Vạn Thịnh Phát: Luật sư đề nghị xem xét tình tiết giảm nhẹ cho các bị cáo

Bị cáo Hoàng là người làm công ăn lương, không hưởng bất cứ lợi ích vật chất gì từ việc làm của Trương Mỹ Lan nhưng nếu không thực hiện theo chỉ đạo thì sẽ có nguy cơ bị mất việc.

Các bị cáo tại phiên tòa ngày 21/3. Ảnh: Thanh Vũ – TTXVN

Chiều 21/3, phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB) và các công ty, đơn vị, tổ chức liên quan tiếp tục phần bào chữa của luật sư cho các bị cáo.
Luật sư của bị cáo Trương Khánh Hoàng, cựu quyền Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB cho rằng, thân chủ bị Viện Kiểm sát đề nghị mức án từ 19 - 20 năm tù giam về tội “Tham ô tài sản” là có phần nghiêm khắc, đề nghị tòa xem xét lại.
Luật sư lập luận, thời gian Trương Khánh Hoàng làm việc tại SCB không lâu, từ năm 2019 - 2022. Bị cáo Hoàng là người làm công ăn lương, không hưởng bất cứ lợi ích vật chất gì từ việc làm của Trương Mỹ Lan nhưng nếu không thực hiện theo chỉ đạo thì sẽ có nguy cơ bị mất việc. Bên cạnh đó, mặc dù thời điểm đó Hoàng là quyền Tổng Giám đốc, được hưởng mức lương 500 triệu đồng/tháng nhưng khi bị cáo nhận thức thấy công việc mình đang làm theo chỉ đạo của cấp trên có những điểm không phù hợp với quy định pháp luật thì đã xin nghỉ việc.
Ngoài ra, Trương Khánh Hoàng không có hành vi thông đồng, không cấu kết với các công ty thẩm định giá, không trực tiếp sử dụng số tiền chiếm đoạt. Bị cáo cũng có nhiều tình tiết giảm nhẹ; trong quá trình điều tra, luôn thành khẩn, ăn năn hối cải, vận động gia đình khắc phục hậu quả, tích cực hợp tác với Cơ quan điều tra để nêu rõ các dòng tiền đi đâu, nhằm làm sáng tỏ vụ án.

Đề nghị tử hình bà Trương Mỹ Lan, phạt tù chung thân bà Đỗ Thị Nhàn

Luật sư bào chữa trình bày, bị cáo Hoàng có sai phạm một phần nhưng cũng có nguyên nhân từ áp lực từ cấp trên. Về việc Trương Mỹ Lan cho Hoàng 10 triệu cổ phần và thưởng Tết thì sau đó bị cáo đã nộp cho Cơ quan điều tra để khắc phục hậu quả. Luật sư đề nghị cho Hoàng hưởng mức án thấp nhất để sớm làm lại cuộc đời.
Các luật sư bào chữa cho hai bị cáo Bùi Anh Dũng (cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng SCB) và Võ Tấn Hoàng Văn (cựu Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB) đề nghị Hội đồng xét xử xem xét lại việc cùng một hành vi phương thức thủ đoạn giống nhau nhưng lại bị truy tố hai tội danh khác nhau.
Theo cáo trạng, Võ Tấn Hoàng Văn bị đề nghị mức án chung vì hai tội “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng” và “Đưa hối lộ”. Bùi Anh Dũng bị buộc tội “Tham ô tài sản" và “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng", đề nghị mức án tù chung thân.
Luật sư đề nghị xem xét lại vai trò của hai bị cáo trong vụ án vì họ không có nhiệm vụ quyền hạn lập hồ sơ vay mà chỉ thực hiện một thủ tục nhỏ trong một quy trình lớn nên việc cáo buộc các bị cáo là người giúp sức đắc lực cho Trương Mỹ Lan là chưa phù hợp.
Theo luật sư, các bị cáo chỉ phạm tội “Vi phạm quy định về cho vay” làm thất thoát tài sản của SCB. Các bị cáo không giữ vai trò quyết định mà chỉ hợp thức hóa hồ sơ nhằm che đậy hành vi rút tiền của bị cáo Lan, thực chất tiền đã ra khỏi ngân hàng từ trước khi các bị cáo ký hồ sơ. Các bị cáo không được sự chỉ đạo trực tiếp từ bị cáo Lan, chỉ là người lao động làm công ăn lương.
Bùi Anh Dũng là bị cáo duy nhất trong vụ án ra tự thú, tích cực hợp tác với cơ quan tố tụng, chủ động tự khai về số tiền 40 tỷ đồng được Trương Mỹ Lan cho. Bùi Anh Dũng có thành tích xuất sắc trong quá trình làm việc tại ngân hàng, đã nộp 5 tỷ đồng cho cơ quan thi hành án để khắc phục hậu quả… Luật sư đề nghị xem xét các tình tiết giảm nhẹ đối với bị cáo để có một mức hình phạt khoan hồng nhất.
Luật sư bào chữa cho Dương Tấn Trước (cựu Tổng giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn thương mại và sản xuất Tường Việt) cũng cho rằng, việc bị cáo bị đề nghị mức án từ 15 - 16 năm tù cho tội danh “Tham ô tài sản” là quá nghiêm khắc. Theo luật sư, dù công ty của bị cáo có mối quan hệ làm ăn với Trương Mỹ Lan nhưng thực chất là cấp trên với cấp dưới, không có mục đích chiếm đoạt tài sản của SCB.
Trong quá trình làm việc, bị cáo Trước thành khẩn, ăn năn hối cải, tích cực hợp tác với Cơ quan điều tra, tự nguyện khắc phục toàn bộ số tiền thiệt hại. Ngoài ra, bị cáo còn có nhiều đóng góp trong cộng đồng như xây nhà từ thiện, nhận được nhiều thư cảm ơn của Mặt trận Tổ quốc, hỗ trợ trong phòng, chống dịch, gia đình có công với cách mạng. Bản thân bị cáo Trước có nhiều bệnh nguy hiểm, trong quá trình ở trại tạm giam phải đi cấp cứu nhiều lần, gia đình có công với cách mạng… Luật sư mong Hội đồng xét xử cân nhắc cho bị cáo hưởng một mức án nhẹ nhất có thể.
Tự bào chữa, Dương Tấn Trước cũng cho biết, năm 2022 khi bị cáo bị tạm giữ đã trả hơn 800 tỷ đồng cho Ngân hàng SCB, tự nguyện nộp các sổ tiết kiệm để khắc phục cho SCB, tổng tài sản bị phong tỏa hơn 2.000 tỷ đồng, thể hiện tinh thần dám làm, dám chịu. Bị cáo mong được pháp luật khoan hồng.

 

VNews/TTXVN

VNEWS | 22-03-2024, 06:46

vnews

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

CHƯƠNG TRÌNH TRÊN VNEWS

Xem thêm