Chú thích ảnh
Triệu chứng lâm sàng của sốt xuất huyết, bệnh nhân sốt đến ngày 4-5 thường xuất hiện các ban đỏ dưới da. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN

Theo các chuyên gia y tế, đến nay, sốt xuất huyết chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Vaccine phòng bệnh đã có, tuy nhiên chưa được sử dụng rộng rãi.Phòng, chống sốt xuất huyết chủ yếu dựa vào phòng, chống véctơ và sự thay đổi hành vi, thói quen của người dân.

Sốt xuất huyết tăng nhanh

Theo Tổ chức Y tế thế giới, hiện có khoảng 2,5 tỷ người sống trong vùng sốt xuất huyết lưu hành; trong đó 1,8 tỷ người thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Bệnh lây lan nhanh chóng về mặt địa lý và ngày càng có thêm nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ mới lưu hành sốt xuất huyết.

Tiến sĩ Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, trên toàn cầu tính đến đầu tháng 5/2024 có hơn 7,6 triệu ca sốt xuất huyết được báo cáo và hơn 3.000 trường hợp tử vong.

Tại khu vực Đông Nam Á, hiện Singapore ghi nhận ca mắc sốt xuất huyết gấp đôi so với cùng kỳ năm 2023. Tại Indonesia, đến tháng 3/2024 đã ghi nhận hơn 21.000 ca mắc và ít nhất 191 trường hợp tử vong.

Tại Việt Nam, từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 30.265 ca mắc sốt xuất huyết, 3 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2023 giảm hơn 30% số mắc; riêng số ca tử vong giảm 6 trường hợp.
Dù số ca mắc sốt sốt huyết có giảm nhưng theo các chuyên gia, sốt xuất huyết không còn là bệnh phát triển theo chu kỳ mà năm nào cũng có số mắc cao do biến đổi khí hậu, môi trường và đặc điểm dân cư...

Thời gian gần đây, một số địa phương đã ghi nhận sự gia tăng số ca mắc sốt xuất huyết. Việc gia tăng ca mắc một phần do tại một số địa phương mưa đã xuất hiện trên diện rộng, là điều kiện thuận lợi sản sinh bọ gậy. Ngoài ra, việc chủ quan, lơ là, chưa tự giác thực hiện hoạt động phòng, chống sốt xuất huyết của người dân đang dẫn đến nguy cơ dịch bệnh bùng phát trong thời gian tới.

Tại Hà Nội, từ đầu năm đến nay đã ghi nhận 745 ca mắc sốt xuất huyết tại 30/30 quận, huyện, thị xã; không có ca tử vong, số ca mắc tăng so với cùng kỳ năm 2023 (360 ca). Thành phố ghi nhận 11 ổ dịch, hiện còn 3 ổ dịch đang hoạt động tại thôn Bãi Tháp, Đồng Vân, Tân Hội thuộc huyện Đan Phượng và phố Huế - quận Hai Bà Trưng.

Tính đến ngày 17/6, tỉnh Lâm Đồng ghi nhận 2.162 ca mắc sốt xuất huyết (số ca mắc sốt xuất huyết tăng 1.200 ca so với cùng kỳ năm 2023), trong đó có 1 ca tử vong tại thành phố Bảo Lộc. Một số địa phương có số ca mắc sốt xuất huyết cao so với cùng kỳ năm 2023 như thành phố Bảo Lộc 702 ca, Di Linh 511 ca, Lâm Hà 248 ca, Đơn Dương 187 ca...

Ngành Y tế Lâm Đồng dự báo, trong thời gian tới, tình hình thời tiết diễn biến phức tạp làm tăng nguy cơ bùng phát thành dịch lớn, kèm theo tăng nguy cơ bệnh chuyển nặng, tử vong nếu không được phát hiện, xử trí và điều trị kịp thời.

Còn tại Hải Phòng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đánh giá, năm nay dịch đến sớm hơn so với quy luật thông thường từ tháng 6 đến tháng 8 hằng năm, đỉnh dịch thường rơi vào tháng 9 đến tháng 11. Hải Phòng ghi nhận số ca mắc tăng nhanh từ đầu tháng 5; tuần 24/2024 ghi nhận 473 trường hợp mắc sốt xuất huyết, không ghi nhận trường hợp tử vong, tăng 71,4% so với tuần trước. Cũng trong tuần 24, Hải Phòng ghi nhận 473 ổ dịch, trong đó số ổ dịch đang hoạt động là 42, số ổ dịch đã dừng hoạt động là 431, số ổ dịch đang hoạt động có ghi nhận bệnh nhân thứ phát là 18.

Sở Y tế Hải Phòng đã lập đoàn kiểm tra, giám sát tình hình dịch sốt xuất huyết tại 2 quận có nhiều ổ dịch là Lê Chân và Hải An. Tại quận Lê Chân, tổng số ca mắc trên địa bàn từ ngày 1/1 đến 18/6/2024 là 760 ca, với 36 ổ dịch. Còn tại quận Hải An, từ đầu năm đến ngày 17/6/2024, ghi nhận 185 ca mắc sốt xuất huyết Dengue. Trong 3 tuần trở lại đây, các ca mắc sốt xuất huyết tăng nhanh. Trước tháng 5/2024, số ca mắc cao nhất trong 1 tháng là 38 ca, có tháng không có ca mắc nhưng tháng 6 đã tăng vọt lên 125 ca.

Triển vọng vaccine phòng sốt xuất huyết

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, đến nay, sốt xuất huyết chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Vaccine phòng bệnh đã có, tuy nhiên chưa được sử dụng rộng rãi. Phòng, chống sốt xuất huyết hiện nay chủ yếu dựa vào phòng, chống véctơ và sự thay đổi hành vi, thói quen của người dân. Các nước có lưu hành sốt xuất đã đầu tư nhiều nguồn lực, tuy nhiên kết quả vẫn còn hạn chế.

Theo Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, có nhiều vaccine phòng bệnh sốt xuất huyết được nghiên cứu và phát triển. Hiện có 2 vaccine đã được Tổ chức Y tế thế giới tiền thẩm định và một số nước cấp phép là: Vaccine CYD-TDV và Vaccine TAK-003 (hiện đã được Bộ Y tế Việt Nam cấp đăng ký lưu hành).

Chia sẻ về vaccine phòng sốt xuất huyết, Tiến sĩ Angela Pratt, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam cho biết, thành tựu vaccine sốt xuất huyết được các chuyên gia ví là "vũ khí mới đối phó với dịch bệnh", giúp hàng triệu người được bảo vệ hiệu quả… Tuy nhiên, vaccine không phải là giải pháp duy nhất mà phải có sự phối hợp liên ngành chặt chẽ giữa các cơ quan của Việt Nam. “Cùng với các biện pháp giám sát và kiểm soát muỗi vằn, vaccine an toàn và hiệu quả đóng vai trò quan trọng trong việc giảm gánh nặng sốt xuất huyết”.

Tại Việt Nam, chương trình phòng, chống sốt xuất huyết được đưa vào chương trình mục tiêu quốc gia hơn 10 năm qua, đã góp phần đạt 3 mục tiêu: Giảm tỷ lệ mắc, giảm tỷ lệ tử vong và khống chế không xảy ra dịch lớn.

 

“Mặc dù vậy, do nhiều nguyên nhân cả chủ quan và khách quan, từ đặc điểm của bệnh; vấn đề biến đổi khí hậu, thiên tai, lụt bão; đô thị hóa, di dân, giao thương du lịch gia tăng; các hành vi, thói quen của người dân đến các khó khăn về nguồn lực đầu tư và hạn chế trong phối hợp liên ngành nên việc kiểm soát, phòng, chống sốt xuất huyết ngày càng gặp nhiều khó khăn và thách thức”, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương chia sẻ.

Những đối tượng có nguy cơ cao diễn biến nặng

Theo các chuyên gia y tế, các trường hợp mắc sốt xuất huyết nhẹ hoặc trong những ngày đầu có thể điều trị và theo dõi tại nhà. Cần uống đủ nước, dùng thuốc hạ sốt - giảm đau paracetamol, nghỉ ngơi, xét nghiệm công thức máu hàng ngày. Lưu ý không tự ý truyền dịch và không dùng kháng sinh hay thuốc corticoid.

Theo chuyên gia y tế, những đối tượng có nguy cơ cao diễn biến nặng khi mắc sốt xuất huyết gồm:

Nhóm dưới 4 tuổi, đặc biệt dưới 12 tháng tuổi.

Nhóm bệnh nền, dễ chảy máu, có bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu vô căn, có bệnh đông máu, khó cầm máu. Không may khi sốt xuất huyết, giảm tiểu cầu mà chảy máu, cầm máu rất phức tạp.

Nhóm người béo phì, phản ứng với sốt xuất huyết rất mạnh mẽ, tỉ lệ nặng ở nhóm này cao hơn. Khi xảy ra diễn biến nặng, xử lý khó khăn hơn rất nhiều.

Phụ nữ mang thai bị sốt xuất huyết có thể đẻ bất cứ lúc nào. Nếu tiểu cầu giảm, nguy cơ chảy máu trong cuộc đẻ rất lớn.

Một số nhóm khác, người nhóm máu O có thể nặng hơn người nhóm máu khác... nhưng chỉ là những yếu tố phụ.

Bích Thuỷ (TTXVN)