Theo quan niệm xưa, ngày 5/5 Âm lịch là lúc thời tiết giao mùa, côn trùng sâu bọ phát triển nên tục "giết sâu bọ" trong ngày này bằng cách ăn trái cây đầu mùa như mận, vải... Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN

 

* Nguồn gốc và ý nghĩa ngày Tết Đoan Ngọ


Theo PGS.TS Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Tết Đoan Ngọ hay còn được gọi là tết Đoan Dương, thường được tổ chức vào giờ Ngọ, ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch hằng năm. Đây là ngày tết truyền thống của một số quốc gia, vùng lãnh thổ Đông Á, gồm: Việt Nam, Triều Tiên, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản và Trung Quốc. Trong văn hóa cổ truyền Việt Nam, Đoan ngọ được xem là một trong những Lễ, Tết quan trọng bậc nhất.


Trong cung đình xưa, Tết Đoan ngọ là lễ thường triều, nhà vua thực hiện một số nghi lễ như cúng tế các tiên đế, báo hiếu bậc sinh thành, ban yến và ban quạt cho văn võ bá quan, với mong ước ban phúc lành, ban sức khỏe, bình an cho muôn nhà. Tết được các vương triều tổ chức trang trọng với những lễ nghi mang tính cung đình.


Trong dân gian Tết Đoan Ngọ của Việt Nam xuất phát từ điển tích. Điển tích này có nhiều dị bản khác nhau. Theo đó, một năm nông dân đang ăn mừng vì được mùa thì sâu bọ kéo đến, ăn mất cây trái, thực phẩm đã thu hoạch. Dân làng không biết làm cách nào để có thể giải được nạn sâu bọ này, bỗng nhiên có một ông lão từ xa đi tới tự xưng là Đôi Truân. Ông chỉ cách cho dân chúng mỗi nhà lập một đàn cúng đơn giản gồm có bánh gio, trái cây. Nhân dân làm theo và sâu bọ đã bay đi. Lão ông còn bảo thêm: sâu bọ hằng năm vào ngày này rất hung hăng, mỗi năm vào đúng ngày này cứ làm theo những gì ta đã dặn sẽ trị được chúng.


Để tưởng nhớ công lao của ông lão và ghi nhớ sự việc này, dân chúng đặt cho ngày này là ngày “Tết giết sâu bọ”, có người gọi là “Tết Đoan Ngọ”, vì giờ cúng thường vào giữa giờ Ngọ (từ 11 giờ-13 giờ).
Tết Đoan ngọ năm 2024 diễn ra vào ngày 5/5 Âm lịch, tức vào thứ Hai ngày 10/6 Dương lịch. Nhân dịp này, từ ngày 6 đến 9/6/2024, tại Khu di sản Hoàng thành Thăng Long, Hà Nội, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội tổ chức Chương trình “Tết Đoan Ngọ Thăng Long xưa” với nhiều hoạt động đặc sắc, giới thiệu giá trị văn hóa cung đình Thăng Long đến người dân và du khách. Chương trình gồm các hoạt động: tái hiện nghi lễ tiến phẩm, dâng hương lên các vị tiên đế và nghi lễ Ban quạt trong cung đình Thăng Long; trưng bày, trải nghiệm văn hóa truyền thống phục vụ khách tham quan. Ngoài ra, du khách còn được tìm hiểu những phong tục độc đáo của ngày Tết Đoan Ngọ như: tục “giết sâu bọ”; tục đeo bùa ngũ sắc; tục hái thuốc nam đề cao tri thức dân gian dùng thảo mộc chăm sóc sức khỏe; trưng bày quạt trong đời sống xưa và nay...

* Những phong tục đẹp trong ngày Tết Đoan Ngọ
- Chuẩn bị mâm lễ cúng gia tiên
Đối với mỗi người dân, đón Tết Đoan Ngọ được xem là nét đẹp văn hóa lâu đời, với nguyện vọng mong mùa màng bội thu, hoa màu không bị sâu bệnh phá hoại, cuộc sống ấm no. Trong ngày này, mặc dù không cần chuẩn bị mâm cao cỗ đầy hay cỗ mặn phức tạp, nhiều gia đình vẫn chuẩn bị mâm lễ hoa quả để dâng lên gia tiên để cầu mong sức khỏe, đủ đầy cho cả gia đình.


Mâm cúng ngày này không thể thiếu các loại quả như vải thiều, mận, đào… đại diện cho sự đầy đủ và phong phú; thêm một bát cơm rượu nếp cái nồng nàn cũng là biểu tượng của linh hồn ngày Tết này. Những loại quả và cơm rượu còn được tin là có khả năng "xua đuổi sâu bọ", mang lại sức khỏe và sự an lành cho thành viên trong gia đình. Trên mâm lễ còn những đóa hoa tươi thắm. Đó có thể là hoa sen, hoa nhài, hoa ngọc lan, hoa cau, hoa móng rồng, hoa mẫu đơn đỏ... được chọn lọc cẩn thận để dâng lên tổ tiên. Nhiều gia đình cũng bày thêm xôi đậu, xôi gấc, bánh đậu xanh, bánh xu xê, bánh cốm, rượu, trà... cho mâm lễ thêm tròn, đầy.


Bên cạnh những thành phần chính, mâm lễ cúng Tết Đoan Ngọ của mỗi miền cũng có những điểm khác nhau. Miền Bắc ưa chuộng bánh tro chấm với mật mía thơm ngọt, bánh được làm bằng nếp ngâm trong nước tro và đốt từ rơm thảo mộc sau đó gói cẩn thận lại và đem luộc. Trong mâm cúng của người miền Trung có chè kê thơm ấm nấu với đậu xanh. Ở miền Nam có bánh ú tro nhân đậu xanh, gói bằng lá tre, mùi thơm dịu.


- Ăn trái cây, cơm rượu nếp để “giết sâu bọ”
Vào ngày Tết Đoan Ngọ, nhiều người tin rằng việc ăn một số loại trái cây có vị chua như: mận, cam, xoài... có thể loại trừ được sâu bọ, mầm bệnh trong hệ tiêu hóa. Bên cạnh đó, việc ăn trái cây đầu mùa cũng thể hiện được mong muốn một cuộc sống đầy đủ, cây cối đơm hoa, kết trái.


Cơm rượu nếp cẩm cũng là món ăn phổ biến để giết sâu bọ. Đây là món ăn có vị ngọt và chữa được nhiều bệnh như suy nhược cơ thể, làm giảm cơn khát, trị chứng ra mồ hôi trộm. Theo dân gian, cơm rượu nếp được ăn ngay khi vừa ngủ dậy thì rất hiệu nghiệm.


Nhiều gia đình cũng mua thịt vịt về ăn trong dịp Tết đặc biệt này. Theo Đông y, thịt vịt có tính mát và có tác dụng giải nhiệt rất tốt. Vì thế nhiều gia đình còn giữ phong tục ăn thịt vịt trong Tết Đoan Ngọ để bồi bổ và thanh lọc cơ thể.


Ngoài việc cúng lễ và ăn uống, trong ngày Tết diệt sâu bọ, người dân còn có một số phong tục khác như: tục đi hái lá thuốc (tía tô, đinh lăng, hà thủ ô, ngải cứu, khuynh diệp...); tục nhuộm móng chân, móng tay; tục khảo cây lấy quả; tục treo ngải cứu để trừ tà; tục tắm lá thuốc... Những em bé chưa biết đi thì được lấy một ít vôi quyệt vào thóp, vào ngực và rốn để chúng không bị đau bụng, đau đầu. Tuy nhiên, phần lớn các tục lệ này ngày nay đã không còn được thực hiện rộng rãi như trước, một số địa phương chỉ còn giữ lại tục tắm nước lá và tục đi hái lá thuốc./.