Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 615.000 ca mắc COVID-19 và 1.600 ca tử vong mới, nâng tổng số người thiệt mạng lên trên 6,2 triệu.. Ấn Độ e ngại làn sóng thứ tư do biến thể tái tổ hợp XE.
Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 6h ngày 11/4 (theo giờ VN), toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng 498.960.469 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 6.202.860 ca tử vong. Số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua là 615.045 và 1.600 ca tử vong mới.
Số bệnh nhân bình phục đã đạt 447.956.167 người, 44.801.442 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 53.778 ca nguy kịch.
Trong 24 giờ qua, Hàn Quốc dẫn đầu thế giới về ca nhiễm mới với 164.481 ca; Pháp đứng thứ hai với 107.654 ca; tiếp theo là Italy (53.253 ca). Hàn Quốc đứng đầu về số ca tử vong mới, với 329 người chết trong ngày; tiếp theo là Nga 259 ca và Mexico với 125 ca.
Mỹ vẫn là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Tổng số ca nhiễm tại Mỹ đến nay là 82.060.148 người, trong đó có 1.012.145 ca tử vong. Ấn Độ đứng thứ hai thế giới, ghi nhận tổng cộng 43.036.070 ca nhiễm, bao gồm 521.722 ca tử vong. Trong khi đó, Brazil xếp thứ ba với 30.152.402 ca bệnh và 661.270 ca tử vong.
Châu Âu là khu vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch COVID-19 với gần 184 triệu ca nhiễm, tiếp đến là châu Á với trên 143,6 triệu ca nhiễm. Bắc Mỹ ghi nhận trên 97 triệu ca nhiễm, Nam Mỹ là trên 56,4 triệu ca, tiếp đến là châu Phi 11,79 triệu ca và châu Đại Dương 6,1 triệu ca nhiễm.
Trung Quốc: Thượng Hải vẫn bị phong toả; Bắc Kinh, Quảng Châu 'báo động'
Ngày 10/4, thành phố Thượng Hải của Trung Quốc ghi nhận gần 25.000 ca lây nhiễm mới COVID-19 trong cộng đồng. Trong số ca mắc mới, 1.006 ca có triệu chứng và 23.937 ca không có triệu chứng. Thành phố 26 triệu dân này đang thực hiện lệnh phong tỏa trên diện rộng trong nhiều tuần qua nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Theo đó, chỉ nhân viên y tế, tình nguyện viện, nhân viên giao hàng hoặc một số đối tượng có giấy phép đặc biệt mới được ra khỏi nhà. Lệnh phong tỏa nghiêm ngặt ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động cung ứng thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác. Nhiều siêu thị phải đóng cửa.
Trước đó, Bộ Giao thông Trung Quốc cho biết đã có cuộc gặp với các cơ quan chính phủ khác để bàn về tiêu chuẩn hóa các trạm giám sát đại dịch trên đường cao tốc bởi các biện pháp siết chặt tại các địa phương khiến chuỗi cung cứng bị tắc nghẽn.
Ngày 9/4, chính quyền thành phố Bắc Kinh của Trung Quốc cũng đã áp đặt lệnh phong tỏa đối với một khu vực có nguy cơ cao sau khi ghi nhận 8 ca mắc mới COVID-19 tại khu vực này trong 2 tuần qua. Cùng ngày, nhà chức trách thành phố Quảng Châu cho biết sẽ thực hiện xét nghiệm diện rộng tại 11 quận của thành phố này sau khi phát hiện nhiều ca nhiễm mới trong ngày 8/4.
Trong khi đó, thành phố cảng Ninh Ba gần Thượng Hải ngày 10/4 thông báo dừng toàn bộ dịch vụ ăn uống trong khách sạn và nhà hàng, đồng thời những người sống trong khu phong tỏa phải thực hiện xét nghiệm hằng ngày trong 3 ngày.
Thuốc hạ sốt không làm giảm kháng thể chống COVID-19
Kết quả nghiên cứu mới nhất của các nhà khoa học Nhật Bản cho thấy mức độ kháng thể ở những người đã tiêm hai mũi vaccine phòng COVID-19 sẽ không giảm ngay cả khi họ sử dụng thuốc giảm đau hạ sốt để giảm các phản ứng phụ sau khi tiêm.
Nghiên cứu này do các nhà khoa học của Bệnh viện Đại học Kyushu và Bệnh viện Thành phố Fukuoka phối hợp thực hiện. Kết quả phân tích cho thấy hầu như không có sự khác biệt về nồng độ kháng thể giữa những người sử dụng thuốc để chữa các phản ứng phụ sau khi tiêm vaccine và những người không sử dụng. Các nhà khoa học cũng phát hiện rằng cả hai nhóm này đều có đủ khả năng miễn dịch để chống lại SARS-CoV-2.
Mặt khác, nghiên cứu cũng cho thấy rằng mức độ kháng thể có thể còn cao hơn ở những người có phản ứng phụ sau tiêm chủng. Đặc biệt, những người sốt từ 38 độ C trở lên có lượng kháng thể cao hơn 1,8 lần so với những người có thân nhiệt dưới 37 độ C. Tuy nhiên, theo nhóm nghiên cứu, ngay cả những người có nhiệt độ cơ thể thấp hơn 37 độ C cũng có đủ lượng kháng thể.
Phó Giáo sư Chong Yong tại Đại học Kyushu cho biết: “Hiện nay, chúng tôi đang phân tích dữ liệu về những người đã tiêm mũi thứ 3 và thấy kết quả tương tự. Chúng ta có thể dùng thuốc giảm đau hạ sốt khi gặp bất kỳ phản ứng phụ nào. Vì vậy, tôi khuyên mọi người nên tiêm mũi tăng cường và không cần (hạn chế uống thuốc giảm đau hạ sốt) chịu đựng cơn sốt chỉ vì đó là dấu hiệu cho thấy bạn có khả năng có mức kháng thể cao hơn”.
Ấn Độ lo ngại làn sóng mới do biến thể XE
Ngày 9/4, Ấn Độ thông báo trường hợp thứ hai nhiễm biến thể XE, là biến thể kết hợp của hai dòng phụ BA.1 và BA.2 của biến thể Omicron. Ca nhiễm này được phát hiện ở bang Gujarat, miền Tây Ấn Độ.
Bệnh nhân được cho là có tiền sử đi lại từ thành phố Mumbai, nơi trường hợp nhiễm XE đầu tiên được ghi nhận tại Ấn Độ cách đây vài ngày.
Thời gian qua, giới khoa học đã theo dõi 3 biến thể mới gồm XD, XF và XE. Trong đó, 2 biến thể XD và XF là những dạng kết hợp của biến thể Delta và BA.1, hay gọi là Deltacron. Hai biến thể này đã đươc nhắc tới từ vài tháng nay nhưng chưa thực sự gây ra những thay đổi đáng kể trong diễn biến dịch bệnh thế giới. Còn lại, biến thể XE là một dạng biến thể tái tổ hợp - kết hợp của chính các dòng phụ BA.1 và BA.2 của Omicron. Biến thể tái tổ hợp xuất hiện khi một người nhiễm cùng lúc 2 hoặc 3 biến thể của virus, tạo điều kiện cho các vật chất di truyền của các biến thể pha trộn trong cơ thể người bệnh.
Với hai ca mắc biến thể XE, nỗi sợ hãi mới về làn sóng thứ 4 đã khiến người Ấn Độ lo lắng. Mặc dù các chuyên gia đã chỉ ra rằng XE có vẻ nhẹ nhàng, nhưng họ đã cảnh báo không nên lơ là cảnh giác.
"Cho đến nay không có nhiều bằng chứng để nói rằng bệnh do biến thể XE gây ra là trầm trọng hơn và nó cũng không cho thấy tỷ lệ nhập viện hoặc tử vong tăng lên. Sẽ cần nghiên cứu và quan sát thêm để chứng minh điều tương tự" - Tiến sĩ Chetan Rao Vaddepally, Chuyên gia tư vấn Pulmonologist, Bệnh viện Yashoda, Hyderabad, trấn an.
Australia phê duyệt tạm thời mũi vaccine tăng cường cho thanh thiếu niên
Cơ quan quản lý y tế của Australia đã tạm thời phê duyệt tiêm mũi vaccine ngừa COVID-19 tăng cường cho thanh thiếu niên từ 12 đến 15 tuổi.
Theo đó, ngày 8/4, Cơ quan Quản lý hàng hóa trị liệu (TGA) thông báo phê duyệt tạm thời việc sử dụng vaccine ngừa COVID-19 của hãng dược phẩm Mỹ Pfizer/BioNTech để tiêm nhắc lại cho thanh thiếu niên từ 12-15 tuổi, khuyến cáo rằng những người trong độ tuổi trên nên tiêm nhắc lại 6 tháng sau mũi vaccine thứ hai. Theo TGA, quyết định này theo sau việc chấp thuận tạm thời sử dụng vaccine của Pfizer/BioNTech như mũi tăng cường cho những người từ 18 tuổi trở lên vào ngày 26/10/2021 và cho thanh niên 16 và 17 tuổi vào ngày 27/1/2022. Đây là loại vaccine đầu tiên được phê duyệt cho nhóm tuổi trên, song quyết định trên vẫn cần có sự chấp thuận của Hội đồng Cố vấn kỹ thuật về tiêm chủng của Australia mới có thể được triển khai.
Theo số liệu của Bộ Y tế Australia, tới nay đã có khoảng 68,6% dân số đủ điều kiện đã được tiêm mũi vaccine tăng cường. Việc triển khai mũi tăng cường thứ hai cho những người cao tuổi và dễ bị tổn thương ở Australia đã được khởi động vào ngày 4/4, trong bối cảnh nước này dự kiến sẽ đối mặt với sự tăng vọt số ca mắc COVID-19 khi mùa Đông tới.
Peru ban bố tình trạng khẩn cấp đối với ngành du lịch do COVID-19
Peru đã ban bố lệnh tình trạng khẩn cấp đối với ngành du lịch của nước này do chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19. Với lệnh này, Bộ Ngoại thương và Du lịch Peru có 15 ngày để xem xét và phê duyệt kế hoạch cứu trợ khẩn cấp đối với "ngành công nghiệp không khói", bao gồm các biện pháp cứu trợ tài chính và đầu tư xúc tiến du lịch.
Số liệu thống kê cho thấy số du khách quốc tế tới Peru đã giảm từ mức 4,4 triệu lượt hồi năm 2019 xuống còn 900.000 lượt trong năm 2020. Trong năm ngoái, con số vẫn tiếp tục giảm và chỉ còn 400.000 lượt khách.
Nổi tiếng với thánh địa Machu Picchu và nền ẩm thực đa dạng, tăng trưởng kinh tế của Peru đã giảm 11,12% trong năm 2020 do ảnh hưởng của COVID-19 và nước này đã rơi vào suy thoái cho đến tháng 6/2021, trong đó du lịch là lĩnh vực chịu tác động nhiều nhất. Tháng 12/2021, Peru bắt đầu ghi nhận làn sóng lây nhiễm thứ ba của đại dịch COVID-19 và hiện số ca mắc bệnh tại nước này đã giảm đáng kể trong những tuần gần đây. Peru đã ghi nhận hơn 3,5 triệu bệnh nhân COVID-19, trong đó có khoảng 212.000 người đã tử vong. Dân số nước này là 33 triệu người.
VNEWS | 11-04-2022, 06:08
21-11-2024, 17:33
16-11-2024, 06:45
22-11-2024, 18:41
22-11-2024, 19:50
22-11-2024, 18:47
ĐĂNG KÝ NHẬN TIN
Nhận các thông báo từ Truyền hình Thông tấn
Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã hoàn tất cáo trạng truy tố bị can Nguyễn Thị Thanh Nhàn và 12 bị can khác trong vụ án "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng", xảy ra tại Trung tâm ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT) thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (Công ty AIC) và các đơn vị liên quan.;
23-11-2024, 06:51
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 23/11, khu vực từ Quảng Trị đến Phú Yên có mưa vừa, mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to và dông với lượng mưa phổ biến từ 40-120 mm, cục bộ có nơi trên 200 mm. Cảnh báo nguy cơ có mưa cục bộ cường suất lớn (>100 mm/6giờ). Từ chiều 24/11 mưa lớn giảm dần.;
23-11-2024, 06:28
Tiến độ triển khai thực hiện các công trình trọng điểm của tỉnh Lâm Đồng còn chậm so với kế hoạch đề ra. Một trong những nguyên nhân chính của tình trạng này là thiếu vật liệu san lấp mặt bằng do cơ chế điều hành của cơ quan quản lý nhà nước.;
22-11-2024, 17:12
Ngày 21/11, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã phản đối lệnh bắt giữ của Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) đối với các nhà lãnh đạo hàng đầu của Israel, cho rằng đây là hành động “thái quá”.;
22-11-2024, 17:00
Ngày 22/11, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm và tuyên phạt bị cáo Nguyễn Văn Đoan (sinh năm 1986, trú tại xã Thành Lợi, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định) 19 năm tù về tội “Giết người” theo quy định tại Điều 123, khoản 1, Bộ luật Hình sự.;
22-11-2024, 16:51
Giá vàng thế giới chạm mức cao nhất hơn 1 tuần qua, khiến giá vàng trong nước sáng 22/11 vẫn tiếp đà tăng.;
22-11-2024, 10:36