Chưa có quốc gia nào coi COVID-19 là bệnh lưu hành

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ chiều hôm qua, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết trên thế giới chưa có quốc gia nào coi COVID-19 là bệnh lưu hành, nhưng có một số nước nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch, không bắt buộc cách ly đối với người tiếp xúc gần hoặc không đeo khẩu trang nơi công cộng, như ở Anh, Đan Mạch, Thuỵ Điển.

Một số nước thông báo dần dần coi COVID-19 trở thành bệnh lưu hành như Thái Lan, Australia, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha. Các nước này căn cứ trên cơ sở chỉ số tử vong thấp, hoặc tỉ lệ bệnh nặng phải nhập viện và đặc biệt là độ bao phủ vaccine cao.

Ở nước ta, dịch bệnh đang được kiểm soát rất tốt. Tuy nhiên theo đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới, toàn cầu vẫn đang trong giai đoạn đại dịch và cảnh báo vẫn có thể xuất hiện các biến chủng mới.
Căn cứ Nghị quyết 128 của Chính phủ đã ban hành chương trình phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Y tế đang xây dựng phương án ứng phó để có biện pháp phòng, chống dịch phù hợp như điều chỉnh định nghĩa giữa các ca bệnh, hướng dẫn biện pháp cách ly với người tiếp xúc gần, Bộ cũng đã có hướng dẫn tạm dừng không áp dụng khai báo y tế tại các cửa khẩu, đặc biệt là cửa khẩu hàng không.

Cả nước còn 594 bệnh nhân COVID-19 nặng đang điều trị

Thống kê của Bộ Y tế ngày 29/4, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 6.068 ca nhiễm mới đều trong nước  (giảm 1.048 ca so với ngày trước đó) tại 59 tỉnh, thành phố (có 4.592 ca trong cộng đồng). Đây là ngày có số ca mắc mới COVID-19 thấp nhất trong gần 10 tháng qua. Cũng trong hôm qua, Hà Nội lần đầu ghi nhận ca mắc dưới 900 (có 843 ca) sau nhiều tháng số F0 luôn ở vị trí nhiều nhất cả nước.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 10.644.700 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 104/227quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 107.597 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay): Số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 10.636.951 ca. Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: Hà Nội (1.585.297), TP. Hồ Chí Minh (608.337), Nghệ An (481.271), Bắc Giang (385.156), Bình Dương (383.380).

Tổng số người mắc COVID-19 ở nước ta đã khỏi: 9.245.528 ca. Hiện nay đang điều trị, giám sát 1.356.135 trường hợp, trong đó có 594 trường hợp nặng đang điều trị, trong đó: Thở ô xy qua mặt nạ: 462; Thở ô xy dòng cao HFNC: 62; Thở máy không xâm lấn: 15; Thở máy xâm lấn: 53; ECMO: 1

Số tử vong do COVID-19 trong ngày 29/4 (1 ca) là mức thấp nhất trong vòng 8 tháng nay. Trung bình số tử vong ghi nhận trong 07 ngày qua: 6 ca. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.038 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.

Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/227 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 130/227 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 25/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).

TP HCM: Những số điện thoại phụ huynh cần biết khi trẻ gặp phải các vấn đề về tâm lý

 Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM cho biết, Thành phố triển khai kênh tiếp nhận tư vấn khủng hoảng tâm lý cho học sinh tại 3 bệnh viện chuyên khoa nhi của thành phố.    

Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM cho rằng, việc triển khai kênh tiếp nhận tư vấn tâm lý cho học sinh nhằm đồng hành, hỗ trợ học sinh vượt qua khủng hoảng tâm lý. Theo đó, khi học sinh gặp các vấn đề về tâm lý, phụ huynh có thể gọi vào các số tổng đài sau để được hỗ trợ. 

Cụ thể, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố có số tổng đài 19001217; Bệnh viện Nhi đồng 2 có số tổng đài 028.221.271.71; còn tại Bệnh viện Nhi đồng 1 sẽ khám trực tiếp vào ngày thứ 5 hàng tuần, thời gian từ 13 giờ đến 16 giờ hoặc miễn phí từ xa thông qua gọi, nhắn tin qua kênh Zalo 0909.759.621.

Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM việc chuẩn bị hành trang cần thiết để các em có đủ bản lĩnh, vượt qua những điều không may là bước quan trọng để giúp học sinh trưởng thành khỏe mạnh.