Tinh gọn bộ máy: Quảng Nam tinh giản 6.393 biên chế

Ngày 25/12, Tỉnh ủy Quảng Nam tổ chức Hội nghị mở rộng (khóa XXII) tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” (Nghị quyết số 18) trên địa bàn tỉnh; đồng thời thảo luận, cho ý kiến thông qua Đề án tổng thể về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy cấp tỉnh, cấp huyện.

Thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy trình bày báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Phan Văn Bình nêu rõ, trong 7 năm qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã lãnh đạo thực hiện tốt chủ trương của Đảng về xây dựng và quản lý tổ chức bộ máy, biên chế của toàn hệ thống chính trị.

Cụ thể, hoàn thành việc kiện toàn, sắp xếp tinh gọn đầu mối bên trong các cơ quan tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy (giảm 6 đầu mối); khối Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh (giảm 14 đầu mối); khối chính quyền cấp tỉnh, cấp huyện (giảm 81 đầu mối); sắp xếp lại tổ chức bộ máy, đổi mới cơ chế hoạt động của Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe cán bộ tỉnh (giảm 1 đầu mối cấp phòng). Thực hiện Đề án Văn phòng Tỉnh ủy phục vụ chung; thí điểm hợp nhất Trung tâm bồi dưỡng chính trị vào Ban Tuyên giáo cấp ủy ở 18/18 huyện, thị, thành ủy; thực hiện thí điểm chủ trương Trưởng ban Dân vận đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở 10 huyện, thị, thành phố.

Đồng thời, kết thúc hoạt động của Đảng ủy Khối Doanh nghiệp tỉnh (giảm 1 đầu mối cấp tỉnh và 3 đầu mối cấp phòng); hoàn thành sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp, giảm 192 đầu mối. Việc thực hiện cơ chế tự chủ trong đơn vị sự nghiệp công lập được quan tâm và thực hiện quyết liệt, số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước giảm nhanh.

Quảng Nam đã tinh giản 6.393 biên chế trong toàn hệ thống chính trị (đạt tỷ lệ tinh giản 15% biên chế công chức và 20% biên chế viên chức) đạt mục tiêu Nghị quyết đề ra; cơ bản hoàn thành việc chấm dứt hợp đồng lao động làm công tác chuyên môn, nghiệp vụ ngắn hạn, dài hạn, thời vụ, phục vụ ở các cơ quan, địa phương, đơn vị.

Đến nay, tỉnh cơ bản thực hiện mô hình Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch HĐND ở các cấp và thực hiện mô hình Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND cấp xã ở những nơi có đủ điều kiện; hoàn thành việc sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã đảm bảo đúng tiêu chí theo quy định; rà soát tiêu chí và sắp xếp thôn, tổ dân phố.
 
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai vẫn còn một số hạn chế, khó khăn, vướng mắc nhất định như: Tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở hiện nay chưa được “Tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả” vì chức năng nhiệm vụ của một số cơ quan, tổ chức vẫn còn trùng lặp, chồng chéo, chưa phù hợp, làm giảm hiệu lực, hiệu quả. Một việc nhiều người, cơ quan làm, nhiều thủ tục, cơ quan trung gian. Tỷ lệ người phục vụ cao, nhất là ở khối văn phòng. Cơ chế kiểm soát quyền lực hiệu quả chưa cao làm giảm hiệu lực, hiệu quả hoạt động, ảnh hưởng đến chủ trương chung về cải cách thủ tục hành chính, gây phiền hà, khó khăn cho tổ chức, doanh nghiệp và người dân khi liên hệ công tác. Đồng thời, đội ngũ cán bộ được bố trí đầy đủ vào các vị trí nhưng chưa mạnh. Nhận thức, trách nhiệm của một số cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo, người đứng đầu ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa đầy đủ, sâu sắc, quyết tâm thực hiện chưa cao, còn máy móc…
 
Phát biểu tại Hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Lương Nguyễn Minh Triết nêu rõ, để tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết số 18, thời gian tới, các cấp ủy, tổ chức đảng, đặc biệt là người đứng đầu các cấp phải gương mẫu, chủ động, quyết liệt trong thực hiện nhiệm vụ được giao, khẩn trương triển khai các công việc theo tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng”. Có kế hoạch, bước đi, lộ trình bảo đảm bộ máy mới đi vào hoạt động hiệu lực, hiệu quả, thông suốt, không để gián đoạn công việc; nghiên cứu ban hành các chính sách bảo đảm quyền, lợi ích của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động...
 
Đồng thời, cần rà soát, đánh giá tổng thể chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị nhằm loại bỏ tình trạng chồng chéo, trùng lặp; phân bổ lại nhiệm vụ một cách khoa học; xác định rõ chức năng của từng cấp, ngành, tránh tình trạng nhiều cơ quan cùng đảm nhiệm một nhiệm vụ hoặc bỏ sót nhiệm vụ quan trọng.
 
Bên cạnh việc thực hiện đồng bộ việc tinh gọn tổ chức bộ máy gắn với cơ cấu lại và xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ, có biên chế hợp lý, đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số là giải pháp mang tính đột phá giúp tối ưu hóa quy trình làm việc và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, là giải pháp quan trọng để giảm tải công việc hành chính và cắt giảm nhân lực.
 
Bí thư Tỉnh ủy Lương Nguyễn Minh Triết cũng yêu cầu các cấp ủy, chính quyền làm tốt công tác tư tưởng trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; nhất là đổi mới tư duy, tầm nhìn, phương pháp, thái độ làm việc, phát huy tốt nhất nhân tố con người trong mỗi cơ quan, đơn vị. Tinh gọn bộ máy không phải là cắt giảm một cách cơ học, mà nhằm xây dựng một bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phục vụ nhân dân tốt hơn. Tại Hội nghị, Tỉnh ủy Quảng Nam cũng đã thông qua Đề án tổng thể về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy cấp tỉnh, cấp huyện.
 
Theo đó, Đề án được Tỉnh ủy thông qua đặt ra mục tiêu sắp xếp, đổi mới tổ chức bộ máy bảo đảm "Tinh-gọn-hiệu năng-hiệu lực-hiệu quả" gắn với cơ cấu lại và xây dựng đội ngũ cán bộ, viên chức có số lượng hợp lý, có phẩm chất, năng lực, uy tín, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Cụ thể, nhiều cơ quan, đơn vị cấp tỉnh phải hoàn thành việc giải thể, kết thúc hoạt động, sắp xếp, sáp nhập từ ngày 20/2/2025.
 
Đối với khối chính quyền, các cơ quan hành chính thuộc UBND tỉnh hoàn thành việc sắp xếp trước ngày 20/2/2025. Tương tự, trước thời gian trên, hoàn thành việc sắp xếp đối với cơ quan chuyên môn, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND cấp huyện.../.

Trần Tĩnh

 

VNEWS | 25-12-2024, 19:16

vnews

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

CHƯƠNG TRÌNH TRÊN VNEWS

Xem thêm