Thu giữ trên 3 tấn ma túy mua bán, vận chuyển trái phép trong hơn một năm

Báo cáo của Bộ Tài chính gửi đại biểu Quốc hội cho biết, từ ngày 16/12/2022 đến 15/2/2024, toàn ngành Hải quan đã phát hiện, bắt giữ và xử lý 18.468 vụ việc vi phạm pháp luật hải quan, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 15.765 tỷ đồng. Cơ quan Hải quan đã khởi tố 43 vụ, chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 204 vụ. Số tiền thu nộp ngân sách nhà nước là 588 tỷ đồng.

Trong công tác đấu tranh phòng, chống ma túy, ngành Hải quan đã chủ trì, phối hợp với các lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng phát hiện, bắt giữ 331 vụ/365 đối tượng (cơ quan Hải quan chủ trì 151 vụ). Tang vật thu được trên 3 tấn ma túy các loại.

Chỉ tính riêng 2 tháng đầu năm (từ 16/12/2023 đến 15/2/2024), toàn ngành Hải quan đã phát hiện, bắt giữ và xử lý 2.475 vụ việc, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 3.289,4 tỷ đồng. Cơ quan Hải quan đã khởi tố 3 vụ và chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 18 vụ. Số tiền thu nộp ngân sách nhà nước khoảng 90,4 tỷ đồng. Trong đó, bắt giữ 68 vụ/62 đối tượng liên quan đến ma túy (cơ quan Hải quan chủ trì 30 vụ), tang vật thu giữ gồm 11,35 kg cần sa; 17,8 kg heroin; 43 kg ketamine; 900 viên ketamine dạng viên; 145,89 kg ma túy tổng hợp và nhiều loại ma túy khác.

Theo Bộ Tài chính, thời gian qua, trên tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc, hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa giảm đáng kể; không phát sinh điểm nóng về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Ngược lại, tuyến biên giới Việt Nam - Lào, hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, đặc biệt là pháo nổ, động thực vật hoang dã, thuốc lá, đường kính... vẫn diễn biến hết sức phức tạp, tập trung tại các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị.

Tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia, hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép ma túy, pháo nổ, vàng, thuốc lá điếu, ngoại tệ, thực phẩm, đường kính... qua biên giới các tỉnh Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang tiếp tục diễn biến phức tạp. Trong đó nổi lên tình trạng buôn lậu, vận chuyển trái phép thuốc lá điếu, đường kính trên tuyến đường thủy nội địa tại các tỉnh Long An, Đồng Tháp.

Tình hình tội phạm ma túy tiếp tục diễn biến phức tạp. Các đối tượng tội phạm ma túy thường lợi dụng đường biên giới dài, địa hình rừng núi phức tạp, nhiều đường mòn, lối mở và kẽ hở, sự thông thoáng trong cơ chế, chính sách tạo thuận lợi đối với hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh, quy trình thủ tục hải quan và các chính sách quản lý liên quan để trà trộn, cất giấu, vận chuyển trái phép chất ma túy từ Lào, Campuchia vào Việt Nam qua các tỉnh Tây Bắc Bộ, miền Trung và Tây Nam Bộ. Các vụ việc về ma túy do cơ quan Hải quan bắt giữ qua tuyến đường bộ tập trung chủ yếu tại các địa bàn trọng điểm như các cửa khẩu tuyến biên giới giáp với Trung Quốc, Lào, Campuchia.

Tuyến đường biển cũng được đánh giá là địa bàn trọng điểm, tiềm ẩn nguy cơ xuất, nhập lậu chất ma túy, các loại tiền chất có chứa chất gây nghiện, chất hướng thần không có giấy phép của cơ quan chức năng dưới danh nghĩa hàng kinh doanh. Phương thức thủ đoạn các đối tượng sử dụng như khai tên hàng hóa không đúng với thực tế, khai không chính xác, đầy đủ tên hàng hóa, khai sai hàm lượng tiền chất chứa trong hỗn hợp chất, hàng hóa làm thủ tục xuất, nhập khẩu...

Trên tuyến hàng không, việc vận chuyển trái phép các chất ma túy không theo quy luật, với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi (thông qua thủ đoạn cất giấu, ngụy trang ma túy thành hàng hóa, hành lý thông thường), liều lĩnh và manh động (mang theo người).

* Thành lập “doanh nghiệp ma” để buôn lậu

Đề cập đến những tồn tại, hạn chế trong công tác phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, Bộ Tài chính cho biết, các quy định pháp luật liên quan đến công tác nghiệp vụ còn nhiều bất cập, chồng chéo dẫn đến khó khăn trong quá trình thực thi công vụ như các quy định pháp luật xử lý vi phạm hành chính trong việc tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, lập biên bản vi phạm hành chính, trong hoạt động điều tra hình sự, xử lý tang vật tịch thu.

Một số vụ việc đã khởi tố, chuyển hồ sơ nhưng cơ quan Cảnh sát điều tra chưa nhận bàn giao vật chứng, dẫn đến phát sinh chi phí lưu kho, quản lý, bảo quản tang vật, vật chứng.

Trong thời gian qua, để tạo điều kiện, hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh, kích thích thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Nhà nước có nhiều đổi mới, nhiều chính sách mới thông thoáng trong chính sách thành lập doanh nghiệp, thủ tục công chứng, chứng thực khi nộp các giấy tờ pháp lý của cá nhân thành lập doanh nghiệp. Do chưa có cơ chế kiểm tra, không xác minh, xác thực về người đại diện theo pháp luật, thông tin về chủ sở hữu, thông tin về địa chỉ, trụ sở của doanh nghiệp nên các đối tượng buôn lậu lợi dụng quy định tạo thuận lợi này để thực hiện hành vi vi phạm, phạm tội; khi cơ quan Hải quan phát hiện thì đối tượng này bỏ trốn.

Thực tế, nhiều vụ buôn lậu được cơ quan Hải quan phát hiện, khi tiến hành điều tra, xác minh thì có tình trạng thành lập “doanh nghiệp ma” để buôn lậu dưới hình thức sử dụng chứng minh nhân dân của người khác, thậm chí của người đã chết hoặc làm giả chứng minh thư nhân dân (có trường hợp chỉ thay ảnh, giữ nguyên số, những thông tin khác) làm người đại diện theo pháp luật khi thành lập doanh nghiệp, không xác định được địa chỉ, trụ sở của doanh nghiệp... gây khó khăn cho hoạt động điều tra, xác minh và xử lý vi phạm. Đối với các vụ án liên quan đến "doanh nghiệp ma” do cơ quan Hải quan khởi tố, thường khi chuyển cho cơ quan Cảnh sát điều tra bị tạm đình chỉ do không tìm thấy đối tượng.

Để khắc phục tình trạng "doanh nghiệp ma", Bộ Tài chính cho rằng, hiện nay đã xây dựng được hệ thống thông tin về dữ liệu quốc gia về dân cư, công nghệ thông tin phát triển cho phép xác thực dấu “vân tay” trong giải quyết thủ tục hành chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần áp dụng công nghệ này khi cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp./.

VNEWS | 18-03-2024, 11:19

Từ khóa: ma túy
vnews

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

CHƯƠNG TRÌNH TRÊN VNEWS

Xem thêm