Chú thích ảnh
Tòa nhà chính của Huawei tại khu sản xuất gần thành phố Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. 

Báo cáo công bố ngày 28/6 của Hiệp hội các công ty dược phẩm dựa trên nghiên cứu của Đức (VFA) cho thấy có tổng cộng 3,4 triệu đơn đăng ký bằng sáng chế đã được phê duyệt trên toàn thế giới vào năm 2022. Đây là một sự gia tăng đáng kể so với 635.000 đơn nộp trong năm 1980, trong đó chỉ có 44 đơn đăng ký đến từ Trung Quốc.

Báo cáo nhấn mạnh rằng Trung Quốc đóng góp phần lớn trong sự gia tăng gấp 5 lần tổng số đơn xin cấp bằng sáng chế trong 40 năm qua. Nhà kinh tế trưởng Claus Michelsen của VFA đánh giá: “Trung Quốc đang nổi lên như một trung tâm kinh doanh và đổi mới một cách nhanh chóng". Ông nhận định sự phát triển khoa học của Trung Quốc và những hoạt động cấp bằng sáng chế theo sau đó là “chưa từng có trong lịch sử kinh tế gần đây”.

Theo VFA, kể từ đầu thiên niên kỷ này, Trung Quốc đã xây dựng một hệ thống khoa học và đổi mới, thể hiện qua sự gia tăng đáng kể số lượng sinh viên cao đẳng hoặc đại học trong nước. Nếu ở năm 2000, số sinh viên cao đẳng hoặc đại học tại nước này là 7 triệu người thì trong năm 2022 đã tăng lên hơn 35 triệu người.

Hầu hết các đơn xin cấp bằng sáng chế của Trung Quốc từ năm 2018 đến năm 2022 đều dành cho máy tính, cảm biến, máy móc điện cũng như công nghệ kỹ thuật số. Trong khi đó, nước này cũng thể hiện tham vọng ngày càng tăng trong lĩnh vực dược phẩm và công nghệ sinh học thông qua các đơn xin cấp bằng sáng chế.

 

Ngoài số đơn đăng ký bằng sáng chế của Trung Quốc, 1,5 triệu đơn còn lại trong năm 2022 là từ 27 quốc gia khác, trong đó có Mỹ, Nhật Bản và các nước thuộc Liên minh châu Âu.

Theo VFA, châu Âu vẫn đang thống trị lĩnh vực ô tô và công nghệ y tế. Báo cáo của VFA cho rằng châu lục này cần đầu tư một cách chiến lược, đặc biệt vào các ngành công nghiệp công nghệ cao quan trọng.

Thanh Phương  (TTXVN)