Đây là chuyến thăm đầu tiên của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đến UAE và Qatar sau 15 năm và là chuyến thăm thứ hai trong vòng một năm của người đứng đầu Chính phủ nước ta tới Saudi Arabia. Gần đây nhất, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã có chuyến thăm tới Saudi Arabia từ ngày 18 đến 20-10-2023. Chuyến thăm tới 3 nước Trung Đông lần này của Thủ tướng Chính phủ góp phần triển khai đường lối đối ngoại của Đảng và Đề án “Phát triển quan hệ giữa Việt Nam và các nước Trung Đông-châu Phi giai đoạn 2016-2025”; thể hiện sự coi trọng và mong muốn phát triển quan hệ với các đối tác quan trọng tại Trung Đông, mở ra giai đoạn hợp tác mới giữa Việt Nam và UAE, Qatar và Saudi Arabia.
Chuyến thăm được kỳ vọng tạo đột phá trong thu hút đầu tư của các nước vào Việt Nam, thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực mới, đồng thời mở cửa cho hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam tiếp cận các thị trường vùng Vịnh giàu tiềm năng. UAE, Qatar và Saudi Arabia có vị thế là các cường quốc kinh tế và năng lượng tại Trung Đông, có tình hình chính trị-xã hội ổn định và có vai trò, ảnh hưởng quan trọng tại khu vực. UAE là quốc gia sở hữu nhiều quỹ đầu tư FDI có quy mô lớn nhất thế giới. Qatar là một trong những nước có thu nhập bình quân đầu người cao nhất thế giới, trung tâm tài chính-thương mại hàng đầu ở Trung Đông và cũng là quốc gia xuất khẩu khí hóa lỏng (LNG) lớn nhất thế giới. Saudi Arabia là quốc gia có ảnh hưởng quan trọng trong thế giới Hồi giáo, các nước Arab và các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), đồng thời là nước đứng đầu thế giới về xuất khẩu dầu mỏ.
Những năm gần đây, UAE tích cực triển khai chính sách "hướng Đông", coi trọng quan hệ với các nước châu Á, trong đó có Việt Nam. Qatar đang thúc đẩy mục tiêu trở thành nước phát triển với hạ tầng xã hội tiên tiến, chất lượng sống cao thông qua việc thực hiện 4 trụ cột chính sách về kinh tế-xã hội, con người và môi trường; đẩy nhanh đa dạng hóa nền kinh tế, đưa Qatar trở thành điểm đến quan trọng của các nhà đầu tư. Saudi Arabia đang chú trọng đầu tư vào kinh tế xanh, chuyển đổi số, sáng tạo đổi mới và có nhu cầu cao về những chuyên gia trong ngành nghề này.
Có thể thấy Việt Nam và UAE, Qatar và Saudi Arabia có nhiều điểm tương đồng về chiến lược phát triển kinh tế-xã hội cũng như chia sẻ tầm nhìn chung về các mục tiêu phát triển. Với tiềm lực của 3 cường quốc khu vực, tiềm năng của Việt Nam, Việt Nam và các nước có rất nhiều dư địa để thúc đẩy hợp tác nhiều mặt, nhất là trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư. Đặc biệt, việc Việt Nam ban hành Đề án “Tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam đến năm 2030”, đề án đầu tiên đưa ra các định hướng lớn mang tầm quốc gia nhằm khai mở thị trường Halal giàu tiềm năng, càng tạo thêm nhiều cơ hội thúc đẩy hợp tác với các nước Trung Đông-châu Phi, trong đó UAE, Qatar và Saudi Arabia là những đối tác và thị trường ưu tiên của Việt Nam về Halal.
Chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa Việt Nam với 3 nước đều đang trên đà phát triển tốt đẹp, ngày càng khẳng định là những đối tác quan trọng và hàng đầu ở khu vực. Quan hệ hợp tác Việt Nam-UAE đạt nhiều kết quả thực chất và trở thành những đối tác quan trọng ở khu vực. UAE là quốc gia đầu tiên tại khu vực Trung Đông-châu Phi mà Việt Nam thảo luận về việc nâng quan hệ lên tầm cao mới. UAE cũng là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Trung Đông-châu Phi. Vào tháng 6 năm ngoái, hai nước đã khởi động đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện (CEPA).
Quan hệ Việt Nam-Qatar cũng đạt được những bước tiến tích cực trong 30 năm qua.