22h 7/9: Bão số 3 vẫn đang quần thảo Hà Nội
Vào lúc 21h ngày 7/9, vị trí tâm bão số 3 ở vào khoảng 21,0 độ Vĩ Bắc; 105,6 độ Kinh Đông, trên đất liền Thủ đô Hà Nội với sức gió mạnh nhất cấp 9-10 (75-102km/h), giật cấp 12.
Thời điểm này (22h), tuy tâm bão đã qua khu vực trung tâm Thủ đô nhưng vùng ảnh hưởng vẫn còn rộng, bão vẫn sẽ tiếp tục quần thảo khu vực Hà Nội trong vài tiếng đồng hồ nữa, người dân vẫn cần hết sức cảnh giác.
Một cây to đổ gãy ngang đường tại phố Nguyễn Khoái, quận Hai Bà Trưng (ảnh chụp lúc 21h56). Ảnh: Phạm Kiên - TTXVN
--------------
21h15 7/9: Ngập úng nhiều tuyến phố nội thành Hà Nội
Tối 7/9, khu vực nội thành Hà Nội có mưa to đến rất to. Dự báo trong khoảng từ 21 giờ đến 24 giờ ngày 7/9, khu vực nội thành Hà Nội và các vùng lân cận vẫn tiếp tục có mưa vừa đến mưa to với lượng mưa phổ biến trong khoảng từ 50-100 mm, có nơi trên 150 mm.
Cảnh báo, đợt mưa này có khả năng sẽ gây ngập úng cho nhiều tuyến phố nội thành với độ sâu phổ biến từ 20-40 cm.
--------------
20h48 7/9: Tâm bão quét qua khu vực phía Bắc nội thành Hà Nội
Bão số 3 đổ bộ vào Hà Nội gây mưa to, gió giật mạnh (ảnh chụp tại ngã tư Lý Thường Kiệt-Phan Huy Chú lúc 20g). Ảnh: Hoàng Hiếu - TTXVN
Bão số 3 đã ảnh hưởng trực tiếp đến Hà Nội, khoảng một tiếng sau đó tâm bão quét qua khu vực phía Bắc nội thành Hà Nội bao gồm các huyện Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh.
Ở khu vực phía Bắc Hà Nội đáng chú ý là cụm cảng hàng không quốc tế Nội Bài, nơi hàng chục tàu bay đang tránh trú bão có thể đối mặt với những cơn gió mạnh. Ngay khi có thông tin dự báo bão số 3 đổ bộ vào Hà Nội, các tàu bay tại đây đã được chằng buộc cẩn thận để tránh những thiệt hại do gió báo gây ra.
Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài (thành phố Hà Nội) ngừng tiếp thu, khai thác tàu bay từ 10h đến 21h ngày 7/9. Cảng Hàng không Thọ Xuân (Thanh Hóa) ngừng tiếp thu, khai thác tàu bay từ 12h đến 22h ngày 7/9.
Theo các trang khí tượng quốc tế, khu vực phía Bắc nội thành Hà Nội bao gồm hai huyện Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề của bão số 3.
--------------
20h40 7/9: Quảng Ninh có 03 người thiệt mạng, 10 người bị thương và mất tích
Tính đến 16 giờ ngày 7/9, bão số 3 đã khiến 3 người chết, 4 người bị thương, 6 người và 1 tàu bị mất tích, 1 cần cẩu bị đổ và 14 tàu bị đắm. Cụ thể, trên địa bàn thành phố Hạ Long có 2 người bị chết (tại phường Hà Trung và xã Vũ Oai); 5 người bị thương (trên địa bàn các phường: Hà Trung, Vũ Oai, Thống Nhất, Trần Hưng Đạo) do bị cây đổ, sập mái tôn, kính bay vào người, điện giật, đã được Công an thành phố Hạ Long, phòng PC07, PC08 Công an tỉnh đưa đi cấp cứu kịp thời. Đến tối cùng ngày, Bệnh viện Đa khoa Quảng Ninh thông tin, Bệnh viện đã tiếp nhận khoảng 20 bệnh nhân bị thương do bão, trong đó có 6 ca nặng đang được điều trị tích cực. Các bệnh nhân đa phần đều gặp chấn thương do mảnh kính, mảnh tôn rơi vào...
--------------
19h45 7/9: Bão số 3 đã đến Hà Nội
Tâm bão số 3 có vị trí ở khoảng 21,0 độ Vĩ Bắc, 106,34 độ Kinh Đông, trên khu vực giáp ranh giữa huyện Kinh Môn (Hải Dương) và huyện Mạo Khê (Quảng Ninh). Tuy nhiên vùng ảnh hưởng mạnh nhất của bão đã bắt đầu đi vào địa phận Hà Nội. Dự kiến trong 15 phút nữa, Hà Nội sẽ có mưa to và gió mạnh cấp 10, giật trên cấp 10.
--------------
19h50: Hơn 140 ngôi nhà ở Lạng Sơn bị tốc mái
Đã có 144 hộ dân trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng nhà ở, chủ yếu là bị tốc mái. Mưa to kèm theo gió giật mạnh từ sáng 7/9 đã khiến nhiều cây xanh tại thành phố Lạng Sơn và các huyện bị bật gốc, đổ gãy ra đường. Một số điểm giao thông bị sạt taluy dương. Các địa phương trong tỉnh đã di dời 91 hộ dân trong vùng nguy cơ cao rủi ro thiên tai đến nơi an toàn. Chính quyền các cấp đã đã huy động trên 10.000 người tham gia các đội dân quân cơ động, tự vệ để rà soát các điểm có nguy cơ cao và cử người canh gác tại các điểm xảy ra sạt lở và ngầm tràn...
--------------
19h30: 04người tử vong, 78 người bị thương
Theo Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tại một số địa phương đã ghi nhận thiệt hại ban đầu về người do bão số 3. Cụ thể, Quảng Ninh có 3 người tử vong; Hải Dương có 1 người tử vọng; có 78 người bị thương (Quảng Ninh 58 người, Hải Phòng 20 người).
--------------
18h20 7/9: Hòa Bình đã sơ tán 476 hộ dân khỏi khu vực nguy hiểm
Tỉnh Hòa Bình đã sơ tán 476 hộ dân khỏi khu vực nguy hiểm (thành phố Hòa Bình 121; Lương Sơn 19; Tân Lạc 108; Kim Bôi 19; Yên Thủy 60; Lạc Sơn 125; Lạc Thủy 24).
Theo báo cáo nhanh của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hòa Bình, mưa lớn, kèm dông, lốc, sét kéo dài gây nhiều thiệt hại về tài sản, hoa màu và hạ tầng trên địa bàn các huyện: Tân Lạc, Lương Sơn, Lạc Sơn, Đà Bắc và Kim Bôi... Hiện trên địa bàn tỉnh có 178 hộ bị tốc mái; tổng diện tích nông, lâm nghiệp bị thiệt hại là gần 749ha.
Đến thời điểm chiều tối cùng ngày, các đơn vị, địa phương trong tỉnh Hòa Bình đã tăng cường công tác ứng phó và công tác cứu nạn, cứu hộ.
--------------
18h15 7/9: Bão đang tiến về Hà Nội, người dân không nên ra đường
Tâm bão số 3 hiện đang ở vào khoảng 20,53 độ Vĩ Bắc, 106,29 độ Kinh Đông, tại khu vực giáp ranh giữa Hải Phòng và Hải Dương và đang di chuyển về phía Tây với sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11-12 (103-133km/h), giật cấp 15. Dự báo trong vài giờ tới, bão sẽ đi qua Thủ đô Hà Nội.
Trước ảnh hưởng của cơn bão số 3, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã kêu gọi người người dân không ra đường nếu không có việc thực sự cần thiết, người dân chủ động ở nhà hoặc địa điểm có thể tránh trú bão an toàn từ nay cho đến khi có thông tin từ cơ quan chức năng về bão. Các cơ quan chức năng của thành phố sẵn sàng cung cấp sự hỗ trợ cần thiết cho người dân Thủ đô.
--------------
18h 7/9: Bão số 3 gây thiệt hại hơn 123 ngôi nhà tại Yên Bái
Bão số 3 đã làm thiệt hại 123 ngôi nhà tại huyện Trấn Yên, Văn Chấn, Lục Yên và Văn Yên (Yên Bái). Trong đó, 20 ngôi nhà phải di dời người và tài sản để đảm bảo an toàn, 88 ngôi nhà bị tốc mái; 111,3 ha ha diện tích nông nghiệp bị thiệt hại; 105 con gia cầm bị chết; gãy đổ nhiều cây xanh, cột điện và các pano, biển báo trên các tuyến đường huyện... 2 trạm thu phát sóng di động BTS của Mobifone tại xã Đông Cuông, Văn Yên mất sóng do sét đánh nguồn cấp điện trạm phát. Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cấp xã, thị trấn huy động lực lượng tại chỗ tham gia giúp đỡ khắc phục hậu quả .
---------------
17h50 7/9: Thanh Hóa có mưa to, rất to kèm theo gió lớn, gây thiệt hại tài sản của người dân
Theo thông tin Đài khí tượng Thủy văn Thanh Hóa, ngày 7/9, khu vực tỉnh Thanh Hóa đã có mưa vừa, mưa to và dông. Lượng mưa đo được tại các điểm đo mưa tự động như ở các huyện Thạch Thành, Thạch Quảng 102.6mm, Thạch Lâm 100.6mm; huyện Thường Xuân, Lương Sơn 93.4mm... Trong 6 giờ tới, trên khu vực tỉnh Thanh Hóa khả năng có mưa, mưa vừa và dông với lượng mưa tích lũy phổ biến từ 20 - 50mm, có nơi trên 50mm. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất trên địa bàn 11 huyện miền núi của tỉnh. Chiều 7/9, theo thông tin từ UBND huyện vùng cao, biên giới Mường Lát (Thanh Hóa), do ảnh hưởng của bão số 3, trên địa bàn đã có mưa to, rất to kèm theo gió lớn, gây thiệt hại tài sản của người dân.
Sơ bộ đã có 60 ngôi nhà của người dân bị tốc mái một phần (từ 30-50%) ở khu phố Tén Tằn, thị trấn Mường Lát; các bản: Pha Đén, Pù Quăn, Na Tao, Hạ Sơn, Pù Ngùa, Cá Tớp (xã Pù Nhi). Một số nhà ở khu phố Chiên Pục, thị trấn Mường Lát; bản Hạ Sơn, Na Tao (xã Pù Nhi) bị sạt lở móng nhà và cây đổ vào nhà.
Lực lượng chức năng di chuyển cây to gãy đổ đè sập nhà dân tại Mường Lát. Ảnh: TTXVN phát
--------------
17h 7/9: Thiệt hại sơ bộ đến 13h00 tại Quảng Ninh, Hải Phòng
Bão số 3 đã làm 05 tàu xi măng, 01 tàu gỗ loại nhỏ bị chìm tại nơi neo đậu (Quảng Ninh); 146 cây xanh bị đổ (Quảng Ninh 100; Hải Phòng 46); 02 cột điện hạ thế, 01 trạm biến thế bị hư hỏng (Hải Phòng); các huyện Cẩm Phả, Vân Đồn (Quảng Ninh) mất điện diện rộng. Các tỉnh Thái Bình, Nam Định chưa ghi nhận thiệt hại. Hàng chục tàu bè đậu ở bến Cái Rồng, huyện Vân Đồn, Quảng Ninh trôi ra biển. Sau khi đi vào đất liền gió bão giảm xuống cấp 13, tối đa 149 km/h.
--------------
16h50 7/9: Hà Nội đang có gió rất mạnh, thống kê thiệt hại sơ bộ
Hà Nội đang có mưa nhẹ và gió rất mạnh. Dự báo từ tối nay, toàn thành phố sẽ có mưa to do ảnh hưởng của bão số 3. Mưa lớn có khả năng gây ra sạt lở đất ở vùng đồi núi một số huyện ngoại thành như Ba Vì, Sóc Sơn, Quốc Oai…
Đến 15h chiều 7/9, về tình hình thiệt hại, theo báo cáo của quận Ba Đình, do ảnh hưởng của cơn bão số 3, trên địa bàn quận đã có 30 cây xanh bị đổ ở các phố Quán Thánh, Điện Biên, Ngọc Hà, Ngọc Khánh, Cống Vị, Vĩnh Phúc, Liễu Giai… Địa bàn quận cũng xảy ra 3 sự cố tốc mái vảy, gây nguy hiểm. Chính quyền đã di 3 hộ dân với 11 nhân khẩu ra khỏi nhà G6A Thành Công để đảm bảo an toàn. Đối với các sự cố gãy cành, đổ cây có đường kính vừa đã được xử lý kịp thời.
Tại thị xã Sơn Tây, có 143 cây đổ, 17 sự cố đổ gãy cột điện, dây viễn thông, 5 sự cố tốc máy, 50 ha lúa bị gãy đổ song chưa ngập úng. Chính quyền đã di dời 2 hộ dân để đảm bảo an toàn.
Ở quận Cầu Giấy, thống kê tình hình thiệt hại do chịu ảnh hưởng của cơn bão số 3 tính đến 11h00 hôm nay 7/9: trên địa bàn quận không có thiệt hại về người. Tuy nhiên, mưa bão đã làm đổ, gẫy: 33 cây xanh; gẫy: 11 cành cây; đổ 1 cột điện chiếu sáng tại 99 Trung Kính, phường Trung Hoà; 01 cây đổ gây vỡ kính ô tô tại toà nhà No7 Khu 5,03 ha Phường Dịch Vọng. Các lực lượng đã phối hợp, xử lý kịp thời các cây xanh đổ gãy; đồng thời công tác vệ sinh môi trường được triển khai, đảm bảo khắc phục sự cố xảy ra trên địa bàn quận.
Tại quận Hoàn Kiếm, tình hình thiệt hại tính đến 13h00, nhiều cây cây xanh gẫy đổ trên các tuyến phố Hàm Long, Tràng Thi, Trần Hưng Đạo, Đinh Tiên Hoàng, Hàng Da, Chả Cá, Hàng Bông, Hồng Hà, Hàng Gà…. Lực lượng tại chỗ của UBND các phường đã phối hợp với Công ty công viên cây xanh xử lý, giải tỏa, phân luồng đảm bảo ATGT. Có 03 người (gồm 2 nữ và 1 nam) bị thương nhẹ vào hồi 15h ngày 06/9/2024 do cành cây si gẫy đổ tại 11 phố Chả Cá va quệt. UBND các phường và Công ty thoát nước Hà Nội đã trực và xử lý các điểm thoát nước ngay tại thời điểm mưa lớn, địa bàn tiêu thoát tốt, không gây ngập úng, đảm bảo An toàn giao thông.
Trong khi đó tại quận Hà Đông, do ảnh hưởng của mưa nhỏ kèm gió to, trên địa bàn quận có 10 cây xanh bị đổ ở các Phường Nguyễn Trãi, Vạn Phúc, Kiến Hưng, Dương Nội, Quang Trung. Các loại cây bị đổ là: Hoa sữa, sao đen, hoa ba, phượng, xà cừ.
Tại Huyện Sóc Sơn, lũ sông đạt cấp 2 đến cấp 3, nguy cơ sạt lở bờ bãi sông, bộc lộ sự cố thẩm lấu, mạch sủi.. Diện tích lúa bị đổ dạt do gió, lốc khoảng 50ha.
--------------
15h 7/9: Đường phố Hà Nội ngổn ngang cây đổ
Bão số 3 gây mưa và gió giật mạnh khiến nhiều cây xanh tại Hà Nội gãy đổ. Lực lượng chức năng kịp thời có mặt xử lý.
--------------
15h 7/9: Thiệt hại lớn tại Quảng Ninh
Vào khoảng 10 giờ 45 phút, ngày 7/9, bão số 3 (bão Yagi) đã đổ bộ vào tỉnh Quảng Ninh gây mưa lớn, gió giật mạnh.
Bão đổ bộ vào khu vực đảo Trần, xã Thanh Lân, huyện đảo Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: TTXVN phát
Bão đổ bộ vào khu vực thị xã Đồ Sơn, thành phố Hải Phòng với sức gió cấp 16-17, biển mù mịt, sóng biển rất mạnh (ảnh chụp lúc 13g45). Ảnh: Minh Quyết-TTXVN
Đến 15 giờ 20 phút, bão vẫn đang rất mạnh gây mưa to, gió lớn. Hiện chưa có thống kê thiệt hại về người.
Rất nhiều cây xanh bị gãy đổ, biển quảng cáo bay tứ tung. Ảnh: Đức Hiếu-TTXVN
Bão đổ bộ vào Quảng Ninh, rất nhiều cây xanh gãy đổ, biển quảng cáo bay tứ tung rất nguy hiểm. Ảnh: Đức Hiếu-TTXVN
Bão số 3 cũng quật đổ nhiều cây xanh ở thành phố Hạ Long, nhiều mái tôn của nhà dân, công sở bị thổi bay. Trên các tuyến đường nhiều cây xanh bị đổ gãy ra đường nên không thể đi lại. Người dân được khuyến cáo ở trong nhà để đảm bảo an toàn.
Tại thành phố Hạ Long, Quảng Ninh, rất nhiều cây xanh gãy đổ, biển quảng cáo bay tứ tung rất nguy hiểm. Ảnh: Thanh Vân-TTXVN
Hiện, Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, các địa phương vẫn đang túc trực và chuẩn bị nhiều phương án ứng phó với bão số 3.
--------------
13h 7/9: Thái Bình cây xanh đổ la liệt, mất điện diện rộng
Theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Thái Bình, hồi 13 giờ ngày 7/9, tại Trạm Khí tượng Thái Bình đã có gió mạnh cấp 9, giật cấp 10 (23,8m/s); Trạm Thủy văn Ba Lạt gió mạnh cấp 9, giật cấp 12 (35,6m/s); các nơi trong tỉnh tiếp tục có mưa với lượng mưa phổ biến 30-50mm.
Lục lượng chức năng thành phố Thái Bình thu dọn cây đổ trên đường Lê Lợi, thành phố Thái Bình. Ảnh: Vũ Quang – TTXVN
Ghi nhận của phóng viên, mưa kết hợp gió giật mạnh đã khiến nhiều cây xanh bật gốc, ngã đổ, biển pano quảng cáo bị bay… Lãnh đạo địa phương cũng phân công thành nhiều đoàn trực tiếp đến kiểm tra công tác ứng phó với bão tại các huyện, thành phố. Hiện cơ quan chức năng tỉnh Thái Bình đang tiến hành thống kê những thiệt hại ban đầu.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Thái Bình cho biết, do ảnh hưởng của bão số 3 thống kê đến 15 giờ ngày 7/9, trên địa bàn tỉnh hiện đang mất điện ở 109/124 đường dây trung áp. Hiện Công ty đang nỗ lực khắc phục tại các điểm cấp điện xung yếu; còn lại phải chờ thời tiết bảo đảm đủ an toàn sẽ huy động lực lượng khẩn trương khắc phục để sớm cấp điện trở lại.
Cây xanh đường Lê Lợi, thành phố Thái Bình bị gẫy đổ. Ảnh: Vũ Quang - TTXVN
Nhận định của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Thái Bình, trong ngày 7/9, vùng biển ngoài khơi Thái Thụy- Tiền Hải tiếp tục có gió mạnh cấp 9, cấp 10, giật cấp 12-14, sóng biển cao từ 3 đến 5m; biển động rất mạnh. Vùng ven biển cần đề phòng có nước biển dâng, với sóng lớn kết hợp với thuỷ triều, mực nước dâng tổng cộng cao từ 3,5 đến 4m. Trên đất liền, trong chiều và tối nay tiếp tục có gió mạnh cấp 9, cấp 10, giật cấp 11-13. Từ nay đến ngày 9/9, trên địa bàn tỉnh tiếp tục có mưa vừa, mưa to đến rất to với lượng mưa các nơi phổ biến từ 150 -250mm.