Tháng 1/2024, từ nguồn tin thu thập được, Đội QLTT số 3 (Cục QLTT tỉnh Kiên Giang) đã tiến hành xác minh và kiểm tra đột xuất 2 hộ kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có địa điểm kinh doanh thuộc địa bàn xã Vĩnh Điều và xã Vĩnh Phú, huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang.

Đội đã lấy 7 mẫu phân bón gửi thử nghiệm chất lượng. Kết quả thử nghiệm có 4/7 mẫu phân bón không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật tương ứng. Tổng giá trị hàng hoá vi phạm là 127.910.000 đồng;

Đội QLTT số 3 đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với 2 hộ kinh doanh về hành vi vi phạm hành chính nêu trên, đồng thời chuyển toàn bộ hồ sơ vụ việc, trình Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Kiên Giang trình Chủ tịch UBND tỉnh xử lý.

Ngày 16/2/2024, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang đã ban hành 2 quyết định xử phạt đối với 2 hộ kinh doanh với tổng số tiền xử phạt là 179.637.500 đồng.

Cũng tại tỉnh Kiên Giang, ngày 11/1/2024, Đội QLTT số 2 (Cục QLTT tỉnh Kiên Giang) kiểm tra theo kế hoạch định kỳ năm 2024 đối với hộ kinh doanh phân bón thuộc địa bàn xã Mỹ Phước, thị trấn Hòn Đất, huyện Hòn Đất.

Quá trình kiểm tra, Đội QLTT số 2 đã lấy 1 mẫu phân bón hỗn hợp NPK có dấu hiệu vi phạm về chất lượng để thử nghiệm.

Căn cứ kết quả thử nghiệm chất lượng của cơ quan chuyên môn, mẫu phân bón hỗn hợp NPK là hàng giả.

Đội QLTT số 2 cũng xác định 200 bao phân bón NPK tại cửa hàng này là giả về chất lượng, công dụng. Đáng chú ý, số hàng hóa này được hộ kinh doanh khai nhận đã bán hết cho khách hàng.

Do vụ việc có dấu hiệu tội phạm, Đội đã chuyển hồ sơ về Cục QLTT tỉnh Kiên Giang, trình Chủ tịch UBND tỉnh xử lý.

Tương tự, tại tỉnh Tiền Giang, chỉ trong các tháng đầu năm 2024, lực lượng chức năng đã kiểm tra gần 10 vụ việc liên quan đến mặt hàng phân bón, trong đó có vụ việc hàng hóa đã xác định là giả và có vụ việc hàng hóa đang chờ kết quả giám định.

Điển hình như Đội QLTT số 6 (Cục QLTT tỉnh Tiền Giang) kiểm tra đột xuất 2 hộ kinh doanh phân bón tại các huyện Gò Công Đông, Gò Công Tây, Tiền Giang.

Thực tế kiểm tra, các cơ sở này buôn bán phân bón có nhãn không ghi đủ nội dung bắt buộc phải thể hiện theo tính chất hàng hóa. Đoàn kiểm tra lấy 3 mẫu phân bón gửi thử nghiệm chất lượng. Kết quả, có 2 mẫu không đảm bảo chất lượng và 01 mẫu là hàng giả.

Phân bón giả được lưu thông trên thị trường là vấn đề nhức nhối lâu nay đối với người nông dân. Việt Nam có thế mạnh về nông nghiệp nên lượng phân bón sử dụng rất lớn. Tuy nhiên, hậu quả của việc sử dụng phân bón giả là rất lớn.

Đối với ngành nông nghiệp, phân bón giả có thể gây chết cây hàng loạt, đất đai bị thoái hóa, thiệt hại kinh tế nặng nề. Nhiều loại phân bón giả được làm bằng chất thải công nghiệp, bón nhiều sẽ gây ngộ độc cho cây trồng. Cây trồng không hấp thụ được dinh dưỡng sẽ gây vàng lá và rụng trái…

Đối với doanh nghiệp trong ngành, phân bón giả với lợi thế giá rẻ sẽ khiến các doanh nghiệp chân chính khó cạnh tranh.

Thời điểm hiện tại, giá phân bón đang tăng cao theo giá thế giới, đặc biệt là giá ure. Theo Hiệp hội phân bón Việt Nam, nhu cầu sử dụng phân bón tăng cao do nhiều loại nông sản của Việt Nam đang rộng đường xuất khẩu.

Tuy vậy, các doanh nghiệp phân bón của Việt Nam hoàn toàn có thể đáp ứng được nhu cầu trong nước và giá cả có thể biến động tăng nhưng trong vòng kiểm soát. Do đó, người dân cần lưu ý để không mua, sử dụng phân bón giả để tránh thiệt hại không đáng có.