CBBank và OceanBank chính thức được chuyển giao bắt buộc về với Vietcombank và MB

Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Xây dựng (CBBank) sẽ chính thức được chuyển giao bắt buộc về với Vietcombank và Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Đại Dương (OceanBank) về với Ngân hàng TMCP Quân đội (MB).

Đây là thông tin được Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú công bố tại buổi họp báo thông tin kết quả điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng quý III/2024 diễn ra chiều 17/10 tại Hà Nội.

Việc chuyển giao bắt buộc các ngân hàng yếu kém (ngân hàng 0 đồng) là một biện pháp mạnh mẽ được các cơ quan quản lý áp dụng nhằm mục tiêu ổn định hệ thống ngân hàng và bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền, nhà đầu tư và nền kinh tế nói chung; giúp tiến hành tái cơ cấu, nâng cao hiệu quả hoạt động của ngân hàng yếu kém và ngăn chặn các cuộc khủng hoảng tài chính có thể xảy ra trong tương lai.

Đại diện Ngân hàng Nhà nước khẳng định quyền lợi của người gửi tiền sẽ được đảm bảo trước, trong và sau khi chuyển giao bắt buộc. Về quyền lợi của ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc, các ngân hàng này sẽ được hỗ trợ theo quy định tại Luật các tổ chức tín dụng và tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành.

Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú phát biểu tại họp báo thông tin kết quả điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng quý III/2024. Ảnh: Lê Phương/BNEWS/TTXVN

Trong Phiên họp Chính phủ thường kỳ ngày 7/10 mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết Ngân hàng Nhà nước đang chỉ đạo các tổ chức tín dụng tích cực rà soát tình hình tài chính và chuẩn bị sẵn sàng tài liệu, sẽ tổ chức lễ chuyển giao 2 ngân hàng 0 đồng sau một giai đoạn dài khó khăn. Hai ngân hàng còn lại, Ngân hàng Nhà nước cũng đang chỉ đạo các đơn vị hoàn thiện nhanh để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Hiện có 4 ngân hàng đang trong diện tái cơ cấu và đang được kiểm soát đặc biệt gồm: Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Đại Dương (OceanBank), Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Dầu khí Toàn cầu (GPBank), Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Xây dựng (CBBank) và Ngân hàng TMCP Đông Á (DongA Bank).

Ngoài ra, còn có Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt từ tháng 10/2022. Ngân hàng Nhà nước cũng đang tiến hành các thủ tục đánh giá toàn diện về thực trạng ngân hàng này để đề xuất phương án tái cơ cấu trình cấp có thẩm quyền.

Đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết còn với DongA Bank và các ngân hàng trong diện chuyển giao bắt buộc khác thì các ngân hàng nhận chuyển giao đang thực hiện rà soát, lên phương án chuyển giao và trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Trước đó, liên quan việc nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng yếu kém, tại Đại hội đồng cổ đông Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) hồi tháng 4/2024, Chủ tịch Hội đồng quản trị Nguyễn Thanh Tùng (khi đó là Tổng Giám đốc ngân hàng) đã tiết lộ rằng Vietcombank đã hoàn thiện phương án và đang trình Ngân hàng Nhà nước phê duyệt. Theo kế hoạch, việc này sẽ được thực hiện trong năm 2024.

Ngoài ra, Vietcombank cũng đã đề xuất các giải pháp cụ thể nhằm chủ động trong quá trình này, đảm bảo chuyển giao diễn ra suôn sẻ và theo đúng lộ trình. Đồng thời tiến hành rà soát mạng lưới và đánh giá chất lượng nguồn nhân lực, nhằm khắc phục các hạn chế về chuyên môn, và xây dựng chương trình đào tạo để nhanh chóng thích nghi với các tiêu chuẩn mới. Ngân hàng cũng đã thành lập các tiểu ban nhằm hỗ trợ cho các tổ chức tín dụng yếu kém trong quá trình nhận chuyển giao.

Ông Tùng cho biết về lâu dài việc tiếp nhận tổ chức tín dụng yếu kém mang lại cho Vietcombank nhiều cơ hội, bao gồm các lựa chọn như bán cổ phần hoặc sáp nhập...

Tương tự, tại Ngân hàng TMCP Quân đội (MB), Chủ tịch Hội đồng quản trị Lưu Trung Thái nhận định đây là cơ hội mở rộng không gian phát triển cho MB, đặc biệt trong việc tăng trưởng tín dụng và nâng cao năng lực quản trị. Ông Thái cũng khẳng định MB đã sẵn sàng với nhiệm vụ này, chỉ chờ sự phê duyệt từ Chính phủ.

MB đã thực hiện một số giao dịch hợp tác và hỗ trợ với ngân hàng thương mại mục tiêu theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, để chuẩn bị cho việc nhận chuyển giao. Sau khi tiếp nhận, ngân hàng mục tiêu sẽ vẫn hoạt động độc lập dưới sự quản lý của MB. Sau khi hoàn tất quá trình tái cơ cấu, MB có thể lựa chọn sáp nhập hoặc thoái vốn khỏi ngân hàng này.

 

VNEWS | 17-10-2024, 15:24

vnews

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

CHƯƠNG TRÌNH TRÊN VNEWS

Xem thêm