Trần Thu Trang, VĐV nữ về đích đầu tiên - Ảnh: Báo Pháp luật Việt Nam

100 nhà báo phải chinh phục đỉnh Tà Chì Nhù có độ cao 2.979m so với mực nước biển, với quãng đường hơn 10km. Chặng đường có nhiều đèo cao, dốc lớn với nhiều cung đường độc đạo “sống lưng khủng long” chênh vênh. Cung đường hiểm trở được các VĐV chinh phục trong bối cảnh thời tiết khắc nghiệt nắng gắt, mưa lớn, mây mù đầy thử thách. Vượt qua nhiều VĐV, Trần Thu Trang là nữ VĐV về đích đầu tiên, với thời gian leo núi là 2 giờ 40 phút. VĐV Trần Thu Trang về thứ 9 chung cuộc, chỉ xếp sau 8 vận động viên nam.

Khoảnh khắc VĐV Trần Thu Trang chinh phục đỉnh Tà Chì Nhù - Ảnh: Báo Pháp luật Việt Nam

Chị Trần Thu Trang tham gia Giải leo núi “ Bước chân trên mây”  do Báo Pháp luật Việt Nam phối hợp với UBND huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái và Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Hưng Việt tổ chức. Giải leo núi mùa đầu tiên diễn ra trong 4 ngày, từ 29/9 đến 02/10/2023. Đích đến của các vận động viên là đỉnh núi Tà Chì Nhù cao 2.979 mét so với mực nước biển, cao thứ 7 tại Việt Nam và cao nhất tỉnh Yên Bái.

Giành giải nhất nam là VĐV Phạm Minh Thành (Đài Truyền hình Việt Nam). Anh Thành cán đích với thời gian 2 giờ 09 phút. “Đây là thời gian chinh phục đỉnh Tà Chì Nhu ngắn nhất từ trước tới nay”, ông Giàng A Thào, Bí thư huyện ủy Trạm Tấu cho biết.

Đỉnh núi Tà Chì Nhù được mệnh danh là "nóc nhà" của tỉnh Yên Bái, nằm trên địa bàn xã Xà Hồ, huyện Trạm Tấu, là một phần của khối núi Pú Luông, thuộc dãy núi Hoàng Liên Sơn… Hiện nay, Tà Chì Nhù xếp thứ 7 trong top 10 ngọn núi cao nhất Việt Nam - một trong những địa điểm săn mây lý tưởng hay còn được gọi với cái tên "Thiên đường mây nơi hạ giới".

Giải leo núi đầu tiên dành cho giới báo chí với nhiều cái “nhất”

Những năm gần đây, đặc biệt là sau đại dịch COVID-19, người dân có ý thức hơn hẳn trong rèn luyện thể thao, giữ sức khỏe và tập cho phổi khỏe. Môn thể thao kết hợp du lịch như chạy bộ, leo núi… khám phá và chinh phục các đỉnh núi cao ở phía bắc đang ngày càng phát triển và được tổ chức ở nhiều quy mô. Đây là lần đầu tiên, giới báo chí có 1 giải leo núi quy mô lớn, được tổ chức chuyên nghiệp. Giải thu hút giới báo chí trên cả nước, với thành phần các nhà báo đến từ tất cả các loại hình báo chí: truyền hình, phát thanh, báo điện tử,báo in...

Nắm bắt đặc thù sức khỏe và kinh nghiệm leo núi của đồng nghiệp, Ban tổ chức đã bố trí lượng người phục vụ chu đáo nhất trên toàn bộ cung đường. Chặng đường hơn 10km núi đèo có 5 trạm dừng chân với đầy đủ các lực lượng hỗ trợ: y tế, chuyên gia leo núi, công an, cán bộ địa phương, bộ đội biên phòng… Đồng hành là gần 100 porter (người vận chuyển kiêm dẫn đường) cho đoàn VĐV. Lực lượng porter là người địa phương, thuộc Hợp tác xã Du lịch cộng đồng Tà Chì Nhù, đảm bảo để các VĐV được chăm sóc tối đa nhất và không bị lạc đường. Tổng cộng đội ngũ phục vụ cho đoàn đua lên tới 260 người. Đây là con số lớn nhất tính theo tỉ lệ VĐV của đội ngũ hậu cần phục vụ cho một mùa giải thể thao.

Các VĐV chinh phục sống lưng khủng long hút gió - Ảnh: Báo Pháp luật Việt Nam

“Chúng tôi mong mỏi đồng hành tối đa nhất, chu đáo nhất để các VĐV là đồng nghiệp của chúng tôi chinh phục đỉnh Tà Chì Nhù trong niềm vui, an toàn tuyệt đối. Với nhiều người, tôi tin hành trình này cũng là một thử thách để họ vượt qua chính mình” – Ông Trần Ngọc Hà – Phó Tổng biên tập báo Pháp luật Việt Nam – Phó Ban tổ chức giải chạy chia sẻ.

Ngoài nỗ lực khảo sát cung đường, tổ chức giải, Ban tổ chức cũng đạt thêm một cái “nhất”: Hệ thống giải thưởng lớn nhất từ trước đến nay. Với hệ thống 2 loại giải dành cho nam nữ, mỗi giới có 1 giải nhất trị giá 34 triệu đồng; 1 giải nhì trị giá 24 triệu đồng và 5 giải ba, mỗi giải trị giá 5 triệu đồng. Ngoài ra có 1 cặp giải đặc biệt dành cho 2 VĐV nam nữ “người cao tuổi”. Cơ cấu giải thưởng này lớn hơn cả các giải leo núi và marathon quốc gia khác.

Mưa to khiến nhiều người phải dừng lại - Ảnh: Báo Pháp luật Việt Nam

Giải leo núi “Bước chân trên mây” cũng có 1 cái “nhất” độc đáo nữa, đó là thu hút được cả VĐV nghiệp dư nhưng đã chinh phục đủ 15 ngọn núi cao nhất Việt Nam!

Cái “nhất” cuối cùng đó là VĐV nam đạt giải nhất lần đầu tiên tham gia leo núi! Anh 51 tuổi, thuộc hàng VĐV cao tuổi nhất giải!

Cơ hội giành giải mùa hai là của tất cả chúng ta

Ban tổ chức giải leo núi “Bước chân trên mây” kỳ vọng sự kiện góp phần quảng bá hình ảnh đẹp, điểm du lịch độc đáo của Trạm Tấu đến với đông đảo du khách trong và ngoài nước; thu hút các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân đầu tư và tham gia các hoạt động kinh doanh dịch vụ, du lịch tại địa phương.

Đây cũng là cơ hội để các nhà báo kiêm vận động viên trải nghiệm, ghi lại vẻ đẹp thiên nhiên và văn hóa các dân tộc vùng cao.

Ông Trần Ngọc Hà – Phó TBT báo Pháp luật Việt Nam - Phó Ban tổ chức giải cùng leo núi với các VĐV - Ảnh: Báo Pháp luật Việt Nam

“Các VĐV đạt giải năm nay quá xuất sắc. Mùa giải năm sau, chúng tôi sẽ trân trọng mời các bạn trở thành pacer (người chạy mẫu – người truyền cảm hứng) cho các VĐV. Chúng tôi cũng bắt tay ngay vào việc lên kế hoạch, tổ chức giải leo núi mùa hai với quy mô lớn hơn, giải thưởng to hơn” – Ông Trần Ngọc Hà – Phó Tổng biên tập báo Pháp luật Việt Nam - Phó Ban tổ chức, chia sẻ trong buổi trao giải.

Vì vậy, cơ hội giành giải quán quân mùa hai giành cho tất cả chúng ta. Còn chần chừ gì nữa, hãy xỏ giày vào và tập luyện thôi nào!

Minh Khang/VNews