Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính cứ 100 trẻ em trên toàn thế giới thì có khoảng 1 trẻ mắc chứng tự kỷ. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 1/4 trẻ tự kỷ được chẩn đoán trước 3 tuổi. Phát hiện sớm, can thiệp hành vi sớm và giáo dục có thể cải thiện đáng kể các chức năng xã hội và nhận thức của trẻ tự kỷ.
Nhóm nghiên cứu từ Học viện Y dược Karolinska của Thụy Điển đã đăng tải một bài viết trên Tạp chí y khoa của Hiệp hội Y khoa Mỹ JAMA Network Open, cho rằng dữ liệu học máy của họ đến từ một nghiên cứu ở Mỹ, họ tuyển dụng khoảng 50.000 người tự kỷ và các thành viên gia đình của họ, trong đó có thông tin về 15.330 trẻ em được chẩn đoán mắc chứng tự kỷ và 15.330 trẻ em không mắc, bao gồm các nhóm tuổi, chủng tộc và giới tính khác nhau.
Dựa trên nền tảng y tế do cha mẹ cung cấp và bảng câu hỏi được điền đầy đủ, nhóm nghiên cứu đã rút ra 28 chỉ số có thể dễ dàng có được trước khi trẻ 2 tuổi, chẳng hạn như thời điểm trẻ lần đầu tiên nở nụ cười...
Dựa trên những dữ liệu này, nhóm nghiên cứu đã xây dựng và huấn luyện các mô hình máy học lớn để tìm kiếm các mẫu kết hợp khác nhau của các đặc điểm này và mối quan hệ đặc trưng của chúng trong dữ liệu quy mô lớn bao gồm trẻ tự kỷ và trẻ không tự kỷ, đồng thời chọn mô hình có hiệu suất tốt nhất trong số đó và tiến hành thử nghiệm dữ liệu sâu hơn.
Mô hình AI này đã sàng lọc khoảng 10.000 người tham gia về bệnh tự kỷ. Kết quả kiểm tra cho thấy độ chính xác nhận dạng của mô hình là 78,9%, trong đó độ chính xác đối với trẻ dưới 2 tuổi là 78,5%, trẻ từ 2-4 tuổi là 84,2% và trẻ từ 4-10 tuổi là 79,2%. Tuy nhiên, khi sàng lọc một nhóm người tham gia khác, độ chính xác chỉ đạt 68%.
Nhóm nghiên cứu cho biết, mô hình này vẫn cần được tối ưu hóa hơn nữa và cũng sẽ xem xét sử dụng các công nghệ như theo dõi mắt trong tương lai. Đây không phải là lần đầu tiên các nhà nghiên cứu thử nghiệm sử dụng AI để sàng lọc sớm bệnh tự kỷ. Trước đây đã có những nghiên cứu liên quan kết hợp công nghệ AI với quét võng mạc của trẻ em để nhận dạng./.
Công Tuyên