Nhân dịp Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ XXIII vừa diễn ra, Cục Điện ảnh chủ trì tổ chức Hội thảo Một số vấn đề trọng tâm trong xây dựng công nghiệp điện ảnh Việt Nam, báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) thực hiện loạt bài viết gồm 3 kỳ về thực trạng công nghiệp điện ảnh Việt Nam, cũng như những giải pháp, hướng đi mới có thể thúc đẩy điện ảnh quốc nội phát triển trong thời kỳ công nghiệp số.
Thị trường điện ảnh tăng trưởng "nóng"
Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được Chính phủ ban hành năm 2016, chỉ tiêu đến năm 2020 ngành điện ảnh đạt khoảng 150 triệu USD. Nhưng thực tế, điện ảnh đã vượt chỉ tiêu năm 2020 từ năm 2018 (tổng doanh thu khoảng 155 triệu USD).
Ngược thời gian, trở lại những năm 2000, thị trường điện ảnh Việt Nam phát triển mạnh, trở thành 1 trong những thị trường điện ảnh tăng trưởng "nóng" trên thế giới.
Trong cuốn sách Phác thảo điện ảnh Việt Nam thời kỳ đổi mới và hội nhập, TS Ngô Phương Lan đưa ra số liệu thống kê của CJ CGV, năm 2009 Việt Nam có 87 phòng chiếu thương mại, doanh thu 302 tỷ đồng (tương đương khoảng 13 triệu USD). Chỉ 10 năm sau, vào năm vào năm 2019, số phòng chiếu lên tới 1.063 tại 204 cụm rạp, đạt doanh thu hơn 4.100 tỷ đồng (khoảng gần 178 triệu USD). Như vậy số rạp chiếu và doanh thu đều tăng hàng chục lần, sau 10 năm.
Hệ thống rạp chiếu ở Việt Nam phát triển bùng nổ là do các công ty nước ngoài đã đầu tư mạnh. CJ CGV và Lotte Cinema đầu tư vào hệ thống rạp chiếu ở khắp các tỉnh thành trên cả nước, chiếm hơn 70% số rạp chiếu. Doanh nghiệp Việt Nam chỉ chiếm khoảng 25%, trong đó có 2 đơn vị lớn nhất là Galaxy (Galaxy Cinema) và BHD (BHD Star Cineplex). Về rạp chiếu phim của nhà nước, hiện chỉ còn Trung tâm Chiếu phim quốc gia ở Hà Nội hoạt động tốt... Rạp tháng Tám, Kim Đồng... ở Hà Nội cũng còn, nhưng rất ít suất chiếu.
Dù thị trường phát triển nhanh chóng, nhưng thực tế, doanh thu chủ yếu từ phim nhập khẩu và nằm trong tay doanh nghiệp nước ngoài. Thị phần phim Việt chiếm khoảng 30%. Phim nước ngoài chiếm phần lớn, bởi sau khi ký kết Hiệp định Thương mại WTO, Việt Nam đã cam kết không quy định hạn ngạch phim nhập. Phim ngoại áp đảo phim Việt ở rạp chiếu với khoảng 30 - 40 phim Việt ra rạp mỗi năm, "so găng" với khoảng 200 phim ngoại nhập.
Trong lĩnh vực sản xuất, hiện tại có khoảng 500 doanh nghiệp Việt Nam được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phim. Tuy vậy, do gặp phải nhiều khó khăn về tài chính, nguồn nhân lực, kịch bản... chỉ có vài chục trong số này (chiếm khoảng 10%) tham gia vào quy trình sản xuất thực sự.
Diện mạo phim Việt
Phát biểu tại cuộc hội thảo về công nghiệp điện ảnh vừa diễn ra, ông Vi Kiến Thành (Cục trưởng Cục Điện ảnh) cho biết: "Một trong những mục tiêu quan trọng trong Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, là phát triển điện ảnh là ngành nghệ thuật, vừa là ngành kinh tế. Đặc biệt, từng bước xây dựng điện ảnh Việt Nam trở thành ngành công nghiệp văn hóa mũi nhọn, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thu hút khách du lịch và tạo vị thế của điện ảnh Việt Nam trong khu vực và quốc tế".
Cũng theo thống kê của Cục Điện ảnh, từ năm 2009 đến 2014, mỗi năm Việt Nam sản xuất 15 - 25 phim, chiếm khoảng 15% tổng số phim chiếu rạp, năm 2015 sản xuất phim đột biến tăng lên 42 phim; năm 2016 có 41 phim, 2017 và 2018 đều là 38 phim, còn 2019 là 41 phim. Giai đoạn dịch Covid-19 từ 2020 - 2022, nhiều dự án phim bị gián đoạn, nhưng cũng ghi dấu ấn những phim doanh thu trăm tỷ đồng, như Bố già (2021) với khoảng 400 tỷ đồng, Tiệc trăng máu (2020) gần 173 tỷ đồng..., theo số liệu của Box Office Vietnam.
Qua các con số trên có thể thấy, diện mạo điện ảnh Việt Nam chủ yếu thể hiện ở dòng phim do tư nhân đầu tư sản xuất, còn dấu ấn dòng phim "nhà nước đặt hàng" thì khá mờ nhạt trên "thị trường điện ảnh" và khó khăn trong khâu phát hành ở rạp chiếu.
Cho tới nay, phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (2015, đạo diễn Victor Vũ) vẫn là một "hiện tượng" đặc biệt, gần như duy nhất, khi lần đầu tiên hãng phim tư nhân nhận kinh phí của nhà nước để sản xuất phim cùng với số kinh phí mà hãng tự huy động. Được chuyển thể từ tác phẩm văn học nổi tiếng của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh mang về doanh thu khoảng 70 tỷ đồng và hiện vẫn là "thương hiệu" để tỉnh Phú Yên thu hút khách du lịch tới tham quan. Ngoài doanh thu ở rạp chiếu kể trên, thì giá trị vô hình góp phần phát triển du lịch là điều mà khó có thể thống kê bằng con số.
Phim nhà nước đặt hàng thời gian qua có thể kể đến 2 bộ phim vừa tham gia tranh giải Bông sen 2023 là Đào, phở và piano (đạo diễn Phi Tiến Sơn) và Hồng Hà nữ sĩ (đạo diễn Nguyễn Đức Việt). Bối cảnh Đào, phở và piano diễn ra trong 1 ngày đêm, khắc họa Hà Nội của gần 80 năm trước, khi cùng hưởng ứng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ tịch. Trong khi đó Hồng Hà nữ sĩ kể về cuộc đời nhà thơ Đoàn Thị Điểm. Cả 2 phim mới ra mắt thời gian qua và chưa chính thức mở bán vé ở rạp chiếu. Tại LHP Việt Nam lần thứ XXIII, Đào, phở và piano giành được giải Bông sen Bạc.
Chính sách hỗ trợ công nghiệp điện ảnh thế nào?
Để điện ảnh phát triển trở thành ngành nghệ thuật, vừa là ngành kinh tế, nhiều ý kiến đồng thuận cho rằng cần có những chính sách, cơ chế phù hợp. Trường hợp Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh như trên là một ví dụ điển hình về một "cơ chế đặc biệt".
Thực tế, hiện tại, Luật Điện ảnh năm 2022 đã quy định về "Chính sách của nhà nước về phát triển điện ảnh, công nghiệp điện ảnh", theo đó: Cụ thể hóa 9 hoạt động được nhà nước đầu tư, hỗ trợ.
Cụ thể gồm: Sản xuất phim thực hiện theo kế hoạch phục vụ nhiệm vụ chính trị về đề tài lịch sử, cách mạng, lãnh tụ, danh nhân, anh hùng dân tộc, trẻ em, vùng cao, miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa Việt Nam;
Sáng tác kịch bản phim, phát hành, phổ biến phim, cung cấp kinh phí tổ chức, phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật phổ biến phim phục vụ vùng cao, miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và nông thôn; phục vụ trẻ em, lực lượng vũ trang và nhiệm vụ chính trị, xã hội, đối ngoại, giáo dục khác;
Tổ chức liên hoan phim quốc gia, liên hoan phim quốc tế, liên hoan phim chuyên ngành, chuyên đề, chương trình phim, tuần phim tại Việt Nam;
Giải thưởng phim và cuộc thi phim cấp quốc gia, quốc tế; liên hoan phim, chương trình phim, tuần phim Việt Nam tại nước ngoài;
Nhận chuyển giao quyền sở hữu, quyền sử dụng kịch bản phim, phim có giá trị tư tưởng, nghệ thuật cao để tuyên truyền, giáo dục, nghiên cứu, lưu trữ và phục vụ nhiệm vụ chính trị;
Biên tập, dịch, làm phụ đề phim để phục vụ hoạt động giới thiệu đất nước, con người Việt Nam.
Phát triển hoạt động lý luận, phê bình điện ảnh; tuyên truyền, giới thiệu, định hướng thẩm mỹ điện ảnh;
Nghiên cứu, ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ tiên tiến trong hoạt động điện ảnh; xây dựng và quảng bá thương hiệu điện ảnh quốc gia;
Xây dựng, sửa chữa cơ sở vật chất - kỹ thuật, trường quay phục vụ sản xuất, phát hành, phổ biến, lưu chiểu và lưu trữ phim; xây dựng hệ thống hạ tầng thống kê, cơ sở dữ liệu ngành điện ảnh…
"Công nghiệp điện ảnh là ngành kinh tế sáng tạo thông qua tài năng nghệ thuật, sức sáng tạo của các nghệ sĩ, và ứng dụng công nghệ hiện đại để tạo nên "sản phẩm hàng hóa đặc biệt" là những bộ phim lôi cuốn, đến với người xem bằng nhiều hình thức phổ biến hiện đại, phù hợp với thời đại công nghệ 4.0 và tính toàn cầu hóa của nghệ thuật điện ảnh" - phát biểu của ông Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Điện ảnh.
VNews/Báo TT&VH