10 dấu ấn nhiệm kỳ 2019 - 2024 của phong trào thanh niên Việt Nam

Giai đoạn 2019 - 2024, công tác của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam khóa VIII cũng như phong trào thanh niên Việt Nam trong nhiệm kỳ có bước tiến, đạt nhiều thành quả quan trọng, trong đó có thể kể đến 10 dấu ấn nổi bật với những hoạt động góp phần tích cực vào sự phát triển của thanh niên, thể hiện sự dấn thân, tiên phong của tuổi trẻ trong quá trình đóng góp cho cộng đồng, xã hội.

Chú thích ảnhLãnh đạo Tỉnh đoàn, Hội Liên hiệp Thanh niên tỉnh Bắc Giang trao tặng giải thưởng “Thanh niên sống đẹp” năm 2023 cho các cá nhân. Ảnh: Đồng Thúy/TTXVN

*Khơi dậy khát vọng cống hiến - lẽ sống thanh niên

Giai đoạn 2019 - 2024, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam (Hội) tăng cường tổ chức các chương trình, hoạt động phong trào, các đợt sinh hoạt chính trị nhằm khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý thức, hào khí dân tộc, tinh thần tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc, khát vọng phát triển đất nước của thanh niên Việt Nam. Nhiều chương trình, hoạt động mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc được tổ chức thường xuyên, sâu rộng nhằm lan tỏa những giá trị, động lực sống tốt đẹp, sống có ích, sống trách nhiệm, sống sẻ chia trong thanh niên như: Giải thưởng “Thanh niên sống đẹp”; Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô”, chương trình “Gia đình trẻ tiêu biểu”, Giải thưởng “15 tháng 10”... Qua đó, góp phần lan tỏa giá trị, động lực sống tốt đẹp, khát vọng cống hiến trong thanh niên, lan tỏa khát vọng cống hiến, sống đẹp, sống có ích để kết nối sức trẻ trong và ngoài nước tham gia tích cực vào công cuộc xây dựng đất nước giàu mạnh. 

*Khẳng định tình cảm và ý thức trách nhiệm của thanh niên trong việc giữ gìn chủ quyền biên giới, biển, đảo

Trong nhiệm kỳ, các cấp bộ Hội đã tích cực, chủ động tổ chức nhiều hoạt động, hình thức tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho hội viên, thanh niên và các tầng lớp nhân dân về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về vai trò, tầm quan trọng của biên giới, biển, đảo trong phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc; chính sách đối ngoại của ta với các nước láng giềng; những thành quả trong phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh khu vực biển, đảo. Giai đoạn 2019 - 2024, các cấp bộ Hội trên cả nước đã tổ chức 18.280 hoạt động hướng về biên giới, biển, đảo thu hút sự tham gia của gần 2,5 triệu lượt hội viên, thanh niên. Trong đó, tiêu biểu phải kể đến Hành trình “Tôi yêu tổ quốc tôi”, Chương trình “Tháng Ba biên giới”.

*Thanh niên tham gia bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc

Cấp bộ Hội và tuổi trẻ cả nước đóng vai trò tích cực trong tham gia bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc thông qua các hoạt động cụ thể, thiết thực. Chương trình “Những bước chân vì cộng đồng” do Hội phối hợp cùng Sacombank triển khai trên toàn quốc nhằm đẩy mạnh phong trào "10.000 bước mỗi ngày", bên cạnh tuyên truyền về việc rèn luyện sức khỏe, hoạt động còn góp phần chăm lo, đồng hành với đồng bào dân tộc thiểu số để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Với mỗi ki lô mét đi bộ/chạy bộ của vận động viên, Sacombank đóng góp 1.000 đồng xây dựng nhà văn hóa. Chương trình đã tổ chức 16 chặng có quy mô toàn quốc, kết quả thu hút hơn 166.000 lượt vận động viên tham gia với tổng chiều dài đi, chạy bộ tích lũy đạt hơn 16 triệu km, đóng góp hơn 16 tỷ đồng xây dựng 16 Nhà văn hóa cho 16 cộng đồng dân tộc thiểu số. 

Cùng với việc triển khai xây dựng, phát huy thiết chế Nhà văn hóa cộng đồng, nhiều hoạt động thanh niên tình nguyện đã được Hội các tỉnh, thành phố triển khai tại các địa bàn dân tộc ít người, qua đó góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, tinh thần của người dân, thanh thiếu nhi dân tộc thiểu số.

*Tạo động lực thúc đẩy khát vọng khởi nghiệp, lập nghiệp trong thanh niên

Cùng với sự phát triển của đất nước, tổ chức Hội các cấp đã tổ chức nhiều hoạt động, chương trình thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, thổi bùng khát vọng làm giàu chính đáng, chủ động tham gia phát triển kinh tế của thanh niên Việt Nam trong và ngoài nước, tham gia kiến tạo môi trường hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp trên cơ sở khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Nổi bật là các hoạt động định kỳ được tổ chức như: Giải thưởng “Sao Đỏ - Doanh nhân trẻ Việt Nam tiêu biểu”, Giải thưởng “Sao Vàng đất Việt”, Chương trình bình chọn và trao danh hiệu “Doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc”.

Các chương trình đã tôn vinh, tuyên dương những tấm gương doanh nhân trẻ tiêu biểu trong khởi nghiệp, kinh doanh, lao động, sản xuất, đóng góp tích cực vào quá trình đổi mới, hội nhập và phát triển kinh tế của đất nước, đồng thời tham gia tích cực, hiệu quả, thực hiện tốt các hoạt động an sinh xã hội, thể hiện trách nhiệm cao đối với người lao động và xã hội.

*San sẻ yêu thương, chung tay vượt qua thiên tai, đại dịch

Với tinh thần “Đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên”, trong giai đoạn dịch COVID-19 bùng phát, với phương châm “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, các cấp bộ Hội đã tập trung tranh thủ mọi nguồn lực, vận động sự tham gia, đồng hành của các tổ chức, cá nhân triển khai nhiều chương trình, hoạt động ý nghĩa. Tiêu biểu như chương trình “San sẻ yêu thương, chung tay vượt qua đại dịch” hỗ trợ hơn 535.000 suất ăn và 3.000 tấn gạo trị giá hơn 70 tỷ đồng, “Triệu túi an sinh” trao 1.573.658 túi an sinh cho hơn 1,5 triệu người với trị giá hơn 361 tỷ đồng; “Triệu bữa cơm” trao tặng hơn 1,5 triệu bữa ăn với tổng trị giá hơn 22,5 tỷ đồng; “ATM gạo, ATM Oxy”, “Hát để sẻ chia”, “Cùng em học trực tuyến”, “Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành”…

Đặc biệt, chương trình “Vòng tay yêu thương” đồng hành với 650 trẻ em mồ côi do dịch COVID-19 đến hết năm 18 tuổi do Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam và các đơn vị trực thuộc phối hợp thực hiện đã thể hiện tinh thần trách nhiệm, nhân văn sâu sắc, tính hành động, kịp thời của các cấp bộ Hội, hội viên, thanh niên Việt Nam.

Trong thời điểm xảy ra thiên tai, bão lũ, các cấp bộ Hội, hội viên, thanh niên phát huy vai trò xung kích của tuổi trẻ, huy động lực lượng, thành lập đội hình thanh niên tình nguyện cùng phối hợp với chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng hỗ trợ người dân phòng, chống và khắc phục hậu quả do mưa bão gây ra; tổ chức nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực vận động các nguồn lực xã hội hóa bằng tiền mặt, nhu yếu phẩm...

*Y bác sĩ trẻ tình nguyện vì cộng đồng 

Các thầy thuốc trẻ đã đi tới các vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn trên toàn quốc để khám chữa bệnh, tư vấn sức khỏe, cấp phát thuốc miễn phí cho người dân. Giai đoạn dịch COVID-19, đội ngũ y bác sĩ trẻ đã góp phần tích cực vào công tác phòng, chống và đẩy lùi dịch bệnh, thể hiện tinh thần xung kích, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng, với hàng chục nghìn lượt y bác sĩ trẻ xung phong trong tuyến đầu chống dịch, hàng trăm tỷ đồng giá trị vật tư thiết bị y tế được huy động và những mô hình tiêu biểu như Hội Thầy thuốc trẻ, Mạng lưới Thầy thuốc trẻ ở các tỉnh, thành phố. 

Hành trình "Thầy thuốc trẻ làm theo lời Bác, tình nguyện vì sức khỏe cộng đồng" được tổ chức thường niên. Nhiều chương trình chăm sóc sức khỏe cộng đồng đã được triển khai như: tuyên truyền phòng, chống các bệnh không lây nhiễm như tim mạch, tiểu đường, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong sàng lọc và phát hiện sớm các bệnh. Trong nhiệm kỳ, các cấp bộ Hội đã tổ chức 3.166 hoạt động khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho hơn 3,9 triệu thanh thiếu nhi và người dân có hoàn cảnh khó khăn, tổng số kinh phí trên 323 tỷ đồng.

*Hỗ trợ học sinh dân tộc thiểu số các địa bàn khó khăn

Giai đoạn 2019 - 2024, các cấp bộ Hội tổ chức nhiều hoạt động thăm hỏi, tặng quà, thực hiện các công trình an sinh xã hội, xây tặng nhà cho học sinh mồ côi, học sinh dân tộc thiểu số tại các địa bàn khó khăn..., thông qua các chương trình do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Trung tâm Tình nguyện Quốc gia khởi xướng và thực hiện. 

Cấp Trung ương đã huy động nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân và phối hợp với các tỉnh, thành đoàn, Hội các tỉnh, thành phố  triển khai triển khai hàng nghìn công trình thanh niên có ý nghĩa thiết thực, gồm 250 công trình "Trường đẹp cho em", 14 công trình "Nhà nội trú cho em" tại 156 xã khó khăn thuộc 58 huyện đến từ 25 tỉnh với quy mô 369 phòng học, 58 phòng ở, 97 phòng công vụ cho giáo viên, phục vụ hơn 5.000 học sinh dân tộc thiểu số tại các địa bàn khó khăn; hơn 250 công trình “Nhà vệ sinh cho em” tại 250 trường học, điểm trường khó khăn trên cả nước chưa có nhà vệ sinh hoặc nhà vệ sinh xuống cấp; triển khai 150 công trình “Ngôi nhà hạnh phúc” cho học sinh dân tộc thiểu số mồ côi; 44 công trình “Cầu hạnh phúc” cho đồng bào dân tộc thiểu số tại các địa bàn đi lại khó khăn do mưa lũ. Tổng kinh phí huy động, triển khai thực hiện các công trình thanh niên đến nay là hơn 120 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, chương trình “Phòng tin học cho em” đã triển khai được 141 phòng tin học tại 141 trường với hơn 1.750 máy tính, mang lại cơ hội học tập, tiếp cận máy tính, công nghệ thông tin cho hơn 48.000 học sinh ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn tại 23 tỉnh, thành phố trên cả nước, với tổng trị giá hơn 10 tỷ đồng.

*Đồng hành, hỗ trợ thanh niên khuyết tật hòa nhập cộng đồng, vươn lên trong cuộc sống

Là tổ chức rộng rãi của thanh niên Việt Nam, Hội luôn xác định việc đồng hành cùng thanh niên khuyết tật là một trong những nội dung trọng tâm trong công tác Hội và phong trào thanh niên. Trong nhiệm kỳ, các cấp bộ Hội đã tổ chức 13.718 hoạt động hỗ trợ cho 75.793 lượt thanh niên khuyết tật với tổng trị giá gần 200 tỷ đồng; tổ chức Chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt” nhằm tôn vinh những bạn trẻ là người khuyết tật, có ý chí vượt lên, chiến thắng số phận và đóng góp tiêu biểu cho sự phát triển của cộng đồng, xã hội.

Tháng 10/2024, Hội Thanh niên khuyết tật Việt Nam chính thức ra đời (tiền thân là Câu lạc bộ Thanh niên khuyết tật Việt Nam), qua đó tạo thuận lợi cho công tác thu hút, đoàn kết, tập hợp và đại diện bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của những bạn trẻ kém may mắn trong cuộc sống. Đây là kết quả của quá trình nỗ lực kiên trì, đeo bám, quyết liệt của Trung ương Đoàn, Trung ương Hội, Ban Vận động thành lập Hội trong quyết tâm hình thành, ra đời tổ chức đại diện, bảo vệ cho những thanh niên thiếu may mắn. Hiện trên cả nước đã có 40 Hội, câu lạc bộ cấp tỉnh với trên 10.000 hội viên.

*Chung tay chăm lo đời sống thanh niên công nhân

Cụ thể hóa các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, tổ chức Hội các cấp đã có nhiều hoạt động chăm lo, đồng hành với thanh niên các khu công nghiệp, khu chế xuất nâng cao đời sống, văn hóa, tinh thần; đồng thời tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích và rèn luyện thể chất cho thanh niên; mở rộng mặt trận đoàn kết tập hợp thanh niên, thành lập tổ chức Hội tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. Ngày hội Thanh niên công nhân tại các địa phương trên cả nước là hoạt động nổi bật đã thu hút sự tham gia hưởng ứng của 80.000 lượt thanh niên công nhân với nhiều hoạt động thiết thực nhằm chăm sóc đời sống cho thanh niên công nhân.

*Giáo dục, cảm hóa, hỗ trợ thanh niên hoàn lương tái hòa nhập cộng đồng

Hàng năm, Trung ương Hội phối hợp với Bộ Công an tổ chức nhiều hoạt động phong phú, đa dạng, hiệu quả như: tổ chức các buổi tọa đàm, tư vấn pháp luật, khám bệnh, tư vấn sức khỏe, tặng quà, cấp phát thuốc miễn phí; giáo dục, giúp đỡ phạm nhân trong độ tuổi thanh niên tái hòa nhập cộng đồng; tổ chức chương trình “Thắp sáng ước mơ hoàn lương”, “Hành trình của niềm tin” … qua đó phát huy được vai trò, trách nhiệm của các cán bộ, hội viên, trại viên trong công tác giáo dục, giúp đỡ phạm nhân cải tạo, hoàn lương.

Trong nhiệm kỳ, Trung ương Hội đã trao tặng hơn 1.000 suất quà với tổng trị giá 500 triệu đồng cho các phạm nhân; tổ chức 92 lớp dạy nghề cho hơn 3.000 phạm nhân; tổ chức khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho hơn 2.000 lượt phạm nhân; hỗ trợ tư vấn tâm lý, pháp lý, hỗ trợ tìm kiếm việc làm cho hơn 12.000 phạm nhân sau khi chấp hành án; chú trọng đẩy mạnh công tác hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân, thanh niên hoàn thành trong quá trình cải tạo.

24.643 mô hình hỗ trợ thanh niên yếu thế, thanh niên hoàn lương, thanh niên sau cai nghiện ma túy đã được thành lập, qua đó hỗ trợ được hơn 65.000 thanh niên hoàn lương; thành lập, duy trì 18.167 câu lạc bộ “thắp sáng niềm tin”, với tổng số 274.471 hội viên, thanh niên tham gia./.

 

VNEWS | 16-12-2024, 13:18

vnews

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

CHƯƠNG TRÌNH TRÊN VNEWS

Xem thêm