Trường học sinh miền Nam: Nơi bồi dưỡng tri thức và văn hóa cho con em miền Nam

Năm 1954, Hiệp định Geneva được ký kết. Cùng với chủ trương về tập kết bộ đội, cán bộ, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có chủ trương đưa con em cán bộ, chiến sĩ, gia đình cách mạng ở miền Nam ra miền Bắc nuôi dạy để bảo vệ, đào tạo và bồi dưỡng.

Bác Hồ trong một lần gặp gỡ học sinh miền Nam tại Hải Phòng. (Ảnh tư liệu TTXVN)

Trong tổng số khoảng 32.000 học sinh miền Nam học tập trên đất Bắc, có hơn 15.000 học sinh học tập tại thành phố Hải Phòng. Sau này, nhiều học sinh miền Nam học tại Hải Phòng trở thành các cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước, các nhà khoa học, nhà giáo... có nhiều đóng góp cho quê hương, đất nước.

* Dành những gì tốt nhất 

Những ngày đầu tháng 11/2024, một số thầy, cô giáo và cựu học sinh Trường học sinh miền Nam gặp lại nhau ở Hải Phòng. Tất cả cùng chia sẻ về những điều kiện tốt nhất nhân dân miền Bắc dành cho con em miền Nam ruột thịt.

Ông Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, nguyên Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh - người đã gắn bó cả quãng đời học sinh tại thành phố Cảng xúc động khi gặp lại bà Diệp Ngọc Sương, cựu học sinh Trường miền Nam tại Hải Phòng, đồng thời là đồng nghiệp giai đoạn ông Nguyễn Thiện Nhân và bà Diệp Ngọc Sương công tác tại Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh.

Chia sẻ về giai đoạn học tập trên đất Bắc, ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết, gia đình ông tập kết ra Bắc từ năm 1954, tỉnh đầu tiên ở lại là Thanh Hóa. Sau đó, gia đình ông tiếp tục chuyển tới Hải Phòng. Ông học trong Trường học sinh miền Nam tại Hải Phòng từ năm 1960 đến năm 1970, sau đó học tập, công tác tại một số địa phương khác trên miền Bắc. Giai đoạn này, cả miền Bắc đều rất khó khăn, nhưng đi đến đâu, gia đình ông cũng nhận được sự giúp đỡ, nhường cơm sẻ áo từ đồng bào miền Bắc. Có chủ nhà đã nhường chiếc sập duy nhất để gia đình ông nằm ngủ, còn chủ nhà nằm ngủ dưới đất...

Trường học sinh miền Nam trên đất Bắc: Vườn ươm "hạt giống đỏ" đặc biệt

Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, việc đưa con em miền Nam ra miền Bắc học tập thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Các trường học ở miền Bắc đã đào tạo thế hệ học sinh có tri thức, trình độ sau này quay trở lại phục vụ miền Nam và đất nước. Bên cạnh đó, việc đưa con em miền Nam ra học tại miền Bắc còn giúp học sinh hiểu được sự phong phú của văn hóa đất nước, sau này phục vụ đất nước tốt hơn.

Cũng học tập tại Trường học sinh miền Nam tại Hải Phòng, Tiến sĩ Diệp Ngọc Sương, nguyên Giảng viên Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, giai đoạn đó Hải Phòng rất khó khăn, nhưng học sinh miền Nam vẫn được các thầy, cô giáo tận tâm dạy dỗ. Các em học sinh không phải lo chuyện ăn, mặc.

Bà Diệp Ngọc Sương không thể nào quên ký ức, trong những đêm Đông, vẫn có những tiếng rao bán hàng đêm của người dân, trong khi mình cùng các bạn được ngủ ngon. Trong giai đoạn học tập tại Trường học sinh miền Nam, nữ sinh Diệp Ngọc Sương được kết nạp Đảng, sau đó được tuyển thẳng vào Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội; sau này, bà làm luận án Tiến sĩ ở Tiệp Khắc.

Ông Trần Hữu Độ, nguyên là giáo viên dạy môn Hóa học tại Trường học sinh miền Nam số 4 cho biết, giai đoạn đó cả nước đều rất khó khăn, nhưng các em học sinh đều được học tập và sinh sống ở trong những khu nhà đẹp nhất, với điều kiện học tốt nhất. Thời điểm những năm 1960, các em học sinh tại Trường học sinh miền Nam số 4 đã được sử dụng các dụng cụ thí nghiệm do Cộng hòa Dân chủ Đức hỗ trợ.

* Những kỳ vọng về Hải Phòng

Theo ông Lê Khắc Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng, thành phố là địa phương nuôi dưỡng nhiều học sinh miền Nam trên đất Bắc, với khoảng 15.000 học sinh (trong tổng số khoảng 32.000 học sinh). Sau này, hầu hết các “hạt giống đỏ” đều thành danh, trong đó có đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, nguyên Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh; nhà thơ, liệt sĩ Lê Anh Xuân...

Hình ảnh nhìn từ trên cao các khu đô thị tại TP Hải Phòng.  Ảnh: internet

Chia sẻ về sự thay đổi, phát triển của Hải Phòng, ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết, trong giai đoạn hiện nay, Hải Phòng phát triển vượt bậc, đặc biệt là những thay đổi về hạ tầng, trong đó có hạ tầng cảng biển với hệ thống cảng nước sâu.

Ông Nguyễn Thiện Nhân mong muốn, Hải Phòng tiếp tục phát huy truyền thống, xây dựng thành phố tiếp tục phát triển vượt bậc thời gian tới để trở thành cầu nối đưa bạn bè năm châu đến với Việt Nam; đồng thời chia sẻ, con em người Hải Phòng, dù công tác ở trong nước hay ngoài nước, cũng sẽ luôn hướng về nguồn cội, tiếp tục xây dựng đất nước, thành phố phát triển.

Còn theo bà Diệp Ngọc Sương, Hải Phòng ngày càng khang trang, hiện đại, nhưng vẫn giữ được những ngôi nhà, những đường phố như thời thơ bé bà từng gắn bó. Mỗi dịp về Hải Phòng, bà Diệp Ngọc Sương lại đi thăm những người bạn cũ, những con đường thân thuộc thuở bà sinh sống, học tập tại đây. Những kỷ niệm về thành phố Cảng là những trang đẹp nhất trong cuộc đời của Tiến sĩ Diệp Ngọc Sương./.

Minh Thu

VNEWS | 12-11-2024, 08:29

vnews

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

CHƯƠNG TRÌNH TRÊN VNEWS

Xem thêm