Theo cáo trạng, bị cáo Nguyễn Thanh Long được bổ nhiệm làm Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm 50-06V giai đoạn từ tháng 8/2018 đến tháng 10/2022. Trong khoảng thời gian này, Long đã cùng Ban Giám đốc Trung tâm thống nhất chủ trương và chỉ đạo các trưởng chuyền, đăng kiểm viên nhận tiền hối lộ để bỏ qua lỗi, khiếm khuyết của phương tiện khi đăng kiểm và cấp Giấy chứng nhận đăng kiểm. Số tiền nhận hối lộ tùy thuộc vào loại xe 9 - 16 chỗ, 16 - 45 chỗ, xe tải, rơmooc…

phong-vien-theo-doi-12-8-z5723739417120_1cac6a7e19da7dd44772ac3727bf92a2.jpgPhiên tòa xét xử đại án đăng kiểm ngày 12/8/2024.

Các bị cáo đặt ra “quy ước” để nhận hối lộ theo việc chủ phương tiện có để lại tiền trên xe hay không. Nếu xe trên xe có để tiền, các đăng kiểm viên sẽ kiểm định qua loa, bỏ qua lỗi không đạt và kiểm định “đạt” ngay lần đầu. Ngược lại, nếu trên xe không có tiền, các đăng kiểm viên kiểm tra kỹ và ghi nhận tất cả lỗi, in phiếu kiểm định “không đạt”. Chủ phương tiện có xe kiểm định không đạt liên hệ trực tiếp với đăng kiểm viên trong chuyền đưa hối lộ, sau đó sẽ được bỏ qua các lỗi ở lần kiểm định thứ 2.

Tiền nhận hối lộ được Long chia cho lãnh đạo, đăng kiểm viên, nhân viên và chung chi cho các cựu Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam Trần Kỳ Hình, Đặng Việt Hà. Theo đó, Long đưa cho Trần Kỳ Hình gần 252 triệu đồng, đưa cho Đặng Việt Hà gần 301 triệu đồng, còn lại chia cho Ban Giám đốc, đăng kiểm viên… theo quy ước. Do là người đưa ra chủ trương nhận hối lộ nên Nguyễn Thanh Long phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi nhận hối lộ đối với toàn bộ số tiền nhận hối lộ tại Trung tâm Đăng kiểm 50-06V là 18,845 tỷ đồng, riêng Long đã thu lợi bất chính 1,179 tỷ đồng.

Ngoài ra, Nguyễn Thanh Long đã mua của bị cáo Lương Duy Tựu, cựu Giám đốc Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ - Cơ khí ô tô Liên Tựu (đơn vị có chức năng thi công cải tạo) 221 bộ hồ sơ do Tựu ký khống trên giấy A4 trắng gồm biên bản nghiệm thu xuất xưởng xe cơ giới cải tạo và văn bản đề nghị nghiệm thu xe cơ giới cải tạo với số tiền 250.000 đồng/bộ. Sau đó, Long chỉ đạo bị cáo Nguyễn Đình Khởi in nội dung lên các tờ giấy này, hợp thức hóa 221 phương tiện nghiệm thu cải tạo để nhận hối lộ với tổng số tiền 233 triệu đồng. Do đó, Long còn phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức và sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức. Với 3 tội danh trên, Long bị Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị mức án 23 - 26 năm tù.

Tự bào chữa, bị cáo Nguyễn Thanh Long thống nhất với tội danh và trình bày đã nhận thức được hành vi phạm tội như cáo trạng truy tố. Tuy nhiên, Long đề nghị Hội đồng xét xử xem xét lại số tiền bị cáo phải chịu trách nhiệm hình sự và số tiền thu lợi bất chính. Luật sư của Long cũng trình bày thêm một số tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo, đề nghị Hội đồng xét xử xem xét cho bị cáo hưởng mức án thấp nhất.

Các bị cáo tại trung tâm đăng kiểm khối V - trực thuộc Cục đăng kiểm. Ảnh: HOÀNG GIANG

Các bị cáo tại trung tâm đăng kiểm khối V - trực thuộc Cục đăng kiểm


Các bị cáo là cựu đăng kiểm viên bậc cao, đăng kiểm viên tại Trung tâm Đăng kiểm 50-06V dù chỉ thực hiện một công đoạn trong chuyền, chỉ bỏ lỗi ở công đoạn của mình thì số tiền nhận đều được các đăng kiểm viên nộp vào một khoản chung để cuối ngày, cuối tuần hoặc cuối tháng chia nhau. Do đó, mỗi cựu đăng kiểm viên đều phải chịu trách nhiệm chung về số tiền nhận hối lộ tại Trung tâm Đăng kiểm 50-06V từ 6-6,3 tỷ đồng/bị cáo. Trong đó, Nguyễn Văn Sang hưởng lợi 425 triệu đồng, Nguyễn Việt Thái Anh hưởng lợi hơn 421 triệu đồng, Bùi Minh Triết hưởng lợi hơn 453 triệu đồng, Nguyễn Đình Khởi hưởng lợi 456 triệu đồng; các bị cáo Phạm Hải Sơn, Võ Văn Mẫn, Nguyễn Phước Long cùng hưởng lợi số tiền như nhau 413,6 triệu đồng.

Luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyễn Văn Sang không có ý kiến về tội danh nhưng cho rằng mức án 15-17 năm về tội "Nhận hối lộ" và "Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức" mà Viện Kiểm sát đề nghị đối với bị cáo Sang là quá nghiêm khắc. Theo luật sư, đối với tội "Nhận hối lộ", bị cáo Sang hoàn toàn bị động, làm việc theo chỉ đạo, mệnh lệnh chủ trương của Cục trưởng và Ban Giám đốc Trung tâm 50-06V mà không có sự lựa chọn. Luật sư đề nghị Hội đồng xét xử xem xét vai trò, động cơ phụ thuộc và không chủ đích của bị cáo để giảm nhẹ hình phạt.

Đối với hành vi sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức khi thực hiện nghiệm thu cải tạo miễn thiết kế đối với các phương tiện, luật sư cho rằng, bị cáo Nguyễn Văn Sang không phải người chủ mưu, người khởi xướng, phân công. Bị cáo Sang thực hiện trên cơ sở phân công và bàn giao hồ sơ cấp lãnh đạo và đã tin tưởng, làm theo mệnh lệnh cấp trên.

Luật sư cũng đề nghị Hội đồng xét xử xem xét lại số tiền bị cáo đã hưởng lợi hơn 360 triệu đồng vì trong thời gian làm việc tại Trung tâm từ ngày 1/8/2018 đến ngày 1/5/2022, ngoài thời gian 4 tháng COVID-19 bùng phát đã được trừ ra, bị cáo Sang còn nghỉ lễ, Tết, nghỉ phép… nhưng chưa được ghi nhận. Luật sư cũng trình bày, bị cáo Sang có nhiều tình tiết giảm nhẹ như thành khẩn khai báo, tự nguyện nộp khắc phục số tiền hơn 211 triệu đồng, gia đình có công với cách mạng và có đơn tự thú trước cơ quan điều tra… nên đề nghị Hội đồng xét xử xem xét.

Tương tự, tại Trung tâm Đăng kiểm 50-07V, Ban lãnh đạo và các đăng kiểm viên cũng thực hiện chủ trương của cựu Giám đốc Trung tâm Ngô Ngọc Sơn nhận tiền hối lộ từ chủ phương tiện đăng kiểm cũng như thực hiện chủ trương của cựu Cục trưởng Đặng Việt Hà là phải chi tiền nhận hối lộ cho Hà. Số tiền nhận hối lộ tại Trung tâm này là hơn 13,2 tỷ đồng, được chia cho Ban Giám đốc, đăng kiểm viên, nhân viên và nộp cho các bị cáo Trần Kỳ Hình 680 triệu đồng, Đặng Việt Hà 357 triệu đồng. Ngoài ra, Trung tâm Đăng kiểm 50-07V cũng có hành vi làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức và sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức để hợp thức hóa hồ sơ kiểm định. Với vai trò là Giám đốc Trung tâm, Ngô Ngọc Sơn chịu trách nhiệm chính đối với toàn bộ sai phạm tại đây.

Các bị cáo tại ngoại theo dõi phiên tòa qua màn hình TV tại sảnh trung tâm TAND TP.HCM.

Tự bào chữa cho bản thân, bị cáo Ngô Ngọc Sơn cho biết đã nhận ra lỗi lầm do có sự buông lỏng trong công tác quản lý nên để xảy ra sai phạm. Sơn mong Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.

Luật sư bào chữa cho bị cáo Sơn cũng thống nhất về tội danh nhưng đề nghị Hội đồng xét xử xem xét nguyên nhân phạm tội của bị cáo là do áp lực phải đảm bảo đạt chỉ tiêu số lượt phương tiện kiểm định của Cục Đăng kiểm Việt Nam phân công và tăng thêm nguồn thu nhập cho nhân viên của Trung tâm cũng như có nguồn kinh phí tiếp khách ngoại giao. Ngoài ra, luật sư cũng đề nghị xem xét lại số tiền bị cáo phải chịu trách nhiệm hình sự và thu lợi bất chính, đề nghị không áp dụng tình tiết tăng nặng đối với bị cáo. Luật sư trình bày một số tình tiết giảm nhẹ, đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ cho bị cáo mức án thấp hơn Viện Kiểm sát đề nghị.

Tại tòa, phần lớn luật sư bào chữa cho các bị cáo đã thống nhất với đại diện Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về tội danh truy tố nhưng cho rằng mức án đề nghị cho các bị cáo là quá nghiêm khắc. Các luật sư đã nêu ra những tình tiết giảm nhẹ, đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giảm hình phạt cho các bị cáo./.