"Hành trình" nâng khống vốn góp lên hơn 2.000 lần của FLC

Theo kế hoạch, ngày 22/7 tới, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội sẽ mở phiên tòa xét xử công khai đối với 50 bị cáo trong vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; thao túng thị trường chứng khoán; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán” xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC (Tập đoàn FLC).

Ông Trịnh Văn Quyết , chủ tịch Tập đoàn FLC khi bị bắt 

Trong đó, 28 bị cáo bị Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao xác định đã tham gia giúp sức tích cực vào quá trình nâng khống vốn góp, ủy thác đầu tư, nhận ủy thác đầu tư, hợp thức dòng tiền từ vốn góp khống; xác định vốn góp khống; chấp thuận niêm yết cổ phiếu để tạo điều kiện giúp Trịnh Văn Quyết (cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FLC) bán cổ phiếu được hình thành từ vốn góp chủ sở hữu khống, chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư trên sàn chứng khoán.

* Hai năm, nâng khống vốn từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, tháng 8/2012, Trịnh Văn Quyết có chủ trương và chỉ đạo Doãn Văn Phương (Tổng Giám đốc), Lê Đình Vinh (Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị), Trần Thế Anh (Ban pháp chế của Tập đoàn FLC) và Trần Xuân Huy (Tổng Giám đốc Công ty FLC Travel) mua lại Công ty Green Belt có vốn điều lệ đăng ký là 1,5 tỷ đồng (sau đổi tên thành Công ty Vĩnh Hà, rồi tiếp tục đổi tên thành Công ty Cổ phần xây dựng FLC Faros - Công ty Faros). Trong đó, Doãn Văn Phương, Lê Đình Vinh, Trần Xuân Huy giúp Trịnh Văn Quyết đứng tên là cổ đông; Trần Thế Anh giúp Quyết làm các thủ tục nhận chuyển nhượng công ty trên cơ sở Trịnh Văn Quyết đã thống nhất về giá chuyển nhượng, nguồn tiền mua Công ty Green Belt là của Tập đoàn FLC.

Trịnh Văn Quyết giao Công ty Faros làm đơn vị tổng thầu các dự án do Tập đoàn FLC làm chủ đầu tư. Ảnh Internet

Trịnh Văn Quyết giao Công ty Faros làm đơn vị tổng thầu các dự án do Tập đoàn FLC làm chủ đầu tư. Mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty Faros đều do Trịnh Văn Quyết chỉ đạo, điều hành trực tiếp thông qua Doãn Văn Phương (Tổng Giám đốc Tập đoàn FLC được giao giữ chức vụ là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Faros) và Trịnh Thị Minh Huế (em gái Quyết; là nhân viên Ban Kế toán Tập đoàn FLC) tiếp nhận chỉ đạo trực tiếp từ Trịnh Văn Quyết để thực hiện.

Để tạo nguồn tiền trong quá trình hoạt động, trong khi Công ty Faros không có nguồn vốn và tài sản để bảo đảm, Trịnh Văn Quyết chỉ đạo các thành viên trong Tập đoàn thực hiện các thủ tục nâng khống vốn điều lệ của Công ty Faros, từ đó phát hành cổ phiếu bằng giá trị của số vốn điều lệ, đăng ký niêm yết trên sàn chứng khoán bán cho các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán. Toàn bộ số tiền thu được từ bán cổ phiếu được chuyển về để sử dụng theo chỉ đạo của Trịnh Văn Quyết.

Với mục đích nêu trên, để thực hiện được việc tăng vốn Điều lệ khống của Công ty Faros, Trịnh Văn Quyết giao Trịnh Thị Minh Huế soạn thảo toàn bộ Biên bản họp Hội đồng quản trị, Nghị quyết Hội đồng quản trị về việc tăng vốn điều lệ (vốn góp chủ sở hữu) và việc sử dụng vốn góp, sau đó chuyển cho các thành viên Hội đồng quản trị Công ty Faros gồm: Doãn Văn Phương (Chủ tịch Hội đồng quản trị); các thành viên Hội đồng quản trị: Trịnh Văn Đại (anh họ Quyết), Nguyễn Văn Mạnh (em rể Quyết), Hoàng Thị Thu Hà (em họ Quyết), Đỗ Quang Lâm để ký hợp thức các tài liệu này.

Trụ sở FLC tại 265 Cầu Giấy, Hà Nội

Trịnh Văn Quyết đã trực tiếp chỉ đạo Trịnh Thị Minh Huế soạn thảo hợp đồng nhận chuyển nhượng cổ phần, giấy nộp tiền, ủy nhiệm chi, chuyển cho 6 cá nhân do Trịnh Văn Quyết trực tiếp nhờ đứng tên là cổ đông góp vốn tại Công ty Faros gồm: Trần Thế Anh, Lê Thành Vinh, Hương Trần Kiều Dung, Nguyễn Thiện Phú, Đặng Thị Hồng, Nguyễn Văn Thanh. Bảy cá nhân do Trịnh Thị Minh Huế trực tiếp nhờ đứng tên là cổ đông gồm: Phạm Hải Ninh, Lê Tân Sơn, Trương Văn Tài, Nguyễn Văn Mạnh, Trịnh Văn Đại, Hoàng Thị Thu Hà, Trịnh Tuân. Hai cá nhân do Trịnh Thị Minh Huế ghi tên tham gia nhưng Huế trực tiếp ký thay gồm: Đàm Quang Cường và Phạm Thị Xuân. Sau khi các cổ đông trên đăng ký góp vốn khống và được hạch toán vốn góp vào Công ty, Trịnh Văn Quyết và Doãn Văn Phương chỉ đạo việc sử dụng số vốn góp khống này nhằm hợp thức hóa thành tài sản của Công ty Faros với thủ đoạn thông qua Trịnh Thị Minh Huế thực hiện toàn bộ các thủ tục cho lãnh đạo Công ty Faros ký khống những hợp đồng ủy thác đầu tư, hợp đồng hợp tác kinh doanh cho các cá nhân, pháp nhân là người thân quen, nhân viên Tập đoàn FLC nhận ủy thác đầu tư của Công ty Faros, để cân đối vốn góp khống.

Với phương thức, thủ đoạn như vậy, trong thời gian từ tháng 4/2014 đến tháng 3/2016, Trịnh Văn Quyết cùng các bị cáo trên đã 5 lần lập hồ sơ góp vốn khống, nâng số vốn Điều lệ của Công ty Faros từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng. Trong đó, Cơ quan điều tra xác định, số vốn thực góp của Công ty Faros là hơn 1.197 tỷ đồng và số vốn góp khống là trên 3.102 tỷ đồng (tăng gấp 2.068 lần so với vốn điều lệ 1,5 tỷ đồng ban đầu).

Trịnh Văn Quyết cùng các  đồng phạm lập hồ sơ góp vốn khống, nâng số vốn Điều lệ của Công ty Faros từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng.

* Tiền đề cho Trịnh Văn Quyết bán cổ phiếu từ vốn khống

Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao xác định, để niêm yết cổ phiếu tại Sở Giao dịch Chứng khoán, Công ty Faros (mã chứng khoán ROS) phải thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính năm 2014, năm 2015 và 6 tháng năm 2016; đề nghị chấp thuận công ty đại chúng; đăng ký, lưu ký chứng khoán và niêm yết 430 triệu cổ phiếu ROS để giao dịch trên thị trường chứng khoán. Sau khi thực hiện nâng khống vốn góp, Trịnh Văn Quyết đã chỉ đạo các bị cáo khác hoàn thiện các thủ tục để niêm yết cổ phiếu tương ứng với giá trị vốn góp khống của Công ty Faros trên sàn chứng khoán; sử dụng sàn HOSE làm công cụ, phương tiện bán cổ phiếu, chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư.

Nhằm chiếm đoạt tiền, Trịnh Văn Quyết giao Doãn Văn Phương và Trịnh Thị Minh Huế trực tiếp chỉ đạo và điều hành toàn bộ hoạt động để hợp thức hồ sơ nâng vốn khống; trực tiếp nhờ một số cá nhân đứng tên là cổ đông nhận chuyển nhượng cổ phần của Công ty Faros, ký hợp thức các thủ tục nâng khống vốn góp và hợp thức sử dụng vốn góp khống; ghi nhận thông tin gian dối này vào Báo cáo tài chính kiểm toán, Bản cáo bạch để hoàn thiện hồ sơ niêm yết cổ phiếu ROS trên sàn chứng khoán.

Trịnh Văn Quyết bán cổ phiếu từ vốn khống

Trong vụ án này, các bị cáo thuộc Vụ Giám sát công ty đại chúng Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam và sàn HOSE đã sử dụng những thông tin gian dối trên Báo cáo tài chính kiểm toán và hồ sơ tài liệu của Công ty Faros cung cấp để chấp thuận công ty đại chúng, đăng ký chứng khoán và niêm yết 430 triệu cổ phiếu ROS trên sàn HOSE. Với động cơ, mục đích, thủ đoạn nêu trên, Trịnh Văn Quyết đã sử dụng sàn HOSE làm phương tiện để bán 391.155.480 cổ phiếu hình thành từ vốn góp nâng khống cho 30.403 nhà đầu tư trên sàn chứng khoán, chiếm đoạt 3.621 tỷ đồng. Để xảy ra hậu quả trên, có sự tham gia giúp sức tích cực của các bị cáo trong vụ án vào quá trình nâng khống vốn góp, ủy thác đầu tư, nhận ủy thác đầu tư, hợp thức dòng tiền từ vốn góp khống; xác định vốn góp khống; chấp thuận niêm yết cổ phiếu để tạo điều kiện giúp Trịnh Văn Quyết bán cổ phiếu được hình thành từ vốn góp chủ sở hữu khống, chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư trên sàn chứng khoán.

Cụ thể, 26 bị cáo trong vụ án đã giúp Trịnh Văn Quyết và em gái Quyết là Trịnh Thị Minh Huế ký thủ tục hợp thức hồ sơ nâng khống vốn góp của Công ty Faros thuộc Hội đồng quản trị, Ban Tổng Giám đốc, kế toán, nhân viên Công ty Faros. Các bị cáo là người thân, quen, nhân viên thuộc Tập đoàn FLC, công ty con, công ty liên kết của Tập đoàn FLC biết rõ không có tiền góp vốn nhưng vẫn ký các thủ tục (nghị quyết tăng vốn, ủy thác đầu tư; chứng từ chuyển tiền; hợp đồng chuyển nhượng/nhận chuyển nhượng cổ phần; hợp đồng ủy thác đầu tư…) giúp Trịnh Văn Quyết, Trịnh Thị Minh Huế và các bị cáo hợp thức việc góp vốn, sử dụng vốn góp, tạo dòng tiền để ghi nhận tăng vốn góp chủ sở hữu từ 1,5 tỷ đồng lên thành 4.300 tỷ đồng trong sổ sách kế toán và Báo cáo tài chính của Công ty Faros trái pháp luật. Qua đó, giúp Trịnh Văn Quyết hoàn thiện thủ tục niêm yết cổ phiếu ROS trên sàn chứng khoán, bán cổ phiếu cho 30.403 nhà đầu tư, chiếm đoạt hơn 3.621 tỷ đồng.

* Biết thiếu cơ sở pháp lý vẫn chấp thuận hồ sơ

Cáo trạng nêu rõ, 3 bị cáo thuộc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Kế toán và Kiểm toán Hà Nội và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Kiểm toán ASC gồm: Nguyễn Ngọc Tỉnh, Lê Văn Tuấn, Trần Thị Hạnh biết rõ thủ tục kiểm toán và các bằng chứng kiểm toán chưa đầy đủ để làm cơ sở đưa ra ý kiến chấp thuận toàn phần đối với các Báo cáo tài chính của Công ty Faros nhưng vẫn chấp thuận toàn phần Báo cáo tài chính kiểm toán trái pháp luật; giúp Trịnh Văn Quyết hoàn thiện thủ tục niêm yết cổ phiếu ROS trên sàn chứng khoán. Hành vi của các bị cáo này đã giúp sức, tạo điều kiện để Quyết bán cổ phiếu cho 30.403 nhà đầu tư.

Cơ quan chức năng làm việc với đại diện Tập đoàn FLC   Ảnh Internet

Đối với 3 bị cáo thuộc Vụ Giám sát công ty đại chúng và Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam gồm: Lê Công Điền, Dương Văn Thanh và Phạm Trung Minh, Viện Kiểm sát xác định, họ là những người có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn trong việc công nhận công ty đại chúng, đăng ký chứng khoán cho Công ty Faros. Các bị cáo này biết rõ hồ sơ đề nghị chấp thuận công ty đại chúng và đăng ký chứng khoán của Công ty Faros chưa đủ cơ sở xác định số vốn thực góp là 4.300 tỷ đồng nhưng vẫn đồng ý chấp thuận Công ty Faros là công ty đại chúng có số vốn góp là 4.300 tỷ đồng và 114 cổ đông; đăng ký cổ phiếu ROS với số lượng 430 triệu cổ phiếu, có tổng giá trị là 4.300 tỷ đồng trái pháp luật và đăng thông tin sai lệch này trên thị trường chứng khoán. Sau đó, số cổ phiếu đã được bán cho 30.403 nhà đầu tư trên sàn HOSE, để Trịnh Văn Quyết chiếm đoạt, gây thiệt hại cho các nhà đầu tư số tiền hơn 3.621 tỷ đồng.

Riêng 4 bị cáo thuộc sàn HOSE gồm: Trần Đắc Sinh, Lê Hải Trà, Trầm Tuấn Vũ và Lê Thị Tuyết Hằng bị cơ quan công tố đánh giá là những người có chức vụ, quyền hạn biết rõ chưa đủ cơ sở xác định số vốn thực góp của Công ty Faros là 4.300 tỷ đồng theo các Báo cáo tài chính kiểm toán và Công văn số 4298 ngày 1/7/2016 của Ủy ban chứng khoán Nhà nước nhưng vì bị cáo Trần Đắc Sinh (Chủ tịch Hội đồng quản trị) có quan hệ với Trịnh Văn Quyết nhận lời làm nhanh hồ sơ niêm yết của Công ty Faros nên đã đồng ý niêm yết 430 triệu cổ phiếu ROS trên sàn HOSE trái pháp luật, gây thiệt hại cho 30.403 nhà đầu tư tổng số hơn 3.621 tỷ đồng…/.

Kim Anh/TTXVN

VNEWS | 03-07-2024, 10:58

vnews

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

CHƯƠNG TRÌNH TRÊN VNEWS

Xem thêm