Tăng thuế thuốc lá: Giải pháp bảo vệ sức khỏe cộng đồng và giảm bất bình đẳng xã hội

Để hạn chế việc tiêu thụ thuốc lá, thời gian qua chúng ta đã triển khai nhiều sáng kiến khác nhau, trong đó, tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá là một trong những giải pháp hữu hiệu để giảm tỷ lệ hút thuốc, đặc biệt trong nhóm thanh thiếu niên và người có thu nhập thấp.

Tăng thuế thuốc lá

Tại hội thảo do Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược (VESS) tổ chức ngày 25/2, ông Đào Thế Sơn - Liên minh Quốc tế phòng chống lao và bệnh phổi cho biết, nếu tăng thuế sẽ giảm số người hút thuốc lá, từ đó nâng cao sức khoẻ và lực lượng lao động. Trong trường hợp không tăng thuế, từ nay tới năm 2030 Việt Nam sẽ có thêm 2,46 triệu người hút thuốc lá. Khi giá thuốc lá tăng, khả năng tiếp cận của các nhóm đối tượng này sẽ giảm, từ đó giúp hạn chế số người nghiện thuốc lá và giảm tỷ lệ mắc các bệnh liên quan.

Hút thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu gây ra các bệnh lý nghiêm trọng như ung thư phổi, tim mạch và bệnh đường hô hấp. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), năm 2024 ước tính chi phí y tế và kinh tế do thuốc lá gây ra ở Việt Nam lên tới 108 nghìn tỷ đồng, tương đương 1,14% GDP năm 2022, cao gấp 5 lần so với đóng góp của nguồn thu thuế thuốc lá cho ngân sách quốc gia. Điều này đặt ra một gánh nặng lớn lên hệ thống y tế công cộng, làm giảm năng suất lao động và ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống xã hội.

Trong bối cảnh Việt Nam đặt mục tiêu phát triển bền vững, kiểm soát thuốc lá không chỉ là vấn đề y tế, còn là một chiến lược quan trọng nhằm bảo vệ cộng đồng, nâng cao chất lượng sống cho người dân. Một trong những biện pháp mạnh mẽ đang được đề xuất là tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá – một giải pháp mang lại nhiều lợi ích về mặt xã hội.

Theo phương án thứ hai do Bộ Tài chính đề xuất, số người hút thuốc tại Việt Nam dự kiến sẽ duy trì ở mức khoảng 15 triệu người từ nay đến năm 2030, tương ứng với tốc độ gia tăng dân số. Điều này đồng nghĩa với việc so với kịch bản không tăng thuế, số người hút thuốc có thể giảm gián tiếp khoảng 2,46 triệu người. Trong khi đó, đề xuất của Bộ Y tế và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) có thể giúp giảm 3,16 triệu người hút thuốc. Việc giảm số lượng người hút không chỉ góp phần hạn chế bệnh tật mà còn tạo ra một lực lượng lao động khỏe mạnh hơn, đồng thời giảm số ca tử vong sớm – bởi theo nghiên cứu, có tới 50% người hút thuốc đối mặt với nguy cơ tử vong sớm, ông Đào Thế Sơn nhận định.

Nhấn mạnh việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá là một chính sách tài khóa bền vững cho phát triển, ông Sơn phân tích: Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt đề xuất đến năm 2026, mức thuế suất sẽ là 75%, kết hợp với thuế tuyệt đối 5.000 đồng/bao. Sau đó, mỗi năm thuế tuyệt đối sẽ tăng thêm 1.000 đồng/bao, để đến năm 2030 đạt 10.000 đồng/bao. Nếu lộ trình này được áp dụng, tỷ lệ người trưởng thành hút thuốc sẽ giảm 2,9 điểm phần trăm so với năm 2020, đồng thời mang lại thêm 21.800 tỷ đồng cho ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, theo tính toán của WHO, để đạt được mục tiêu của Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá, mức thuế tuyệt đối cần đạt 15.000 đồng/bao vào năm 2030. Khi đó, ngân sách nhà nước có thể thu thêm 29.000 tỷ đồng, ông Đào Thế Sơn nhấn mạnh.

Không chỉ giúp bảo vệ sức khỏe cộng đồng, việc tăng thuế thuốc lá còn góp phần giảm bất bình đẳng xã hội. Theo Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt có thể tạo ra nguồn thu đáng kể để hỗ trợ các chương trình phát triển bền vững, bao gồm giáo dục, y tế và xóa đói giảm nghèo.

Thực tế cho thấy, những người nghèo thường chịu tác động nặng nề hơn từ việc hút thuốc lá. Họ không chỉ dành một phần lớn thu nhập cho thuốc lá, còn phải đối mặt với nguy cơ mắc bệnh cao hơn, trong khi khả năng tiếp cận dịch vụ y tế hạn chế. Việc tăng thuế thuốc lá sẽ giúp giảm gánh nặng này, đồng thời tạo thêm ngân sách để đầu tư vào các chính sách an sinh xã hội, nâng cao chất lượng sống của người dân.

Một trong những lập luận thường được các công ty thuốc lá đưa ra để phản đối việc tăng thuế là lo ngại về gia tăng buôn lậu. Tuy nhiên, theo số liệu của WHO, tỷ lệ tiêu thụ thuốc lá lậu ở Việt Nam đã giảm từ 20,7% năm 2012 xuống còn 13,7% năm 2017 nhờ các biện pháp kiểm soát chặt chẽ. Điều này cho thấy, nếu có sự kết hợp giữa tăng thuế và siết chặt quản lý, nguy cơ buôn lậu sẽ không trở thành vấn đề nghiêm trọng.

Tăng thuế thuốc lá, giảm tỷ lệ hút thuốc sẽ giúp giảm thiểu gánh nặng y tế, nâng cao sức khỏe người dân và tăng năng suất lao động – những yếu tố quan trọng góp phần vào sự thịnh vượng chung của đất nước.

Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu Tổng hợp – Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) nhấn mạnh: Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt là một chiến lược then chốt và hiệu quả để giảm tiêu thụ thuốc lá, đặc biệt là đối với những người có thu nhập thấp và trẻ em. Nguồn thu từ việc này sẽ giúp cải thiện sức khỏe cộng đồng, giảm chi phí y tế, đồng thời tạo thêm nguồn lực để đầu tư vào các chương trình phát triển bền vững.

Nhìn từ góc độ xã hội, việc tăng thuế thuốc lá không chỉ là một biện pháp kiểm soát tiêu dùng mà còn là một quyết sách mang tính nhân văn, giúp xây dựng một cộng đồng khỏe mạnh, bền vững và công bằng hơn cho tất cả mọi người./.

 

VNA | 25-02-2025, 16:31

vnews

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

CHƯƠNG TRÌNH TRÊN VNA

Xem thêm