-8527-1664682719.jpg

Đặng Lê Nguyên Vũ (giữa) giành phần thưởng 40.000 USD
cho ngôi quán quân Olympia năm thứ 22. 

Đặng Lê Nguyên Vũ đã giành chiến thắng trận chung kết năm và nhận được vòng nguyệt quế, cúp kỷ niệm cùng phần thưởng trị giá 40.000 USD, cơ hội du học.

Các thí sinh về Nhì và Ba nhận giải thưởng trị giá 100 và 50 triệu đồng. Ở phần chung kết, em Đặng Lê Nguyên Vũ (học sinh Trường THPT Bắc Duyên Hà - Thái Bình) đã liên tục dẫn đầu trong 4 phần thi.  

Nam sinh đến từ trường THPT Bắc Duyên Hà, tỉnh Thái Bình được mệnh danh là “Vua tốc độ" bởi tốc độ chơi và đưa ra đáp án nhanh, chính xác ở các cuộc thi tuần, tháng, quý. 

Đặng Lê Nguyên Vũ (Trường THPT Bắc Duyên Hà, Thái Bình) vui mừng khi xuất sắc giành được điểm số cao nhất chung kết Đường lên đỉnh Olympia 2022 

Đường lên đỉnh Olympia năm 2022  diễn ra ở điểm cầu chính tại Đài Truyền hình Việt Nam và 4 điểm cầu tại Thái Bình, Hải Phòng, Sơn La và Hà Nội.

Trước đó, 4 thí sinh bước vào chung kết gồm các em: Em Vũ Bùi Đình Tùng (học sinh Trường THPT Chuyên Trần Phú - Hải Phòng, giành chiến thắng cuộc thi Quý 2 với 310 điểm); Em Vũ Nguyên Sơn (học sinh Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam, giành vòng nguyệt quế cuộc thi Quý 4 với tổng điểm 170); Em Bùi Anh Đức (học sinh Trường THPT Chuyên Sơn La, tỉnh Sơn La, giành chiến thắng ở cuộc thi Quý 3 với 185 điểm).

Năm 2022 là năm đầu tiên 4 điểm cầu truyền hình trực tiếp trận Chung kết Đường lên đỉnh Olympia không đặt tại trường học. Năm nay, 4 điểm cầu là Khu lưu niệm nhà bác học Lê Quý Đôn (Thái Bình), Nhà hát lớn Hải Phòng, Quảng trường Tây Bắc (Sơn La) và Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội). Trong lịch sử hơn 20 năm phát sóng chương trình, đây là lần đầu tiên Đường lên đỉnh Olympia đưa được cầu truyền hình trực tiếp về 4 địa danh này. 

Hành trình chinh phục đỉnh Olympia của "vua tốc độ"

Trong số bốn nhà leo núi tranh tài trong trận chung kết Đường lên đỉnh Olympia lần thứ 22 tổ chức sáng 2/10, chỉ có thí sinh Đặng Lê Nguyên Vũ (Trường THPT Bắc Duyên Hà, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) không phải là học sinh trường chuyên.

Thế mạnh của Vũ là toán và tiếng Anh cùng với khả năng đọc và tư duy rất nhanh nên còn được biết đến với biệt danh "vua tốc độ" trong hành trình chinh phục đỉnh Olympia của mình.

Vũ cho biết ước mơ chinh phục Olympia bắt đầu từ khi theo dõi trận chung kết năm thứ 11. Tuy nhiên, tới năm lớp 7-8 thì cậu đánh mất đam mê này cho đến trận chung kết năm thứ 20 của Olympia, Đặng Lê Nguyên Vũ nhớ lại và nghĩ "giờ là lúc chuẩn bị nghiêm túc cho giấc mơ" nên quyết định đăng ký với nhà trường để được tham gia cuộc thi.

Sinh ra trong gia đình có bố là bộ đội, mẹ làm cán bộ ngành lao động - thương binh và xã hội nên phong thái cùng tính cách của người bố ảnh hưởng rất nhiều đến Vũ với sự quyết đoán, ý thức tự giác.

Tiết lộ về cách học của bản thân trước đó, Nguyên Vũ cho biết em không có phương pháp nào quá nổi bật, chỉ là tập trung trên lớp, có điều gì mới hoặc thú vị thì ghi lại và chăm xem thời sự, báo chí để bổ sung kiến thức xã hội.

"Thực tế, em nghĩ em không quá chăm chỉ, thậm chí là hơi lười một chút. Do đó, em luôn cố gắng sắp xếp thời gian để học và làm việc nhanh, để giải quyết được nhiều việc hơn, thu được nhiều kiến thức hơn" - Vũ chia sẻ.

Để cổ vũ, tiếp sức cho Đặng Lê Nguyên Vũ, huyện Hưng Hà đã chuẩn bị sân khấu với diện tích gần 300m² trải 100 chiếc chiếu hoa cùng với nhạc cụ chèo, cờ quạt ngũ sắc... là "điểm nhấn" đặc biệt nhằm tái hiện một kỳ thi "sát hạch" nhân tài khắt khe dưới thời nhà bác học Lê Quý Đôn.

Trường THPT Bắc Duyên Hà đã triệu tập 500 học sinh tham gia văn nghệ và thành lập đội cổ vũ với 2.500 học sinh tại điểm cầu ở Khu lưu niệm danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn thuộc xã Độc Lập, huyện Hưng Hà.

Ngày 2/10, bất chấp thời tiết mưa nặng hạt, hàng ngàn học sinh, người dân trên địa bàn huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình đã đội mưa đến Khu lưu niệm nhà bác học Lê Quý Đôn để cổ vũ, "tiếp lửa" cho nhà leo núi Đặng Lê Nguyên Vũ.