“Lực đẩy” phát triển kinh tế khu vực “Tam nông”

Sau gần 14 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, nông nghiệp, nông thôn nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, có ý nghĩa to lớn, bao trùm, toàn diện. Sản xuất, kinh doanh nông sản chuyển mạnh theo hướng nâng cao chất lượng và giá trị, thích ứng biến đổi khí hậu… Trải qua gần 34 năm kiên định theo đuổi mục tiêu phát triển “Tam nông”, đặc biệt trong hành trình hướng tới 15 năm thực hiện Nghị quyết số 26 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nguồn vốn của Agribank thông qua các chương trình tín dụng chính sách của Chính phủ đã hỗ trợ tích cực quá trình sản xuất kinh doanh, xóa đói, giảm nghèo, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an ninh quốc phòng, góp phần hạn chế tín dụng đen,... đóng góp vào việc thực hiện thành công đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, phát triển bền vững.

Là NHTM gắn với sứ mệnh “Tam nông” ngay từ những ngày đầu thành lập, nhận thức NQ 26 mang tính toàn diện và đầy đủ nhất để giải quyết vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn nước ta từ trước đến nay, được dư luận kỳ vọng về một thời kỳ mới cho khu vực này với tương lai phát triển mạnh mẽ, Agribank luôn khẳng định vai trò chủ lực trong triển khai chính sách tín dụng về phát triển nông nghiệp, nông thôn và các chương trình tín dụng chính sách khác. Với việc triển khai Nghị quyết 26-NQ/TW, Agribank là đơn vị đi đầu, nghiêm túc trong thực hiện các chương trình tín dụng chính sách theo chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, góp phần đạt mục tiêu chính sách đề ra. Đến nay dư nợ cho vay nền kinh tế đạt trên 1,31 triệu tỷ đồng, trong đó gần 70% dư nợ cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong dư nợ tín dụng “Tam nông” tại Việt Nam. Trong hành trình 15 năm đưa Nghị quyết 26 đi vào cuộc sống, dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn của Agribank luôn duy trì phù hợp với mục tiêu đề ra (65%-70% hàng năm), góp phần quan trọng để lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn không ngừng phát triển, tạo thế và lực mới cho vai trò “trụ đỡ” của nền kinh tế trong giai đoạn khó khăn, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Đặc biệt, trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 bùng phát và ảnh hưởng tiêu cực đến mọi mặt trong đời sống kinh tế - xã hội, Agribank duy trì dòng vốn tín dụng tập trung vào sản xuất kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên; tăng trưởng tín dụng xanh, năng lượng sạch, ứng dụng công nghệ cao; hạn chế đầu tư vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao. Agribank đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp có hiệu quả để tăng trưởng huy động vốn phù hợp gắn với cân đối vốn, tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất, tiết giảm chi phí hoạt động để có điều kiện giảm lãi suất cho vay, khơi thông dòng vốn tín dụng, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp khắc phục khó khăn, phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh.

Với sứ mệnh phục vụ phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Agribank tiếp tục tiên phong, chủ lực triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách, 02 chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Hiện, Agribank cung ứng trên 200 sản phẩm dịch vụ ngân hàng tiện ích, có đóng góp tích cực phát triển thị trường thanh toán không dùng tiền mặt, nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế, đặc biệt là ở khu vực nông nghiệp, nông thôn. Sau gần 34 năm xây dựng và trưởng thành, Agribank đã duy trì được sự tăng trưởng ổn định cả về quy mô, cơ cấu, chất lượng và hiệu quả hoạt động. Ngân hàng luôn đồng hành cùng với người nông dân trên khắp mọi miền Tổ quốc, đảm bảo đủ nguồn vốn phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh với nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả, phù hợp với từng giai đoạn phát triển cụ thể; giúp người dân, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa tiếp cận dễ dàng hơn với nguồn tài chính cần thiết, nâng cao đời sống và phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần tích cực đẩy lùi nạn tín dụng đen. 

Đặc biệt, từ khi dịch bệnh bùng phát đến nay, Agribank đã chung tay cùng ngành ngân hàng triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ khách hàng khắc phục khó khăn, ổn định sản xuất như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, giảm lãi suất cho vay đối với các khách hàng bị ảnh hưởng bởi đại dịch,… Tính từ năm 2020 đến nay, gần 3,2 triệu khách hàng được Agribank điều chỉnh giảm lãi suất cho vay, tổng số tiền lãi đã được giảm là hơn 5.600 tỷ đồng, đứng đầu các tổ chức tín dụng tại Việt Nam về tổng số tiền lãi đã giảm hỗ trợ khách hàng, góp phần tạo “đòn bẩy” phục hồi đối với mọi thành phần kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.

Tạo sự chuyển dịch lớn trong diện mạo nông thôn Việt Nam

Trong chiến lược phát triển của mình, những mục tiêu lớn luôn được Agribank xác định ưu tiên đó là tiên phong thực thi các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; tiếp tục giữ vai trò chủ đạo, chủ lực trên thị trường tài chính nông thôn, luôn là người bạn đồng hành thủy chung, tin cậy của nông dân, nông thôn. Không ngừng mở rộng về mạng lưới, hệ thống Agribank đặc biệt vươn tới tận các vùng sâu, vùng xa, các địa bàn nông nghiệp, nông thôn của cả nước nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn và sử dụng các dịch vụ ngân hàng của người dân trên cả nước. Với vai trò trung gian tín dụng, Agribank đã có những đóng góp nhất định vào sự thành công của Chương trình xây dựng NTM, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, giải quyết vấn đề việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động, cải thiện đời sống của nhân dân ở khu vực nông thôn, giúp người dân tự vươn lên xóa đói giảm nghèo. Để chuyển tải vốn đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân, Agribank có nhiều hoạt động thiết thực, kết hợp chặt chẽ với Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn; Văn phòng điều phối nông thôn mới các cấp; Hội Nông dân, Hội Phụ nữ và nhiều tổ chức đoàn thể chính trị xã hội ở nông thôn để hợp tác cung ứng vốn tín dụng thương mại và tín dụng ủy thác của các tổ chức trong và ngoài nước phục vụ phát triển “Tam nông”, xây dựng nông thôn mới.

Nhanh chóng triển khai và thực hiện chính sách cho vay theo chủ trương của Chính phủ và chỉ đạo của NHNN, riêng đối với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016- 2020, Agribank kiên định gắn bó, cùng đồng hành ngay từ những ngày đầu mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Những con số cụ thể đã minh chứng cho điều này. Từ 11 xã được chọn thí điểm mô hình nông thôn mới, với dư nợ ban đầu 336 tỷ đồng và 8.293 khách hàng; sau 10 năm thực hiện cho vay thí điểm chương trình MTQG nông thôn mới, Agribank đã triển khai cho vay xây dựng nông thôn mới rộng rãi trên toàn quốc và thực hiện cho vay với doanh số là 2.825.087 tỷ đồng, doanh số thu nợ là 2.338.044 tỷ đồng, dư nợ là 487.041 tỷ đồng, tại 8.939 xã trong đó tập trung chủ yếu vào vay chi phí sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn. Nhìn chung, dư nợ cho vay nông thôn mới tăng trưởng tốt, nợ xấu ở mức thấp, kiểm soát được và luôn thấp hơn tỷ lệ nợ xấu chung toàn ngành. 

Mặc dù phải cạnh tranh huy động vốn theo cơ chế thị trường nhưng nông nghiệp, nông dân, nông thôn luôn là đối tượng được Agribank ưu tiên lãi suất cho vay thấp hơn các đối tượng khác từ 1-2%. Mỗi năm bằng tài chính của mình, Agribank vẫn dành hàng ngàn tỷ đồng để hỗ trợ cho vay lãi suất thấp đối với 8 đối tượng ưu tiên trong sản xuất nông nghiệp thông qua nhiều gói lãi suất ở mức ưu đãi cho doanh nghiệp nhỏ, vừa và hộ sản xuất nông nghiệp, thậm chí, có mức lãi suất còn thấp hơn mức phí điều vốn nội bộ trong Agribank. Đông thời, tích cực thực hiện an sinh xã hội thông qua tài trợ xây dựng hàng trăm trường học, trạm y tế, hàng nghìn nhà tình nghĩa cho các đối tượng chính sách, hộ nghèo trên cả nước từ nguồn an sinh xã hội và đóng góp của cán bộ, công nhân viên trong toàn hệ thống.

Với vai trò trung gian tín dụng, Agribank đã góp phần giải quyết vấn đề việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động, cải thiện đời sống của nhân dân ở khu vực nông thôn, đóng góp tích cực vào thành quả mang tính bước ngoặt của Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2010-2020 khi đạt được các mục tiêu của Chương trình sớm hơn 18 tháng so với Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đề ra và kế hoạch Quốc hội giao. Đây chính là cơ sở để Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình MTQG quyết định tiến hành tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2010-2020 ngay trong năm 2019 và tiếp tục đầu tư Chương trình giai đoạn 2021-2025.

Với những thành tích xuất sắc trong gần 14 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn là động lực lớn tạo đà cho Agribank tiếp tục có nhiều đóng góp cho sự nghiệp phát triển “Tam nông” với thành công lớn nhất là làm thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm của người nông dân từ sản xuất manh mún nhỏ lẻ chuyển sang liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị và ứng dụng công nghệ cao, góp phần phát triển kinh tế địa phương và thực hiện thắng lợi chương trình MTQG về xây dựng NTM. Đây là minh chứng rõ nét cho những đóng góp quan trọng của Agribank trong thành tựu 36 năm thực hiện đường đối đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhất là về nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong vai trò cung ứng nguồn vốn tín dụng phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn nông thôn. 

Với mục tiêu tiếp tục triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới theo hướng gắn với quá trình đô thị hóa, đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững; thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu… Agribank kiên định mục tiêu phát triển Tam nông, không ngừng nỗ lực chung tay cùng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, tiếp tục tạo ra những bứt phá mới trong sự nghiệp chăm lo đời sống nhân dân, đặc biệt là nông dân và phát triển nông nghiệp, nông thôn nước ta trong thời kỳ mới./.