Ông Dương Văn Sơn, Chủ tịch HĐQT HTX dịch vụ nông nghiệp Giồng Tượng sở hữu 10ha đất trồng lúa Nhật, thu hoạch hơn 140 tấn lúa/năm. Ảnh: Văn Sĩ - TTXVN

*Làm giàu từ ruộng lúa

Là một trong những nông dân sản xuất kinh doanh giỏi tiêu biểu ở xã vùng biên Vĩnh Phú (giáp ranh biên giới Campuchia), huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang, ông Dương Văn Sơn được chính quyền địa phương, nông dân trong và ngoài xã quý mến vì có uy tín khi làm dịch vụ nông nghiệp gần chục năm qua. Ông Sơn đã gắn bó với nghề trồng lúa từ lúc thanh niên ở cùng với cha mẹ. Sau khi lập gia đình, ông tiếp tục gắn bó với nghề cho đến nay. Trước đây, vợ chồng ông chỉ có hơn 1,5 ha đất. Sau hơn 20 năm vừa làm vừa tích lũy, giờ đây gia đình ông sở hữu gần 11 ha đất ruộng.

Từ năm 2010 trở về trước, do vùng đất xã Vĩnh Phú nói riêng, huyện Giang Thành nói chung đa phần bị nhiễm phèn, nhiễm mặn nên sản xuất lúa hiệu quả rất kém, năng suất chỉ khoảng 2 tấn/ha. Từ năm 2011 đến nay, vùng đất này bắt đầu chuyển mình nhờ đẩy mạnh công tác thủy lợi, thủy nông nội đồng, nạo vét thêm các tuyến kênh, rạch và đưa cơ giới hóa vào cải tạo đất.

Hiện tại vùng đất xã Vĩnh Phú sản xuất lúa 2 vụ/năm gồm vụ lúa Đông Xuân và vụ Hè Thu. Trong đó, vụ Đông Xuân năng suất thường đạt cao hơn với mức trung bình từ 8,5-9 tấn/ha, còn vụ Hè Thu từ 6-6,5 tấn/ha.

Ông Sơn cho hay, với gần 11 ha đất trồng lúa 2 vụ/năm, mỗi năm gia đình thu hoạch hơn 150 tấn lúa, thu nhập khoảng 1,2 tỷ đồng và sau khi trừ chi phí, lợi nhuận khoảng 400 triệu đồng. Bên cạnh trồng lúa, ông Sơn còn mua máy cày, máy xới làm dịch vụ nông nghiệp cho nông dân địa phương. Đến năm 2020, ông Sơn đứng ra vận động thành lập Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp - nông dân Giồng Tượng và được bầu làm Chủ tịch Hội đồng quản trị.

Ông Nguyễn Văn Suốt (áo vàng), nông dân sản xuất kinh doanh giỏi huyện Giang Thành, sở hữu 20ha đất trồng lúa 2 vụ/năm, có 2 xà lan làm dịch vụ vận chuyện lúa, xi măng cho thu nhập khoảng 2,7 tỷ đồng/năm. Ảnh: Văn Sĩ - TTXVN

 Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp - nông dân Giồng Tượng hiện có 45 thành viên. Bên cạnh phục vụ cày, xới, bơm tát, thu hoạch lúa, bón phân, phun thuốc cho 217 ha của các thành viên, Hợp tác xã còn cung cấp dịch vụ cho khoảng 150 hộ nông dân địa phương với diện tích sản xuất hơn 500 ha. "Khi tham gia Hợp tác xã, sản xuất lúa được thuận lợi, vừa tiết kiệm chi phí vừa giúp đạt năng suất khá cao, tăng lợi nhuận. Không chỉ trong các thành viên mà còn nhiều nông dân khác trong xã đều vươn lên làm giàu”, ông Sơn phấn khởi nói.

Nổi tiếng là một người nhạy bén trong sản xuất, kinh doanh và tích cực đóng góp ủng hộ cho địa phương, ông Nguyễn Văn Suốt, 61 tuổi, ở xã Vĩnh Phú, huyện Giang Thành hiện đang sở hữu hơn 20 ha đất trồng lúa và 2 chiếc sà lan làm dịch vụ vận chuyển xi măng, vận chuyển lúa gạo ở một số tỉnh miền Tây như: An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ, Hậu Giang…

Ông Suốt chia sẻ, khoảng những năm 1985-1990, gia đình ông có gần 2 ha đất ruộng nhưng do năng suất và giá lúa thời điểm đó rất thấp, khó giúp nông dân làm giàu từ đồng ruộng. Vì vậy, vợ chồng ông quyết định cho thuê ruộng và đầu tư sà lan để thu mua lúa của nông dân và bán lại cho các doanh nghiệp chế biến gạo xuất khẩu. Trong khoảng thời gian này, ông Suốt tích lũy tiền mua đất ruộng để cho thuê và đến năm 2018, gia đình có hơn 20 ha. Từ năm 2020, nhận thấy giá lúa khá cao và máy móc, thiết bị công nghệ phục vụ cho sản xuất lúa khá thuận tiện, không phải tốn nhiều nhân công nên gia đình ông ngừng việc cho thuê đất ruộng để trực tiếp tham gia sản xuất cho đến nay.

Ông Suốt cũng cho hay, với 20 ha đất ruộng sản xuất 2 vụ lúa/năm, thu về sản lượng khoảng 310 tấn lúa, thu nhập khoảng 2,3 tỷ đồng. Trừ chi phí, lợi nhuận ông thu về khoảng 700 triệu đồng/năm. Ngoài ra, còn khoản lợi nhuận từ dịch vụ vận chuyển của 2 chiếc sà lan khoảng 400 triệu đồng mỗi năm.

“Nhờ có máy móc và các thiết bị bón phân, phun thuốc, gia đình tôi mới có thể làm được hơn 170 công đất ruộng chứ như xưa kia thì không thể làm nổi. Với giá lúa ổn định 7.000-.8.000 đồng/kg và Nhà nước kiềm chế tốt giá cả vật tư nông nghiệp, tôi cho rằng, trong vài năm nữa người trồng lúa sẽ vươn lên khá, giàu. Kinh tế - xã hội vùng nông thôn cũng sẽ phát triển hơn. Riêng gia đình tôi những năm qua thu nhập khá cao nên luôn sẵn sàng đóng góp cùng địa phương làm cầu, đường giao thông và các nguồn quỹ an sinh xã hội để cùng góp phần xây dựng quê hương, đất nước”, ông Suốt nói.

Ông Dương Văn Sơn (áo phông), Chủ tịch HĐQT HTX dịch vụ nông nghiệp Giồng Tượng, thăm đồng lúa Nhật cùng lãnh đạo UBND xã Vĩnh Phú. Ảnh: Văn Sĩ - TTXVN

* Chính sách hỗ trợ kịp thời

Theo Hội Nông dân tỉnh Kiên Giang, phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi của tỉnh phát triển ngày càng sâu, rộng, đạt chất lượng, hiệu quả, có nhiều chuyển biến tích cực, tạo sức lan tỏa lớn. Từ đó góp phần thực hiện tốt chủ trương phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Trong năm 2023, toàn tỉnh có gần 78.000 hộ đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Trong đó, có hơn 10.000 hộ đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh, cấp huyện và có hơn 2.000 hộ nông dân thoát nghèo. Trong 9 tháng của năm 2024, toàn tỉnh có hơn 100.000 hộ đăng ký đạt danh hiệu nông dân sản xuất giỏi các cấp.

Ông Lâm Quốc Toàn, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Kiên Giang cho biết, thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi đã góp phần khơi dậy khối đoàn kết, tương thân, tương ái giúp đỡ nhau trong mỗi hội viên, nông dân làm giàu chính đáng, giảm nghèo bền vững, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển và xây dựng nông thôn mới.

Để giúp nông dân sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả, hằng năm, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh tăng cường phối hợp tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học công nghệ, mở các lớp dạy nghề nông nghiệp; phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội cho hàng trăm nghìn hộ nông dân vay vốn phát triển kinh tế, kịp thời giải ngân vốn từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân, Quỹ Quốc gia Hỗ trợ việc làm cho nông dân.
Hội Nông dân tăng cường vận động, khuyến khích hội viên nông dân thành lập các loại hình hoạt động phù hợp để trao đổi việc sản xuất, kinh doanh, liên kết trong sản xuất, giao thương, như: Hội quán nông dân, Câu lạc bộ nông dân tỷ phú, Câu lạc bộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi… Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động tư vấn, vận động các hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp, định hướng phát triển từng giai đoạn, từng năm về quy mô sản xuất, ngành nghề hoạt động, mở rộng đối tượng tham gia.
Hội khuyến khích nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi tham gia hướng dẫn, hỗ trợ các hộ nông dân khác sản xuất, kinh doanh, nhất là đối với các hộ ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; xây dựng, nâng cao chất lượng hoạt động của tổ hợp tác và hợp tác xã, xây dựng nông thôn mới và công nghiệp hóa, đô thị hóa nông thôn.
“Cùng với đó, chúng tôi triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ chuyển đổi số, chuyển giao khoa học, công nghệ cho hội viên nông dân là thành viên tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp; hỗ trợ nông dân tham gia hội chợ triển lãm, xúc tiến thương mại, kết nối doanh nghiệp hỗ trợ cung ứng vật tư nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật theo hình thức trả chậm và bao tiêu đầu ra sản phẩm… giúp nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh một cách bền vững”, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Kiên Giang Lâm Quốc Toàn nhấn mạnh./.
 
Văn Sĩ