Khám phá giá trị đặc biệt của hai di tích Mái đá làng Vành và hang xóm Trại

Ngày 18/7/2024, Phó Thủ tướng Lê Thành Long ký và ban hành Quyết định số 694/QĐ-TTg xếp hạng 2 di tích quốc gia đặc biệt tại tỉnh Hòa Bình là Di tích khảo cổ Hang xóm Trại và Mái đá làng Vành.

Tầng văn hoá ở Di tích Mái đá làng Vành dầy gần 4m, mái đá được cấu tạo bởi đất sét vôi cùng các vỏ nhuyễn thể, vỏ trai ốc núi tạo thành. Mỗi tầng văn hoá là những tàn tích sau bữa ăn của người Hoà Bình cổ. Ảnh: Trọng Đạt - TTXVN

Mái đá làng Vành nằm dưới chân núi Khụ Vành tại xã Yên Phú (Lạc Sơn, Hòa Bình). Ảnh: Trọng Đạt - TTXVN

Tỉnh Hòa Bình hiện có 41 di tích cấp quốc gia, 30 di tích cấp tỉnh (trong đó có 24 di tích lịch sử văn hóa, 5 di tích lịch sử cách mạng, 13 di tích danh thắng), là điểm đến tiềm năng đối với du khách trong và ngoài nước.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình Bùi Xuân Trường cho biết, nhiều năm qua, một số di tích nổi tiếng trên địa bàn tỉnh đã trở thành điểm đến quen thuộc đối với du khách trong và ngoài nước. Thời gian tới, Sở sẽ phối hợp với các cấp chính quyền của tỉnh tăng cường các biên pháp bảo vệ tuyệt đối nguyên trạng, đồng thời sẽ có những giải pháp khai thác gắn với du lịch thăm quan tìm hiểu lịch sử giữ gìn cảnh quan, bảo bệ môi trường đối với hai di tích quốc gia đặc biệt Hang xóm Trại và Mái đá làng Vành.

Lối đi vào khu vực Mái đá. Ảnh: Trọng Đạt - TTXVN

Nhiều loại hình di vật đá thu được trong di chỉ mái đá làng Vành. Ảnh: Trọng Đạt - TTXVN

Theo bà Phạm Thị Vân Anh, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Phú: Di tích khảo cổ Mái đá làng Vành vừa được công nhận là di tích tích quốc gia đặc biệt là một tin vui đối với địa phương và cũng là trách nhiệm to lớn của chính quyền xã trong việc bảo vệ và phát huy giá trị của di tích gắn với phát triển du lịch, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Ông Bùi Lý Tưởng, Chủ tịch UBND xã Tân lập chia sẻ, di tích Hang xóm Trại được công nhận di tích đặc biệt quốc gia tạo ra cho địa phương những cơ hội để phát triển du lịch dịch vụ tham quan, nghiên cứu về văn hóa Hòa Bình. Hang xóm Trại nằm ở trung tâm của đất Mường Vang xưa cùng cảnh quan thơ mộng khu đồi Thung. Đây là một vùng Mường cổ đặc trưng, còn bảo lưu được nhiều phong tục, tập quán và được thưởng thức các món ăn cổ truyền của đồng bào dân tộc nơi đây.

Mái đá làng Vành thuộc nền Văn hoá Hoà Bình, có khung niên đại kéo dài từ 17.000 đến 8.000 năm. Ảnh: Trọng Đạt - TTXVN

Mái đá làng Vành là loại di tích khảo cổ học thời đại đá, thuộc loại di tích cư trú và mộ táng trong mái đá ở vùng sơn khối đá vôi. Ảnh: Trọng Đạt - TTXVN

Một mái đá có cửa rộng 30m, sâu 18m, vòm trần cao 10m, thấp dần về phía trong. Ảnh: Trọng Đạt - TTXVN

Chính quyền tỉnh Hòa Bình cũng đã ban hành Kế hoạch số 239/KH-UBND về triển khai thực hiện Đề án Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường và nền “Văn hóa Hòa Bình” giai đoạn 2023 – 2030. Tỉnh tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý nhà nước, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, quảng bá, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch độc đáo mang bản sắc dân tộc gìn giữ toàn diện các di sản văn hóa phi vật thể của tỉnh đặc biệt là Mo Mường và các giá trị văn hóa Mường đang có nguy cơ mai một.

Hòa Bình bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường và nền “Văn hóa Hòa Bình” gắn với phát triển các loại hình du lịch như: Du lịch tham quan các di tích lịch sử văn hóa mường, các loại hình dệt thổ cẩm nghề truyền thống, du lịch lễ hội, du lịch sinh thái, trải nghiệm, khám phá cảnh quan hồ Hòa Bình, du lịch nghỉ dưỡng, homestay./.

Lưu Trọng Đạt

VNEWS | 31-07-2024, 09:46

vnews

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

CHƯƠNG TRÌNH TRÊN VNEWS

Xem thêm