấn khắc phục những sơ hở trong quy chế, quy trình công tác liên quan đến quản lý tài sản, giao dịch với khách hàng; đẩy mạnh xã hội hóa mô hình “camera an ninh”; vận động các cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh, quần chúng nhân dân lắp đặt camera an ninh và chia sẻ dữ liệu hỗ trợ công tác phòng chống tội phạm.… nhằm nâng cao ý thức cảnh giác, chấp hành pháp luật của người dân trong công tác đấu tranh với tội phạm cướp ngân hàng.
Tăng cường công tác đấu tranh, trấn áp tội phạm, quản lý đối tượng, nhất là các đối tượng “nguy cơ cao” gây án như quẫn bách tài chính, đang nợ nần, làm ăn thua lỗ, vay nặng lãi, thất nghiệp, tham gia tệ nạn xã hội, nghiện ma túy… gắn với đấu tranh, xử lý tội phạm và vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ để ngăn chặn nguồn vũ khí gây án; Tổ chức tập huấn và diễn tập thực địa phương án về xử lý, giải quyết một số tình huống cấp bách, phức tạp khi xảy ra vụ án đặc biệt nghiêm trọng xâm phạm trật tự xã hội phù hợp với đặc điểm, quy mô, điều kiện tại từng địa phương./.