19h00 ngày 13/9: Số người chết do bão số 3 và mưa lũ tăng thêm 21 người
 
Công tác khắc phục hậu quả do bão số 3 và hoàn lưu bão gây ra đang được các địa phương tập trung triển khai tích cực; trong đó đặc biệt quan tâm đến công tác tìm kiếm người mất tích, ổn định cuộc sống của nhân dân. 

Đặc biệt, thông tin từ cơ quan chức năng tỉnh Lào Cai, đến 16 giờ 15 phút ngày 13/9 đã có thêm 3 người dân thôn Làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên) may mắn thoát chết trong lũ dữ do đi làm ăn xa. Như vậy, trong ngày 13/9, thôn Làng Nủ có 11 trường hợp nghi mất tích đã trở về.

Lực lượng quân đội, công an triển khai tìm kiếm các nạn nhân mất tích do sạt lở đất tại làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên. Ảnh: Dương Giang-TTXVN

Tại Cao Bằng, lực lượng tìm kiếm đã tìm thấy thêm 6 nạn nhân trong các vụ sạt lở, mất tích; trong đó, điểm Lũng Lỳ tìm thấy 3 người, điểm Khuổi Ngọa (cùng xã Ca Thành) tìm thấy 3 người.

Như vậy, sau 5 ngày nỗ lực tìm kiếm, lực lượng cứu hộ đã tìm thấy 51 thi thể nạn nhân, hoàn thành tìm kiếm ở 2/3 điểm. Công tác tìm kiếm vẫn được tiếp tục tại điểm Khuổi Ngọa.

* Cùng người dân vượt qua khó khăn

Trong thư gửi các cháu thiếu niên, nhi đồng Việt Nam ở trong và ngoài nước, các cháu người nước ngoài ở Việt Nam nhân dịp Tết Trung thu 2024, ngày 13/9, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gửi lời chia buồn sâu sắc nhất tới thân nhân, gia quyến các cháu là nạn nhân của bão lũ và hy vọng tất cả chúng ta hãy dũng cảm vượt qua đau thương, mất mát này.

Với các cháu ở những vùng bão, lũ, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm dặn các cháu luôn chú ý an toàn khi học tập, vui chơi; tránh xa những nơi nguy hiểm, không chơi đùa gần sông, suối, ao hồ, luôn nhớ lời cha mẹ, thầy cô giáo để tự bảo vệ bản thân và bạn bè.

Trong ngày 13/9, lãnh đạo Đảng, Nhà nước tiếp tục đến các địa phương kiểm tra công tác khắc phục hậu quả mưa bão; thăm hỏi, động viên chính quyền, nhân dân đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau để cuộc sống nhanh chóng ổn định trở lại.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa cùng Đoàn công tác kiểm tra khắc phục hậu quả bão số 3; thăm, tặng quà nhân dân bị ảnh hưởng của mưa lũ và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn ở xã Hua Păng, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú tới thăm, động viên và tặng quà người dân xã Sơn Đông, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc. 

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa và Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Hoàng Quốc Khánh tặng quà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở xã Hua Păng, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La. Ảnh: Quang Quyết - TTXVN

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân kiểm tra thực tế và thăm hỏi người dân xã Vũ Xá (huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang) và 2 xã Yên Bình và Hòa Bình (huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn). 

Cùng ngày, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định tới thăm, tặng quà cán bộ, chiến sỹ và nhân dân Thái Bình; Trưởng Ban Dân vận Trung ương Mai Văn Chính thăm hỏi, động viên, trao quà hỗ trợ cho người dân xã Lâm Sơn (huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn).

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định trao quà cho người dân xã Tân Lập, huyện Vũ Thư. Ảnh: Thế Duyệt – TTXVN

Được lệnh của Bộ Quốc phòng, ngày 13/9, trực thăng quân sự Mi-17 số hiệu 7844 của Trung đoàn Không quân 916 (Sư đoàn Không quân 371, Quân chủng Phòng không - Không quân) đã cất cánh lúc 7 giờ 45 phút từ sân bay quân sự Gia Lâm (Hà Nội) chở hàng hóa, nhu yếu phẩm tiếp ứng cho đồng bào tại các khu vực đang bị cô lập, giao thông chia cắt do ảnh hưởng của bão lũ ở huyện Bảo Lâm và huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng.

Máy bay EC- 155- B1 số hiệu VN- 8621 của Công ty Trực thăng Miền Bắc, Binh đoàn 18/BQP đã khởi hành cất cánh để vận chuyển hàng hóa cứu trợ. Ảnh: TTXVN phát

Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tiếp tục cứu trợ khẩn cấp đợt 3 cho 7 tỉnh, thành phố: Sơn La, Bắc Kạn, Cao Bằng, Nam Định, Ninh Bình, Hà Nội, Lào Cai với tổng giá trị tiền và hàng 2,6 tỷ đồng. Trong đó 1,3 tỷ tiền mặt; 850 thùng hàng và 100 bộ dụng cụ sửa nhà, 300 túi hàng cứu trợ. Nhằm ngăn ngừa, hạn chế hậu quả về sức khỏe cho người dân sau bão lũ, Bộ Y tế đề nghị các địa phương củng cố và duy trì thường trực các đội cơ động chống dịch hỗ trợ tuyến dưới trong giám sát, xử lý dịch bệnh và các bệnh truyền nhiễm lưu hành trong điều kiện mưa lũ và ngập lụt.

Nhân viên y tế rắc vôi bột xử lý môi trường sau ngập lụt tại phường Chương Dương, Quận Hoàn Kiếm. Ảnh: Minh Quyết - TTXVN

Để thể hiện sự đồng cảm, chia sẻ với những đau thương, mất mát, khó khăn của đồng bào các tỉnh miền Bắc, Thường trực UBND Thành phố đề nghị, Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể Thành phố, Chủ tịch UBND thành phố Thủ Đức, các quận, huyện chỉ đạo hạn chế, giảm quy mô tổ chức chương trình lễ hội, sự kiện trên địa bàn Thành phố hoặc tạm hoãn, chuyển sang thời gian khác phù hợp.

 
* Lũ trên một số sông tiếp tục xuống, tổ chức cho người dân quay trở lại nhà

Căn cứ vào mực nước sông Hồng tại Hà Nội (Long Biên) hồi 14 giờ 40 phút ngày 13/9 là 9,45m (mực nước báo động I là 9,50m), Hà Nội lệnh rút báo động 1 tại địa phận các quận Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Long Biên và các huyện Thanh Trì, Đông Anh, Gia Lâm. Các địa phương chuẩn bị tổ chức người dân sớm quay lại chỗ ở; đồng thời huy động các lực lượng cùng nhân dân khẩn trương vệ sinh môi trường, dọn dẹp nhà cửa để ổn định cuộc sống.

Nước sông Hồng đã xuống dưới báo động 1, Hà Nội rút báo động lũ trên sông Hồng (ảnh chụp lúc 18h00 ngày 13/9/2024). Ảnh: Minh Quyết - TTXVN

Trước thông tin lan truyền mạng xã hội "vỡ đê ở huyện Ứng Hòa - Hà Nội", sáng 13/9, lãnh đạo UBND huyện Ứng Hòa khẳng định hệ thống đê, đập tràn trên địa bàn đảm bảo an toàn. Hình ảnh và thông tin lan truyền là tại đập dốc Bồ, xã Lưu Hoàng. Vị trí này nước đang tràn qua đập trên dốc nối trục đường 21B đi xã Hồng Quang. Lực lượng chức năng đang đắp tải cát để bảo vệ những điểm xung yếu do nước dâng từ hệ thống sông Đáy.

Từ 15 giờ ngày 13/9, Hà Nội cũng khôi phục giao thông qua cầu Long Biên, cầu Đuống.

Công nhân Công ty Cổ phần Đường sắt Hải Hà tháo bỏ rào chắn phong toả các phương tiện di chuyển trên cầu Long Biên. Ảnh: Quốc Khánh - TTXVN

 Căn cứ vào diễn biến lũ trên sông Hoàng Long và điều kiện thực tế, ngày 13/9, tỉnh Ninh Bình đã có thông báo về việc dừng thực hiện lệnh di dời dân. Tỉnh không phải vận hành xả lũ tràn Lạc Khoái. Những hộ thuộc khu vực phải di dời đã trở lại nhà.

Tại Bắc Ninh trưa 13/9, mực nước lũ sông Thái Bình đã xuống dưới mức báo động 3, sông Đuống đã xuống dưới mức báo động 2. Do đó tỉnh Bắc Ninh rút lệnh báo động 3 trên triền sông Thái Bình và rút lệnh báo động 2 trên sông Đuống.

* 775,5 tỷ đồng ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do bão số 3

Hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban Trung ương Măt trận Tổ quốc Việt Nam, trong ngày 13/9, nhiều cơ quan, đơn vị, cá nhân tiếp tục tổ chức quyên góp ủng hộ các địa phương bị thiệt hại bởi bão số 3 và mưa lũ. Tính đến 17 giờ ngày 13/9, các tổ chức, cá nhân đã chuyển về tài khoản của Ban Vận động cứu trợ Trung ương 775,5 tỷ đồng.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến tiếp nhận bảng tượng trưng số tiền từ các đơn vị, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Ảnh: Minh Đức – TTXVN

Thời gian vừa qua trên mạng xã hội xuất hiện nhiều website, trang thông tin lấy danh nghĩa là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để huy động, kêu gọi sự hỗ trợ của các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân ở trong và ngoài nước ủng hộ các tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng bão số 3. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khẳng định, đây là những website không chính thức của Ban vận động Cứu trợ Trung ương nên số tiền ủng hộ của các đơn vị, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, chuyển đến sẽ không được kiểm soát và không được sử dụng đúng mục đích.

Ban Vận động Cứu trợ Trung ương trân trọng đề nghị các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân ở trong và ngoài nước khi ủng hộ đồng bào cần trực tiếp liên hệ với Cơ quan Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hoặc Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trên cả nước để tìm hiểu thông tin, số tài khoản chuyển khoản.

Để từng nước ổn định cuộc sống của người dân sau bão lũ, những ngày qua, ngành Thông tin và Truyền thông tỉnh Yên Bái đã tích cực triển khai các biện pháp khắc phục nhanh nhất để bảo đảm thông tin liên lạc, đặc biệt ở nơi ngập lũ, bị cô lập. Đến nay, các nhà mạng đã cơ bản khắc phục gián đoạn thông tin liên lạc do thiên tai.

Đội xung kích Công ty Điện lực Quảng Bình với gần 50 thành viên là kỹ sư, công nhân lành nghề, có sức khỏe và nhiều kinh nghiệm khắc phục sự cố lưới điện do thiên tai, cùng đầy đủ các phương tiện, thiết bị, vật tư và 3 xe nâng cẩu, máy phát điện đã đến Quảng Ninh để hỗ trợ, giúp đỡ khắc phục thiệt hại do bão số 3. 

Nhiều xe cẩu chở vật tư, thiết bị từ Quảng Bình sẵn sàng hỗ trợ Điện lực Quảng Ninh khắc phục sự cố tại những điểm bị hư hỏng nặng nề nhất để sớm cấp điện trở lại cho khách hàng. Ảnh: Lê Phương-TTXVN

Quảng Ninh sẽ tổ chức chiến dịch 3 ngày làm sạch vịnh Hạ Long để thu gom rác thải, chỉnh trang hạ tầng, trục vớt các tàu bị chìm./.

----- 

8h ngày 13/9: Mực nước sông Hồng, sông Đuống đang xuống, lệnh rút báo động 2

Căn cứ vào mực nước sông Hồng tại Hà Nội (Long Biên) hồi 1 giờ ngày 13/9/2024 là 10,39 m (mực nước báo động 2 là 10,5 m), Ban Chỉ huy Tìm kiếm cứu nạn và Phòng, chống thiên tai thành phố Hà Nội lệnh rút báo động 2 trên sông Hồng vào hồi 1 giờ ngày 13/9/2024 tại địa phận các quận: Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Long Biên và các huyện: Thanh Trì, Đông Anh, Gia Lâm.

 

Ban Chỉ huy Tìm kiếm cứu nạn và Phòng, chống thiên tai thành phố Hà Nội các quận: Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Long Biên và các huyện: Thanh Trì, Đông Anh, Gia Lâm, các đơn vị ở địa phận trên và các ngành, cán bộ đã được giao nhiệm vụ thi hành nghiêm chỉnh những quy định khi có lệnh rút báo động 2.

Căn cứ vào mực nước sông Đuống tại Trạm Thủy văn Thượng Cát hồi 0 giờ ngày 13/9/2024 là 9,94 m (mực nước báo động 2 là 10 m), Ban Chỉ huy Tìm kiếm cứu nạn và Phòng, chống thiên tai thành phố Hà Nội lệnh rút báo động 2 trên sông Đuống vào hồi 0 giờ ngày 13/9/2024 tại địa phận quận Long Biên và các huyện Đông Anh, Gia Lâm.
 
Ban Chỉ huy Tìm kiếm cứu nạn và Phòng, chống thiên tai thành phố Hà Nội, quận Long Biên, các huyện Đông Anh, Gia Lâm, các đơn vị ở địa phận trên và các ngành, cán bộ đã được giao nhiệm vụ thi hành nghiêm chỉnh những quy định khi có lệnh rút báo động 2.

-----

22h ngày 12/9: Cao Bằng -  Huyện Bảo Lâm vẫn bị cô lập

Tính đến chiều 12/9, sau 4 ngày bị cô lập, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng vẫn chưa thể kết nối giao thông được với tỉnh và các huyện khác vì quá nhiều điểm bị sạt lở, ách tắc giao thông. Trong khi đó, huyện Bảo Lạc (nằm sát với huyện Bảo Lâm) chiều nay đã khai thông được tuyến Quốc lộ 4A (đường vành đai biên giới) từ Thành phố Cao Bằng qua huyện Hà Quảng đến Bảo Lạc, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác vận chuyển hàng hóa cứu trợ.

 

Theo ông Lã Hoài Nam, Bí thư Huyện ủy huyện Bảo Lạc, mặc dù đã khơi thông được một tuyến đường vào huyện, tuy nhiên, tuyến đường này khá dài, quanh co, khó đi nên việc lưu thông vẫn rất hạn chế. Hiện nay, huyện còn 6 xã vẫn bị cô lập, chưa thể kết nối giao thông được với trung tâm huyện. Trong đó có 2 xóm vẫn bị ngập nước ngập sâu, người dân chưa thể về nhà. Huyện đã vận động nhân dân các xóm xung quanh nấu cơm, tiếp tế lương thực cho nhân dân hai xóm này.

Trong một diễn biến khác, khi nhận được tin nhân dân Cao Bằng gặp nhiều thiệt hại do bão lũ, nhiều đoàn từ thiện từ các tỉnh khác đã tự nguyện quyên góp lương thực, đồ dùng, nhu yếu phẩm mang đến Cao Bằng ủng hộ nhân dân vùng bão lũ. Tuy nhiên, do không tìm hiểu kỹ nên nhiều đoàn không thể tiếp cận nhân dân vùng bị nạn nên không thể trao tận tay quà hỗ trợ cho người dân. Trước tình hình trên đại diện chính quyền và các tổ chức đoàn thể tỉnh, huyện tạo điều kiện cho các đoàn từ thiện mượn kho lưu trữ hàng và tìm giải giáp chuyển số hàng đến tay người dân.

Ngày hôm nay, thời tiết tại Cao Bằng đã tốt hơn trước, mặc dù thi thoảng vẫn có mưa nhưng trời đã hửng nắng, tạo thuận lợi hơn cho công tác tìm kiếm cứu nạn. Trong ngày, lực lượng cứu hộ đã tìm thấy thêm 11 nạn nhân. Như vậy, điểm Lũng Súng, xã Yên Lạc, nơi có 6 căn nhà bị vùi lấp, lực lượng cứu nạn đã hoàn tất công tác tìm kiếm, tìm thấy hết số người bị nạn. Hiện nay chỉ còn 2 điểm: xóm Khuổi Ngọa, và xóm Lũng Lỳ, xã Ca Thành  vẫn còn tổng cộng 8 người chưa được tìm thấy./.

-----

21h ngày 12/9: Ninh Bình phát lệnh di dân vùng phân lũ, chậm lũ huyện Gia Viễn và Nho Quan

Trước tình hình lũ trên các sông dâng cao, lúc 14 giờ ngày 12/9/2024, mực nước trên sông Hoàng Long tại Bến Đế là 4,90m (trên báo động 3: 0,90m), tại Gián Khẩu 4,43m (trên báo động 3: 0,73m); sông Đáy tại Ninh Bình 4,14m (trên báo động 3: 0,64m), trên mức đỉnh lũ lịch sử năm 2017: 0,20m.

 

Người dân xã Gia Thủy, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình chịu ảnh hưởng nặng nề do nước lũ dâng cao. 

 

Dự báo, trong 12-24 giờ tới, mực nước trên sông Hoàng Long tại Bến Đế, Gián Khẩu tiếp tục lên; tại Bến Đế khả năng lên mức 5,20-5,40m. Trước diễn biến trên, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Phạm Quang Ngọc đã ký Lệnh di dân.

Theo đó, yêu cầu UBND huyện Gia Viễn, UBND huyện Nho Quan thông báo tới nhân dân vùng phân lũ, xả lũ trên địa bàn và triển khai phương án di dân khi mực nước sông Hoàng Long tại Bến Đế đạt (+4,9 m).

UBND huyện Gia Viễn, UBND huyện Nho Quan phối hợp với lực lượng Công an, Quân sự và các cơ quan có liên quan di dời dân và sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn khi cần thiết. Đảm bảo đưa được toàn bộ nhân dân vùng phân lũ, chậm lũ đến nơi an toàn trước 18h ngày 12/9/2024 và trước khi vận hành tràn Lạc Khoái.

UBND huyện Gia Viễn, UBND huyện Nho Quan, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công ty TNHH Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi và các đơn vị có liên quan sẵn sàng phương án xả tràn khi có lệnh.

Các thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, UBND huyện Nho Quan, UBND huyện Gia Viễn và các ngành có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Lệnh này.


 

-----

16h45 ngày 12/9: Mực nước trên sông Hồng tại Hà Nội có xu hướng xuống, Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ thời tiết tốt dần

Tình hình lũ trên một số sông ở khu vực Bắc Bộ vẫn đang ở m

Hai bờ sông Hồng tại Hà Nội đang thu gọn dần do mực nước bắt đầu hạ (ảnh chụp sáng 12/9). Ảnh: Hoàng Hiếu - TTXVN

ức cao, lúc 13 giờ ngày 12/9, mực nước trên sông Hoàng Long tại Bến Đế là 4,88m, trên báo động 3 là 0,88 m, trên sông Thái Bình tại Phả Lại là 6,22m, trên báo động 3 là 0,22m, trên sông Hồng tại Hà Nội là 11,2 m, dưới báo động 3 là 0,47m...

Các phương tiện lưu thông trên cầu Chương Dương (Hà Nội) sau khi mực nước dưới chân cầu đang bắt đầu hạ. Ảnh: Hoàng Hiếu - TTXVN

Bãi giữa sông Hồng tại Hà Nội đã bắt đầu hiện lên sau khi nước rút (ảnh chụp sáng 12/9). Ảnh: Hoàng Hiếu - TTXVN

-----

16h34 ngày 12/9: Lũ trên các sông có dấu hiệu giảm

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, lũ trên sông Thao tại Yên Bái tiếp tục xuống dưới mức báo động 2; sông Lô tại Tuyên Quang xuống mức báo động 1 và Vụ Quang sẽ xuống trên mức báo động 1; sông Cầu tiếp tục dao động ở mức đỉnh trên mức báo động 3; sông Thương tiếp tục dao động ở mức đỉnh trên mức báo động 3; sông Lục Nam sẽ biến đổi chậm ở mức báo động 3; sông Thái Bình sẽ biến đổi chậm ở trên mức báo động 3; sông Hoàng Long đang lên chậm trên mức báo động 3; sông Hồng tại Hà Nội tiếp tục xuống mức báo động 2.

Trong 12- 24 giờ tiếp theo, lũ trên sông Thao tại Yên Bái tiếp tục xuống dưới mức báo động 1; sông Lô tại Tuyên Quang và Vụ Quang sẽ xuống mức báo động 1; sông Cầu sẽ xuống chậm nhưng vẫn trên mức báo động 3; sông Thương sẽ xuống chậm nhưng vẫn trên mức báo động 3; sông Lục Nam sẽ xuống chậm nhưng vẫn trên mức báo động 3; sông Thái Bình sẽ biến đổi chậm ở trên mức báo động 3; sông Hoàng Long sẽ xuống chậm ở trên mức báo động 3; sông Hồng tại Hà Nội sẽ xuống chậm dưới mức báo động 2; và trên báo động 1.

Chuyên gia khí tượng cảnh báo trong 24 giờ tới, mực nước các trạm hạ lưu hệ thống sông Hồng - Thái Bình lên mức báo động 3 và trên báo động 3. Mực nước lũ lên cao gây ngập lụt tại các vùng trũng thấp ven sông, bãi bồi ngoài đê chính, gây tràn vỡ các đê bối ven sông, sạt lở đê, kè có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến các vị trí xung yếu ven sông thuộc các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Ninh Bình.

Lũ trên các sông, suối gây ngập lụt tại các vùng trũng thấp ven sông, bờ bãi ven sông bị nước xâm lấn, nhiều diện tích bãi nổi giữa sông bị ngập sâu, ảnh hưởng tới các hoạt động giao thông đường thủy, nuôi trồng thủy sản, sản xuất nông nghiệp dân sinh và các hoạt động kinh tế - xã hội, đặc biệt tại hạ lưu sông Hồng - Thái Bình.

Theo ông Vũ Đức Long, Vụ trưởng Vụ Quản lý dự báo khí tượng thủy văn, Tổng cục Khí tượng thủy văn, một số sông ở thượng nguồn như sông Thao mực nước đều đạt đỉnh và đang xuống. Hồ thủy điện Hòa Bình đã đóng hết cửa xả, hồ Tuyên Quang cũng đóng thêm 1 cửa xả nữa. Điều này giúp giảm tải được lượng nước từ phía thượng nguồn về hạ lưu. Tuy nhiên, những bất lợi vẫn còn tồn tại là lượng nước trên sông Thao đã xuống nhưng vẫn đang ở mức cao và rút rất chậm, đặc biệt khu vực hạ lưu đồng bằng. Bên cạnh đó, hầu hết các trạm trên các sông đều đã xuất hiện ở mức báo động 3 trở lên. Một số sông đã xuất hiện mực nước lịch sử nên khả năng tiêu thoát sẽ chậm.


Ông Vũ Đức Long khuyến cáo, người dân cần theo dõi và cập nhật những thông tin dự báo, cảnh báo trên trang web của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, các Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, khu vực và các thông tin cập trên phương tiện thông tin đại chúng từ Trung ương đến địa phương để kịp thời ứng phó, giảm thiệt hại./.

-------

13h25 12/9: Tìm thấy thi thể nạn nhân bị lật thuyền, mất tích do mưa lũ tại Vĩnh Phúc, Tuyên Quang

Thông tin từ lãnh đạo huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, đơn vị vừa tìm thấy thi thể anh L.V.H (sinh năm 1999), nạn nhân trong vụ 3 mẹ con bị lật thuyền do ảnh hưởng của bão số 3 ở xã Sơn Đông. Thi thể anh L.V.H được lực lượng chức năng tìm thấy khoảng lúc 9 giờ ngày 12/9, gần vị trí bị lật thuyền và mất tích. Thi thể anh L.V.H đã được đưa về gia đình để lo hậu sự.

Còn tại tỉnh Tuyên Quang, UBND huyện Hàm Yên cho biết, các lực lượng chức năng và nhân dân địa phương đã tìm thấy thi thể cháu N.B.T tại khúc sông Lô thuộc thôn Đồn Bầu (xã Bạch Xa), cách vị trí bị nạn khoảng 5km. Đây là nạn nhân cuối cùng được tìm thấy trong vụ 3 bố con bị nước lũ cuốn trôi.

Cảnh sát giao thông đường thủy cứu hộ, đưa người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm. Ảnh: Quang Cường - TTXVN

--------------

12h05 12/9: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng Trần Cẩm Tú chỉ đạo tìm kiếm nạn nhân tại Làng Nủ

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú đã đến hiện trường vụ lũ quét tại thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai để chỉ đạo, chia sẻ, động viên các lực lượng chức năng đang tìm kiếm nạn nhân bị lũ cuốn trôi.

Lãnh đạo huyện Bảo Yên đã báo cáo nhanh về tình hình mưa lũ. Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai Đặng Xuân Phong đã báo tóm tắt tình hình mưa lũ và thiệt hại do thiên tai ở tỉnh; đồng thời khẳng định, tỉnh sẽ có chủ trương xây dựng cơ chế đặc thù, tái định cư cho người dân Làng Nủ; chăm lo chu đáo cho cả người còn sống và đã mất.
 
Theo báo cáo, tính đến 11 giờ ngày 12/9, các lực lượng đã tìm kiếm được thi thể của 43 người bị lũ cuốn trôi tại Làng Nủ.

Ông Trần Cẩm Tú thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước bày tỏ tấm lòng, tình cảm, sự sẻ chia với những mất mát lớn lao của người dân Làng Nủ và huyện Bảo Yên; biểu dương các lực lượng vũ trang đã trực tiếp tìm kiếm, khắc phục hậu quả bão lũ tại đây. Đồng thời ông mong muốn các lực lượng chức năng tiếp tục tìm kiếm người bị nạn trong thời gian sớm nhất; cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm chăm lo cho người dân, không để ai bị đứt bữa, thiếu ăn, thiếu mặc, không có nơi ở. Các bên liên quan huy động lực lượng hỗ trợ người dân sửa chữa nhà ở, dọn dẹp vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh; bảo đảm phương tiện, hậu cần và các điều kiện cần thiết cho lực lượng tham gia phòng chống bão lũ và cứu nạn, cứu hộ...

--------------

12h 12/9: Lũ trên sông Đáy vượt mức đỉnh lũ năm 2017, Hà Nam di dời hơn 1.300 hộ dân

Theo báo cáo của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Ninh Bình, vào 8 giờ ngày 12/9, mực nước trên sông Hoàng Long tại Bến Đế là 4,67m (trên báo động 3: 0,67m), tại Gián Khẩu 4,27m (trên báo động 3 là 0,57m); sông Đáy tại Ninh Bình 4,02m (trên báo động 3 là 0,52m), trên mức đỉnh lũ lịch sử năm 2017 là 0,08m.

Dự báo, trong 12 - 24 giờ tới, mực nước trên sông Hoàng Long tại Bến Đế, Gián Khẩu tiếp tục lên; tại Bến Đế khả năng lên mức 5,20-5,40m; tại Gián Khẩu lên mức 4,50 - 4,70m. Trên sông Đáy tại Ninh Bình tiếp tục lên mức 4,15 - 4,35m.

Tỉnh Hà Nam đã di dời, sơ tán hơn 1.300 hộ dân trong tổng số hơn 6.500 hộ cần di dời đến nơi an toàn. Các hộ dân chưa di dời đều ở khu vực phía trong đê bối, tùy theo diễn biến lũ, các lực lượng tại chỗ sẽ chủ động triển khai phương án di dời.

Cùng với hơn 13.000 hộ dân, các lực lượng địa phương đã di dời khoảng 97.000 con gia súc, gia cầm cùng tài sản và vật dụng thiết yếu của nhân dân; thực hiện chống tràn khoảng 3,8 km đê, kè và 800m bờ bao khu công nghiệp Châu Sơn. Hiện nay, do mực nước trên các sông và hệ thống công trình thủy lợi đang ở mức rất cao; các địa phương đang tiếp tục huy động nhân lực, vật tư khẩn trương đắp các bao tải đất để chống nước tràn từ các hệ thống sông, công trình thủy lợi vào các khu vực dân cư, khu, cụm công nghiệp.

--------------

11h37 12/9: Thủ tướng đi kiểm tra tình hình khắc phục hậu quả mưa lũ tại Yên Bái

Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác đi kiểm tra tình hình triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả mưa lũ, thăm hỏi, động viên nhân dân và lực lượng tham gia ứng phó, cứu nạn, cứu hộ tại tỉnh Yên Bái.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đi kiểm tra công tác khắc phục hậu quả mưa lũ tại thành phố Yên Bái. Ảnh: Dương Giang-TTXVN

 

Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm hỏi, động viên nhân dân thành phố Yên Bái. Ảnh: Dương Giang-TTXVN

Thủ tướng Phạm Minh Chính động viên các lực lượng tham gia khắc phục hậu quả mưa lũ tại thành phố Yên Bái. Ảnh: Dương Giang-TTXVN

--------------

10h: Lũ dâng cao cuốn đứt cầu phao Ninh Cường ở Nam Định

Nước lũ dâng cao trên sông Ninh Cơ vượt mức báo động 3 đã gây đứt cầu phao Ninh Cường nối liền hai huyện Nghĩa Hưng và Trực Ninh, tỉnh Nam Định.

Theo thông tin từ Ban quản lý bến cầu phao Ninh Cường, tối 11/9, áp lực từ dòng nước lũ cuồn cuộn từ thượng nguồn đã làm hỏng hệ thống liên kết giữa các phao và dầm của cầu, khiến toàn bộ hệ thống neo cầu bị dịch chuyển về phía hạ lưu.

Trước đó, do diễn biến phức tạp của mưa lũ, cầu phao Ninh Cường đã ngừng hoạt động từ 14h ngày 10/9 và sẽ chỉ mở lại khi các điều kiện an toàn được đảm bảo.

--------------

9h13 12/9: Sạt lở đất làm 2 người chết ở Kim Bôi, Hòa Bình

UBND xã Cuối Hạ, huyện Kim Bôi (Hòa Bình) cho biết, vào khoảng 2 giờ ngày 12/9, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn xã nhận được tin báo của tổ an ninh trật tự cơ sở xóm Má Mư về việc xảy ra sạt lở đất tại hộ ông B.V.C làm 2 người chết.

Ngay sau khi nhận được thông tin, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn xã Cuối Hạ đã chỉ đạo lực lượng tại chỗ gồm: Công an, dân quân, y tế, nhân dân nhanh chóng khảo sát hiện trường và ghi nhận có 3 người bị mắc kẹt trong nhà. Lực lượng chức năng đã tiếp cận và đưa ra phương án cứu nạn, tìm kiếm nạn nhân.

Đến khoảng hơn 3 giờ cùng ngày, lực lượng chức năng cứu được một người là em D.N.T.Đ (sinh năm 2018) trong tình trạng tỉnh táo. Lực lượng y tế tổ chức sơ cấp cứu cho nạn nhân.
 
Khoảng 5 giờ, lực lượng cứu hộ, cứu nạn đưa 2 nạn nhân cuối cùng ra khỏi hiện trường sạt lở đi cấp cứu tại Trung tâm Y tế huyện Kim Bôi nhưng không qua khỏi. Qua xác minh, người tử vong là anh D.V.N (sinh năm 1984) và chị N.T.H (sinh năm 1994), cùng trú tại tổ Đoàn Kết 1, xã Quang Tiến, thành phố Hòa Bình.  
 
Chủ tịch UBND xã Cuối Hạ Bùi Thanh Hiệu thông tin, trước thời điểm xảy ra sạt lở, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn xã đã đến kiểm tra, yêu cầu hộ ông B.V.C di dời người, tài sản nhưng gia đình chưa chấp hành./.

--------------

23h 11/9: Quảng Ninh di dời khẩn cấp trong đêm 136 hộ dân 

Tối 11/9, thành phố Cẩm Phả (Quảng Ninh) đã tổ chức di dời khẩn cấp 136 hộ dân nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở do nghi khu vực đồi cao bị úng nước trong đất. Số hộ dân phải di dời trong đêm thuộc tổ 7, khu 5 phường Quang Hanh.

phía tây sườn đồi cao ở khu vực phường Quang Hanh đang bị sụt, lún chỗ sụt xuống lớn nhất khoảng 1m, xung quanh có nhiều vết nứt có chiều rộng khoảng từ 25 – 40 cm, độ chênh cốt phía Đông khoảng 0,3m, phía Tây khoảng 2m. Phạm vi dự kiến ảnh hưởng của khối trượt khoảng 14ha, có bán kinh ảnh hưởng khoảng 250m từ vị trí sạt trượt.

136 hộ dân đã di dời xong trước 21 giờ ngày 11/9. Ảnh: Văn Đức - TTXVN

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh (người thứ hai từ phải sang) kiểm tra vết nức ở hiện trường. Ảnh: Văn Đức – TTXVN