Chỉ còn chưa đầy 3 tháng nữa là kết thúc năm 2024, nhưng vẫn còn khoảng 800.000 tỷ đồng cần được bơm vào nền kinh tế để đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15% đã đề ra. Đây là một thách thức không nhỏ, nhất là trong bối cảnh bão số 3 vừa gây ra nhiều thiệt hại nghiêm trọng, tác động lâu dài đến quá trình phục hồi và phát triển kinh tế.
Dù vậy, tín dụng trong các tháng cuối năm thường có xu hướng tăng mạnh. Liệu mục tiêu tăng trưởng 15% có khả thi? Và làm sao để dòng vốn được hấp thụ, đi vào đời sống sản xuất kinh doanh một cách kịp thời và hiệu quả?
*Tiếp sức phục hồi
Ghi nhận của phóng viên tại Nhà máy thủy điện Đông Nam Á - Nậm Lúc (Lào Cai) sau khi bão số 3 và hoàn lưu của bão quét qua, toàn bộ khu nhà điều hành khang trang đã bị san phẳng, giờ chỉ còn là một khu đất ngổn ngang, 5 cán bộ nhân viên bị thiệt mạng. Nhà máy thủy điện cũng bị ngập lụt, gây tê liệt toàn bộ hệ thống, không thể tiếp tục hoạt động. Trước những tổn thất nghiêm trọng cả về người và tài sản, doanh nghiệp này đã được ngân hàng giảm 50% lãi vay từ nay đến hết năm, tương đương hơn 10 tỷ đồng, đồng thời được cấp mới hạn mức tín dụng 50 tỷ đồng với lãi suất 4,5%/năm nhằm khôi phục sản xuất.
"Mức độ tàn phá, gây thiệt hại của cơn bão rất lớn. Ước tính thiệt hại về tài sản, cơ sở hạ tầng của chúng tôi lên tới hơn 100 tỷ đồng, chưa tính đến thời gian dừng vận hành, để sửa chữa nhà máy và không có doanh thu. Đối với chúng tôi, những sự hỗ trợ này rất quý giá, là điểm tựa tài chính để doanh nghiệp khắc phục, vượt qua giai đoạn khó khăn này", ông Nguyễn Tất Anh, Giám đốc điều hành tạm thời Nhà máy thủy điện Nậm Lúc chia sẻ.
Ngân hàng Nhà nước ước tính có khoảng 165.000 tỷ đồng dư nợ vay vốn với hơn 94.000 khách hàng đã bị ảnh hưởng bởi bão số 3 tính đến ngày 25/9. Hiện nay có 30/45 các tổ chức tín dụng đăng ký cho vay hỗ trợ lãi suất thấp hơn 0,5-2% lãi vay thông thường với tổng quy mô khoảng 405.000 tỷ đồng.
Nhìn vào hạn mức số tiền khoảng 800.000 tỷ đồng cho vay trong quý IV còn tồn tại các ngân hàng mà Ngân hàng Nhà nước công bố mới đây cho thấy, để đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15% là thách thức cho hệ thống ngân hàng nhưng cũng mở ra cơ hội phục hồi cho nền kinh tế khi dòng vốn sẽ được giải ngân mạnh mẽ hơn vào những lĩnh vực then chốt, tiếp sức cho hoạt động sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp hiệu quả hơn.
Chuyên gia kinh tế GS.TS Hoàng Văn Cường cho rằng, tại các khu vực, doanh nghiệp vừa bị tác động của thiên tai, bão lũ, hoạt động sản xuất chưa thể trở lại và mở rộng ngay được nên nhu cầu vốn cho mở rộng sản xuất là gần như là không có. "Song cũng chính những nhóm khách hàng này lại đang rất cần những nguồn vốn mới để phục hồi, tái lập lại các cơ sở của họ", ông Cường nhấn mạnh.
Thực tế cho thấy, đã có những tín hiệu khả quan về hoạt động tín dụng. Theo cập nhật mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước, đến ngày 30/9, tăng trưởng tín dụng đã đạt 9% so với đầu năm và tăng 16% so với cùng kỳ năm trước. Con số giải ngân sau 9 tháng của các ngân hàng đạt khoảng 1,2 triệu tỷ đồng, hoàn thành khoảng 60% mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024.
Đây là một bước tiến đáng kể, bởi trước đó, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế chỉ đạt 7,38% vào ngày 17/9 và 6,63% vào cuối tháng 8. Như vậy, riêng trong tháng 9, tín dụng đã tăng thêm gần 2,4 điểm %, tương ứng với quy mô khoảng 300.000 tỷ đồng. Đặc biệt, trong nửa cuối tháng 9, hệ thống ngân hàng đã bơm ra gần 220.000 tỷ đồng vào nền kinh tế.
GS.TS Hoàng Văn Cường đánh giá tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp chế tạo chế biến hiện rất mạnh, các đơn hàng được ký tăng rất nhanh, chỉ số mua hàng cũng tương đối cao... Tất cả chứng tỏ rằng nhu cầu về mở rộng sản suất cho các doanh nghiệp trong những tháng cuối năm sẽ tăng cao. Đây sẽ là một trong những nhân tố để thúc đẩy cầu vốn của nền kinh tế tăng lên và kéo theo tín dụng tăng trưởng.
*Kích cầu nền kinh tế
Nhìn lại 9 tháng qua, tăng trưởng tín dụng tại nhiều thời điểm, nhất là những tháng đầu năm, thấp hơn mức tăng cùng kỳ năm trước.
Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), cho biết dù đã có nhiều biện pháp thúc đẩy, nhưng tăng trưởng tín dụng vẫn chưa đạt kỳ vọng do nhu cầu vốn thấp vì xuất khẩu và tiêu dùng nội địa chưa phục hồi. Nhiều doanh nghiệp thu hẹp sản xuất, thận trọng với rủi ro và thu nhập người mua bất động sản giảm trong khi nguồn cung nhà ở giá hợp lý vẫn hạn chế. Tín dụng tiêu dùng cũng tăng chậm do thu nhập giảm và sự cạnh tranh từ các ứng dụng cho vay dễ dàng.
Về giải pháp, Tổng Giám đốc Sacombank đề xuất giảm chi phí vốn, lãi suất, duy trì chính sách tài khóa mở rộng và giảm thuế, phí để kích thích tiêu dùng và tăng trưởng.
Còn tại Ngân hàng TMCP Phát triển Tp. Hồ Chí Minh (HDBank), ông Kim Byoungho, Chủ tịch Hội đồng quản trị ngân hàng cho biết hiện không ít doanh nghiệp đang gặp vướng mắc về pháp lý, thủ tục phê duyệt hơn là khả năng tiếp cận vốn sau khi lãi suất cho vay đã giảm sâu và việc xét cấp tín dụng được tinh gọn. Do đó, HDBank mong muốn tiếp tục đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn vướng mắc về pháp lý, thủ tục hành chính để doanh nghiệp mở rộng sản xuất.
Cũng theo ông Kim Byoungho tăng trưởng tín dụng của HDBank đến cuối tháng 9 đạt trên 15% so với đầu năm với dư nợ vượt 390.000 tỷ đồng. Lãnh đạo HDBank đề xuất Ngân hàng Nhà nước xem xét cấp thêm chỉ tiêu tín dụng cho các tổ chức có khả năng cung ứng vốn tốt trong quý 4 nhằm bám sát chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ về tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách huy động tối đa các nguồn lực cho phát triển. Đồng thời, HDBank cũng đề xuất tái triển khai gói tín dụng tiêu dùng hỗ trợ công nhân khu công nghiệp, khu chế xuất như gói 20.000 tỷ đồng năm 2023 để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong mùa cao điểm cuối năm.
Năm 2024, Ngân hàng Nhà nước đã phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các tổ chức tín dụng ngay từ đầu năm, với mục tiêu tăng trưởng chung khoảng 15%. Tuy nhiên, mức tăng trưởng tín dụng giữa các ngân hàng không đồng đều, một số ngân hàng tăng thấp hoặc thậm chí âm, trong khi một số khác đã gần chạm mức chỉ tiêu được giao. Đến cuối tháng 8, Ngân hàng Nhà nước đã cấp thêm hạn mức tín dụng, giúp các ngân hàng đạt 80% chỉ tiêu tín dụng đề ra từ đầu năm.
Để giải bài toán làm sao hấp thụ được dòng vốn một cách kịp thời và hiệu quả, PGS.TS. Phạm Thị Hoàng Anh, Phó Giám đốc phụ trách Ban Giám đốc Học viện Ngân hàng cho rằng lãi suất thấp là điều kiện cần nhưng chưa đủ để giúp tăng cái khả năng hấp thụ vốn trong nền kinh tế. Do đó, còn cần thêm một số giải pháp nữa không chỉ từ ngành ngân hàng mà cả các bộ, ngành hoặc chủ thể liên quan.
Theo đó, cần hướng dòng vốn tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và là động lực cho tăng trưởng như xuất khẩu, sản xuất hàng tiêu dùng... đồng thời quản lý rủi ro tín dụng một cách thận trọng. Thêm nữa, gỡ bỏ các rào cản để thúc đẩy đầu tư vào lĩnh vực nhà ở xã hội, từ đó sẽ giúp giải quyết một phần lớn nhu cầu về vốn cho nền kinh tế, giúp thị trường bất động sản phục hồi. Cần phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành và cơ quan quản lý để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân nhất là về nguồn vốn như vốn từ các quỹ bảo lãnh doanh nghiệp vừa và nhỏ, quỹ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ...
Chưa dừng ở đó, PGS.TS. Phạm Thị Hoàng Anh cho rằng một trong những giải pháp cũng rất quan trọng ở thời điểm này là kích cầu cho nền kinh tế, giúp doanh nghiệp có thể mở rộng sản xuất kinh doanh, giải phóng hàng tồn kho, người dân cũng tiêu dùng nhiều hơn, qua đó có thể giúp cho kinh tế được phục hồi và tăng trưởng trở lại.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 103/CĐ-TTg ngày 7/10/2024 về hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh trong cuối năm 2024 và những năm tiếp theo. Trong đó yêu cầu giảm mặt bằng lãi suất cho vay, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh.
Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để giảm mặt bằng lãi suất cho vay, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng của nền kinh tế (động lực tăng trưởng truyền thống và động lực tăng trưởng mới). Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước khẩn trương chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, triển khai hiệu quả gói tín dụng 140 nghìn tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, chương trình tín dụng ưu đãi đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản…
Tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2024, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng khẳng định thời gian qua, ngành ngân hàng cũng đã tích cực đẩy mạnh tín dụng. Thông thường, tín dụng sẽ tăng mạnh vào những tháng cuối năm, vì vậy năm nay mục tiêu tăng 15% là hoàn toàn khả thi. Bên cạnh đó, lạm phát được kiểm soát, thị trường tiền tệ, ngoại hối ổn định, lãi suất cho vay bình quân tiếp tục giảm, tạo thuận lợi thúc đẩy phục hồi, tăng trưởng kinh tế./.
VNEWS | 09-10-2024, 10:23
21-11-2024, 21:48
22-11-2024, 08:23
22-11-2024, 06:17
30-09-2023, 17:17
21-11-2024, 20:22
ĐĂNG KÝ NHẬN TIN
Nhận các thông báo từ Truyền hình Thông tấn
Theo thông tin từ Công an thành phố Hải Phòng, vào 0 giờ 15 phút ngày 21/11, tại vũ trường New MDM (địa chỉ Lô 26D, phường Đông Khê, quận Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng), Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an thành phố chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra vũ trường này.;
22-11-2024, 09:06
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh Nghệ An, hiện nay vẫn còn một số đơn vị nợ phát sinh trước ngày 1/1/2015 và nợ phát sinh sau ngày 1/1/2015. Theo đó, UBND tỉnh Nghệ An đã yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã, các Ban quản lý dự án và các chủ đầu tư nghiêm túc rà soát, đối chiếu, xác định chính xác số nợ đọng xây dựng cơ bản. Các đơn vị này cũng phải chịu trách nhiệm nếu không báo cáo chính xác, đầy đủ về số nợ đọng xây dựng cơ bản của đơn vị mình.;
22-11-2024, 08:41
Tối 21/11 theo giờ địa phương, Tổng thống Nga Vladimir Putin xác nhận quân đội nước này đã sử dụng tên lửa đạn đạo tầm trung Oreshnik tấn công một nhà máy sản xuất thiết bị không gian của Ukraine. ;
22-11-2024, 08:33
Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2023 - 2025 của 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, gồm: An Giang, Đồng Tháp, Hà Nam, Hà Nội, Hà Tĩnh, Thành phố Hồ Chí Minh, Phú Thọ, Sơn La, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Trà Vinh, Vĩnh Phúc, giai đoạn 2023 – 2025.;
22-11-2024, 08:23
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, từ ngày 22/11 đến đêm 23/11, khu vực từ Quảng Trị đến Bình Định có mưa vừa, mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to và dông, với lượng mưa phổ biến từ 100-200 mm, cục bộ có nơi trên 300 mm. Cảnh báo nguy cơ có mưa cục bộ cường suất lớn (>100 mm/6giờ).;
22-11-2024, 06:17
Ngày 20/11/2024, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm. ;
21-11-2024, 16:37