Trận động đất trên xảy ra vào khoảng 11 giờ 35 phút 10 giây, tại tọa độ 14.827 độ Vĩ Bắc - 108.245 độ Kinh Đông. Độ sâu chấn tiêu khoảng 8.1 km, độ rủi ro thiên tai cấp 2 tại khu vực tâm chấn và lân cận.
Trước đó, sáng 28/7, ba trận động đất liên tiếp có độ lớn lần lượt 4.1, 3.6 và 3.3 cũng xảy ra tại khu vực huyện Kon Plông (Kon Tum) gây rung lắc.
Cụ thể, trận động đất thứ nhất xảy ra khoảng 3 giờ 12 phút, độ lớn 3.4 tại vị trí có tọa độ (14.879 độ Vĩ Bắc -108.209 độ Kinh Đông), độ sâu chấn tiêu khoảng 8.1 km.
Trận động đất thứ hai xảy ra khoảng 8 giờ 35 phút, độ lớn 3.3 tại vị trí có tọa độ (14.839 độ Vĩ Bắc - 108.365 độ Kinh Đông), độ sâu chấn tiêu khoảng 8.1 km.
Trận động đất thứ ba xảy ra vào khoảng 11 giờ 17 phút 46 giây, tại vị trí có tọa độ (14.851 độ Vĩ Bắc - 108.327 độ Kinh Đông), độ sâu chấn tiêu khoảng 8.1 km.
Ba trận động đất này được Trung tâm Báo tin Động đất và Cảnh báo Sóng thần đánh giá cấp độ rủi ro thiên tai cấp 0, không gây thiệt hại về người và tài sản song người dân sống ở khu vực tâm chấn có thể cảm nhận rõ rung lắc nhẹ. Trung tâm tiếp tục theo dõi trận động đất này.
Ông Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu cho biết, qua quan trắc, nguyên nhân của hiện tượng trên liên quan đến động đất kích thích do hồ chứa. Việc phát sinh động đất kích thích hồ chứa phụ thuộc vào hoạt động địa chất kiến tạo, thể tích hồ chứa, độ cao, tốc độ và tần suất tích nước.
Ảnh bản đồ tâm chấn trận động đất xảy ra sáng nay (28/7) tại huyện Kon Plông, Kon Tum. Ảnh: VVLĐC.
Thống kê từ đầu năm đến nay, trên cả nước xảy ra 65 trận động đất, riêng tại tỉnh Kon Tum đã xảy ra 54 trận động đất có độ lớn từ 2.5 đến 4.0 độ. Các trận động đất còn lại xảy ra tại các tỉnh: Quảng Nam (3 trận), Yên Bái (2 trận), Hà Nội (1 trận), Phú Yên (1 trận), Tuyên Quang (1 trận), Điện Biên (1 trận), Ninh Bình (1 trận), Thanh Hóa (1 trận). Cấp độ của các trận động đất này không gây rủi ro thiên tai.
Ông Nguyễn Xuân Anh cho biết thêm, động đất 5.0 là động đất đạt ngưỡng độ lớn trung bình nhưng các địa phương vẫn cần kiểm tra đánh giá thiệt hại. Theo dự báo động đất ở Kon Tum vẫn sẽ tiếp diễn trong thời gian tới nhưng khó có khả năng lớn hơn 5.5 độ. Trong tương lai, động đất có thể sẽ xuất hiện và gây ra hậu quả lớn, nhất là nếu xảy ra ở các khu vực đông dân cư và có các công trình trọng điểm. Do đó, việc đánh giá nguy hiểm động đất là rất cần thiết và cần được cập nhật hằng năm để phục vụ thiết thực cho công tác quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, thiết kế kháng chấn cho các loại công trình từ trọng điểm đến khu dân cư.
Viện Vật lý Địa cầu sẽ tiếp tục khảo sát, quan trắc, nghiên cứu chi tiết về địa chất kiến tạo và chế độ địa chấn trong khu vực tỉnh Kon Tum và lân cận. Bên cạnh đó, Viện sẽ thông báo kịp thời về hoạt động động đất đến chính quyền và người dân tại khu vực này./.