Cơ sở sản xuất bánh mì H.N 12 (phường An Thạnh, thành phố Hồng Ngự) tạm ngưng hoạt động. Ảnh: Nhựt An - TTXVN
Công ty Trách nhiệm hữu hạn T.D (phường An Lộc, thành phố Hồng Ngự) có hợp đồng với Cơ sở sản xuất bánh mì H.N 12 (phường An Thạnh, thành phố Hồng Ngự) để cung cấp bánh mì thịt cho công nhân ăn lúc tăng ca.
Báo cáo của Sở Y tế tỉnh Đồng Tháp cho thấy, 149 trường hợp nhập viện điều trị với các triệu chứng điển hình của ngộ độc thực phẩm: đau bụng, buồn nôn, nôn, tiêu chảy. Các trường hợp trên đều ăn bánh mì thịt do cơ sở sản xuất bánh mì H.N 12 cung cấp, tập trung vào khung giờ từ 16 giờ 30 phút đến 18 giờ ngày 6/8. Về kết quả xét nghiệm mẫu bệnh phẩm do các đơn vị điều trị thực hiện đối với các nạn nhân nhập viện, có 29/51 người bị nhiễm vi khuẩn salmonella. Qua xét nghiệm các mẫu thực phẩm được lấy tại cơ sở sản xuất bánh mì H.N 12, kết quả có 1 mẫu bị nhiễm vi khuẩn salmonella (có trong patê gan).
Bệnh viện Đa khoa khu vực Hồng Ngự là một trong những nơi điều trị cho nhiều người bị ngộ độc thực phẩm sau khi ăn bánh mì. Ảnh: Nhựt An - TTXVN
Qua quá trình điều tra và kết quả kiểm nghiệm đối với các mẫu bệnh phẩm, thực phẩm, Sở Y tế tỉnh Đồng Tháp kết luận, đủ căn cứ kết luận đây là vụ ngộ độc thực phẩm lớn (trên 30 người/vụ) sau khi ăn bánh mì thịt xảy ra ở thành phố Hồng Ngự.
Theo Sở Y tế tỉnh Đồng Tháp, chủ cơ sở sản xuất bánh mì H.N 12 xác nhận là ngừng kinh doanh bánh mì thịt lúc 10 giờ 30 phút ngày 7/8. Tuy nhiên, cơ sở này vẫn còn kinh doanh các sản phẩm khác gồm bánh bông lan, bánh mì lạt, bánh mì ngọt và đến khoảng 9 giờ 30 phút ngày 8/8 thì ngừng toàn bộ hoạt động kinh doanh.
Sở Y tế tỉnh Đồng Tháp đã kiến nghị UBND thành phố Hồng Ngự thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục xử phạt vi phạm hành chính đối với Cơ sở sản xuất bánh mì H.N 12 đã gây ra vụ ngộ độc thực phẩm. Trong đó, đơn vị chức năng cần nghiên cứu hành vi bán thực phẩm gây ngộ độc thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe của từ 5 người trở lên mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự; áp dụng hình thức phạt bổ sung là đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh, cung cấp thực phẩm từ 3-5 tháng, yêu cầu cơ sở có biện pháp khắc phục hậu quả./.