Bất thường giá vàng SJC: Ngân hàng Nhà nước sẽ có động thái

Trước tình trạng vàng SJC sốt nóng do khan hiếm, Ngân hàng Nhà nước sẽ phải có động thái chính sách, như báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc sửa Nghị định 24.

Thời gian gần đây, giá vàng trong nước liên tục biến động mạnh, đặc biệt là vàng SJC. Thương hiệu vàng quốc gia này liên tục thiết lập kỷ lục giá mới.

Chỉ tính trong vòng chưa đầy 10 ngày, giá vàng SJC đã tăng tới khoảng 6 triệu đồng mỗi lượng, nhiều thời điểm chạm mốc 80,3 triệu đồng/lượng.

Chênh lệch giữa vàng SJC và giá vàng thế giới ngày càng nới rộng, với mức cao hơn giá thế giới tới trên dưới 18 triệu đồng mỗi lượng và cao hơn vàng 99,99 tới trên 15 triệu đồng mỗi lượng.

Không chỉ tăng mà giá vàng còn biến động mạnh khi có những phiên, biên độ tăng – giảm lên tới gần 2 triệu đồng mỗi lượng, các doanh nghiệp liên tục điều chỉnh bảng giá vàng từng giờ, từng phút, theo nhu cầu mua – bán của thị trường.

Lý giải về cơn sốt giá vàng SJC, ông Đinh Nho Bảng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA) cho rằng, một phần do giá vàng thế giới tăng cao thời gian qua trước tín hiệu của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) phát đi về việc dừng thắt chặt tiền tệ và chuẩn bị cho chu kỳ nới lỏng vào năm sau. Điều này khiến đồng USD giảm giá, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm, nhà đầu tư quốc tế chuyển dòng tiền sang vàng.

Tuy nhiên, biến động của mạnh của vàng trong nước không chỉ đến từ đà tăng của thị trường thế giới. Theo ông Đinh Nho Bảng, chủ yếu do khan hiếm nguồn cung trong nước.

Điều này xuất phát từ các quy định quản lý thị trường vàng tại Nghị định 24/2012/NĐ-CP, quy định Ngân hàng Nhà nước độc quyền nhập khẩu vàng nguyên liệu về để sản xuất vàng SJC. Trong khi từ đó đến nay, Ngân hàng Nhà nước không nhập khẩu vàng, dẫn đến khan hiếm nguồn cung.

Việc không cho phép các doanh nghiệp nhập khẩu vàng nguyên liệu cũng dẫn đến thiếu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức, một số doanh nghiệp thậm chí còn phải dùng vàng SJC để sản xuất vàng trang sức, làm cho vàng SJC càng khan hiếm.

Trên thực tế, các chuyên gia thừa nhận Nghị định 24 đã phát huy mặt tích cực suốt gần 12 năm qua, khi xóa bỏ tình trạng vàng hóa, không còn cảnh người người mua vàng để tích trữ.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, một nghị định kéo dài đã gần 12 năm, trong bối cảnh rất nhiều văn bản luật mới đã được ra đời, sửa đổi, nhận thức của người dân cũng đã thay đổi, thì đã đến lúc cần sửa. Đặc biệt trong bối cảnh thị trường sốt nóng, bất thường như hiện nay, nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng đến tâm lý người dân.

Do đó, ông Đinh Nho Bảng kiến nghị cơ quan quản lý cần nhanh chóng sửa Nghị định 24. Trước hết cần cho phép các doanh nghiệp được nhập khẩu vàng nguyên vật liệu để sản xuất vàng trang sức. Điều này vừa giúp bình ổn thị trường vàng, vừa đem lại nguồn ngoại tệ thông qua xuất khẩu vàng trang sức.

Tiếp đến, vấn đề là có nên duy trì vàng SJC làm vàng chuẩn quốc gia hay không, vì cùng chất lượng như nhau, trọng lượng như nhau, nhưng hiện nay chênh lệch giữa vàng SJC và các loại vàng khác lên tới hơn 15 triệu đồng/lượng, điều này là quá vô lý.

một lãnh đạo cấp Vụ của Ngân hàng Nhà nước khẳng định cơ quan này vẫn đang liên tục theo dõi nắm bắt tình hình thị trường vàng.

Theo đại diện Ngân hàng Nhà nước, việc giá vàng tăng nóng thời gian qua, ngoài do ảnh hưởng của thị trường thế giới thì cũng do tâm lý kỳ vọng tăng giá quá mức của người dân trong nước.

Dù giá tăng mạnh, song theo vị này, báo cáo của các doanh nghiệp kinh doanh vàng cho thấy giao dịch có tăng nhưng không đột biến, không có cảnh người dân xếp hàng mua vàng như trước đây. Bản thân các doanh nghiệp cũng không dám “ôm” vàng, vì giá cao, quá rủi ro.

“Các doanh nghiệp chủ yếu mua - bán theo kiểu “khớp lệnh”, tức là doanh nghiệp mua được bao nhiêu thì bán ra bấy nhiêu chứ không dám ôm nhiều” – vị này cho hay.

Thực tế, theo khảo sát của phóng viên, trong phiên giao dịch cuối ngày 26/12, thậm chí có thời điểm nhu cầu bán vàng của người dân lớn, một số doanh nghiệp không dám mua vào, đồng thời nới rộng chênh lệch mua vào - bán ra lên tới 1,8 triệu đồng mỗi lượng.

Liên quan đến việc sửa Nghị định 24, theo đại diện Ngân hàng Nhà nước, cơ quan này chắc chắn sẽ có động thái. “Việc này không thể nóng vội được mà sẽ phải báo cáo Chính phủ, đồng thời, các bộ, ban ngành sẽ cùng phải tham gia ý kiến, chứ không phải chỉ mình Ngân hàng Nhà nước. Nhưng tôi nghĩ cái này (việc sửa Nghị định 24 – PV) cũng đến lúc chín muồi rồi” – vị này nói.

Cũng theo vị này, việc sửa quy định nếu có, có thể sẽ ở 2 khía cạnh. Thứ nhất, có thể cho phép các doanh nghiệp nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất trang sức mỹ nghệ. Thứ hai là Ngân hàng Nhà nước sẽ tổ chức đấu thầu để mua vàng.

“Việc sửa Nghị định có thể sẽ phải đánh đổi. Ví dụ cho nhập vàng thì sẽ ảnh hưởng đến dự trữ ngoại hối… Nhưng cũng không thể để thị trường như thế này, cơ quan Nhà nước chắc chắn sẽ có động thái” – phía cơ quan quản lý cho hay.

 

VNEWS | 28-12-2023, 12:31

vnews

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

CHƯƠNG TRÌNH TRÊN VNEWS

Xem thêm