Sạt lở nghiêm trọng tại xã cù lao An Hiệp, Đồng Tháp

An Hiệp là xã cù lao của huyện Châu Thành (tỉnh Đồng Tháp), nằm giữa sông Tiền và sông Sa Đéc. Tuy mới bắt đầu mùa mưa lũ nhưng khu vực ven bờ sông Tiền đoạn qua xã An Hiệp xảy ra sạt lở nghiêm trọng, làm mất gần 6.000m2 đất đang trồng cây ăn quả, nguy cơ cao tiếp tục còn sạt lở khiến người dân lo lắng.

Sạt lở khiến gia đình ông Đặng Văn Đạt ở xã An Hiệp mất hơn 1.000m2 đất trồng dừa đang cho quả. Ảnh: Nhựt An - TTXVN

Khu vực sạt lở có chiều dài khoảng 91m, ăn sâu vào đất liền khoảng 65m tại xã An Hiệp, huyện Châu Thành. Ảnh: Nhựt An - TTXVN

Vụ sạt lở xảy ra ven bờ sông Tiền, thuộc ấp An Hòa, xã An Hiệp vào cuối tháng 7/2024 đã làm gia đình ông Đặng Văn Đạt mất hơn 1.000m2 đất trồng dừa đang cho quả. Ông Đạt tranh thủ thu hoạch số dừa còn lại do lo lắng sạt lở còn tiếp diễn. Ông chia sẻ, hơn 10 năm qua, khu vực này không bị sạt lở nhiều nhưng năm nay lại xảy ra nghiêm trọng, gia đình đang thuê máy múc đất, đắp lại đê bao bị vỡ.

Hiện nằm trong vành đai sạt lở này còn có trên 40 lồng bè nuôi cá của người dân. Hơn 4 năm nay, anh Đỗ Tuấn Đạt nuôi cá lồng bè ven bờ sông Tiền thuộc xã An Hiệp. Vụ sạt lở làm một bè nuôi cá điêu hồng của anh bị hư hỏng, một số cá giống hơn 10 ngày tuổi thoát ra ngoài sông. Lo sợ sạt lở nhưng nhưng do địa điểm này nuôi cá sinh trưởng và phát triển tốt, mang lại lợi nhuận nên anh cố gắng gia cố lại bè cá.

Ngay sau khi xảy ra sạt lở, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện Châu Thành, xã An Hiệp và các ngành liên quan khảo sát, đánh giá tình hình vụ sạt lở.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp, vụ sụt lún, khu vực sạt lở dài khoảng 91m, ăn sâu vào đất liền khoảng 65m, ảnh hưởng diện tích trồng cây ăn quả (chủ yếu là dừa và chanh), một bè nuôi cá, ước tổng thiệt hại khoảng 1,17 tỷ đồng. Qua khảo sát sơ bộ, độ sâu đáy sông tại khu vực sụt lún, sạt lở dao động từ - 8m đến -13m; cách bờ khoảng 60m, độ sâu từ - 14m đến -22m. Tại vị trí sụt lún, sạt lở, mái bờ sông dốc đứng, nước chảy xiết.

Sau khi sạt lở, ông Đặng Văn Đạt ở xã An Hiệp thuê máy múc đất, đắp lại đê bao bị vỡ. Ảnh: Nhựt An - TTXVN

Ông Huỳnh Minh Đường, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp cho biết, nguyên nhân sạt lở do dòng sông cong, phía bên kia bờ sông Tiền (thuộc xã Bình Thạnh, huyện Cao Lãnh) đang bồi lắng, làm chủ lưu dòng chảy áp sát vào phía bờ sông Tiền (thuộc xã An Hiệp), khúc sông co hẹp “thắt cổ chai”, dòng chảy rất xiết kết hợp mưa dai dẳng trong nhiều ngày, nền đất yếu gây sụt lún, sạt trượt. Theo nhận định của Dự án “Đo đạc, giám sát đánh giá ổn định bờ sông Tiền và thiết lập hành lang sạt lở tại khu vực đông dân cư, cơ sở hạ tầng trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp” khu vực này nằm rất gần với hố xói số 7. Đây là hố xói sâu nhất trong khu vực với từ -35m đến -46m, dài khoảng 580m, rộng khoảng 200m; khu vực này có hệ số ổn định lòng sông thấp, nguy cơ sạt lở, trượt sâu rất cao.

Vụ sụt lún, sạt lở nói trên không thiệt hại về người nhưng ảnh hưởng trực tiếp đến đất và cây trồng trên đất, đặc biệt nguy cơ ảnh hưởng đến các hộ nuôi cá lồng bè. Tình hình sạt lở bờ sông Tiền tại ấp An Hòa, xã An Hiệp, huyện Châu Thành diễn biến phức tạp và tiếp tục xảy ra thời gian tới, nhất là khi đang vào mùa mưa lũ như hiện nay.

Sạt lở làm mất một phần diện tích đất trồng chanh của người dân xã An Hiệp, huyện Châu Thành. Ảnh: Nhựt An - TTXVN

Sạt lở ven bờ sông Tiền, thuộc xã cù lao An Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Nhựt An - TTXVN

Bà Nguyễn Thị Ngọc Tiếu, Phó Chủ tịch UBND xã An Hiệp cho hay, UBND xã gặp gỡ người dân có đất vườn và nuôi cá trong vực sạt lở để tuyên truyền, nhắc nhở việc chủ động phòng tránh, bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản. Trước đây, người dân trong khu vực sạt lở của xã An Hiệp được vận động, hỗ trợ di dời đến nơi ở mới an toàn hơn. Hằng năm, UBND xã có tổ chức cho người dân ký cam kết không xây dựng mới nhà cửa trong khu vực sạt lở. Do vậy, hiện nay, ở đây chủ yếu là vườn cây ăn quả và bè nuôi cá của người dân.

Khu vực này nằm trong vành đai sạt lở nhưng chưa được đầu tư xây dựng công trình bảo vệ bờ sông. Mùa mưa lũ đang đến, nguy cơ cao tiếp tục sạt lở. Địa phương tiếp tục đề xuất cấp trên xem xét, hỗ trợ kịp thời việc phòng, chống sạt lở. Cách điểm sạt lở khoảng 100m (hướng về phía tỉnh Vĩnh Long) xuất hiện điểm khác có nguy cơ sạt lở rất cao, nước xoáy mạnh nên xã tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân nâng cao cảnh giác, chủ động ứng phó./.

Nhựt An/TTXVN

 

 

VNEWS | 05-08-2024, 16:13

vnews

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

CHƯƠNG TRÌNH TRÊN VNEWS

Xem thêm