Nhận thức của các bị cáo và nhận định của các cơ quan tố tụng trong vụ án FLC

Phiên tòa sơ thẩm xét xử 50 bị cáo trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn FLC đã tạm khép lại, trong đó cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết nhận mức án cao nhất so với các bị cáo khác là 21 năm tù về hai tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Thao túng thị trường chứng khoán”. Về cùng 2 tội danh này, 2 em gái của bị cáo Quyết là Trịnh Thị Minh Huế nhận án 14 năm tù và Trịnh Thị Thúy Nga 8 năm tù. Có tổng số 16 bị cáo bị phạt tù nhưng cho hưởng án treo, trong đó, 4 bị cáo bị tạm giam được trả tự do ngay tại tòa.

Các bị cáo nghe toà tuyên án. Ảnh: Phạm Kiên - TTXVN

Tại phiên tòa này đã ghi nhận sự chuyển biến rõ rệt trong nhận thức của các bị cáo và nhận định của các cơ quan tố tụng trong việc xác định mức độ thực hiện, hậu quả của hành vi phạm tội. Từ đó, đảm bảo việc xét xử được khách quan, công bằng.

*Hành vi của bị cáo trước là tiền đề cho bị cáo sau

Trong phần đối đáp tại phiên tòa, đại diện Viện Kiểm sát khẳng định, các bị cáo đã thực hiện một chuỗi hành vi cố ý, bắt đầu từ việc nâng vốn góp khống đến cuối cùng là bán cổ phiếu ROS, chiếm đoạt tiền. Hành vi của bị cáo trước là tiền đề, điều kiện để các bị cáo sau thực hiện hành vi phạm tội và ngược lại, hành vi của bị cáo sau là sự tiếp nối, kết quả của hành vi do bị cáo trước đã thực hiện. Vì vậy, cáo trạng của Viện Kiểm sát truy tố các bị cáo có vai trò đồng phạm với các bị cáo Quyết, Huế, Nga và các bị cáo khác là hoàn toàn có căn cứ. Các bị cáo phải cùng chịu chung hậu quả số tiền bị cáo Quyết đã chiếm đoạt. Nếu thiếu đi hành vi liên quan đến quá trình hình thành cổ phiếu ROS của bất kỳ bị cáo nào trong vụ án này, thì bị cáo Quyết không thể niêm yết, bán hơn 391 triệu cổ phiếu cho các nhà đầu tư, thu được hơn 4.818 tỷ đồng và chiếm đoạt hơn 3.621 tỷ đồng để sử dụng vào mục đích cá nhân.

Tại bản án sơ thẩm, Hội đồng xét xử cũng xác định: Hành vi của bị cáo trước là tiền đề để các bị cáo sau thực hiện hành vi phạm tội. Trong hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, Trịnh Văn Quyết đã sử dụng sàn HOSE làm phương tiện để bán hơn 391 triệu cổ phiếu hình thành từ vốn góp nâng khống cho hơn 25.000 nhà đầu tư trên sàn chứng khoán, chiếm đoạt hơn 3.621 tỷ đồng. Để xảy ra hậu quả trên, có sự tham gia giúp sức tích cực của bị cáo trong vụ án vào quá trình nâng khống vốn góp, ủy thác đầu tư, nhận ủy thác đầu tư, hợp thức dòng tiền từ vốn góp khống; xác định vốn góp khống; chấp thuận niêm yết cổ phiếu… để tạo điều kiện giúp Trịnh Văn Quyết bán cổ phiếu được hình thành từ vốn góp chủ sở hữu khống, chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư trên sàn chứng khoán.

Bị cáo Trịnh Văn Quyết (cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FLC, Chủ tịch Công ty Cổ phần Hàng không Tre Việt) bị Tòa tuyên phạt 21 năm tù. Ảnh: Phạm Kiên - TTXVN

Trong hành vi “Thao túng thị trường chứng khoán”, để Trịnh Văn Quyết, Trịnh Thị Minh Huế, Trịnh Thị Thúy Nga thu lợi bất chính hơn 684 tỷ đồng, có sự tham gia giúp sức tích cực của các bị cáo khác trong Tập đoàn FLC trong việc ký nghị quyết, chỉ đạo cho các tài khoản do Trịnh Thị Minh Huế quản lý, sử dụng mua chứng khoán không có tài sản đảm bảo (cấp khống tiền) trái pháp luật. Một số bị cáo còn cho Trịnh Thị Minh Huế mượn giấy tờ cá nhân để thành lập công ty, mở các tài khoản chứng khoán để thao túng thị trường chứng khoán, giúp Trịnh Văn Quyết thu lợi bất chính.

*Tự nguyện trong nhận thức và hành động

Hội đồng xét xử sơ thẩm nhận định, hầu hết các bị cáo trong vụ án đều đã thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội, ăn năn hối cải, chủ động hợp tác với cơ quan điều tra để làm sáng tỏ vụ việc… Đặc biệt, các bị cáo cùng với gia đình tự nguyện bồi thường, khắc phục hậu quả trong vụ án. Có những bị cáo thuộc nhóm tội danh “Thao túng thị trường chứng khoán” mặc dù không phải nộp tiền bồi thường nhưng vẫn chủ động truy nộp vào cơ quan Nhà nước để khắc phục hậu quả vụ án.

Các luật sư bào chữa cũng chung ý kiến thừa nhận hành vi phạm tội, diễn biến hành vi của các bị cáo mà Viện kiểm sát nêu ở cáo trạng, luận tội là đúng và đề nghị Hội đồng xét xử, đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên tòa xem xét tình tiết giảm nhẹ để các bị cáo được hưởng hình phạt nhẹ hơn mức mà Viện Kiểm sát đã đề nghị.

Riêng bị cáo Lê Văn Tuấn (kiểm toán viên Công ty CPA) trong quá trình điều tra, bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội nhưng trong quá trình truy tố bị cáo chối tội. Tuy nhiên, trong phần tranh luận tại phiên tòa, bị cáo Tuấn đã thừa nhận hành vi phạm tội, thể hiện sự ăn năn hối cải, mong muốn được hưởng khoan hồng của pháp luật. Hội đồng xét xử và đại diện Viện Kiểm sát đã ghi nhận sự chuyển biến rõ rệt trong nhận thức của bị cáo Tuấn và quyết định giảm nhẹ hình phạt đối với bị cáo này.

Thẩm phán, Chủ toạ phiên toà Vũ Quang Huy tuyên án với các bị cáo. Ảnh: Phạm Kiên - TTXVN

*Điều chỉnh mức bồi thường
Trong bản án sơ thẩm, Hội đồng xét xử đã xác định lại và điều chỉnh 2 số liệu là người bị hại, số tiền bồi thường theo hướng giảm so với bản cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao.

Bản án nêu, sau 5 lần tăng vốn, bị cáo Quyết và đồng phạm đã niêm yết 43 triệu cổ phiếu ROS lên HOSE, bán lần đầu cho 25.853 bị hại, chiếm đoạt 3.621 tỷ đồng. Về nguyên tắc, các bị cáo phải bồi thường cho các bị hại số tiền đã mua cổ phiếu bị nâng khống. Song thực tế, nhiều nhà đầu tư sau khi mua cổ phiếu ROS đã bán, có người mua bán nhiều lần, cổ phiếu bị trộn lẫn trong các lần giao dịch sau đó. Hiện có nhà đầu tư đã bán hết cổ phiếu nên không có yêu cầu bồi thường, có nhà đầu tư không biết bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản nên không yêu cầu bồi thường.

Hội đồng xét xử cho rằng tại thời điểm các bị cáo bán cổ phiếu ROS, có người mua với giá cao song cũng có nhà đầu tư mua giá thấp, giao dịch khớp lệnh diễn ra trong nhiều năm, đến nay không xác định được chính xác giá mua bán trong các lần khớp lệnh. Để đảm bảo công bằng, Tòa buộc bị cáo Quyết và đồng phạm bồi thường cho các nhà đầu tư số tiền bị chiếm đoạt trên giá trị nâng khống của mỗi cổ phiếu đã bán, tương ứng khối lượng cổ phiếu các bị hại này đang sở hữu.

Hội đồng xét xử phân tích, vụ án xác định được 133 bị hại còn giữ cổ phiếu lần đầu mua trực tiếp từ Trịnh Văn Quyết và 15 cổ đông. Gia đình bị cáo Trịnh Văn Quyết đã bồi thường cho 85 bị hại (các bị hại này đã gửi đơn tới Tòa xác nhận đã nhận đủ tiền bồi thường và có đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Quyết). Tòa buộc các bị cáo phải tiếp tục bồi thường cho những bị hại có yêu cầu bồi thường còn lại.

Quang cảnh phiên toà. Ảnh: Phạm Kiên - TTXVN

Ngoài ra, Tòa cũng cho phép các bị hại đã bán hết cổ phiếu ROS đã chuyển phần giá trị bị nâng khống cho người mua tiếp theo và các bị hại khác chưa có yêu cầu bồi thường có quyền đề nghị xem xét bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình trong vụ án dân sự khác.

Trước đó, bản cáo trạng của Viện Kiểm sát xác định, vụ án có 30.403 bị hại với số tiền chiếm đoạt là hơn 3.621 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong phần tranh luận, luật sư bào chữa cho bị cáo Quyết đã đề nghị cơ quan tố tụng xác định lại số bị hại do “trong danh sách này có nhiều người trùng tên, trùng địa chỉ”. Sau đó, đại diện Viện Kiểm sát và Hội đồng xét xử đã xác định bị hại của vụ án là hơn 25.000 bị hại.

Về số tiền thiệt hại, Hội đồng xét xử xác định thiệt hại của các nhà đầu tư trong vụ án là hơn 1.780 tỷ đồng. Sau khi trừ đi số tiền các bị cáo đã khắc phục (trong đó gia đình bị cáo Quyết khắc phục hơn 260 tỷ đồng) thì bị cáo Trịnh Văn Quyết và em gái Trịnh Thị Minh Huế phải liên đới bồi thường cho các bị hại và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tổng cộng hơn 1.500 tỷ đồng./.

Kim Anh

VNEWS | 08-08-2024, 17:58

vnews

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

CHƯƠNG TRÌNH TRÊN VNEWS

Xem thêm