Tại phiên tòa, luật sư Phan Trung Hoài, luật sư bào chữa của bị cáo Trương Mỹ Lan, cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đặt câu hỏi bị cáo có nắm được thực trạng tài chính của Ngân hàng SCB trong thời điểm từ cuối năm 2017 cho đến tháng 8/2018 hay không. Trả lời luật sư, bị cáo Trương Mỹ Lan thừa nhận đã tham gia vào việc tái cơ cấu SCB nhưng khẳng định không nắm rõ tình hình tài chính của ngân hàng này, báo cáo tài chính hàng năm của Ngân hàng SCB bị cáo Lan không đọc và cũng không biết đến; lúc cơ quan điều tra khám xét nhà bị cáo thì cũng không có báo cáo nào liên quan đến báo cáo tài chính của Ngân hàng SCB.
Bị cáo Trương Mỹ Lan tại phiên tòa ngày 24/9/2024. Ảnh: Thanh Vũ-TTXVN
Trương Mỹ Lan cho biết, thời điểm đó, bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn (cựu Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB) cùng Nguyễn Phương Hồng (cựu Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB, đã chết) rất “khổ sở, khó khăn” vì Ngân hàng SCB liên tục bị thanh tra, giám sát. Hai người này than thở với bị cáo Lan nếu không cho mượn công ty phát hành trái phiếu thì Ngân hàng SCB sụp đổ ngay nên bị cáo cho mượn. Lan dẫn chứng kết luận điều tra giai đoạn 2 của cơ quan điều tra đã thể hiện rõ, trong 1,5 năm, Ngân hàng SCB đã sử dụng chi phí lên tới 61.000 tỷ đồng. Tuy nhiên sử dụng tiền từ việc phát hành trái phiếu chỉ 11.000 tỷ đồng, chênh lệch tới 50.000 tỷ đồng. Số tiền chênh lệch này được Ngân hàng SCB vay từ các cá nhân, tổ chức, bị cáo Lan và bạn bè bị cáo. Trước Hội đồng Xét xử, Trương Mỹ Lan bày tỏ sự hối hận sâu sắc về hậu quả vụ án gây ra, đồng thời khẳng định sẵn sàng chịu trách nhiệm. Theo Trương Mỹ Lan, mục đích ban đầu là muốn giúp tái cơ cấu Ngân hàng SCB nên bị cáo đã huy động gia đình, bạn bè trong và ngoài nước để có tài sản đưa ngân hàng này vượt qua khó khăn. Tuy nhiên, bị cáo chỉ đóng tài sản vào Ngân hàng SCB để giúp đỡ chứ không tham gia điều hành ngân hàng. Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đủ điều kiện để phát hành trái phiếu nhưng không phát hành, không niêm yết gì cả do bản thân bị cáo “không hề biết gì về trái phiếu”. Lan rất hối hận vì ngày đó cho Ngân hàng SCB mượn Công ty An Đông và các công ty khác thuộc Tập đoàn Vạn Thinh Phát để phát hành trái phiếu khiến kéo theo nhiều hệ lụy, gây ảnh hưởng đến hàng trăm người bị hại là các trái chủ đã vì tin tưởng vào uy tín của bị cáo và Ngân hàng SCB mà bỏ tiền ra mua trái phiếu. Khi được luật sư Phan Trung Hoài hỏi về phương án khắc phục hậu quả, bị cáo Trương Mỹ Lan trình bày, trước đó gia đình bị cáo đã khắc phục 365 tỷ đồng. Ở thời điểm hiện tại, Trương Mỹ Lan mong muốn tập trung thu hồi số tiền 17.000 tỷ đồng có nguồn gốc từ trái phiếu mà một số ngân hàng, tổ chức tín dụng đã tiếp nhận. Lan đề nghị Hội đồng Xét xử tạo điều kiện cho bị cáo thu hồi số tiền trên nhằm bồi thường cho bị hại. Trong trường hợp giữa Ngân hàng SCB và các ngân hàng, tổ chức tín dụng xảy ra tranh chấp thì Lan sẵn sàng đứng ra để chịu trách nhiệm. Trương Mỹ Lan cũng bày tỏ mong muốn bán Tòa nhà Capital Palace ở địa chỉ 29 Liễu Giai, thành phố Hà Nội để khắc phục hậu quả. Theo Lan, Tòa nhà Capital Palace là tòa nhà đẹp nhất Hà Nội với giá mua khoảng 600 triệu USD, còn giá trị hiện tại lên đến 1 tỷ USD. Trước đó, bị cáo Lan nhờ bạn của mình vay nợ ngân hàng nước ngoài 250 triệu USD để mua tòa nhà. Hiện tòa nhà này đã có người trả giá 330 triệu USD nhưng nếu bán đi, sau khi trả nợ chỉ còn khoảng 2.000 tỷ đồng. Bị cáo Lan đang mong muốn tìm nhà đầu tư trả mức giá cao hơn để khắc phục hậu quả. Về Tòa nhà Capital Palace, luật sư Nguyễn Thị Huyền Trang (luật sư bào chữa cho một số bị cáo đồng phạm của Trương Mỹ Lan) thông tin trước tòa về việc có một người bạn của Lan tại Mỹ đã liên hệ với luật sư với mong muốn giúp Lan trả khoản vay 250 triệu USD (chưa gồm lãi) tại ngân hàng nước ngoài và nộp thêm 130 triệu USD để khắc phục cho bị hại. Trương Mỹ Lan đã đồng ý với lời đề nghị và gửi lời cảm ơn tới người bạn này. Trương Mỹ Lan cũng bày tỏ mong muốn sử dụng Dự án 6A nằm ở khu Trung Sơn, huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh, thuộc pháp nhân Vạn Thịnh Phát với diện tích 26ha để khắc phục hậu quả vụ án. Lan nói dự án này có vị trí đắc địa, trước khi bị cáo bị bắt đã có nhiều nhà đầu tư trả mức giá 30.000 tỷ đến 50.000 tỷ đồng đề nghị mua dự án nhưng bị cáo chưa chấp thuận. Nay để có tiền đền bù cho người mua trái phiếu, bị cáo Trương Mỹ Lan cho biết sẵn sàng “hy sinh” dự án, đồng ý bán rẻ “mười mấy đến hai mươi nghìn tỷ cũng bán, chỉ cần có tiền khắc phục hậu quả”. Lan cho biết người thân của bị cáo đang liên hệ lại đối tác cũ, dù 20.000 - 30.000 tỷ đồng cũng chấp nhận để khắc phục cho các trái chủ. Ngoài ra, Trương Mỹ Lan nói nếu các tài sản trên không đủ, bị cáo còn có siêu dự án Amigo lớn hơn gấp 3 lần tòa nhà Time Square nằm ở khu trung tâm Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh là tài sản chưa bị kê biên, có thể dùng để khắc phục hậu quả. Theo Trương Mỹ Lan, Dự án Amigo thuộc pháp nhân của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, đã đền bù hơn 20 năm, chỉ còn ít phần trăm chưa đền bù. Dự án chậm do phải đấu giá. Trước khi bị cáo bị bắt, dự án đã được Chính phủ cho khởi động lại. Dự án này ở khu đất tứ giác Nguyễn Huệ - Hồ Tùng Mậu - Huỳnh Thúc Kháng - Ngô Đức Kế sẽ mang lại nhiều giá trị lao động, kinh tế. Nếu như tiền khắc phục ở giai đoạn 1 còn dư thì gia tộc không cần đến, sẽ mang đi góp phần xây dựng trường học ở Việt Nam. Cũng tại phiên tòa, luật sư đã đặt câu hỏi với bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn (cựu Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB) về việc nhiều người bị hại là các trái chủ cho rằng Ngân hàng SCB cố ý lừa dối người mua trái phiếu, nhân viên Ngân hàng SCB không tư vấn cho khách hàng mua trái phiếu của ai, khách hàng không được biết về việc trái phiếu không có tài sản đảm bảo. Võ Tấn Hoàng Văn trả lời thông tin về gói trái phiếu được công khai, trái phiếu phát hành riêng lẻ nên không niêm yết trên thị trường chứng khoán. Theo Văn, gói trái phiếu được cấu trúc từ trái phiếu 5 năm thành hàng năm, tức từ việc khách hàng mua trái phiếu 5 năm mới nhận được lãi thành nhận lãi hằng năm. Võ Tấn Hoàng Văn cho biết, từ năm 2018 đến năm 2020 không có khách hàng nào khiếu nại hoặc phàn nàn về trái phiếu nên nói nhân viên Ngân hàng SCB có hành vi gian dối trong quá trình tư vấn cho khách hàng thì Văn không thể trả lời vì trong thời gian bị cáo làm Tổng Giám đốc, bị cáo không nghe có trường hợp nào. Khách hàng của Ngân hàng SCB có thể cầm tài liệu về nhà để ký hoặc ký ở bất cứ nơi nào rồi đưa lại. Ngân hàng SCB chỉ tư vấn, Công ty Chứng khoán Tân Việt là người thụ hưởng cuối cùng. Bên cạnh đó, Ngân hàng SCB không phải là kênh phân phối duy nhất của chứng khoán Tân Việt mà còn các kênh phân phối khác. Về lý do Ngân hàng SCB tư vấn cho khách hàng mua trái phiếu, Võ Tấn Hoàng Văn cho biết do bị cáo muốn đa dạng loại hình, tăng nguồn thu cho Ngân hàng SCB trong quá trình tái cơ cấu. Đồng thời, nhu cầu hoạt động của Ngân hàng SCB là huy động tiền gửi và hoạt động tín dụng nhưng có thời điểm ngân hàng không cần huy động tiền gửi quá nhiều, trong khi khách hàng của Ngân hàng SCB mỗi năm mỗi tăng, không sử dụng hết nên Ngân hàng SCB muốn giới thiệu cho khách hàng sản phẩm có lợi nhuận tốt hơn trên thị trường. Văn cho biết “rất đau xót” về thiệt hại đã gây ra nhưng mong người bị hại cho thêm thời gian để khắc phục sự việc. Tại phiên tòa, các luật sư cũng tham gia đặt câu hỏi cho các bị cáo thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng SCB bị truy tố tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” thông qua việc phát hành trái phiếu “khống”. Các bị cáo đều thừa nhận hành vi phạm tội như cáo trạng nêu và giữ nguyên lời khai như đã trình bày với Hội đồng Xét xử và đại diện Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, đồng thời trình bày nguyên nhân, động cơ, vai trò và các tình tiết giảm nhẹ để xin giảm nhẹ hình phạt./.