Sáng 15/2: Số mắc COVID-19 trung bình 7 ngày qua là 25.918 ca/ngày; Kịp thời cung cấp thuốc điều trị cho F0 chuyển nặng

Bộ Y tế cho biết, trung bình số ca COVID-19 mắc mới trong nước ghi nhận trong 07 ngày qua là 25.918 ca/ngày; Hiện có hơn 2.600 F0 nặng đang điều trị; Đà Nẵng yêu cầu kịp thời cung cấp thuốc điều trị cho F0 chuyển nặng...

Tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam:

- Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 2.540.273 ca COVID-19, đứng thứ 34/225 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 145/225quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 25.723 ca nhiễm).

- Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay):

+ Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 2.533.101 ca, trong đó có 2.230.130 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

+ Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP. Hồ Chí Minh (516.136), Bình Dương (293.363), Hà Nội (172.021), Đồng Nai (100.094), Tây Ninh (88.770).

Sáng 15/2: Số mắc COVID-19 trung bình 7 ngày qua là 25.918 ca/ngày; Kịp thời cung cấp thuốc điều trị cho F0 chuyển nặng - Ảnh 1.

Bộ Y tế cho biết, trung bình số ca COVID-19 mắc mới trong nước ghi nhận trong 07 ngày qua: 25.918 ca/ngày; Hiện có hơn 2.600 F0 nặng đang điều trị

Trung bình số ca COVID-19 mắc mới trong nước ghi nhận trong 07 ngày qua: 25.918 ca/ngày

Tổng số ca được điều trị khỏi: 2.232.947 ca

Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 2.640 ca, trong đó: Thở ô xy qua mặt nạ: 1.990 ca; Thở ô xy dòng cao HFNC: 281 ca; Thở máy không xâm lấn: 75 ca; Thở máy xâm lấn: 279 ca; ECMO: 15 ca

Số bệnh nhân tử vong: Trung bình số tử vong ghi nhận trong 07 ngày qua: 88 ca.

- Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 39.037 ca, chiếm tỷ lệ 1,6% so với tổng số ca nhiễm.

- Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/225 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 129/225 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49(xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 24/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).

Tình hình xét nghiệm: Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện xét nghiệm được 32.765.228 mẫu tương đương 77.827.425 lượt người, tăng 51.533 mẫu so với ngày trước đó.

Tình hình tiêm vaccine phòng COVID-19

Tổng số liều vaccine phòng COVID-19 đã được tiêm là 186.001.127 liều, trong đó tiêm mũi 1 là 79.216.176 liều, tiêm mũi 2 là 74.742.958 liều, tiêm mũi 3 (tiêm bổ sung/tiêm nhắc và mũi 3 liều cơ bản) là 32.041.993 liều.

Quyết liệt thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, chiều 14/2, Văn phòng UBND tỉnh Nam Định có thông báo, truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định yêu cầu các cấp, ngành, địa phương, đơn vị chấn chỉnh, quyết liệt thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định chỉ đạo, chính quyền, cơ quan chức năng đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến cáo người dân hạn chế di chuyển đến các tỉnh, thành phố khác, nơi đông người khi không thực sự cần thiết; không tổ chức các hoạt động tập trung đông người; vận động nhân dân tổ chức lễ cưới, lễ tang trong phạm vi gia đình, quy mô nhỏ gọn và cam kết thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. 

Cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải gương mẫu, đi đầu trong việc thực hiện quy định phòng, chống dịch.

Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, UBND các huyện, thành phố tiếp tục chỉ đạo thực hiện nghiêm việc tạm dừng tổ chức các loại hình lễ hội trên địa bàn tỉnh, nhất là những lễ hội nổi tiếng, thường có số lượng người về tham dự đông như: Lễ hội chợ Viềng Xuân (huyện Vụ Bản và Nam Trực) họp vào đêm mùng 8 tháng Giêng; lễ hội Khai ấn đền Trần (thành phố Nam Định) tổ chức vào đêm 14, rạng sáng 15 tháng Giêng...

Báo cáo của Sở Y tế tỉnh Nam Định cho thấy, trong một tuần sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, số ca mắc COVID-19 mới trên địa bàn tăng cao, bình quân ghi nhận trên 1.200 ca/ngày, gấp gần 3 lần so với dịp trước và trong Tết. Đặc biệt, liên tiếp trong các ngày 12 và 13/2, số ca mắc mới lần lượt là 1.842 và 1.894. Ngày 14/2, con số này có giảm song vẫn ở mức 1.362 ca.

Kịp thời cung cấp thuốc điều trị cho bệnh nhân COVID-19 chuyển nặng, tránh tử vong

Ngày 14/2, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch TP Đà Nẵng họp bàn các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn.

Phát biểu chỉ đạo cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch TP Đà Nẵng họp bàn các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn diễn ra chiều ngày 14/2 , Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Ngô Thị Kim Yến nhấn mạnh, hiện Đà Nẵng có 219 ca nặng đang thở oxy, trung bình số ca tử vong từ 3-5 ca/ngày (đa số chưa tiêm vaccine, bệnh nền, người già). 

Qua số liệu báo cáo cho thấy, Đà Nẵng phải ở trạng thái cảnh giác cao, các ngành chủ động theo dõi sát tình hình, không buông lỏng quản lý phòng dịch. Trong đó, các đơn vị, địa phương cần giám sát các ca F0 đang điều trị tại nhà; đi từng ngõ, gõ từng nhà để kịp thời phát hiện những người chưa tiêm vaccine mũi 1.

Lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng đề nghị ngành Y tế mở thêm các cơ sở y tế thu dung điều trị các bệnh nhân có bệnh nền, giúp giảm tải; kịp thời theo dõi, phát hiện, chữa trị các bệnh nhân chuyển biến nặng... Các cơ quan chức năng phải kịp thời cung cấp thuốc điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 chuyển nặng theo hướng dẫn của Bộ Y tế, tránh để bệnh nhân tử vong. Đặc biệt, các đơn vị, địa phương không vì rào cản về mặt thủ tục, hồ sơ giấy tờ mà bỏ lỡ cơ hội điều trị hiệu quả cho bệnh nhân.

Ngày 14/2, Đà Nẵng ghi nhận 787 trường hợp mắc COVID-19, trong đó có 677 ca cộng đồng. Hiện Đà Nẵng có 15.389 người đang điều trị tại nhà, 946 bệnh nhân đang điều trị tại các cơ sở y tế, trong đó có 219 ca bệnh nặng.

Quy trình kiểm soát dịch COVID-19 với người nhập cảnh

Thông tin về các biện pháp phòng chống dịch tại sân bay Tân Sơn Nhất trong buổi họp báo về công tác phòng chống dịch và phục hồi kinh tế trên địa bàn TP HCM, chiều 14/2, ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó giám đốc điều hành Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC), cho biết TP HCM không test nhanh COVID-19 cho người nhập cảnh khi xuống sân bay Tân Sơn Nhất.

Quy trình kiểm soát dịch hiện nay được thực hiện như sau: Trước khi lên máy bay về Việt Nam phải có kết quả PCR âm tính trong 72 giờ trước nhập cảnh, sau đó thực hiện khai báo y tế. Sau khi nhập cảnh Việt Nam, hành khách phải khai báo y tế trên phần mềm PC-Covid.

Với người tiêm đủ số mũi vaccine phòng COVID-19 hoặc đã khỏi bệnh, được về nhà và cách ly, theo dõi sức khỏe trong 3 ngày, không tiếp xúc với người khác hoặc ra khỏi nhà. Vào ngày thứ 3, y tế địa phương sẽ đến nhà lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR. Nếu âm tính, người nhập cảnh tiếp tục theo dõi sức khỏe trong 14 ngày. Trong thời gian này, nếu có yếu tố nghi ngờ sẽ xét nghiệm lại.

Đối với người tiêm chưa đủ mũi vaccine phải cách ly bắt buộc tại nơi lưu trú 7 ngày. Y tế địa phương sẽ thẩm định điều kiện nhà ở của đối tượng này, nếu đáp ứng đủ điều kiện sẽ được cách ly tại nhà. Nếu không đủ điều kiện, người này phải cách ly tập trung hoặc tại các khách sạn.

Y tế địa phương lấy mẫu xét nghiệm PCR vào ngày thứ 3 và 7. Nếu âm tính, người nhập cảnh tiếp tục theo dõi sức khỏe hết 14 ngày. Trong thời gian 14 ngày, người nhập cảnh dương tính với SARS-CoV-2 sẽ được điều trị tại các bệnh viện dã chiến 3 tầng hoặc cơ sở y tế tư nhân theo nguyện vọng (trong danh sách bệnh viện tư nhân được Sở Y tế cho phép).


 

VNEWS | 15-02-2022, 08:23

Từ khóa: COVID-19
vnews

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

CHƯƠNG TRÌNH TRÊN VNEWS

Xem thêm