Vụ nghi ngờ ngộ độc thực phẩm ở Khánh Hòa: Còn 24 học sinh đang điều trị ở bệnh viện

Chiều 6/4, Ban Chỉ đạo liên ngành về Vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh Khánh Hòa, do ông Đinh Văn Thiệu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì tổ chức họp khẩn, đánh giá tình hình an toàn vệ sinh thực phẩm của tỉnh sau nhiều vụ ngộ độc và nghi ngộ độc thực phẩm xảy ra trên địa bàn thành phố Nha Trang; triển khai các đoàn kiểm tra về an toàn thực phẩm năm 2024.

Ông Đinh Văn Thiệu đánh giá, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa thời gian gần đây liên tục xảy ra các vụ việc mất an toàn vệ sinh thực phẩm, ảnh hưởng trực tiếp đến người dân, trong đó có người lớn, trẻ em. Từ đây, ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Khánh Hòa, gây tâm lý tiêu cực cho người dân, trong đó có việc phụ huynh học sinh ngại cho con ăn uống ở các quán ăn bên ngoài gia đình.

Thành viên trong Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh Khánh Hòa phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Phan Sáu - TTXVN

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho rằng, công tác đảm bảo an toàn thực phẩm không chỉ phát động và thực hiện cao điểm từ 8/4 đến hết ngày 15/5, mà Ban Chỉ đạo liên ngành về Vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh cần phải triển khai liên tục. Trong đó có nội dung tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân về đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, kiểm tra tại các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm; các hộ kinh doanh đường phố; các bếp ăn cung cấp suất ăn doanh nghiệp; các kho chứa hàng nguyên liệu thực phẩm… Việc kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm phải kết hợp với xử lý trật tự đô thị. Đối với các trường hợp vi phạm nghiêm trọng các quy định thì cần phải xử lý nghiêm.

Theo ông Đinh Văn Thiệu, quán Cơm gà T.A (đường Bà Triệu, thành phố Nha Trang) - nơi xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm hàng hoạt với trên 380 người mắc phải vào giữa tháng 3 vừa qua là cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống lớn, mỗi ngày bán hàng trăm suất ăn, tuy nhiên nơi này không thực hiện chế độ kiểm thực ba bước và lưu mẫu thức ăn theo đúng quy định, gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong quá trình xác định tác nhân gây ngộ độc. Ông Đinh Văn Thiệu, đề nghị các cơ quan chuyên môn của tỉnh cần xử phạt nghiêm quán cơm gà T. A do cơ sở này không thực hiện việc lưu mẫu thức ăn.

Ông Lê Đình Thuần, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Khánh Hòa cũng thông tin thêm, sau các sự việc về an toàn thực phẩm có liên quan trực tiếp đến học sinh các cấp, Sở Giáo dục và Đào tạo Khánh Hòa đã ban hành các văn bản khẩn gửi các Phòng Giáo dục và Đào tạo, các đơn vị trực thuộc sở yêu cầu thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng, chống ngộ độc thực phẩm tại các cơ sở giáo dục. “Ngành Giáo dục và Đào tạo mặc dù đã triển khai nhiều biện pháp, tuy nhiên vẫn còn tình trạng học sinh bị ngộ độc thực phẩm, nhiễm ký sinh trùng, các bệnh lây qua đường tiêu hóa, làm ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý của học sinh, uy tín của nhà trường, gây lo lắng cho gia đình học sinh và bức xúc trong dư luận xã hội”, ông Thuần nhìn nhận.

Lãnh đạo Sở Giáo dục yêu cầu các đơn vị thuộc phòng, trực thuộc Sở đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh và cha mẹ học sinh về đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm, phòng, chống ngộ độc thực phẩm; kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc thực phẩm, nguồn nước sinh hoạt và các khâu: chế biến, bảo quản, vận chuyển thực phẩm trong các nhà trường có bếp ăn bán trú; tuân thủ quy trình giao nhận, kiểm thực ba bước, lưu mẫu thức ăn theo đúng quy định. Các đơn vị chủ động xây dựng kế hoạch, kịch bản, tổ chức ứng phó, xử lý, khắc phục hậu quả khi có vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra. Người đứng đầu các cơ sở giáo dục hoàn toàn chịu trách nhiệm nếu để xảy ra ngộ độc thực phẩm trong quá trình tổ chức ăn bán trú do nhà trường quản lý...

Cũng tại cuộc họp này, ông Lê Văn Khoa, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa thông tin, liên quan đến vụ rối loạn tiêu hóa sau khi ăn sáng trước cổng trường ở phường Vĩnh Trường, thành phố Nha Trang có 39 học sinh liên quan, hiện tại còn 24 học sinh đang được chăm sóc tại các bệnh viện; 1 ca tử vong chưa rõ nguyên nhân vẫn đang được các cơ quan chức năng điều tra làm rõ.

Với các bệnh nhân đang điều trị, tất cả có dấu hiệu sinh tồn ổn định, tỉnh táo. Một số bệnh nhân có triệu chứng buồn nôn, sốt, đi cầu phân lỏng nhiều lần, đau quặn bụng từng cơn, vẫn trong tầm kiểm soát của ngành Y tế.

Về trường hợp học sinh lớp 5/4 của Trường Tiểu học Vĩnh Trường tử vong, trước khi đến lớp, học sinh này cùng nhiều bạn khác đã ăn sáng ngoài cổng trường, gồm món sushi và uống nước ngọt. Chỉ sau khoảng 30 phút ăn uống xong, học sinh này có biểu hiện buồn nôn, sùi bọt mép và được nhà trường đưa đi cấp cứu tại bệnh viện. Hội đồng y khoa Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa đã hội chẩn và kết luận em ngừng tuần hoàn hô hấp ngoại viện chưa rõ nguyên nhân.

Trường Tiểu học Vĩnh Trường, phường Vĩnh Trường nơi có nhiều em học sinh nghi ngộ độc thực phẩm sau khi ăn sáng 5/4. Ảnh: Phan Sáu - TTXVN

Chiều 5/4, được sự đồng ý của gia đình, Trung tâm Giám định pháp y tỉnh Khánh Hòa đã tiến hành giải phẫu tử thi lấy mẫu để kiểm nghiệm nguyên nhân. Ngày 6/4, cháu bé đã được đưa về nhà để gia đình lo hậu sự./.

 

VNEWS | 06-04-2024, 22:06

vnews

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

CHƯƠNG TRÌNH TRÊN VNEWS

Xem thêm