Kết quả cuộc bầu cử tổng thống năm 2024 tại Mỹ đã ngã ngũ với việc ứng cử viên Donald Trump của đảng Cộng hòa giành chiến thắng.
15h30, ngày 06/11
Đầu giờ chiều 6/11 theo giờ Việt Nam, ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump đã có bài phát biểu đầu tiên tại Trung tâm Hội nghị Palm Beach, bang Florida, trong khi công tác kiểm phiếu cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vẫn đang diễn ra.
Phát biểu trước những người ủng hộ, ông Donald Trump cho rằng ông và những người ủng hộ đã làm nên lịch sử trong cuộc đua vào Nhà Trắng. Ông Trump cũng cam kết sẽ "chữa lành" đất nước, đồng thời cho rằng nước Mỹ đã trao cho ông và những người ủng hộ ông một nhiệm vụ quan trọng và chưa từng có.Trên sân khấu còn có sự tham gia của những người đồng hành tranh cử của ông là Thượng nghị sĩ bang Ohio J.D. Vance, Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson cùng các thành viên trong gia đình ông Trump.
Tính đến đầu giờ chiều 6/11, ông Trump dẫn trước với 277 phiếu đại cử tri (vượt mốc 270 cần thiết), trong khi số phiếu của bà Harris là 226.
----
13h30, ngày 06/11
Ngày 6/11 theo giờ bờ Đông của Mỹ (chiều cùng ngày theo giờ Việt Nam), kết quả cuộc bầu cử tổng thống năm 2024 tại Mỹ đã ngã ngũ với việc ứng cử viên Donald Trump của đảng Cộng hòa giành chiến thắng.
Theo kết quả kiểm phiếu sơ bộ tính tới 13h30’ giờ Việt Nam, ông Trump đã giành được ít nhất 270 phiếu đại cử tri, vượt qua ngưỡng 270 phiếu theo luật định và qua đó đánh bại ứng cử viên Kamala Harris bên phía đảng Dân chủ để trở thành tổng thống thứ 47 của nước Mỹ.
Chiến thắng quyết định diễn ra tại bang chiến trường Pennsylvania với 19 phiếu đại cử tri. Đây cũng là nhiệm kỳ thứ 2 ông Trump giữ cương vị chủ nhân Nhà Trắng, sau nhiệm kỳ một từ năm 2016-2020.
Trong ngày bầu cử 5/11, ông Donald Trump đã có màn thể hiện xuất sắc với hàng loạt chiến thắng vang dội tại 7 bang chiến trường có ý nghĩa quyết định gồm Arizona, Georgia, Michigan, Nevada, Bắc Carolina, Wisconsin và Pennsylvania. Ứng cử viên này đã giành trọn 93 phiếu đại cử tri tại những bang nói trên.
Ngày sau khi kết quả được công bố, Tổng thống đắc cử Donald Trump đã có bài diễn văn ăn mừng trước đông đảo người ủng hộ tại Palm Beach, bang Florida.
Dự kiến, các đại cử tri đoàn tại các bang sẽ nhóm họp vào ngày 17/12 tới để bỏ phiếu đại cử tri chính thức bầu ứng cử viên Donald Trump làm tổng thống tiếp theo của nước Mỹ.
Ông Trump sẽ tuyên thệ nhậm chức tại Đồi Capitol vào ngày 20/1/2025./.
----
12h45, ngày 06/11
Hãng tin Fox News đưa tin theo kết quả kiểm phiếu mới nhất tại bang chiến địa Wisconsin, với hơn 82% số phiếu được kiểm ứng cử viên tổng thống Donald Trump của đảng Cộng hòa đã đánh bại đối thủ đảng Dân chủ, Phó Tổng thống Kamala Harris và giành trọn 10 phiếu đại cử tri.
Wisconsin là một trong 7 bang chiến địa quan trọng có thể định đoạt cục diện cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm nay. Cựu tổng thống Trump từng thắng ở bang này năm 2016 với chênh lệch chỉ 0,7% số phiếu trước đối thủ đảng Dân chủ Hillary Clinton. Năm 2020, ông để mất Wisconsin vào tay Tổng thống đương nhiệm Joe Biden với chênh lệch cũng 0,7%. Trong cuộc bầu cử năm nay, ông Trump và phe Cộng hòa đã thúc đẩy nỗ lực "đổi màu" Wisconsin với nhiều cuộc vận động ở bang này, cũng như áp dụng các chiến thuật mới để tăng lượng cử tri đi bầu. Đây cũng là bang đảng Cộng hòa tổ chức đại hội đảng toàn quốc vào mùa Hè vừa qua.
Như vậy, cựu Tổng thống Trump đã chiến thắng tại 4/7 bang chiến địa là Georgia, North Carolina, Pennsylvania và Wisconsin, trong khi cũng đang dẫn trước ở Michigan (15 phiếu) với chênh lệch số phiếu ủng hộ so với bà Harris là 52,05% và 46,18%. Bang Michigan là một thành trì trước đây của đảng Dân chủ. Ông Trump đã chiến thắng tại bang này trong cuộc đua với bà Clinton vào năm 2016. Sau đó, ông Biden đã đưa Michigan trở lại phe Dân chủ vào năm 2020. Ở bang chiến địa còn lại, bang Arizona, với 50% số phiếu được kiểm, ông Trump và bà Harris vẫn bám đuổi sít sao ở mốc 49% ủng hộ, với mức chênh lệch 0,7 điểm phần trăm.
Trong khi đó, với chiến thắng ở Hawaii và Virginia, bà Harris thu về thêm lần lượt 4 phiếu và 13 phiếu đại cử tri. Hiện tổng số phiếu đại cử tri Phó Tổng thống đương nhiệm đang nắm giữ là 216 phiếu đại cử tri.
----
12h, ngày 06/11
Kết quả kiểm phiếu tính tới 12h trưa (giờ Việt Nam), phe Cộng hòa đã giành được ít nhất 51 phiếu, qua đó chính thức trở thành đảng giữ đa số ghế tại cơ quan lập pháp này.
Trước đó, Thống đốc bang West Virginia của Mỹ, thành viên đảng Cộng hòa Jim Justice, đã giành chiến thắng trong cuộc đua vào chiếc ghế Thượng nghị sĩ đại diện bang này tại Thượng viện. Chiến thắng của ông Jim Justice có ý nghĩa quyết định đối với nỗ lực của đảng Cộng hòa nhằm giành quyền kiểm soát Thượng viện khóa 119 sắp tới.
Các thượng nghị sĩ mới đắc cử sẽ tuyên thệ nhậm chức vào đầu tháng 1/2025, trước thời điểm ngày 20/1/2025 khi tổng thống đắc cử thứ 47 của nước Mỹ nhậm chức.
Đảng Cộng hòa cũng đang dẫn đầu cuộc đua tại Hạ viện, với 169 ghế trong số 435 ghế, trong khi các nhà lập pháp Dân chủ giành được 124 ghế.
------
10h30, ngày 06/11
Sáng 6/11 theo giờ Việt Nam, ứng cử viên tổng thống Donald Trump của đảng Cộng hòa đã có màn "lội ngược dòng" ngoạn mục khi giành toàn bộ 19 phiếu đại cử tri tại "tử địa" Pennsylvania. Đây là một trong những bang mà hai ứng cử viên "buộc phải thắng" trong con đường đến chiếc ghế tổng thống Mỹ.
Với hơn 80% số phiếu được kiểm, ông Trump giành chiến thắng trước ứng cử viên đảng Dân chủ Kamala Harris với khoảng cách 51,37% - 47,67%. Có thể thấy các khối cử tri truyền thống đã không quay lưng với vị cựu tổng thống. Pennsylvania kiểm phiếu tại các hạt trung tâm như thủ phủ Harrisburg, Philadelphia hay Pittsburgh trước và bà Harris đã có lúc bỏ xa ông Trump tới hơn triệu phiếu phổ thông trong các kết quả kiểm phiếu ban đầu. Tuy nhiên, khi các hạt bầu cử ở vùng nông thôn, ngoại ô kiểm phiếu, khối cử tri trung lưu da trắng và cử tri nông thôn đã đưa ông Trump trở lại.
Ông Trump và bà Harris đã vận động tranh cử nhiều lần tại bang phía Đông này - nơi hai ứng cử viên năm nay đã tổ chức cuộc tranh luận duy nhất của họ. Vị cựu tổng thống đã sống sót sau vụ ám sát hụt tại cuộc vận động tranh cử vào tháng 7 ở Butler, bang Pennsylvania. Trong một chương trình phát thanh mới đây ở Philadelphia, cựu Tổng thống Trump tuyên bố nếu giành chiến thắng ở Pennsylvania, ông sẽ có nhiệm kỳ tiếp theo ở Nhà Trắng.
Trước đó, ông Trump cũng đã thành công "nhuộm đỏ" hai bang chiến địa khác là Georgia và North Carolina, qua đó giành trọn 16 phiếu đại cử tri của mỗi bang. Hiện ứng cử viên đảng Cộng hòa đang có 232 phiếu đại cử tri.
Về phần mình, Phó Tổng thống Harris cũng giành được thêm 5 phiếu đại cử tri tại bang New Mexico, nâng tổng số phiếu đại cử tri lên 198 phiếu. Để trở thành tổng thống Mỹ, một ứng cử viên phải nhận được tối thiểu 270 trên tổng số 538 phiếu đại cử tri toàn quốc.
-----
10h15, ngày 06/11
Cuộc chạy đua vào Nhà Trắng đang diễn ra quyết liệt khi hai ứng cử viên tổng thống Kamala Harris của đảng Dân chủ và Donald Trump của đảng Cộng hòa đang bám đuổi nhau về phiếu phổ thông tại nhiều bang chiến địa, những nơi được cho sẽ quyết định thành bại trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.
Bang chiến địa là thuật ngữ được dùng để chỉ những bang có số phiếu đại cử tri lớn nhưng không có ứng cử viên đảng nào giành lợi thế rõ ràng trong cuộc bầu cử. Năm nay, 7 bang chiến địa mang ý nghĩa quyết định là Arizona, Georgia, Michigan, Nevada, North Carolina, Pennsylvania và Wisconsin.
Theo số liệu của Fox News, bang Wisconsin (10 phiếu) đang chứng kiến màn bám đuổi gay cấn nhất với số tỷ lệ ủng hộ dành cho 2 ứng cử viên đều ở mức 49% trong số gần 50% phiếu đã được kiểm. Tại bang Michigan (15 phiếu), khoảng cách giữa hai ứng cử viên cũng rất sít sao, bà Harris đang dẫn trước đối thủ đảng Cộng hòa với khoảng cách 49,9%-48,3%.
Trong khi đó, ứng cử viên Trump đang có lợi thế tại 6 bang còn lại. Trong đó, tại bang Georgia với 16 phiếu đại cử tri, đã có hơn 80% số phiếu được kiểm, ông Trump đang dẫn trước với khoảng cách 51,9%-47,4%. Cựu Tổng thống cũng đang vươn lên tại các bang North Carolina (16 phiếu), Pennsylvania (19 phiếu).
Tính đến 10h15 sáng 6/11 theo giờ Việt Nam, ông Trump đang có 205 phiếu đại cử tri so với 117 phiếu của bà Harris. Để trở thành Tổng thống, ứng cử viên phải giành được tối thiểu 270 phiếu trong số 538 phiếu đại cử tri.
------
9h15, ngày 06/11
Bà Harris tăng tốc, thu hẹp cách biệt với ông Trump
Theo Fox News, kết quả kiểm phiếu sơ bộ tính đến 9h sáng 6/11, giờ Việt Nam cho thấy ứng cử viên tổng thống Kamala Harris của đảng Dân chủ đang thu hẹp khoảng cách với đối thủ Donald Trump của đảng Cộng hòa khi giành thêm được 28 phiếu đại cử tri ở bang New York và 3 phiếu ở bang Delaware. Tổng số phiếu đại cử tri bà Harris hiện có là 113 phiếu.
Trong khi đó, ứng cử viên tổng thống Donald Trump của đảng Cộng hòa đã có thêm chiến thắng tại 8 bang, trong đó bang Texas có số phiếu đại cử tri cao nhất là 40 phiếu. Hiện số phiếu đại cử tri mà vị cựu Tổng thống đã giành được là 195 phiếu.
-----
Thành phố ở bang chiến địa Wisconsin kiểm lại hơn 30.000 phiếu do sự cố kỹ thuật
Sáng 6/11 theo giờ Việt Nam, giới chức bầu cử tại thành phố Milwaukee thuộc bang Wisconsin của Mỹ thông báo sẽ tiến hành kiểm lại hơn 30.000 phiếu bầu qua đường bưu điện do phát hiện vấn đề ở các máy kiểm phiếu.
Để khắc phục tình hình và đảm bảo tính công bằng của cuộc bầu cử, Ủy ban bầu cử Milwaukee (MEC) đã quyết định bắt đầu lại quá trình kiểm phiếu cho tất cả các lá phiếu tại hạt Central Count. Quyết định này được đưa ra sau khi tham vấn với cả các quan chức của cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ nhằm đảm bảo tính minh bạch và loại bỏ mọi hành vi gian lận trong cuộc bầu cử.
Ông Ann Jacobs, Chủ tịch Ủy ban Bầu cử Wisconsin cho biết sự cố trên sẽ khiến quá trình kiểm phiếu của Milwaukee bị chậm lại khoảng 1 giờ.Wisconsin là một trong 7 bang chiến địa có khả năng quyết định đến kết quả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm nay.
-----
FBI cảnh báo việc lan truyền thông tin sai lệch
Ngày 5/11, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã đưa ra cảnh báo về 2 đoạn video giả mạo đang lan truyền thông tin sai lệch về các mối đe dọa khủng bố và gian lận bầu cử. Đây là những trường hợp thông tin sai lệch mới nhất liên quan đến bầu cử, vốn được các quan chức dự báo sẽ gia tăng trong ngày bầu cử và cả những tuần sau đó.
Theo đó, một video mạo danh FBI cảnh báo về mối đe dọa khủng bố cao, đồng thời kêu gọi người dân Mỹ "bỏ phiếu từ xa". Trong khi đó, một video khác đã phát một thông cáo báo chí giả mạo là của FBI trong đó cáo buộc gian lận phiếu bầu giữa các tù nhân tại 5 nhà tù.
FBI cho biết cả hai video đều "không xác thực", đồng thời nhấn mạnh việc lan truyền thông tin sai lệch về các hoạt động và đánh giá của cơ quan này nhằm mục đích phá hoại, làm suy yếu lòng tin vào hệ thống bầu cử.
Giới chức Mỹ đã cảnh báo người dân nước này về nguy cơ thông tin sai lệch làm ảnh hưởng đến cuộc bầu cử, đồng thời kêu gọi cử tri tìm kiếm thông tin từ các nguồn đáng tin cậy.
-----
8h20, ngày 06/11
Ông Trump tạm dẫn trước bà Harris hơn 30 phiếu đại cử tri
Theo hãng tin Fox News, tính đến 8h15’ sáng theo giờ Việt Nam, kết quả kiểm phiếu sơ bộ cho thấy ứng cử viên Donald Trump của đảng Cộng hòa đang nới rộng khoảng cách với 105 phiếu đại cử tri, so với 72 phiếu đại cử tri dành cho bà Kamala Harris.
Ông Trump đã giành thêm chiến thắng tại các bang gồm Oklahoma (7 phiếu đại cử tri), Missouri (10 phiếu), Alabama (9 phiếu), Florida (30 phiếu), South Carolina (9 phiếu), Tennessee (11 phiếu) và West Virginia (4 phiếu).
Trong khi đó, bà Harris giành thêm chiến thắng tại các bang Illinois (19 phiếu), Maryland (10 phiếu), New Jersey (14 phiếu), Connecticut (7 phiếu), Massachusetts (11 phiếu), Rhode Island (4 phiếu) và Washington DC (3 phiếu).
Có 25 bang ở miền Đông nước Mỹ đã đóng cửa các điểm bỏ phiếu.
-----
8h25, ngày 06/11
Mỹ chuẩn bị đối phó với các mối đe dọa sau bầu cử
Truyền thông Mỹ ngày 5/11 đưa tin chính quyền Tổng thống Joe Biden đang trong tình trạng báo động cao trước các nỗ lực can thiệp hoặc gây bất ổn của các thế lực bên ngoài trong giai đoạn chuyển giao quyền lực sau cuộc bầu cử tổng thống năm 2024.
Theo phóng viên TTXVN tại Washington, các quan chức an ninh quốc gia Mỹ cho biết công tác chuẩn bị tại Lầu Năm Góc đang tập trung vào các mối đe dọa có thể xảy ra sau cuộc bầu cử. Một quan chức quân đội Mỹ nhận định giai đoạn chuyển tiếp sắp tới được coi là đặc biệt rủi ro, vì diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều bất ổn, trong đó có hai cuộc xung đột lớn tại Trung Đông và Ukraine.
Một quan chức quốc phòng cấp cao giấu tên cho biết Lầu Năm Góc đang chuẩn bị cho “một loạt kịch bản” có thể xảy ra trong khoảng thời gian từ ngày bầu cử 5/11 đến lễ nhậm chức của tổng thống tiếp theo vào ngày 20/1/2025.
Đầu tháng này, một quan chức cấp cao của Văn phòng Giám đốc Tình báo quốc gia Mỹ cũng nhận định: “Trong bầu không khí căng thẳng hậu bầu cử, các thế lực bên ngoài có thể sẽ áp dụng các chiến thuật tương tự như những chiến thuật hiện nay nhằm làm suy yếu lòng tin vào tính toàn vẹn của cuộc bầu cử và các quy trình bầu cử, cũng như làm gia tăng sự chia rẽ trong xã hội Mỹ”.
-----
8h15, ngày 06/11
Đảng Cộng hòa giành chiến thắng quan trọng tại Thượng viện
Ngày 5/11, Thống đốc bang West Virginia của Mỹ, ông Jim Justice, đã giành chiến thắng trong cuộc đua vào chiếc ghế Thượng nghị sĩ đại diện bang này tại Thượng viện.
Theo phóng viên TTXVN tại New York, ông Jim Justice, thành viên đảng Cộng hòa, đã vượt qua đối thủ Glenn Elliott để vào vị trí do Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Joe Manchin bỏ trống sau khi về hưu. Chiến thắng của ông Jim Justice có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với nỗ lực của đảng Cộng hòa nhằm giành quyền kiểm soát Thượng viện khóa 119 sắp tới.
Hiện nay, đảng Dân chủ đang chiếm đa số mong manh 51-49. Do đó, trong cuộc bầu cử này, đảng Cộng hòa chỉ cần giành thêm tối thiểu 2 ghế Thượng nghị sĩ là có thể chiếm đa số ghế tại cơ quan lập pháp đầy quyền lực của Mỹ.
-------
8h00, ngày 06/11
-----
7h00 ngày 06/11
Ngày 5/11, cử tri Mỹ đã đi bỏ phiếu bầu chọn tổng thống thứ 47 của nước Mỹ. Với sự lựa chọn giữa Phó Tổng thống Kamala Harris - ứng cử viên Đảng Dân chủ, người sẽ trở thành nữ Tổng thống đầu tiên của Mỹ nếu thắng cử, và cựu Tổng thống Donald Trump, ứng cử viên đảng Cộng hòa, người sẽ trở lại Nhà Trắng sau 4 năm nếu thắng cử.
Sau khi chi hàng tỷ USD cho quảng cáo và các ứng cử viên đi khắp cả nước tổ chức hàng trăm sự kiện vận động tranh cử, các cuộc thăm dò cuối cùng cho thấy Harris và Trump đang bám sát nhau ở 7 bang chiến địa, trong cuộc đua bị chi phối bởi các vấn đề như lạm phát, phá thai và nhập cư.
Tính đến sáng 5/11, hơn 83 triệu người đã bỏ phiếu sớm qua hình thức trực tiếp hoặc qua thư, trong đó có 18,4 triệu phiếu bầu tại 7 bang chiến trường. Người Mỹ đã đi bỏ phiếu với tâm trạng “chán nản”, dù tỷ lệ thất nghiệp thấp. Trong cuộc khảo sát cuối cùng của Wall Street Journal trước cuộc bầu cử, gần 2/3 số cử tri được hỏi cho biết quốc gia đang đi sai hướng.
Bà Harris và ông Trump vẫn tiếp tục vận động bỏ phiếu trước khi các điểm bỏ phiếu đóng cửa vào tối 5/11 theo giờ địa phương. Bà Harris cho biết đã bỏ phiếu qua thư tại bang California, bà đã thực hiện một loạt các cuộc phỏng vấn trên đài phát thanh tại các bang chiến trường và thúc đẩy tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu trên phương tiện truyền thông xã hội với thông điệp: "Nước Mỹ, đây là thời điểm để lên tiếng".
Trong khi đó, ông Trump đã đi bỏ phiếu trực tiếp tại Florida và sẽ theo dõi kết quả bầu cử tại đây. Khi một phóng viên hỏi liệu đây có phải là chiến dịch cuối cùng của ông hay không, ông cho biết có khả năng là như vậy. Cựu Tổng thống Trump, người từng không chấp nhận thất bại của mình vào năm 2020, đã ám chỉ rằng ông sẽ dễ dàng đánh bại bà Harris.
Hiện ê-kíp của bà Harris đã thể hiện sự lạc quan thận trọng trong những giờ cuối cùng của cuộc đua khi Chủ tịch nhóm Jen O'Malley Dillon khẳng định với các phóng viên rằng chiến dịch vận động được khuyến khích bởi những nỗ lực tổ chức cử tri ở các bang chiến trường và "sự nhiệt tình ở cấp cơ sở mà chúng ta thấy ở khắp mọi nơi".
Trong khi đó, nhóm của ông Trump đã thể hiện sự tự tin, chỉ ra rằng các cuộc thăm dò cho thấy ứng cử viên của họ có vị thế tốt hơn trước Ngày bầu cử so với khi ông ra tranh cử vào năm 2016 hoặc 2020.
Các nhà quan sát chính trị cho biết có thể chưa xác định được người chiến thắng vào Ngày bầu cử 5/11 nếu cuộc đua diễn ra căng thẳng như dự đoán của các cuộc thăm dò. Điều đó có thể dẫn đến việc kiểm phiếu kéo dài và các cuộc chiến pháp lý tiềm ẩn với cả hai bên đã tập hợp các nhóm pháp lý để giải quyết các vấn đề liên quan đến bỏ phiếu.
Tuy nhiên, giới chức Mỹ ngày 5/11 cho biết chưa nhận thấy bất kỳ bằng chứng nào về mối đe dọa trên toàn quốc đối với an ninh cơ sở hạ tầng bầu cử, đồng thời nhắc lại kỳ vọng rằng các lá phiếu sẽ được bỏ và kiểm mà không bị can thiệp vào quá trình này.
Trong khi đó, cuộc đua vào Thượng viện và Hạ viện cũng đang diễn ra rất quyết liệt khi đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa cũng đang nỗ lực giành quyền kiểm soát lưỡng viện Quốc hội, với các dự đoán cho thấy đảng Cộng hòa có nhiều khả năng giành được đa số tại Thượng viện. Tại Hạ viện, lợi thế đa số mong manh hiện tại của đảng Cộng hòa có thể gặp rủi ro với vài chục ghế đang vào diện có nguy cơ cao.
Trong một thông tin liên quan, tối 5/11 theo giờ bờ Đông của Mỹ tức sáng 6/11 theo giờ Việt Nam, những điểm bỏ phiếu đầu tiên trong khuôn khổ cuộc bầu cử Mỹ năm 2024 đã đóng cửa.
Phóng viên TTXVN tại Mỹ cho biết, một số điểm bỏ phiếu tại các bang Kentucky và Indiana đã đóng hòm phiếu vào lúc 18h theo giờ địa phương. Kết quả sơ bộ dự kiến được công bố ngay trong ngày.
Trong khi đó, nhiều bang ở bờ Đông của Mỹ sẽ đóng hòm phiếu vào lúc 21h theo giờ địa phương, tức 9h sáng theo giờ Việt Nam. Các bang bờ Tây của Mỹ sẽ đóng cửa phòng phiếu muộn hơn.
Tại 8 bang chiến địa, một số hạt bầu cử thậm chí còn phải kéo dài thời gian bỏ phiếu thêm 2 giờ do sự cố kỹ thuật./.
-------
5h00, ngày 06/11
Ngày 5/11 (theo giờ bờ Đông của Mỹ), hàng chục triệu cử tri New York và các bang ở bờ Đông đã tới các điểm bầu cử để bỏ phiếu bầu trong khuôn khổ cuộc tổng tuyển cử tại nước này.
Theo phóng viên TTXVN tại New York, do lo ngại vấn đề an ninh, nhà chức trách tại các bang như New York, Connecticut, Delaware, New Jersey, Pennsylvania… đã tăng cường nhiều biện pháp an ninh, công tác tổ chức bầu cử cũng được chuẩn bị kỹ lương. Về cơ bản, hoạt động bỏ phiếu của cử tri tại hầu hết các bang đã diễn ra suôn sẻ. Tại bang New York, năm nay có gần 13 triệu cử tri đăng ký, trong đó cử tri đảng Dân chủ chiếm số lượng áp đảo với 5,9 triệu; cử tri Cộng hòa có 2,8 triệu và hơn 3 triệu cử tri độc lập.
Thăm dò ngoài vòng bỏ phiếu cho thấy đa số cử tri New York vẫn đặt niềm tin vào ứng cử viên đảng Dân chủ Kamala Harris và dự kiến nữ Phó Tổng thống Mỹ sẽ giành chiến thắng tại tiểu bang có 28 phiếu đại cử tri với truyền thống ủng hộ đảng Dân chủ này. New York là “một bang xanh” luôn bầu cho ứng cử viên của đảng Dân chủ trong mọi cuộc bầu cử tổng thống kể từ năm 1988.
Năm nay, bang New York cũng tăng cường tối đa các nỗ lực hỗ trợ cử tri đi bầu. Một vài sự cố với máy quét phiếu bầu được ghi nhận ở khu vực bỏ phiếu Flushing ở thành phố New York, nhưng đã được nhân viên ủy ban bầu cử khắc phục nhanh chóng. Gần 3 triệu cử tri New York trước đó đã tham gia bầu cử sớm hồi cuối tháng 10. Theo tờ New York Post, có thể năm nay số lượng cử tri đi bỏ phiếu sẽ cao hơn con số 63,8% của 4 năm trước.
Tại mỗi điểm bỏ phiếu ở New York, ban tổ chức đều bố trí các nhân viên hỗ trợ tại từng máy bỏ phiếu. Nhà chức trách bang cũng cho người lao động nghỉ việc hoàn toàn trong ngày bầu cử để thực hiện nghĩa vụ công dân. Tuy nhiên, nhìn chung các điểm bầu cử vắng hơn thường lệ, một phần do tỷ lệ cử tri đi bầu sớm và bỏ phiếu qua đường bưu điện tăng mạnh.
Theo kế hoạch, hầu hết các bang ở bờ Đông của Mỹ bao gồm cả New York sẽ đóng hòm phiếu vào 21h ngày 5/11 theo giờ địa phương. Kết quả sơ bộ dự kiến sẽ có ngay sau đó (trưa 6/11 theo giờ Việt Nam)./.
-------
18h00, ngày 05/11
Người dân trên khắp 50 bang của Mỹ bắt đầu đi bỏ phiếu bầu tổng thống khi các điểm bỏ phiếu mở cửa trên toàn quốc. Hầu hết các bang mở cửa điểm bỏ phiếu lúc 7h sáng 5/11 theo giờ địa phương (tức 18h giờ Hà Nội), nhưng một số bang bắt đầu bỏ phiếu sớm nhất là 5h sáng hoặc muộn nhất là 10h sáng.
Các bang mở cửa các địa điểm bỏ phiếu từ 6h sáng theo giờ địa phương gồm Arizona, Connecticut, Illinois, Indiana, Kentucky, Louisiana, Missouri, New Jersey, New York, Virginia. Trong nhóm này, riêng tại bang Maine có một số quy định khác. Đối với các thành phố có dân số từ 500 người trở lên, các điểm bỏ phiếu có thể mở cửa từ 6h sáng đến 8h tối, trong khi đối với các thành phố có dân số dưới 500 người, các điểm bỏ phiếu có thể mở cửa từ 6h sáng – 10h sáng. Mở cửa từ 6h30 sáng 5/11 theo giờ địa phương có các bang như Ohio, North Carolina và Tây Virginia.
Mở cửa từ 7h sáng 5/11 có thể kể các bang như Alabama, Delaware, thủ đô Washington, Florida, Georgia, Illinois, Kansas, Maryland, Massachusetts, Michigan, Missouri Pennsylvania, Rhode Island, Nam Carolina, Tennessee.
Từ 8h sáng gồm Arizona, Iowa, Louisiana, Minnesota, South Dakota, North Dakota, Oklahoma, Texas và Wisconsin.
Một số bang không có giờ bắt đầu thống nhất trên toàn tiểu bang. Ở New Hampshire, Tennessee và Washington, các điểm bỏ phiếu mở cửa tùy thuộc vào quận hoặc thành phố của bang.
Năm nay, thị trấn Dixville Notch thuộc khu vực Green North Woods của bang New Hampshire đã mở cửa điểm bỏ phiếu đúng 0h ngày 5/11 theo giờ miền Đông nước Mỹ, tức 12h trưa 5/11 theo giờ Việt Nam. Với việc điểm bỏ phiếu vào lúc nửa đêm, cư dân ở thị trấn Dixville Notch đã trở thành những người đầu tiên bỏ phiếu trong ngày bầu cử 5/11. Với chỉ có 6 cử tri đăng ký đi bỏ phiếu, do đó, quá trình này chỉ mất chưa đầy 1 phút.
Về hai ứng cử viên tranh cử năm nay, ứng cử viên tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump đã kết thúc cuộc vận động tranh cử cuối cùng sau gần 2 giờ phát biểu tại thành phố Grand Rapids, bang Michigan. Trong đó, ông đã nhắc lại nhiều lời hứa trong chiến dịch tranh cử của mình như tuyên bố sẽ áp dụng mức thuế quan cao, và trấn áp nhập cư bất hợp pháp tại cuộc vận động.
Trước đó, phát biểu tại cuộc vận động tranh cử cuối cùng ở thành phố Philadelphia trong tối 4/11, Phó Tổng thống Kamala Harris – hiện là ứng viên tổng thống đảng Dân chủ cho biết nhóm của bà hiện "lạc quan và phấn khích", nhưng đồng thời kêu gọi cử tri lên tiếng, và cho hay bang Pennsylvania có thể "quyết định kết quả" của cuộc bầu cử.
Dữ liệu từ Election Lab của Đại học Florida cho hay, tính đến sáng 4/11, hơn 78 triệu người Mỹ đã bỏ phiếu sớm.
Giới chức Mỹ đã triển khai hàng loạt biện pháp an ninh tăng cường cho ngày bầu cử.
Kết quả sơ bộ sẽ bắt đầu được công bố khi các điểm bỏ phiếu đóng cửa vào khoảng 18h cùng ngày theo giờ miền Đông (6h ngày 6/11, giờ Việt Nam). Tuy nhiên, trong bối cảnh ông Trump và bà Harris đang cạnh tranh sít sao, có thể mất nhiều ngày để tìm ra ai là người chiến thắng.
-----
14h00, ngày 05/11
Theo phóng viên TTXVN tại New York, song song với cuộc bầu cử Tổng thống, ngày 5/11, cử tri Mỹ cũng bỏ phiếu bầu lại toàn bộ 435 ghế hạ nghị sĩ đại diện cho 435 khu vực bầu cử ở 50 bang của nước này. Trong Hạ viện khóa 118 hiện nay, đảng Cộng hòa đang nắm đa số mong manh với 220 ghế, đảng Dân chủ giữ 212 ghế và có 3 ghế trống. Với việc Hạ nghị sĩ Hakeem Jeffries được bầu làm thủ lĩnh phe thiểu số tại Hạ viện, đây sẽ là cuộc bầu cử Hạ viện đầu tiên kể từ năm 2002 Đảng Dân chủ không do chính khách lão luyện Nancy Pelosi lãnh đạo.
Báo cáo phân tích của tổ chức phi đảng phái Cook Political cho thấy cuộc chạy đua giành quyền kiểm soát Hạ viện giữa hai đảng năm nay sẽ tập trung chủ yếu ở các tiểu bang Maine, Washington, Alaska, Pennsylvania, Nebraska, Iowa và Wisconsin. Lịch sử bầu cử Mỹ cho thấy cuộc đua tại Hạ viện luôn tiềm ẩn bất ngờ. Năm 2020, đảng Dân chủ được dự báo sẽ dễ dàng mở rộng lợi thế đa số, song kết quả đảng này đã mất quyền kiểm soát vào tay đảng Cộng hòa.
Theo chuyên trang phân tích chính trị và dự báo bầu cử Sabato’s Crystal Ball, năm nay sẽ chứng kiến một trong những cuộc chạy đua vào Hạ viện quyết liệt nhất trong lịch sử. Tổng biên tập của Sabato’s Crystal Ball, ông Larry Sabato, cho rằng đảng Dân chủ có thể giành lại quyền kiểm soát Hạ viện với một đa số tối thiểu 218 ghế, và đảng Cộng hòa sẽ có 217 ghế. Trong khi đó, dự báo chung của The Hill/Decision Desk HQ lại cho thấy đảng Cộng hòa có 52% cơ hội tiếp tục giữ đa số tại cơ quan lập pháp này thêm một khóa nữa.
Cũng theo kết quả thăm dò của Decision Desk HQ (DDHQ), đảng Cộng hòa có 70% cơ hội giành lại quyền kiểm soát Thượng viện Mỹ khóa 119 từ tháng 1/2025 với 52 ghế so với 48 ghế bên phía đảng Dân chủ.
Các nghị sĩ lưỡng viện Quốc hội Mỹ khóa 119 sẽ nhậm chức vào đầu tháng 1/2025 trước thời điểm tổng thống đắc cử tiếp quản Nhà Trắng, ngày 20/1/2025./.
-------
12h40, ngày 5/11
Ông Trump vẫn được nhà cái đánh giá cao hơn, dần nới rộng khoảng cách
Thị trường cá cược vẫn đánh giá ông Donald Trump sẽ thắng cử năm nay so với bà Kamala Harris, hiện đang tăng trở lại sau một thời gian ngắn giảm sút.
Trong những tuần gần đây, cựu Tổng thống Trump và chiến dịch của ông đã ca ngợi dự báo của thị trường cá cược là chính xác hơn so với các cuộc thăm dò ý kiến truyền thống, vì các nền tảng hàng đầu đưa ông lên dẫn trước bà Harris.
Tỷ lệ chiến thắng của ông Trump dù đã giảm so với khoảng một tuần trước đây, nhưng bắt đầu tăng trở lại. Polymarket đưa ra con số là 58% vào thứ Hai, giảm so với mức 67% của tuần trước; Kalshi đưa ra con số là 53%, giảm so với mức 65%.
11h, ngày 5/11
Giờ "G" đã điểm
Để bỏ phiếu trong cuộc bầu cử tổng thống, cử tri phải là công dân Mỹ, đủ 18 tuổi vào hoặc trước ngày bầu cử và đáp ứng các yêu cầu về cư trú tùy theo từng bang. Nhìn chung, người Mỹ sống ở nước ngoài có thể bầu bằng lá phiếu vắng mặt, song khoảng 3,5 triệu người sống tại các vùng lãnh thổ của Mỹ ở Puerto Rico, Guam, Quần đảo Virgin thuộc Mỹ, Quần đảo Bắc Mariana và Samoa không được bỏ phiếu trong cuộc tổng tuyển cử mặc dù có tư cách công dân. Tuy nhiên, nếu công dân Mỹ cư trú tại các vùng lãnh thổ trên chuyển đến bất kỳ bang nào trong số 50 bang của Mỹ và đăng ký bỏ phiếu, họ có thể tham gia bầu cử tổng thống.
Năm nay có khoảng 231 triệu người Mỹ đủ điều kiện đi bỏ phiếu, trong đó khoảng 161,42 triệu cử tri đã đăng ký đi bỏ phiếu. Các cử tri sẽ bầu chọn tổng thống và phó tổng thống, toàn bộ 435 ghế tại Hạ viện có nhiệm kỳ 2 năm, 34/100 ghế tại Thượng viện có nhiệm kỳ 6 năm, cùng 11 vị trí thống đốc bang. Ngoài ra, còn có hàng nghìn cuộc đua cấp bang và địa phương, bao gồm ghế trong các cơ quan lập pháp cấp bang, thị trưởng và các vị trí dân cử cấp địa hạt trên toàn quốc. Ngoài các cuộc đua này, nhiều bang cũng tiến hành trưng cầu dân ý về một loạt vấn đề, từ luật phá thai đến chính sách thuế và sử dụng cần sa.
Những người chiến thắng dự kiến sẽ nhậm chức vào ngày 20/1/2025, với tư cách là tổng thống thứ 47 và phó tổng thống thứ 50 của Mỹ./.
-----------------------------------
10h20, ngày 5/11
Ông Trump nói sẽ áp thuế để ngăn "dòng chảy" fentanyl
Ứng viên Donald Trump đã cảnh báo rằng nếu tái đắc cử, ông sẽ áp đặt thuế quan đối với Mexico trừ khi Mexico hành động để ngăn chặn dòng chảy của fentanyl vào Mỹ.
Tại cuộc vận động ở Pittsburgh, ông Trump tuyên bố ông sẽ nhanh chóng trấn áp nạn buôn lậu ma túy dọc theo biên giới phía nam của Mỹ với Mexico bằng cách sử dụng thuế quan. "Chúng ta sẽ lập tức ngăn chặn dòng ma túy tràn qua biên giới của chúng ta”, ông nói.
Ông Trump tuyên bố sẽ áp thuế 25% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mexico và thực hiện "điều tương tự với Trung Quốc".
-----------------------------------
09h55, ngày 5/11
Nhân viên bỏ phiếu bị bắt vì dọa đánh bom
Một nhân viên bỏ phiếu đã bị bắt vào thứ Hai và bị buộc tội gửi một lá thư đe dọa đánh bom một văn phòng bầu cử ở Quận Jones của bang Georgia, theo Bộ Tư pháp Mỹ thông báo.
Theo các công tố viên, Nicholas Wimbish, 25 tuổi, bị cáo buộc đã gửi lời đe dọa sau khi anh ta cãi vã với một cử tri tại Văn phòng Bầu cử Quận Jones vào ngày 16 tháng 10.
Ngày hôm sau, anh ta bị cáo buộc đã gửi một lá thư nặc danh đến giám đốc bầu cử của Quận Jones. Theo Bộ Tư pháp, bức thư được cho là đã nêu rằng Wimbish và những người khác "nên cảnh giác"… Các công tố viên cho biết bức thư có chữ ký "Đồ chơi PS ở nơi bỏ phiếu sớm, xì gà đang cháy, hãy cẩn thận".
Wimbish phải đối mặt với một số cáo buộc bao gồm gửi thư đe dọa đánh bom, truyền đạt thông tin sai lệch về mối đe dọa đánh bom và đưa ra tuyên bố sai sự thật với FBI. Các công tố viên cho biết, nếu bị kết tội, anh ta phải đối mặt với mức án tối đa là 25 năm tù.
-----------------------------------
08h40, ngày 5/11
2,6 tỷ USD được chi cho quảng cáo bầu cử
Theo báo cáo được công ty theo dõi quảng cáo AdImpact công bố hôm thứ Hai, cuộc đua Tổng thống Mỹ đã chứng kiến khoản tiền khổng lồ 2,6 tỷ đô la được chi cho quảng cáo chính trị kể từ đầu tháng 3.
Chiến dịch của ứng cử viên Đảng Dân chủ Kamala Harris và các nhóm ủng hộ bà đã chi nhiều hơn chiến dịch của ứng cử viên Đảng Cộng hòa Donald Trump, 1,6 tỷ đô la so với 993 triệu đô la.
Phần lớn - hơn 1,8 tỷ đô la - đã được chi cho 7 bang chiến trường có khả năng quyết định cuộc bầu cử: Arizona, Georgia, Michigan, Nevada, Bắc Carolina, Pennsylvania và Wisconsin.
Pennsylvania, được xem là bang chiến trường quan trọng nhất, đã chi 264 triệu đô la cho quảng cáo chính trị chỉ kể từ đầu tháng 9, nhiều hơn bất kỳ bang nào khác, theo công ty cho biết.
Số tiền này đã tạo ra hơn 380 quảng cáo phát sóng với tổng số gần 1,5 triệu lượt phát sóng. Bất chấp vô số quảng cáo, cuộc đua vẫn diễn ra rất căng thẳng vào đêm trước Ngày bầu cử Mỹ.
-----------------------------------
07h50, ngày 5/11
Đảng Cộng hòa bất ngờ vượt lên dẫn trước
Theo cập nhật số liệu và dự báo kết quả bầu từ trang web 270towin.com, tính đến thời điểm này, Đảng Cộng hòa bất ngờ vượt lên dẫn trước, khi đang giành được 230 phiếu đại cử tri, so với 226 của Đảng Dân chủ. Để giành chiến thắng, ứng cử viên cần phải giành tối thiểu 270 phiếu đại cử tri.
So với thời điểm tối qua, đây được xem là một màn ngược dòng ấn tượng của Đảng Cộng hòa khi họ được dự báo chỉ giành được 219 phiếu, còn Đảng Dân chủ vẫn là 226 phiếu.
-----------------------------------
07h05, ngày 5/11
Ông Trump và bà Harris đều tự tin chiến thắng trước 'giờ G'
Hai ứng viên Donald Trump và Kamala Harris đều tự tin sẽ giành chiến thắng khi họ vận động tranh cử trên khắp Pennsylvania vào thứ Hai trong ngày cuối cùng đầy căng thẳng của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ cực kỳ gay cấn.
Tuy nhiên, các cuộc thăm dò ý kiến cho thấy ông Trump (78 tuổi), và bà Harris (60 tuổi), đang ở thế cân bằng. Cả hai ứng cử viên đều tụ họp tại bang chiến trường quyết định Pennsylvania vào thứ Ba để kêu gọi những người ủng hộ chưa bỏ phiếu hãy đến vào Ngày bầu cử.
Bang Pennsylvania cung cấp tỷ lệ phiếu bầu lớn nhất của Đại cử tri đoàn trong số 7 tiểu bang chiến trường dự kiến sẽ quyết định kết quả cả cuộc bầu cử.
-----------------------------------
6h30, ngày 5/11
Hơn 80 triệu người Mỹ đã bỏ phiếu sớm
Theo Phòng thí nghiệm bầu cử của Đại học Florida, vào đêm trước Ngày bầu cử, hơn 80 triệu người Mỹ đã bỏ phiếu sớm. Số phiếu này bao gồm cả phiếu bầu trực tiếp sớm và phiếu bầu vắng mặt.
Trong khi đó trong bốn cuộc thăm dò toàn quốc mới công bố vào Chủ nhật và Thứ Hai, Phó Tổng thống Kamala Harris đang dẫn trước cựu Tổng thống Donald Trump với khoảng cách 1%, nhưng ba cuộc khảo sát khác lại cho kết quả hòa do đang rất cân bằng ở các bang chiến trường, khiến cuộc đua trở nên vô cùng khó đoán trước thềm cuộc bầu cử.
VNEWS | 05-11-2024, 11:44
11-12-2024, 11:13
11-12-2024, 11:49
10-10-2023, 22:05
11-12-2024, 12:39
11-12-2024, 06:31
11-12-2024, 07:34
ĐĂNG KÝ NHẬN TIN
Nhận các thông báo từ Truyền hình Thông tấn
Ngày 11/12, Công an tỉnh Đắk Nông cho biết đã xử lý nhiều trường hợp lái xe ô tô khách sử dụng điện thoại, không thắt dây an toàn khi điều khiển phương tiện. Đáng chú ý, một số trường hợp được phát hiện khi lực lượng Cảnh sát giao thông trích xuất camera giám sát do tài xế lắp đặt trên xe. Đây là đợt cao điểm, được triển khai đến hết Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.;
11-12-2024, 16:10
Ngày 10/12, Google thông báo đã ký một thỏa thuận với công ty năng lượng tái tạo Intersect Power và Quỹ đầu tư TPG Rise Climate (Mỹ) để sản xuất đủ năng lượng sạch đảm bảo vận hành một số trung tâm dữ liệu trí tuệ nhân tạo (AI) có quy mô gigawatt. ;
11-12-2024, 15:15
Ngày 11/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành Công điện số 131/CĐ-TTg về việc cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm phiền hà, chi phí tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp ngay từ khâu xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.;
11-12-2024, 15:05
Cùng chiều với giá vàng thế giới tăng cao, giá vàng nhẫn, vàng miếng SJC trong nước sáng 11/12 bật tăng mạnh.;
11-12-2024, 09:31
Truyền thông Triều Tiên gây chú ý khi im lặng bất thường trước những biến động chính trị lớn tại Hàn Quốc, bao gồm lệnh thiết quân luật và nỗ lực luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol. Điều này trái ngược hoàn toàn với cách Triều Tiên từng tích cực đưa tin về các sự kiện tương tự trong quá khứ.;
11-12-2024, 07:05
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, khoảng trưa và chiều ngày 11/12, bộ phận không khí lạnh sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh phía Đông Bắc Bộ, sau đó ảnh hưởng đến Bắc Trung Bộ và một số nơi ở phía Tây Bắc Bộ.;
11-12-2024, 06:57