Khu vực chợ Phúc Khánh tập trung rất đông dân cư sinh sống, thuộc 2 thôn giáp ranh là Đồng Mòng 1 và Cầu Cóc của xã Phúc Khánh, nằm bên bờ sông Chảy. Người dân chủ yếu là các hộ kinh doanh loại hình cửa hàng tạp hóa, đồ điện tử, điện gia dụng, công cụ hỗ trợ…
Chị Trần Thanh Tiến, thôn Đồng Mòng 1, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, Lào Cai kinh doanh cửa hàng thiết bị điện nước tại chợ Phúc Khánh chia sẻ, lũ trên sông Chảy bắt đầu dâng cao từ đêm 9/9, đỉnh điểm nước dâng cao lên chạm nóc nhà (khoảng hơn 3 mét) nên gia đình chị không thể kịp di chuyển tài sản, đồ đạc trong cửa hàng và phải chạy lên điểm cao để tránh lũ. Nhờ sự giúp đỡ của các lực lượng hỗ trợ, gia đình chị và người dân nơi đây hết sức ghi nhận và chỉ biết nói lời cảm ơn. Chị Tiến nghẹn ngào chia sẻ: “Dù bị thiệt hại về kinh tế cũng rất đau xót, nhưng so với những gì bà con trong thôn Làng Nủ phải gánh chịu thì cũng chẳng đáng là gì”.
“Nếu nói bao giờ mình có thể khắc phục xong để trở lại kinh doanh, tôi cũng chẳng biết phải đến khi nào. Thôi thì cứ cố gắng mỗi ngày mình đi làm để gây dựng lại từ đầu. Bao nhiêu năm gom góp được chút tài sản mở cửa hàng kinh doanh, nhưng chỉ một cơn bão lại mất hết”, chị Tiến chua xót nói.
Anh Lương Trung Kiên là một hộ kinh doanh khác tại chợ Phúc Khánh chia sẻ, khi thấy nước lũ dâng nhanh, anh và gia đình cũng không kịp di chuyển tài sản ra khỏi cửa hàng và buộc phải chạy lên chỗ cao để đảm bảo an toàn. “Nếu tính cả tài sản và xe của gia đình bị nước cuốn đi là vào khoảng 2,5 tỉ đồng, bây giờ mình lại coi như trắng tay”.
Trung tá Lương Vĩnh Phúc, Phó Chính ủy Trung đoàn 98, Sư đoàn 316 (Quân khu 2) cho biết, được Quân khu giao nhiệm vụ, 300 cán bộ, chiến sĩ tập trung vào tìm kiếm cứu nạn ở khu vực thôn Làng Nủ. Tuy nhiên, căn cứ vào yêu cầu thực tế của địa phương, Quân khu đã điều một phần lực lượng ra giúp 2 thôn Cầu Cóc và Đồng Mòng 1, xã Phúc Khánh để giúp đỡ các hộ gia đình chịu thiệt hại nặng do mưa lũ, giúp người dân nhanh chóng ổn định cuộc sống. Sau khi khảo sát, lực lượng hỗ trợ sẽ bố trí chiến sĩ giúp người dân cào bùn từ trong nhà ra ngoài, tập kết rác và bùn đất ở cửa để các phương tiện cơ giới thu gom. Tuy nhiên, thực tế triển khai hoạt động hỗ trợ cho thấy lượng bùn đất tích tụ, lắng đọng trong nhà người dân rất lớn. Đơn vị rất cần các máy bơm phun, làm vỡ kết cấu bùn đất, tăng hiệu quả công tác dọn, rửa tại các hộ dân./.
Nam Sương